Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đền Đô Đài, thờ gián quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ

Đền Đô Đài nơi thờ gián quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, được công nhận di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia. Là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời Lê sơ mà sách Hiến chương loại chí ghi nhận: “ dấu tích thiêng liêng của bậc danh thần”. Ngày nay, đền cổ dưới chân núi Bạch Ty, dãy Hồng Lĩnh, ở bên đường tránh quốc lộ 1A, các hạng mục di sản được bảo tồn chu đáo, xứng tầm đóng góp của ông với nước.
 
 
Đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ
 
Gỡ tội giúp người phụ nữ mắc hàm oan giết chồng
 
Bùi Cầm Hổ, (1390-1483) người xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc ( nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh) phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh). Trong dân gian có huyền thoại khá thú vị: Lúc sinh, có hổ gầm sau nhà, nhân đó lấy tên Bùi Cầm Hổ: “Tiểu sử, hành trạng Bùi Cầm Hổ trong sử sách, gia phả chép khá đầy đủ, rõ ràng; nhưng khi đi vào dân gian, trên nhiều mặt ông được dân gian huyền thoại hoá. Đã có khá nhiều câu chuyện kể về ông: khi sinh ông, hổ gầm thét sau nhà, ông được đặt tên Hổ là vì thế”. ( Bùi Cầm Hổ. Sách Danh nhân Hà Tĩnh tập 1. Tr.134)
 
Theo dân gian, khi còn nhỏ nhà nghèo ham học hỏi, ông có lúc phải làm mục đồng chăn bò thuê cho nhà giàu, dầm mưa dãi nắng núi Hồng, ngụp lặn sông Lam. Thấy con hiếu học, cha mẹ cho Cầm Hổ ăn học kiếm chút chữ nghĩa. Lớn lên ông ra Thăng Long du học và có cơ duyên đi làm quan. Bấy giờ xẩy ra vụ án “vợ đầu độc” giết chồng bằng cháo lươn, quan án xử chết nhốt ngục sắp đưa ra trảm. Diễn biến vụ án như sau: Người chồng buôn bán đất người mới về, người vợ nấu bát cháo lươn cho ăn. Chồng ăn xong bát cháo thì đột ngột chết. Vợ bị tố giác đầu độc giết chồng, quan sở tại bắt giam, xét xử bằng bản án giam lại chém sau.
 
Thư sinh nghèo Bùi Cầm Hổ tìm hiểu thấy dân khen ả đoan trang, biết chắc thị mắc hàm oan. Cầm Hổ đến công đường đánh trống kêu oan giúp người phụ nữ xa lạ: “Tìm hiểu nguyên nhân ông biết người đàn bà kia bị oan. Ông nhận làm minh chứng để gỡ tội cho người ấy. Chỉ cần tìm mua loại lươn vàng, ở cổ có những chấm đen lốm đốm, thả vào chậu nước đầu nó ngẩng lên cao như đầu rắn, đó chính là loại lươn độc, ăn nhầm, ngộ độc chết ngay. Được xác nhận đúng là loài lươn ấy, quan xử kiện sai nấu cháo cho người tử tù ăn. Kết quả thử nghiệm đúng như thế. Người vợ kia khỏi tội. Tiếng đồn dẫy khắp kinh kỳ. Tuy chưa thi đỗ, ông vẫn được triều đình đặc cách trọng dụng”. ( Danh nhân Hà Tĩnh. Tr 129).  
 
 Nói thẳng không sợ quyền thần
 
Trong thời gian làm quan giúp nhà Hậu Lê, ông Bùi Cầm Hổ từng giữ chức Ngự sử Đô đài, An phủ sứ trấn Lạng Sơn, lại được phục chức Ngự sử trung thừa, đời Lê Nhân tông thăng chức Tham tri chính sự, chức Á tướng, tương đương Bồi tụng thời Lê-Trịnh. Hai lần đi sứ nhà Minh. Đó là vào mùa hạ, ngày 8. 4 năm Quý Sửu (1433), Thuận Thiên 6, vua Thái tổ sai bọn bồi thần Trần Thuận Du, Nguyễn Khả Chi, Bùi Cầm Hổ sang nhà Minh tiến cống và giải trình việc hàng năm cống vàng. Lần thứ 2, ngày 20.12 năm 1438, vua Thái tông sai Lê Bá Kỳ và Bùi Cầm Hổ, đi sứ sang nhà Minh tâu việc địa phương Thái Bình.
 
