Nguyễn Du
Loading...
Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du
Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của Nguyễn Du "cũng không năm ngoài tình trạng " đốt làng " của giặc Pháp.
1. Những người đọc bản thảo đầu tiên.
Người được đọc bản thảo Đoạn trường tân thanh (ĐTTT) đầu tiên là Nguyễn Thiện. Nguyễn Thiện sinh năm 1763, hơn Nguyễn Du 2 tuổi nhưng lại gọi Nguyễn Du bằng Chú, xưng cháu.
Nguyễn Thiện đỗ cử nhân năm 20 tuổi (1783) nhưng không ra làm quan. Có một thời Nguyễn Thiện giúp La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm ở "Sùng Chính viện", sau lại thôi. Từ đó sống cuộc đời lãng du cùng mây ngàn gió nội.
Đang ở Hương Sơn, Thiện nhận được thư của Chú gọi về dựng lầu lục giác bên bên Giang Đình và giúp Chú một số việc khác trong thời gian Chú về nghỉ phép 6 tháng ở Tiên Điền .
Thiện đã thu xếp việc nhà để về quê một thời gian theo yêu cầu của Chú.
Vừa gặp Chú buổi trưa, chiều hôm đó Chú đã dưa cho Thiện đọc " Kim Vân Kiều " (KVK) của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN). Hôm sau Chú lại đưa tiếp cho Thiện bản thiết kế" Lầu lục giác " của chú Nguyễn Ức để kịp thời thi công, vì tre, nứa, gỗ . . . Chú đã dặn mọi người tập kết đầy đủ.
Sau 10 ngày, " Vọng Giang Đình " làm xong. Bàn ghế và mọi thứ cần thiết khác được mua sắm đầy đủ.
Nguyễn Du bắt tay viết Đoạn trường tân thanh...
Một buổi sáng, chú Bảy ( Nguyễn Du là con trai thứ 7 của Nguyễn Nghiễm nên mọi người thường gọi là Chiêu Bảy) đưa cho Thiện một trang giấy chữ viết rất đẹp. Đó là 6 câu mở đầu:
Trăm năm trong cõi con ngựời
Chữ tài chữ mệnh muôn đời ghét nhau
Trải qua bao cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lẽ đời bỉ sắc tư phong
Trời xanh ghen với má hồng bao phen.
Thiện đọc xong, với vẻ suy tư, nói với Chú :
"Mở đầu, Chú đã không đi ngay vào chuyện như Thanh Tâm, mà nói đến một vấn đề lớn lao hơn, đặt con người đối lập với số mệnh. Sao Chú lại đi vào chữ mệnh sắc sắc không không như vậy nhỉ ? "
Nguyễn Du trả lời cháu :
" Từ một chuyện phong tình cụ thể, Chú muốn nói đến một điều chung nhất của muôn người và của muôn đời, của mọi kiếp người trần thế. Chỉ với 6 câu ấy, chú mới sửa lại như sau : Chú bỏ chữ " muôn đời " vì câu trên đã có " trăm năm trong cõi" , thay vào đó chũ " khéo là " thay chữ " lẽ đời " bằng "lạ gì ", bỏ chữ " ghen với" mà thay bằng " quen thói"
Nguyễn Du lại chỗ tập giấy có hòn đá cuội chặn bên trên lấy ra một tờ giấy khác đưa cho Thiện và nói "Chú thay lại 6 câu ấy như ở đây, anh xem và cho chú biết ý kiên, anh cũng là người rất giỏi văn chương mà"
Thiện đọc 6 câu Chú mới chữa lại:
" Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen "
Vừa nhìn vào tờ giấy cầm trên tay, Thiện vừa nói với Chú :
" Chú thay các chữ như vậy là rất hay. Trong một đời người, chỉ một cuộc bể dâu cũng đã gây nên bao đau đớn đâu đợi đến bao cuộc bể dâu. Những chữ Chú mới thay như " Khéo là ", đi với " lạ gì", rồi" trời xanh quen thói”.Chú dùng từ đích đáng lắm, hay lắm. Chú đã mỉa mai cả ông trời và hạ thấp ông trời.
