Nguyễn Du

Loading...

Đi tìm bức tranh cuộc sống trong cảm thụ của Nguyễn Du

Xưa nay người ta biết đến Nguyễn Du vì Truyện Kiều đã trở thành áng văn chương trác tuyệt. Chỉ một tác phẩm ấy thôi cũng đủ làm cho tên tuổi Tố Như sống mãi với muôn đời, muôn dân. Bởi qua văn chương Truyện Kiều ta tìm thấy một Nguyễn Du tiên sinh với chữ Tâm sáng, ấm như sao Khuê; một  pháp sư về ngôn ngữ  mà ở đó những điển cố dù rắc rối oái oăm đến đâu cũng trở nên mĩ lệ, thanh thoát nhưng thâm thuý uyển chuyển đến lạ lùng. Dưới ngòi bút Nguyễn Du ngôn ngữ bình dị của “dân đen con đỏ” cùng những thành ngữ, tục ngữ được sử dung rất thần tình, được đúc thành những câu thơ gọn ghẽ, đông đặc, sinh động đến mức khiến nhiều khi độc giả ngần ngai không quyết định được rằng phần nào là của Nguyễn Du đã dùng thành ngữ, tục ngữ, phần nào là câu văn Nguyễn Du đã trở nên thành ngữ tục ngữ.
 
 Các nhà Nho học vốn thán phục cái sự học uyên bác của Nguyễn Du đều cho rằng để làm nên kiệt tác Truyện Kiều ấy “trong bụng Nguyễn Du phải chứa bao nhiêu sách cổ”. Và như vậy trong Truyện kiều bút pháp hiện thực phối hợp chặt chẽ với bút pháp cổ điển khiến những cảnh, những người, những sự tình Nguyễn Du miêu tả đều có tính điển hình cao độ. Cho nên dù ở thời đại nào ta cũng tìm thấy trong Truyện Kiều chân dung cuộc sống mà mình đang sống. Ta hãy nhìn và ngắm những nhân vật dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du.Những nhân vật trong truyện, dẫu là những nhân vật bịa đặt, song không phải là những hồn ma tưởng tượng của nhà văn tạo ra, đó là những tính cách mà nhà văn đã do sự kinh nghiệm và quan sát mà cấu tạo, cho nên ta thấy họ không khác những người ăn ở trong xã hội xung quanh ta. Những người ấy có tâm lý riêng, có cách sinh hoạt riêng, có các hành động riêng ở trong những trường hợp và hoàn cảnh đặc biệt. Tác giả viết truyện tức là tự thuật những hành động của các nhân vật, khiến người ta thấy họ là những người sống chứ không phải là những hồn ma.
 
Trước hết tác giả giới thiệu hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân:
 
“ Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương, làu bực ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
 
Tác giả cho ta biết rằng hai chị em, người nào cũng là dung dáng yểu điệu (mai cốt cách), tinh thần trong sạch (tuyết tinh thần), người nào cũng là hoàn toàn, nhưng mỗi người có một vẻ riêng.
 
Thúy Vân thì vẻ chững chạc khác thường (trang trọng khác vời); khuôn mặt thì đầy đặn, nét mày thì đậm đà (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang), ra dáng con người phúc hậu, thùy mị. Đến như miệng cười thì tươi như hoa, giọng nói thì trong như ngọc (hoa cười ngọc thốt), nhưng cười nói khi nào cũng nghiêm trang, chỉnh chắn.
 
Vân không những là người thùy mị nghiêm trang mà lại có sắc đẹp “tóc xanh hơn mây, da trắng hơn tuyết”, cái sắc của một người phúc hậu, chín chắn khiến người ta, cho đến tạo hóa, đều phải kính nhường. Ở đây tác giả dùng chữ “thua” (mây thua nước tóc) và chữ “nhường” (tuyết nhường màu da) là cốt để ám thị cho ta rằng cái sắc và cái đức của Thúy Vân để dành cho nàng một số phận đầy đủ hạnh phúc.
 
Đến như Thúy Kiều là nhân vật chính, mà tác giả lại tả sau Thúy Vân, là dụng ý mượn nhan sắc của Thúy Vân mà tôn nhan sắc của Kiều, tức là phép “tả khách hình chủ”. So với Thúy Vân, vẻ đẹp của Kiều lại là sắc sảo, mặn mà hơn, mà Kiều lại hơn Vân về đường tài nữa (so bề tài sắc lại là phần hơn). Tả Thúy Vân thì tác giả dùng những chữ “khuôn trăng, nét ngài, hoa cười, ngọc thốt, tóc mây, da tuyết”, tuy là chữ bóng bẩy, nhưng vẫn là hữu hình. Đến Thúy Kiều thì tác giả dùng những chữ “làn thu thủy” để chỉ con mắt trong sáng, “nét xuân sơn” để chỉ lông mày xanh tươi, khiến cho ta tưởng như tác giả đã muốn tả cái phần vô hình của cái sắc. Cái đẹp tươi thắm lộng lẫy ấy khiến cho “hoa cũng phải ghen”, “liễu cũng phải hờn”, nghĩa là tạo vật cũng phải ghen ghét mà sẽ bắt Thúy Kiều chịu một phận mệnh khổ sở bõ ghét.
 
Song nhan sắc Thúy Kiều như thế, tất khiến người ta phải yêu mến say mê (một hai nghiêng nước nghiêng thành), cái si tình của Kim Trọng ngay ở đây ta cũng có thể đoán được.
 
Nhưng Thúy Kiều đã có nhan sắc thần tiên ấy, mà lại có tài hơn người (sắc đành đòi một, tài đành họa hai). Nguyễn Du cho ta biết nàng có thiên bẩm thông minh nhất về tài âm nhạc của nàng, để nhân đó mà cho ta biết nàng đã đặt ra một bài đàn “Bạc mệnh” để tự ngự. Người nhan sắc, thông minh, tài hoa như Thúy Kiều tất tình cũng phải khác thường. Ông không cần phải nói rõ ràng là người đa tình đa cảm, mà chỉ nói khúc đàn “Bạc mệnh” thì ta đã tự khắc biết rồi. Chỉ một việc ấy đã khiến ta tưởng tượng được cả cái lịch sử đoạn trường của Thúy Kiều sau này.
 
Sau khi tả nhan sắc và đức hạnh của Thúy Vân trong 4 câu, và nhan sắc cùng tài tình của Thúy Kiều trong 12 câu, sau khi tả hai cái chân dung khác nhau mà cùng hoàn toàn đầy đủ. Nguyễn Du lại nói chung đến cách phong lưu cho đến tuổi tác cùng là cách ăn ở kín đáo của hai cô con gái họ Vương.
 
Các nhân vật khác là nhân vật phụ thuộc, tác giả chỉ tả sơ lược, duy có Từ Hải thì tác giả tả kỹ gần bằng Thúy Kiều. Ở chương trên ta đã thấy khi mô tả nhân cách và sự nghiệp của Từ Hải thì Nguyễn Du có một giọng văn đắc chí lạ thường, vì sau Thúy Kiều mà Nguyễn Du xem là một người cùng chung phận mệnh với mình, Từ Hải là người mà Nguyễn Du mộng tưởng.
 
Trong trí Nguyễn Du, Từ Hải là một người anh hùng phi thường ta không nên biết tung tích rõ ràng – nếu biết tung tích họ sẽ thấy họ cũng chẳng có gì phi thường cả, cho nên ông chỉ cho ta biết rằng Từ là một người khách lạ từ miền biên thùy xa đến. Chữ “bỗng đâu” hình như đã đoán trước vẻ kinh ngạc của ta, khi thấy một người “râu hùm, hàm én, mày ngài; vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Người có cái dung mạo to lớn dữ tợn ấy có thể là một người anh hùng, mà cũng có thể chỉ là một người vũ phu. Nhưng trong dung mạo ấy, tác giả đã nhận thấy cái khí sắc của kẻ anh hùng rất là rõ ràng (đường đường một đấng anh hùng). Đã là anh hùng thì tất không phải chỉ có dõng (côn quyền hơn sức) , mà lại phải có trí nữa (lược thao gồm tài). Câu ấy đã cho biết thêm rằng người cao lớn dữ tợn ta thấy đó là người có tài trí lỗi lạc. Nhưng tài trí không cũng chưa đủ làm người anh hùng, lại cần phải có chí khí. Câu “đội trời đạp đất ở đời” cho ta biết rằng Từ có chí khi ngang tàng độc lập, không chịu khuất phục ai.
 