Khi làm gián quan Ngự sử Đô đài, Bùi Cẩm Hổ nổi tiếng một danh quan liêm khiết, không sợ quyền thần, đứng thẳng thực hiện nhiệm vụ hặc tội các quan, thi hành quyền can gián khi vua làm những việc sai trái so với chiếu chỉ của tiên đế:“Trong thời Lê Thái Tôn, vua làm nhiều việc trái với di huấn của Tiên đế. Bằng mọi cách, ông và nhiều triều thần cật lực can ngăn; ngay đối với Lê Sát – tể tướng đương triều làm nhiều việc sai trái, lộng quyền, ông cũng đã dâng sớ hặc  tội.”(Sđd).
 
 Theo sử ký, khi về già vua Thái tổ có ý ngờ vực Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo mưu phản. Bọn Trình Hành Bá, Nguyễn Tông Chỉ, Lê Đức Dư, Lê Quốc Khí xiểm nịnh, dâng mật sớ xui vua giết Hãn và Xảo. Thái tổ biết bọn Trình Hành Bá là quân tiểu nhân xảo quyệt nên đã đuổi đi và ra sắc lệnh cấm sử dụng chúng làm quan. Năm 1434, Đại tư đồ Lê Sát cho là Trình Hành Bá có tội nhưng có tài, sai người ghi vào sổ quan cũ để khôi phục chức quan cho chúng. Ngự sử Bùi Cầm Hổ tâu lên vua : “Tiên đế đã có lệnh là bọn Lê Quốc Khí, Trình Hành Bá, Lê Đức Dư có tài, nhưng không được dùng lại nữa. Bề tôi có kẻ nào mưu việc phản nghịch cần phải tố cáo cũng không cho chúng được cáo giác. Nếu dùng lại thì trái lệnh của Tiên đế. Vả lại những kẻ như bọn Hành Bá thì ai dùng nữa.”
 
Danh quan Bùi Cầm Hổ quý trọng và bảo vệ những người trung trực, dám nói thật, nói thẳng. Thời bấy giờ, Lê Sát xui vua Thái tông lấy tiền của quốc khố, huy động sức dân xây dựng nhiều chùa chiền xa xỉ. Sử ký chép sự việc triều đình dựng chùa Báo Thiên, công việc thổ mộc nặng nhọc, bắt dân phục dịch rất khổ. Người thợ cả Cao Sư Đảng làm việc vất vả nói trộm rằng: “Thiên tử không có đức để đến nỗi hạn hán, lũ lụt. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiên đạo mà phải làm chùa to thế”. Có kẻ xu nịnh, cáo giác với Lê Sát, làm quan Đại tư đồ nổi giận. Thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói: “Nó dám nói đến việc nước, nên chém”. Bùi Cầm Hổ và Nguyễn Thiên Hữu xin tha tội cho Sư Đảng, nhưng bị Lê Sát bác bỏ, lôi thợ cả họ Cao ra chợ chém đầu. Bấy giờ Lê Sát giữ việc nước, chuyên quyền lộng hành, ghen ghét bậc hiền tài, truất chức Trịnh Khả, bãi chức Bùi Ư Đài, “đuổi Bùi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi”. Sử ký chép tháng 9 năm 1434 lấy Ngự sử Bùi Cầm Hổ, làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn.
 
Đến tháng  7 năm 1437, ông Hổ được phục chức cũ, gọi về triều: “ Lấy An phủ sứ lộ Lạng Sơn làm Ngự sử trung thừa, vì Bùi Cầm Hổ trước đã hoặc tội Lê Sát” ( Bản kỷ thực lục. Q 11). Là người trung nghĩa, ông Hổ từng bị Lê Sát trù dập đủ điều, đày đoạ điều chuyển tới nơi “ma thiêng nước độc”, vậy mà khi ngồi ghế xét tội của Sát, không lấy thù riêng trả đũa. Lúc vua ra lệnh chém đầu Lê Sát để đưa rao bêu xấu ở chợ. Bùi Cầm Hổ can ngăn: “Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần nếu đem xác đi rao làm nhục, e rằng để tiếng chê cười cho đời sau”.
 
Lao tâm khổ tứ lo việc an nguy, thành bại của triều đình, tuyển chọn việc nước. Thấy vua chọn Lê Đỗ làm Chính sự viện đồng Tham nghị, không phù hợp. Ông Hổ can gián: “Chức Tham nghị quan hệ đến việc phụ chính, không phải bậc lão thành thì không làm được. Nay Lê Đỗ là người nhiều lầm lỗi mà thăng lên chức ấy thì làm sao cho được.” Vua không nghe lời can ngăn. Bùi Cầm Hổ nói thẳng: “Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái tổ, ví như Lỗ bộ ty Đồng giám Lương Năng, Tiên đế cho là người hơi hiểu biết, dùng làm Hội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm không thể gần gủi được cho ra làm văn đội. Nay lại thấy hắn làm quan, xin bệ hạ nghĩ lại”. (Bản kỷ thực lục. Q11). Ở huyện Thạch Thất có một nhánh sông, thuyền bè có thể qua lại được. Vậy mà Tổng quản Lê Hiển cậy quyền thế lấp sông, để chiếm làm của riêng, do đó thuyền bè qua lại bị cản trở. Bấy giờ Trần Hiển, làm Chuyển vận sứ huyện đó là người cương trực, thẳng thắn không sợ quyền thế đã can thiệp. Ông tâu lên: “Trần Hiển không né sợ quyền thần có thể phong cho Hiển làm Thị Ngự sử. Vua Thái tông nhất trí ra sắc phong.
 
Thời Lê Nhân tông, tháng 4 năm 1449, bị hạn hán, vua làm lễ cầu mưa, sai Tham tri Bùi Cầm Hổ và Lễ bộ Lang trung đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo. Từ đây sử không ghi chép công trạng Bùi Cầm Hổ.
 
Hậu thế đánh giá “bậc hào kiệt trong lớp sĩ phu đương thời
 
Thời Lê Thánh tông, sử ký không ghi chép gì về Bùi Cầm Hổ. Một số sách địa chí như “Nghệ An ký” “Danh nhân Hà Tĩnh” có ghi thêm về ông: “Trải qua 3 đời vua Thái tổ, Thái tôn và Nhân tôn. Khi được nghỉ về quê, ông vẫn chăm lo đồn điền, rừng núi như một lão nông. Ông đã cùng dân làng xây một con đập bằng đá, chặn dòng khe Vẹt, khai thông lòng khe, bắt nguồn nước chảy theo một hướng từ đỉnh núi đổ về, tưới cánh đồng làng ông rộng mấy trăm mẫu, xưa nay, kinh biên hạn hán. Ông đã trở thành một trong những vị “tổ sư” ở vùng Nghệ Tĩnh và trong cả nước đắp đập đào kênh, dẫn nước tưới ruộng.”( Sđd. Tr.130)
 
Đánh giá về ông, nhà sử học tiến sĩ Lê Quý Đôn nhận xét: “Bùi Cầm Hổ là một  sĩ phu luôn luôn trung thực, chính đáng, phong độ cao đẹp, chẳng những giúp nhà vua tiến theo con đường đạo đức mà bọn công thần, võ tướng đều phải nể sợ, không dám làm càn”. (Lê Quý Đôn toàn tập. T3. Tr. 166). Thời gian làm Hiệp trấn Nghệ An, Hoàng giáp Bùi Huy Bích viết: “ Ông (Bùi Cầm Hổ) từng đi sứ Bắc quốc, trấn trị biên cương, lấy chính đạo ứng xử mọi việc triều chính; nói năng bàn bạc công việc thẳng thắn, dứt khoát, dáng phong tiết của người đương chức Ngự sử. Ông khen ngợi là bậc hào kiệt trong lớp sĩ phu đương thời.” ( Bạch Ty Sơn thần quân chí lược).
 
Sử sách ghi chép khi Ngự sử Đô đài Bùi Cẩm Hổ mất, triều đình tặng phong Bỉnh quân Đại vương Thượng Đẳng phúc thần. Đền thờ được nhân dân xây dựng bên hữu ngạn con khe Vẹt, trước chân núi Bạch Ty, bên cạnh dường tránh quốc lộ 1 A, thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền thờ ông được bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia Đô Đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Đền hiện đang lưu giữ di sản văn hoá phi vật thể “ Lễ Hội Đô Đài” còn gọi là “Lễ Hội Báo Ân”, một trong những lễ hội lớn ở xứ Nghệ xưa và nay.
 
 
Bài và ảnh:  Đặng Viết Tường

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.