Trời xanh mà ghen với má hồng là một thói xấu. Thói xấu ấy lặp đi lặp lại nhiều lẩn đã trở thành thói tật.
Hai chú cháu cùng bình thơ với nét mặt trầm tư, tỏ ra rất là tâm đẳc.
***
Một hôm, Thiện đưa khoai lang luộc và nước chè xanh mới nấu ra cho Chú. Thiện thấy Chú đang gục đầu trên bàn, hình như đang ngủ. Thiện hiểu - Chú đã thức đêm để viết. Thiện cố gắng đi thật nhẹ nhàng để đêh gẩn bàn, đặt mọi thự lên đó.
- Anh Thiện ra từ lúc nào mà Chú không biết ?
- Cháu mới ra Cháu cố gắng đi thật nhẹ để Chú ngủ thêm, không ngờ cháu đã làm mất giấc của Chú . Bây giờ Chú đã dậy thì mời Chú đi rửa mặt cho tỉnh rồi ta cùng ăn sáng. Khoai này giống ruột vàng, luộc vừa lửa, ngon lắm .
* Hai chú cháu ăn sáng xong, Nguyễn Du đưa cho Thiện mấy trang giấy để đọc. Thiện đọc đoạn:
" Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Nửa đường đứt gánh tương tư
.............................................
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
..............................................
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngân ấy thôi
Phận sao phận bạc như vội
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang ! hỡi Kim Lang !
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây
................................................”
Thiện đọc đến đấy, lòng đầy xúc cảm, nước mắt lưng tròng, càng nghĩ càng thương Thúy Kiều bao nhiêu ý nghĩ dâng trào nhưng lại nghẹn dừng trong cổ, không thốt nên lời. Thiện cố trấn tĩnh, ngoái nhìn chú Bảy, thấy chú tay vịn lan can, mặt hướng ra dòng sông Lam đang lặng lẽ trôi về cửa Hội.
Thiện ngồi trầm ngâm, đôi mắt như dán chặt vào từng trang giấy,
Thiên nghĩ : Mà sao chú Bảy thấu hiểu nỗi lòng Kiều đên vậy! Cậy em em có chịu lời, ngồi lên cho chi lạy rồi sẽ thưa.
Chú dùng chữ '" cậy " mà không dùng chữ " nhờ ". Phải là một việc hệ trọng lắm, thiêng liêng lắm, tin cậy vào em lắm mới thay bậc đổi ngôi như vậy. Ngổi lên để cho chị lạy rồi sẽ thưa. Em phải ngồi vào ghế để cho chị lạy một lạy rồi mới thưa chuyện được. Chuyện này vốn là nỗi lòng sâu kín của chị, vạn bất đắc dĩ mới giải bày cùng em. Đau đớn biết bao nhiêu khi những kỷ vật thiêng liêng là của riêng Kiều với Kim Trọng, nay thành của chung!
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Kiều nghĩ đến cái chết sau này.
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề ...
Vong hồn chị có về quẩn quanh bên Kim Trọng, làm phân tâm lòng chàng, em hãy vì chị mà rảy xin chén nước cho người thác oan .
Thiện lại nghĩ: Đêm qua lúc viết đến đoạn này chắc lòng Chú đau đớn lắm.
Thiện tưởng như những dòng chữ nối tiếp nhau hiện lên trang giấy là như có máu đã ứa ra đầu ngọn bút và có những giọt nước mắt nhỏ theo...
***
Nguyên Hành đã về đến Tiên Điền sau khi nhận được thư của anh Nguyễn Thiện.
Gặp em, Thiện kể cho Hành nghe chuyện chú Bảy đang viết ĐTTT. Thiện đưa cho em đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
***
Buổi sáng nọ, Hành ra thăm chú Bảy, mang theo cả quyển KVK.
Chú cháu gặp nhau mừng vui khôn xiết!
