Nguyễn Du

Loading...

Hà Tĩnh: Long trọng tổ chức Lễ giỗ 640 năm Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu

Sáng 8/3, UBND thị xã Kỳ Anh đã long trọng tổ chức Lễ giỗ 640 năm Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
 
Tiến hành các nghi lễ giỗ 640 năm Thánh Mẫu. (Nguồn ảnh: Đài TT-TH thị xã Kỳ Anh)
 
Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công. Bà sớm nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương, biết thi phú, thạo âm luật, lại có dung mạo xinh đẹp, nên rất nổi tiếng trong vùng. Năm 1373, bà được Trần Duệ Tông tuyển làm cung nhân, lúc đàn ca, khi ngâm vịnh, được nhà vua rất đỗi thương yêu.
 
Vào làm cung phi nhận thấy quân vương tính tình nóng nảy, thiếu bản lĩnh, không trọng dụng người tài khiến cho triều chính đang có nguy cơ rạn nứt suy sụp, nên bà đã trăn trở, suy tư để soạn bản Kê minh thập sách dâng vua tri nước an dân.
 
Kê minh thập sách thực sự như là một lời khuyên răn nhẹ nhàng, gần gũi, đúng theo nghĩa người vợ khuyên người chồng. Chỉ tiếc dù đọc bản Kê minh thập sách và khen ngợi sự tuệ mẫn của nàng, nhưng vua Trần Duệ Tông lại không thực hiện các nội dung của bản Kê minh, bỏ phí tâm sức của người vợ hiền, người bề tôi trung, một lòng một dạ vì nước vì dân, vì tồn vong của triều cục.
 
Năm 1376, khi vua Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, nàng lại cùng Ngự sử Lê Tích hết sức can ngăn, vua vẫn không nghe. Không lay chuyển nổi nhà vua, cung phi Bích Châu buồn lo than thở: "Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng?" Sau đó bà đành xin đi theo hộ giá.
 
Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới quan quân ta để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua lại bất an, Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và không may bị trúng tên độc sau đó từ trần (1377).
 
Ba ngày sau vì vết thương quá nặng nhà vua cũng băng hà, quân nhà Trần rút về kinh đô khi tới địa điểm Hoan Châu vì sóng to gió lớn tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng). Lúc này vua Trần Phế Đế mới lên ngôi nghe tin liền xuống chiếu rước linh cữu nhà vua về bằng đường bộ còn linh cữu Thần phi đi bằng đường biển.
 
Sau mấy ngày thời tiết không thuận lợi triều đình xuống chiếu cho an táng Thần phi tại Cửa Khẩu bến Kỳ La huyện Kỳ Hoa (nay xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh). Bà được nhân dân trong vùng lập đền thờ phụng, được Vua Lê Thánh Tông phong là Chế thắng Phu nhân năm 1471.
 
Lễ giỗ 640 năm Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của Thánh Mẫu đối với dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa; giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ,  đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân, là dịp để con cháu tưởng nhớ và ghi công người Liệt nữ hiền tài đã  xả thân vì đất nước,  giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu.
 
 
Văn Thành
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.