PHẦN I: NGUỒN GỐC DÒNG HỌ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN

Họ Nguyễn Tiên Điền trước lại nay gia phả chỉ chép Từ Đức Nam Dương Công lánh nạn vào Tiên Điền. Từ Đức Nam Dương Công trở lên có đôi quyển chép cũng hết sức sơ sài.

Theo gia phả ở Tiên Điền thì gốc của họ Nguyễn Tiên Điền là làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Sau 3 lần các cụ cao niên Họ Nguyễn Tiên Điền đi Bắc (1965 - 1975) gồm các cụ: Nguyễn Duật, Nguyễn Mậu, Nguyễn Lĩnh, Nguyễn Quỳ. Các cụ nghi chép lưu truyền lại như sau:

Căn cứ gia phả Họ Nguyễn ở Tiên Điền, tài liệu họ Nguyễn ở Canh Hoạch, họ Nguyễn Khắc ở Tảo Dương cùng huyện Thanh Oai, tài liệu ở Viện Sử học Trung ương do ông Thúc ngọc Trần Văn Giáp sưu tầm. Căn cứ vào tài liệu nói trên, chúng ta được biết một cách rõ ràng và chính xác như sau: (Bút tích cụ Nguyễn Duật để lại cho cháu Nguyễn Ban trước khi cụ quá già yếu, cụ Duật là con Tiến sĩ Nguyễn Mai).

Vị Thuỷ tổ họ ta là Nguyễn Doãn Địch, người làng Bộc Dương (Tảo Dương) huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Nay là làng Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Cụ Địch đậu Thám hoa, khoa Tân Sửu (1481) Triều Lê Thánh Tôn niên hiệu Hồng Đức, có con trai là Nguyễn Doãn Toại (bị ác tật) lấy cô Thị Hiền, con gái cụ Nguyễn Bá Ký đậu tiến sĩ năm Quý Mùi 1463 (Quang thuận) người làng Canh Hoạch, cách Tảo Dương 2km. Lễ đính hôn được vài ngày thì cậu Toại mất. Mộ táng tại bãi Đậu thuộc thôn Cao Xá giáp giữa hai làng Tảo Dương và Canh Hoạch. Bà Hiền chồng chết ở lại bên ngoại (tức là Canh Hoạch) không về Tảo Dương, Bà Hiền có thai sinh cậu con trai là Nguyễn Thiễn lên 6 tuổi thì đi học. Học với cậu ruột tức là anh ruột bà Hiền, tên là Nguyễn Đức Khê, ngự bút cải vi Đức Lựợng. Ông đậu Trạng nguyên năm Nhâm Tuất (1514) Niên hiệu Hồng Thuận cậu Thiễn học rất thông minh lại được sự dạy dỗ của người cậu là Trạng nguyên nên Nguyễn Thiễn đi thi đậu Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) niên hiệu Đại Chính. Lúc đi thi khai người làng Canh Hoạch, nhưng có chỗ chua rõ vốn quê làng Bộc Dương (Tảo Dương) cùng một huyện, làng Canh Hoạch là quê ngoại của Nguyễn Thiễn tức là quê của mẹ. Còn quê nội là Tảo Dương.

Ngôi mộ ông Nguyễn Doãn Toại táng cùng làng với mộ ông thân sinh cụ Nguyễn Bá Ký (tiến sĩ) tức là ông nội Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng (trạng nguyên) ở cao xá, người dân địa phương thường gọi là mộ Trạng cậu, Trạng cháu. Xem lại đăng khoa lục huyện Thanh Oai ta cũng thấy rõ ràng như thế.

Gia phả cũng như lịch sử đòi hỏi chính xác, cho nên căn cứ từ những tài liệu và cứ liệu nói trên cho phép chúng ta khẳng định một cách chính xác: “Nguyễn Thiễn là cháu nội Nguyễn Doãn Địch, người làng Bộc Dương tức là Tảo Dương. Cháu ngoại ông Nguyễn Bá Ký gọi ông Nguyễn Đức Lượng là cậu ruột người làng Canh Hoạch là quê ngoại ông Nguyễn Thiễn.