Hành lễ phép nói với Chú :
" Cháu thật có lỗi với Chú. Cháu là người hay rong chơi, thế mà những năm Chú làm Cai bạ ở Quảng Bình, không xa quê là mấy mà cháu chưa kịp vào thăm ! Thế rồi Chú lại vào Kinh, rồi đi sứ Bắc quốc .. .
Đằng đẵng bao năm, nay cháu mới được gặp ! Tóc Chú bạc trắng, dày và cứng hơn, người Chú hao gầy...
* Trưa hôm ấy ba Chú cháu cùng ăn cơm với nhau, có rượu nếp, có lạc luộc, cá bể và hến.. . Thiện vừa mua ở chợ Giang Đình.
***
Nguyễn Du đưa cho Hành đọc nhưng trang mới viết, đoạn Từ Hải chết đứng:
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá vũng như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời
Đoạn Thúy Kiều gặp mặt Hồ Tôn Hiến:
Rằng Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi
Tin tôi nên mới nghe lời .
Đem thân bách chiên làm tôi triều đình
Ngỡ là phú quý phụ vinh
Ai ngờ một phút tan tành thịt xương
Năm năm trời bể ngang tàng
Đem mình đi bỏ chiến tràng như không!
Hành ngước nhìn Chú nói:
"Chà chà ! Chú viết hay quá ! Có lẽ Từ Hải là giấc mơ của Chú. Thúy Kiều là thần tượng của Chú. Kiều khảng khái ca ngợi" Từ là đấng anh hùng " trước mặt Hồ Tôn Hiên ! Viết như thế đã lắm! đã lắm ! thật hả lòng hả dạ.
Hành vừa nói vừa lần giở các trang trong quyển KVK rổi nói tiếp :
"Cháu đọc để Chú và anh Thiện nghe lại chỗ này : Hồ Tôn Hiến gặp Thúy Kiều rồi hỏi:
" Công này sở dĩ thành được thật là nhờ ở nàng, vậy nay nàng có muốn nói gì không ?"
Thúy Kiều nói:
" Từ Minh Sơn lầm vì quá nghe lời của đại nhân, đến nỗi bại vong. Mong đại nhân thương cái điểm thành khẩn ấy mà cho một nấm đất chôn lấp thi hài.
Ý nguyện của tôi như thế là đủ."
Hành nói tiếp : " TTTN thuật việc như thế thì ta thấy chỗ này Thúy Kiều tầm thường quá!
Ba chú cháu tiếp tục bình luận về Từ Hải và Thúy Kiều. Hành lại giở một chỗ khác và nói:
Chú và anh nghe lại chỗ Thúy Kiều bị Tú Bà đánh:
" Lại nói, Thúy Kiều chịu đau không nổi đành phải van lớn: " Mẹ ơi! Đó là lỗi ở con. Từ nay trở đi con không dám như thế nữa, nhất nhất xin nghe lời dạy bảo của mẹ, chỉ mong mẹ nghĩ lại sinh phúc cho con, tha cho con lỗi nhất thời u mê, chót nghe những lời lừa phỉnh của Sở Khanh, đã bỏ mẹ mà trốn chạy..."
Hành cao giọng : " Thúy Kiều ở đây lại càng tầm thường ! Còn gọi Tú Bà là mẹ nữa ! "
Hành tìm nhanh một tờ giấy của Chú trong tập giấy để trên bàn, nói tiếp :
"Đây, anh Thiện nghe, Chú viết về chỗ ấy:
" Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy vốn người để đâu
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa ... "
Đó mới là Thúy Kiều của chú Bảy. Tôi - người - ngang hàng với mụ Tú ! bị đánh đau mà vẫn thông minh tỉnh táo, đi guốc vào bụng Tú Bà. "Phận tôi đành vậy vốn người để đâu". Thế là mụ Tú chột dạ, không đánh Kiều nữa. Chú đã tả một o Kiều khác hẳn Kiều của Thanh Tâm!
Nguyễn Du im lặng để mặc hai anh em Thiện bình luận về các câu thơ ông đã viết.
2. Đi tìm bản thảo ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH.
Truyện Kiều được nhân dân ta yêu mến từ lâu. Trước cách mạng tháng 8/1945, khi tỷ lệ người dân "mù chữ" đang chiếm đến hơn 90% thì Truyện Kiều đã được "truyền khẩu" rộng rãi trong dân chúng.
Có những bà mẹ Việt không hề biết một loại chữ gì nhưng lại thuộc làu Truyện Kiều từ đầu đến cuối! Tất nhiên có những chỗ, các cụ (trong tầng lớp bình dân) đọc sai mà không hề biết là sai!
Thế rồi cả dân tộc ta phải trải qua một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc kéo dài, tất cả "nhân, tài, vật, lực" đều giốc vào cuộc kháng chiên trường kỳ để có ngày toàn thắng!
Gian lao là vậy, nhưng đẹp thay hình ảnh những anh bộ đội trên đường đi "chiến dịch" trong ba lô vẫn có một quyển Kiều! (lớp học sinh, sinh viên ra trận).
Đặc biệt, những năm 1964 - 1965, khi miền Bắc đang chống trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thì trong dân ta đã dấy lên một phong trào tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiểu.
Đó là lúc Hội đồng hòa bình thế giới có quyết định kỷ niệm 200 năm, năm sinh dành nhân văn hóa Nguyễn Du (1765 - 1965),
Trong quá trình tìm hiểu Truyện Kiều người ta thây có một hiện tượng cần phải có cách giải quyết.
Đó là tình trạng có nhiều văn bản Truyện Kiều khác nhau. Khác nhau về câu, chữ, khác nhau về việc dùng từ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Ví dụ trong câu Kiều thứ 648 "Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trạm". Vì chữ "vàng" liên quan đến cái giá của Thúy Kiều, gây ra sự tranh luận nên có bản đã thay bằng chữ "vâng" có bản thay bằng chữ "chịu" hoặc chữ "chỉ" ..v.v..
Có bản Kiều thay cả cách diễn đạt, thêm câu.
Ví dụ: Trong các bản Kiều chúng ta đang dùng, đoạn kể về Kim Trọng nhận tin chú mất như sau:
Câu 529:
Cửa sài vừa ngỏ then hoa
Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang
531:
Đem tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề
Liêu dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang
Mảng tin xiết nổi kinh hoàng
536:
Băng mình lên trước đài trang tự tình
Cũng là kể sự việc trên, nhưng có bản lại ghi như sau:
Từ câu 531:
Mở xem thư bút nghiêm đường
Dạy rằng thúc phụ xa đường mệnh chung
Hãy còn ký táng Liêu Đồng
Cố hương khơi giếng nghìn trùng Sơn khê
Rày mang linh thân về quê
Thế nào con cũng phải về hộ tang
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng
538:
Vội vàng đến trước lầu trang tự tình
Như vậy cách diễn đạt đã có khác và dôi ra 2 dòng. Còn nhiều trường họp di bản khác, kể không hết!
Ý tưởng truy tìm bản Kiều gốc được nhiều người thực hiện, trong nhiều năm, ở khắp mọi nơi. Khi vấn đề này được nói tới trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì các nơi xa xăm (kể cả Việt Kiều ở nước ngoài) đã có những thông tin gửi về cho các nhà nghiên cứu Truyện Kiều.
Nhưng, mọi việc thật là khó, bởi vì cụ Nguyễn Du đã mất từ năm 1820! cách năm kỷ niệm lớn về Nguyễn Du 145 năm!
Với rất nhiều công sức của rất nhiều người, trong nhiều năm, kết quả việc truy tìm bản Kiều gốc đã có thể tổng hợp lại như sau (ghi theo thứ tự thời gian năm bản Kiều được in lần đầu).
1. Bản của Lâm Nọa Phu in năm 1870.
Là bản Kiều cổ nhất đã tìm thấy, nhưng cũng cách năm Nguyễn Du mất đến nửa thế kỷ!
2. Cũng trong năm 1870, có thêm bản in của Nguyễn Hữu Lập.
3. Bản của Liễu Văn Đường in năm 1871
4. Bản của Duy Minh Thị in năm 1872
5. Bản của Tăng Hữu Vương in năm 1874
6. Bản của Trương Vĩnh Ký (CT1) in năm 1875
Đây là bản in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên (theo chữ cái La tinh) có ghi SÀI GÒN, bản in NHÀ NƯỚC.
Thư viện Toàn quyền Pasquier
7. Bản của Thịnh Mỹ Đường in năm 1879
8. Bản của Quan Văn Đường in năm 1879
9. Bản của Thuận Thành in năm 1879
10. Bản của Nguyễn Văn Đường in năm 1879
11. Bản của Bảo Hoa Các in năm 1879
(năm 1879 là năm "nở rộ" việc in Truyện Kiều. Trong một năm mà có đến 5 bản khác nhau ra đời).
12. Bản của Liễu Văn Đường, tái bản có sửa chữa in năm 1886.
13. Bản của Tụ Hiền Đường, in năm 1886.
14. Tìm được một bản chép tay trên giấy bản ở Quế Võ, Bắc Ninh. Cuối bản có ghi năm chép xong là 1894.
15. Bản của Án Thư Hội in năm 1896.
16. Bản "Kim Vân Kiều tân truyện" do E.Nordeman phiên âm và phiên dịch được in ở Huế năm 1897.
17. Bản của Kiều Oánh Mậu in năm 1902.
18. Bản của Quan Văn Đường, có sửa, tái bản năm 1906.
19. Bản của Quan Văn Đường, tăng thêm phần bình luận và chú thích, in năm 1911.
20. Bản của Nguyễn Văn Vĩnh, đặt tên truyện là Kim Vân Kiều, in năm 1912.
Ngoài 20 bản khác nhau ở trên còn có những bản không ghi rõ năm in như sau:
21. Bản của Abel des Michels lấy tên là Kim Vân Kiều tân truyện, cùng với rất nhiều chú thích, đã in thành 3 tập.
22. Là một bản khắc ván in trên giấy gió, tìm được ở Kinh Bắc, Bắc Ninh. Đặc biệt là ở bản này, câu thứ 5 của Truyện Kiều được ghi là "Lạ gì bỉ sắc thử phong".
23. Là một bản Kiều nôm được lưu trữ tại thư viện Anh quốc...v.v...
Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, nhiều nhà xuất bản không ngừng cho ra mắt những bản Kiều mới. Mỗi chủ nhân có những lời tựa khác nhau, in thêm phần phụ lục với những lời bình khác nhau.
Xưa nay, người đọc vẫn ấn tượng nhất với lời bình của Mộng Liên Đường chủ nhân, nhận xét về tác giả Nguyễn Du:
..." Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thâm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi đau đớn như đứt từng khúc ruột".,. hoặc: “Nêu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy"...
3. Tin cuối cùng về bản thảo ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Năm 1945, ngày 19 tháng 8, cách mạng thành công ở Hà Nội, ngày 25 tháng 8. Cách mạng thành công ở kinh đô Huế.
Bốn ngày sau (29.8) một phái đoàn do ỏng Trần Huy Liệu dẫn đầu vào Huế gặp vua Bảo Đại.
Tại buổi lễ long trọng tổ chức trước cửa Ngọ Môn, vua Bảo Đại thoái vị, giao nộp đầy đủ ấn, kiếm cho cách mạng và tuyên bố một câu rất có ý nghĩa.
" Từ nay ta làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”
***
Chính quyền Cách mạng khẩn trương được hoàn chỉnh , Cụ Nguyên Đình Ngân được cử làm giám đốc " Văn hóa viện Trung Bộ " có nhiệm vụ tiếp thu toàn bộ sách và tài liệu của " Ngự tiền thư viện " ( thư viện riêng của Nhà vua)
Từ khi được giao nhiệm vụ cho đến lúc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19- 12-1946), trong hơn một năm, Cụ Ngân đã có điều kiện rà soát và phân loại các thứ giấy tờ, văn bản của nhà vua.