Người khách lạ ấy, bây giờ ta đã biết rõ ràng là “một đấng anh hào”, điều ta muốn biết thêm nữa là tên họ người ấy. Nguyễn Du chờ đến lúc ta khao khát muốn biết, mới chịu nói cho ta biết người ấy tên Hải họ Từ, quê quán ở xứ Việt - đông, là miền chưa quen chịu giáo hóa và ước thúc của triều đình phương Bắc. Người ấy hiện bấy giờ còn lận đận trong cảnh trần ai, nhưng cũng không chịu làm việc tầm thường, không chịu bó mình trong khuôn khổ nhỏ mọn, trong phạm vi chật hẹp, mà phải lấy cả thiên hạ làm trường thạo động của mình (giang hồ quen thói vẫy vùng), chỉ thích một mình đi ngao du khắp phong cảnh non sông (non sông một chèo), có lẽ để kết nạp hào kiệt và tìm nơi dụng võ. Nhưng Từ Hải dẫu có chí khí anh hùng, mà không phải là người tự nhiệm cái thiên chức lớn lao như các anh hùng cứu quốc (Lê Lợi, Câu Tiễn). Từ Hải chỉ làm anh hùng để cho cái phỉ cái chí ngang tàng và cái lòng bất bình, cho nên không ép thân trong cảnh khắc khổ “nằm gai nếm mật”, mà trái lại, trong bước phiêu lưu lại không quên cái thú phong lưu. Cho nên cùng với thanh gươm là vật tùy thân của người võ sĩ, Từ Hải thường kèm theo cái đàn, mà cái đàn ấy ta mới không lấy làm lạ khi ta thấy Từ Hải gặp Thúy Kiều ở chốn thanh lâu.
 
Còn những nhân vật phụ thuộc khác, tác giả chỉ tả mọi người bằng hai câu, hay bốn câu mà ta cũng thấy được hình dung và tính tình của họ hiển hiện trước mắt.
 
Kim Trọng:
 
“Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo khác vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”
 
Bốn câu ấy tả đủ gia thế, vẻ người, vẻ mặt, tài năng tính tình của anh học trò họ Kim.
 
Mã giám sinh:
 
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.”
 
Hai câu ấy tả rõ một người điếm đàng. Mấy chữ “cò kè bớt một thêm hai” khiến ta thấy anh điếm đàng kia là con buôn lão luyện.
 
Tú bà:
 
Thoát trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?
Trước xe lơi lả han chào ....”.
 
Mây câu tả rõ hình dung và thái độ của một mụ “trùm”.
 
Sở khanh thì người còn trẻ, ra vẻ học trò, nhưng học trò mà “ hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng”, tất không phải là học trò thật hiệu.
 
Thúc sinh thì tuy “cũng nòi thư hương”, mà lại “quen thói bốc trời, trăm nghìn đổ một trận cười như không”, cho nên gặp Thúy Kiều ở kỹ viện thì chàng mê mệt, mà chuộc lấy làm vợ hầu, dẫu vợ chính của chàng là người đanh thép.
 
Tất cả những ngôn từ hành động của Hoạn Thư  tỏ cho ta thấy hai câu:
 
“Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già” là rất đúng.
 
Nguyễn Du tả Đạm Tiên:
 
“Sương in mặt, tuyết pha thân,
Sen vàng lững thững như gần như xa.”
Rõ là một nàng tiên thấy trong mộng.
 
Đến khi tả Thúy Kiều chết đuối mới vớt lên thì hai câu:
 
“Trên mui lướt thướt áo là,
Tuy đầm hơi nước chưa lòa bóng gương”.
 
Khiến ta thấy hiển hiện ngay một người  đàn bà sang trọng, quần áo ướt đầm lướt thướt, nằm ở trên mui thuyền, sắc mặt tuy dầm nước đã hơi bạc, nhưng vẫn còn vẻ đẹp thiên nhiên.
 
Nếu ta so sánh cách mô tả của Nguyễn Du với cách mô tả của các nhà tiểu thuyết phương Tây thì ta có thể tiếc rằng Nguyễn Du tả hơi sơ lược. Nhưng ta phải nhớ rằng Nguyễn Du không phải là nhà văn tả thực tự nhiên chủ nghĩa nên không tả tỉ mỉ những hình dáng, dung mạo, thái độ, cử chỉ, ngôn từ, tính tình đặc biệt của một người nhất định. Sự mô tả của ông chỉ cốt cho ta nhận thấy vẻ hợp nhất giữa hình dung, tính tình cùng hành động của mỗi nhân vật ấy,mà nhân vật ấy dẫu người đặc biệt mà lại có tính chất phổ thông, thực là một người tượng trưng tiêu biểu cho cả một hạng người trong xã hội. Thúy Kiều tiêu biểu cho lớp con gái đẹp tài tình, Thúy Vân tiêu biểu cho những con gái đẹp phúc hậu, Mã Giám Sinh tiêu biểu cho hạng điếm đàng ma cô, Tú Bà tiêu biểu cho hạng trùm lầu xanh, Thúc Sinh tiêu biểu cho hạng công tử mê gái, Từ Hải tiêu biểu cho người hào kiệt ngang tàng. Bởi các lẽ trên, ta chỉ thấy Nguyễn Du lựa chọn một cách rất thích đáng những điều đáng chú ý, những đặc điểm tiêu biểu dầu là ước lệ, chứ không phô bày tất cả chi tiết. Những đặc điểm ước lệ tiêu biểu ấy, tác giả chỉ dùng những chữ lập thành và những hình ảnh sẵn có, tức là những lời văn ước lệ, để kêu gọi nó lên là ta đủ thấy, chứ không cần dùng những chữ đặc biệt, mới mẻ chỉ thích hợp cho những chi tiết đặc biệt thôi. Cách mô tả những tính chất tiêu biểu bằng những lời ước lệ mà hàm súc rất dồi dào, cách mô tả tổng hợp ấy mâu thuẫn hẳn với cách mô tả phân tích, duy thực tỷ mỷ, mằn mờ từng sợi tóc chân tơ của các nhà văn lãng mạn và tự nhiên chủ nghĩa.
 
Cách tả người đã thế, cách tả cảnh của Nguyễn Du cũng thế.
 
Ngay đầu sách ta thấy một đoạn tả cảnh rất tinh diệu, là cảnh Thúy Kiều du xuân. Trước hết tác giả dùng lời hình tượng mà cho biết một cách bóng bẩy có duyên rằng bấy giờ tiết xuân đã đến đầu tháng ba:
 
“Tiết vừa con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
 
Mùa xuân vào khoảng ấy là tiết thiên hạ kéo nhau đi chơi xuân nên tác giả tả cảnh xuân ở ngoài đồng. Tác giả chỉ dùng có hai câu để tả phác những bông lê điểm trắng trên thảm cỏ non là một cảnh điển hình, có lẽ tự tác giả cũng chưa thấy bao giờ, nhưng tự ta có thể nhờ những nét phác họa để tưởng tượng ra rất rõ ràng:
 
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
 
Chị em Thúy Kiều gặp tiết ấy, mến cảnh ấy, cũng theo người ta mà đi du xuân và tảo mộ, tác giả lại tả quang cảnh ấy bằng bốn câu khiến ta thấy cảnh du xuân náo nhiệt ở đường, chật ních áo quần, lươn lướt ngựa xe, và cảnh tảo mộ ngổn ngang thiên hạ kéo nhau lên bãi tha ma, mà giữa đường thì tro tiền giấy và thoi vàng hồ rải rác.
 
Nhân tảo mộ về, chị em Thúy Kiều đi qua mộ Đạm Tiên, thì tác giả lại tả cảnh ấy bằng mấy câu thơ khiến ta thấy bao nhiêu vẻ thê lương của cái mộ hoang thấp lè sè, rầu rầu sắc cỏ, như một điềm ảm đạm giữa cảnh thanh tao “nao nao dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ cuối ghành bắc ngang”. Cảnh thứ ba này tác giả tả kỹ hơn hai cảnh trước, vì nó là cảnh quan trọng hơn cả, tức là chỗ mà Thúy Kiều sẽ gặp Kim Trọng rồi mới thành mối khổ tình. Song ta có thể dồn ba cảnh ấy thành một bức, từng thứ nhất là cảnh mộ Đạm Tiên, từng thứ nhì là cảnh du xuân tảo mộ, từng sau cùng là cảnh mùa xuân làm nền, thực là một bức họa cân đối nhịp nhàng, bố trí khít khao như một bức họa cổ điển, mà nét bút lại đạm bạc như một bức tranh sơn thủy Trung Quốc.
 
Nhà văn lãng mạn hay tả thực, gặp cảnh mùa xuân thì ắt tả tỷ mỷ tất cả những đặc sắc của xuân ở ngoài đồng, từ sắc trời, sắc đất, đến cây cối chim muông, từ hương vị cỏ hoa đến tiếng người tiếng vật. Nhà thi sĩ của ta chỉ dùng gọn lỏn có hai câu vì như H.Taine đã nói về La Fontaine “nhà thi sĩ chân chính chỉ nghĩ về đại thế và chỉ mô tả để chứng thực”. Mỗi lời nhà văn của thi sĩ, cũng như mỗi nét bút của họa sĩ, là một dấu hiệu để tỏ một hành động hay để gợi một cảm tình, chứ không phải để mạc hay để bắt chước tự nhiên một cách vụng về. Bởi thế phần tả cảnh trong văn Nguyễn Du là phần phụ thuộc để giúp cho phần tự thuật hay phần tả tình được linh hoạt thêm.
 
Ta xem câu:
 
“Lần lừa ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục, đã chừng xuân qua”.
 
Không phải để tả cảnh mùa hạ, mà chỉ cốt nói một cách màu mè thú vị rằng tiết trời vừa sang hạ, là lúc cha mẹ Thúy Kiều đi mừng lễ sinh nhật ngoại gia.
 
Câu:
 
“Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.
 
cùng câu:
 
“Mảng vui rượu sớm trà trưa,
Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh”.
 
Chỉ cốt nói rằng sang mùa hè một ngày nọ Thúy Kiều đi tắm, hay là một đêm nọ Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm nhà.
Những câu:
 
“Sân ngô cành bích đã chen lá vàng”
“Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”.
 
Là chỉ bày một cảnh điển hình của mùa thu để nói rằng thì giờ thấm thoắt đã đến tiết ấy rồi.
 
Tả cảnh để gợi thêm cảm tình thì như đoạn:
 
“Một vùng cỏ mục xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như mầu khẩy trêu”.
 
Cùng là một cảnh mộ Đạm Tiên, mà lúc ấy du xuân thì nó có vẻ thanh thanh, đến bây giờ thì thấy nó có vẻ âu sầu cũng như tâm tình của anh chàng tương tư nọ.
 
Ta lại xem đoạn:
 
“Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây;
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người.
Đêm khuya ngất lạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”.
 
Hai câu đầu tả cảnh mùa thu, cầu giá bạc phau mây kéo đen rầm, nhường như cảnh vật cũng sầu thảm với người con gái phải xa cha mẹ mà đi ra đất khách quê người, phó thân cho số phận. Hai câu giữa tả cảnh đêm thu, mà tả luôn lòng đau đớn của Thúy Kiều vì thấy trăng thu mà nhớ đến cố nhân. Hai câu sau cùng tả cảnh rừng thu mà tả luôn lòng ảo não của nàng vì nghe tiếng chim kêu mà nhớ cha mẹ.
 
Khi tả cảnh đêm Thúy Kiều đi trốn theo Sở Khanh, tác giả khiến ta thấy nỗi sợ hãi cùng nỗi đau đớn nhớ nhà của người thiếu nữ:
 
“Đêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn cỏ lạt mù sương,
Lòng quê đi một bước đường một đau”.
 
Khi Thúy Kiều trốn ở nhà Hoạn Thư ra, tác giả tả cảnh đêm lại ra vẻ sợ hãi hơn nữa:
 
Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà đếm nguyệt, dấu giầy cầu sương.
Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường sá, phần thương giãi dầu”.
 
Lại xen đoạn tả cảnh tiêu điều ở vườn Thúy khi Kim Trọng tự Liêu – dương trở lại:
 
“Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời.
Trước sau nào thấy bóng người?
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Xập xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày,
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa.
Chung quanh lặng ngắt như tờ”.
 
Rõ thực là cái cảnh điển hình tác giả vẽ ra để tả nỗi đau đớn của Kim Trọng khi đứng trước quang cảnh điêu tàn mà tuyệt chẳng thấy người thương.
 
Ta đã biết mục đích tả cảnh của Nguyễn Du là thế nào, nên ta không lấy làm lạ thấy ông mô tả rất vắn tắt, gọn gàng. Song nét bút của ông lại thần tình đến chỉ một vài câu mà tả đầy đủ một cách rất tế nhị, dồi dào, thú vị, ví như:
 
“Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai...
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành...
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng...”.
 
Trong vô luận một cảnh nào, trực giác của Nguyễn Du biết nhận ngay lấy những chỗ quan trọng và tiêu biểu nhất, mà ngòi bút lại khéo đem những chữ duy nhất, những chữ thực là thanh khí mà vẽ nó ra, cho nên dẫu cảnh tả sơ sài thế nào cũng đều là tuyệt diệu. Ta hãy xem những cảnh nhỏ sau này:
 
Cảnh nhà cháy từ lâu:
 
“Tro than một đống, nắng mưa bốn mùa”
 
Cảnh lều tranh bên sông:
 
“Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”
 
Cảnh nhà hoang:
 
“Đến nơi đóng cửa cài then,
Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ lan mái nhà”.
 
Cảnh nhà nghèo:
 
“Nhà tranh vách đất tả tơi,
Lau trèo rèm nát, trúc cài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa”.
 
Tưởng chừng như không có cách gì bớt đi hoặc thêm lên được.
 
Những người và cảnh Nguyễn Du mô tả vẫn không phải là những người thực ta thường đụng chạm, những cảnh thực ta từng trải qua, nhưng lại không phải là người lạ cảnh lạ gì.
 
Ta đã biết rằng Nguyễn Du không tả thực . Nhưng tại sao Nguyễn Du lại không tả thực? Nguyễn Du sinh trưởng ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ở giữa hoàn cảnh quý tộc, ở giữa xã hội phong kiến, về vật chất lẫn tinh thần, đã sống trong một thế giới ước lệ , thì nghệ thuật của ông thế nào thoát khỏi phạm vi ước lệ được?
 
Về phong cảnh thì Nguyễn Du cũng vẫn chưa thoát phạm vi hoàn toàn ước lệ, như cảnh “đôi phen gió tựa hoa kề, nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”, thì chẳng khác gì cảnh “nơi chồng cặp sách, nơi bầy cuốn thơ, nơi cầm, nơi rượu, nơi cờ” trong Hoa tiên truyện, nhưng phần nhiều cảnh thì đã vượt hẳn trạng thái ước lệ mà thành những cảnh hoặc vui tươi tế nhị, hoặc sầu thảm âm thầm, hoặc hãi hùng rùng rợn do tác giả sáng tạo mà ta có thể cảm động ta như thực. Ta lại nên chú ý một điều nữa là những người điển hình và những cảnh điển hình ấy, tác giả thường chỉ dùng những chữ lập thành và những tỷ dụ sẵn có, nghĩa là những trần từ sáo ngữ; để khêu gợi trong trí ta những hình ảnh đã quen, nhưng thiên tài của tác giả là khiến những hình ảnh quen ấy không làm cho ta nhàm và đã khéo phối hợp nó lại mà tổ chức thành những bức chân dung và những bức phong cảnh sinh động. Dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Du, những trần từ sáo ngữ trở lại thành những lời văn hàm súc dồi dào, rất thích hợp cho sự mô tả tổng hợp của ông.
 
Trong Độc Tiểu Thanh kí Nguyễn Du đã day dứt:
 
Không biết ba trăm năm sau nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như!
 
Không đợi 300 năm mà khi Truyện Kiều đi vào lòng người đọc từ bậc nho sinh đến các mẹ các chị ru con ầu ơ dù khồng biết chữ vẫn thuộc làu Kiều đã tiếc thương và tôn kính biết bao người sáng tạo Truyện Kiều tài hoa nhưng bạc phận. Đọc Truyện Kiều hay Văn chiêu hồn, Văn tế thập loại chúng sinh ta thêm yêu thêm quí cái tâm, cái tài, cái tình của Nguyễn Du với con người và cuộc đời.
 
Theo Tiến Quang/www.vnq.edu.vn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.