Các cụ họ Nguyễn Tiên Điền đi ra Bắc hồi ấy có người nói là: Cụ Nguyễn Trãi Nhị Khê Thường Tín và Đại Thi Hào Nguyễn Du sau này là cùng tổ xa đời, các cụ không thừa nhận. Theo tôi Thượng Tín và Thanh Oai là hai huyện gần nhau lại cùng tỉnh cho nên vấn đề cùng tổ hay không là chưa khẳng định được. Gần đây có nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ An – Khi nghiên cứu về gia phả cụ Nguyễn Xí, ông phát hiện ra, họ cụ Nguyễn Xí xa xưa cũng là họ Nguyễn với dòng họ Nguyễn Tiên Điền, dòng họ cụ Nguyễn Xí vào Hà Tĩnh trước.... mặc dầu chưa ai khẳng định điều này nhưng đây cũng là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử còn phải dày công.

Cụ Nguyễn Thiễn (1494 – 1557)


Năm Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính (1532) Nguyễn Thiễn đậu trạng nguyên (mới 38 tuổi) ông mất năm 1557 hưởng thọ 63 tuổi.
Trạng nguyên Nguyễn Thiễn sinh 2 con trai, con cả là Thường Quốc Công thái bảo Nguyễn Quyện, con thứ hai là thư Quận công Nguyễn Miễn. Nguyễn Thiễn mất các con lại phục vụ nhà Mạc. Nguyễn Quyện là một danh tướng nhà Mạc. Ông đã từng lập nhiều chiến công hiển hách, vào những năm Chính Trị và Gia Thái, ông đã cùng Mạc Kinh Điển vào đánh chúa Trịnh ở Nghệ An, ông có 2 người con gái là Thị Nguyệt và Thị Niên; Thị Nguyệt lấy nhà vua Mạc Mẫu Hợp (bà chúa Thuận), bà có cung tiến hai ngôi đình làng, một ở quê nội Tảo Dương một ở quê ngoại là làng Canh Hoạch hiện nay vẫn còn.

Trước cách mạng tháng Tám, ngày giỗ bà Nguyệt nhân dân hai làng Tảo Dương và Canh Hoạch đều phối hợp cúng tế; Em là thị Niên lấy Mĩ Quận công Bùi Văn Khuê tướng nhà Mạc. Ông bị Kế Quân công Phan Ngạn giết bà Niên mưu cùng thủ hạ giết được Phan Ngạn.


Sau khi báo thù được cho chồng bà về nhảy xuống sông Gián, tức Hoàng Long Giang tự vẫn. Sông Gián từ Nho Quan qua làng Chi Phong, huyện Hoá Lư, tỉnh Ninh Bình, đến ngả ba Gián thì đổ vào sông Đáy. Quê Bùi Văn Khúc làng Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, dân địa phương thường nhắc câu:


“ Giết quận Kế, tế quận Công” đền thờ bà Niên có đôi câu đối:

“Sông Gián nổi lên gương tiết nghĩa
Vực Vông gieo xuống gánh cương thường”
.

Thường Quốc công Nguyễn Quyện và em là thư quân công Nguyễn Miễn đem quân đánh chúa Trịnh. Ông bị Trịnh Tùng bắt. Thấy ông là vị tướng tài, dụ mãi không chịu quy thuận nên bị giết cả hai gia đình anh em. Con trai trưởng và con trai thứ trốn thoát.


Con trai trưởng là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm (có sách ghi là Nhậm) chạy vào phương Nam tức làng Tiên Điền – huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh ngày nay. Con trai thứ là An nghĩa hầu Nguyễn An chạy lên phương Bắc theo nhà Mạc. Họ Nguyễn Tiên Điền ngày nay là thuộc về dòng thư quân công Nguyễn Miễn. Thường Quốc Công Nguyễn Quyện là ông tổ Bác.

Nhân dân Cổ Hoạch (Canh Hoạch) Ngã tư Vác huyện Thanh Oai cảm nhớ công đức Thường quốc công (Nguyễn Quyện) nên đã xây lập đền thờ ngay trên nền nhà bà Thị Hiền, họ ngoại và nhân dân địa phương phụng sự, đền thờ rất trang nghiêm.


(Như vậy tính từ Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm thì trên đất Thanh Oai Hà Đông, chúng ta mới ghi được vài đời đó là: “Nguyễn Doãn Địch – Nguyễn Doãn Toại, Nguyễn Thiễn – Nguyễn Miễn và Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm).