Nguyễn Du

Loading...

Dịch giả Dương Tường chuyển ngữ Truyện Kiều: “Báo hiếu với tiếng mẹ đẻ”

Trong suốt cuộc đời làm công việc chuyển ngữ, dịch giả Dương Tường đã nhiều lần nghĩ tới dịch Truyện Kiều, nhưng chưa dám chạm tới. Đến khi mắt mờ, tay run, ông mới quyết định bước vào thử thách khó khăn nhất trong cuộc đời: Chuyển kiệt tác này sang tiếng Anh. Tác phẩm ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.
 
 Tác phẩm “Kiều in Dương Tường’s version” có phần phụ lục là các bức tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của nhiều họa sĩ Việt
 
Kiều in Dương Tường’s version (Kiều bản của Dương Tường) được Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành. Đây là thành quả hơn 2 năm miệt mài vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại của “cây đại thụ” trong làng chuyển ngữ.
 
Dịch Truyện Kiều để trả ơn tiếng Việt
 
Từng gắn bó hơn nửa thế kỷ với vai trò là “con ngựa thồ văn chương”, đã dịch khoảng 60 tác phẩm văn học thế giới sang tiếng Việt, trong đó có nhiều kiệt tác kinh điển như: Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Cái trống thiếc (Günter Grass)..., đây là lần đầu tiên dịch giả Dương Tường đảo ngược lộ trình để đi từ tiếng Việt tới tiếng Anh khi chọn dịch một trong những kiệt tác bất hủ của văn học Việt Nam: Truyện Kiều của Nguyễn Du. Và ông chấp nhận thách thức lớn nhất này vào lúc thể lực đã gần như cạn kiệt.
 
Tại buổi trò chuyện nhân dịp xuất bản tác phẩm diễn ra mới đây tại Hà Nội, dịch giả Dương Tường chia sẻ: “Tôi dịch Kiều bằng những câu chữ đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ”. Sau khi gắn bó cả cuộc đời với dịch thuật, đưa nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới về với độc giả Việt Nam, ông muốn trả ơn tiếng Việt, muốn “báo hiếu với tiếng mẹ đẻ” bởi cuộc đời ông đã được tiếng Việt “nuôi dưỡng”, được làm nghề và sống với nghề. Vì thị lực suy giảm, ông cần một người giúp đỡ đọc lại toàn bộ 3.254 câu thơ Kiều để phát hiện những tầng ý nghĩa ẩn sâu dưới lớp câu từ, nhằm chuyển ngữ tác phẩm này một cách “thơ” nhất có thể. Trong gần nửa năm trời, ông và người đồng hành, một học sinh phổ thông, đã đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm toàn bộ tác phẩm một cách vô cùng cẩn trọng, nhất định không chịu “bó tay” trước ngôn ngữ và văn chương.
 
Hai năm thực hiện hành trình đầy khó khăn, có lúc ông tưởng chừng phải bỏ cuộc, bởi... không trông thấy gì. “Tôi học thuộc bàn phím, có một màn hình lớn để nhìn cho rõ, nhưng cũng phải vài chục lần tiêm thẳng thuốc vào mắt để tiếp tục làm việc... Cố gắng nỗ lực từng ngày, ông đã cán đích với 3.254 câu thơ và 10 trang chú thích của Kiều in Dương Tường’s version. Nhiều người gọi công việc dịch Kiều của Dương Tường ở tuổi 88 là “thách thức với số phận”. Đó không chỉ là thử thách trước tuổi tác, sức khỏe, số mệnh, mà còn là thử thách với chính sự nghiệp “làm ảo thuật” với những con chữ của ông.
 
Một lần nữa đưa Truyện Kiều ra thế giới
 
Tính đến nay, đã có hàng chục bản dịch Truyện Kiều sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Với tiếng Anh, bản dịch đầu tiên được ghi nhận là của Lê Xuân Thủy vào năm 1963, được tác giả hiệu đính lại năm 2010 với tên The soul of poetry inside Kim Van Kieu; còn tác phẩm nổi tiếng nhất là bản dịch của Huỳnh Sanh Thông do Nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, hiệu đính năm 1983 với tựa đề “The tale of Kiều”, đã được trao giải MacArthur Fellowship danh giá năm 1987... Kiều in Dương Tường’s version được ghi nhận là bản chuyển Anh ngữ thứ 18.
 
Dương Tường dịch Kiều với quan điểm dịch giả chính là đồng tác giả: “Tôi coi một bản dịch lý tưởng bao gồm 100% công sức của tác giả và 100% công sức của dịch giả”. Ông nêu ví dụ, có tới ba bản dịch “Chinh phụ ngâm”, bản được biết tới nhiều hơn cả là của Đoàn Thị Điểm. Làm nên thành công của bản dịch ấy là 100% công sức của Đặng Trần Côn và 100% công sức Đoàn Thị Điểm. Với Truyện Kiều, dịch từ chữ Nôm ra tiếng Việt bằng ký tự Latin cũng có nhiều phiên bản, bản dịch khác nhau. Khi chuyển ngữ, Dương Tường đọc hiểu Truyện Kiều theo cách riêng của mình và dịch không bám chữ, nên ông lấy tên dịch phẩm là Kiều in Duong Tuong’s version. Chẳng hạn, hai câu đầu: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” được chuyển thành: “In the one-hundred-year span of a human life/ Destiny implacably sets upon Talent”, bởi ông lý giải: Trong cuộc đời, không phải tài mệnh tương đố, mà tài sắc luôn là nạn nhân của số mệnh, tài không thể chống lại mệnh...
 
Là một tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam, Truyện Kiều vẫn thường được ví như một “bức thành trì” lớn, nhưng bởi tâm huyết với tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt, nhiều dịch giả, trong đó có “con ngựa thồ văn chương” Dương Tường, đã nỗ lực vượt qua những thử thách về ngôn ngữ và đặc trưng văn hóa để một lần nữa quảng bá tác phẩm văn học đặc sắc này ra thế giới. 
 
 
Theo Mai hoa/Báo văn hoá.

 

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.