Sau này, cụ Ngân kể lại:
Trong rất nhiều tủ, rương, giá sách chứa đựng sách và tài liệu, cụ để ý thấy một bó giấy cuộn tròn to bằng cái cột nhà. Cụ đã dành thời gian mở ra xem
Tất cả các loại giấy tờ đều được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Có những bản khi gỡ ra liền bị rách nát (Do thời gian quá lâu hoặc do chất lượng giấy xấu )
Cụ đọc thấy một số thư từ bạn bè gửi cho Nguyễn Du, trong đó có thư của Phạm Quý Thích
Một số bản là ghi chép của Nguyễn Du như kiểu nhật ký
Cụ Ngân nhớ rõ có một bài viết bằng chữ Hán xen lẫn bốn bài thơ Nôm - Nguyễn Du ghi lại mối tình đầu của mình với nhan đề "Tình hận "
Một bản thảo Đoạn Trương Tân Thanh với nhiều chỗ xóa chữ này thay chữ kia. Cụ Ngân chưa có thì giờ đọc hết.
Tất cả thư từ, giấy tờ các loại đều là chữ của một người viết, nét chữ xương xương, cao cao và già giặn. Các tài liệu ấy chép trên nhiều loại giấy khác nhau. Có tờ là loại giấy quý, nổi tiếng của Trung Quốc. Có tờ là giấy nội hóa thông thường. Có tờ là loại giấy gói thuốc bắc mặt này ghi tên mấy vị thuốc, mặt kia chép một bài thơ chữ Hán. Có bài thơ đang làm dở dang.
Cụ Ngân mời một số nhân sĩ ở Huế đến " Văn hóa viên Trung bộ " ( Thư viên Huế hồi đầu cách mạng ) và mọi người đểu kết luận rằng : " bó giấy to cuộn tròn ấy chính là " di cảo của Nguyễn Du".
Nhưng tại sao " di cảo của Nguyễn Du" lại ở trong " Ngự tiền thư viện " ?
***
Cụ Nghè Nguyễn Mai ( 1876 - 1956 ) là cháu họ bốn đời của Nguyễn Du kể rằng : Vua Minh Mạng lúc đang là Hoàng tử Đảm thường được vua cha Gia Long cho dự các buổi chầu (CT2) đã chú ý đến một ông quan hơi khác người là Nguyễn Du . Hoàng tử Đảm nhớ rất rõ những lời vua cha nhắc nhở Nguyễn Du : " Nhà nước dùng ngươi đã phong đến bậc á - khanh. Tại sao trong các buổi chầu nhà ngươi không nói gì mà chỉ vâng vâng, dạ dạ mà thôi ! “ Thái tử Đảm hồi đó đã cho người bí mật điều tra Nguyễn Du, biết Nguyễn Du có người anh là Nguyễn Quýnh từng chống lại Tây Sơn, muốn phục hồi nhà Lê. Và chính Nguyễn Du cũng có tư tưởng ấy, còn nhớ nhà Lê nhiều hơn là tôn thờ triều đại mới. Việc ra làm quan của Ông chỉ là sự bất đắc dĩ.
Vì vậy, khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc.
Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng!
Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của Nguyễn Du "cũng không năm ngoài tình trạng " đốt làng " của giặc Pháp.
***
Những người theo đuổi việc đi tìm bản thảo ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH khi nghe tin trên đều lấy làm tiếc và thất vọng !
Tháng tám - Mùa thu - Năm 2016
Nguyễn Quang Hoài
(Thành viên CLB Cafe Truyện Kiều- ĐT: 0942 990 625)
Bài viết thứ 41 phục vụ cho sinh hoạt CLB Cafe Truyện Kiều
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.