Nguyễn Du

Loading...

Di sản tư liệu phải ‘sống’ thì lưu trữ, bảo tồn mới bền vững

Tới thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP. Đà Lạt), sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phát huy giá trị, đưa các di sản tư liệu đến với công chúng.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nơi lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn  - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết hiện 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức Trung ương thuộc các chế độ khác nhau; của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử.
 
Những tài liệu này phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến nay. Những tài liệu còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng và có giá trị đặc biệt trong Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.
 
Đặc biệt, trong đó có khối tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn” được UNESCO công nhận là tư liệu Di sản thế giới (năm 2009); khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận tư liệu Di sản thế giới (năm 2017); tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (năm 2016).
 
“Bên cạnh làm tốt công tác lưu trữ thì vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao đưa khối tài liệu đang bảo quản, trước hết là di sản tư liệu đến với công chúng để phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc”, ông Đặng Thanh Tùng trăn trở.
 
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên tại các trung tâm lưu trữ trong công tác bảo quản, lưu trữ khối lượng tư liệu rất lớn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử to lớn trong các tài liệu lưu trữ.
 
“Trước đây, nhiều người hình dung công tác văn thư, lưu trữ là bạt ngàn công văn, giấy tờ, ít người hiểu rằng đây còn là một chuyên ngành khoa học không chỉ có tính hành chính mà còn mang trong đó giá trị lịch sử, văn hoá sâu sắc. Những năm gần đây, anh em làm văn thư, lưu trữ đã cố gắng đưa vào tư duy mới không chỉ là lưu trữ đơn thuần mà bước đầu đã gắn với việc phát huy giá trị của các khối tài liệu, bằng nhiều cách khác nhau, để phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu…”, Phó Thủ tướng nói.

 

Ảnh VGP/Đình Nam
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác lưu trữ phải bước sang một giai đoạn mới hoàn toàn, trong đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nhanh chóng số hóa toàn bộ các tài liệu lưu trữ, trước hết là các di sản tư liệu. Đây còn là cơ sở để ngành lưu trữ Việt Nam và Pháp có thể hợp tác nhằm chia sẻ, “hợp nhất” toàn bộ khối tài liệu, tư liệu lịch sử của Việt Nam đang được lưu trữ tại hai quốc gia.
 
“Lưu trữ không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu mà cán bộ lưu trữ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ, gợi mở những hướng nghiên cứu mới, hay tự triển khai các đề tài độc lập. Ngay đối với Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn,... cũng có nhiều giá trị cần được làm sáng tỏ ngoài việc đây là tư liệu công văn hành chính của Nhà nước mà còn thể hiện tinh thần minh bạch hóa, công khai hóa những gì chính quyền đang làm đến với người dân hay chất liệu để làm mộc bản, các loại sơn, mực được cha ông sử dụng để chống ẩm mốc, mối mọt…”, Phó Thủ tướng gợi ý.
 
Nhấn mạnh di sản không phát huy được giá trị thì công tác bảo tồn, lưu trữ không hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ VHTT&DL phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẩn trương nghiên cứu phương án số hóa tài liệu lưu trữ một cách đơn giản, thuận tiện nhất, trước hết là các di sản tư liệu như “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn”, bảo vật quốc gia,... trên tinh thần xã hội hóa… đưa đến công chúng thay vì “số hóa rồi lại bỏ vào kho”; đưa những tư liệu số hóa lên Hệ tri thức Việt số hóa để làm nền tảng cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo…
 
 
Theo Đình Nam/chinhphu.vn
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.