Nguyễn Du

Loading...

Để lễ Vu lan thêm ý nghĩa

Hằng năm, Vu lan là ngày lễ quan trọng không chỉ với các tăng ni, Phật tử mà còn với nhiều người Việt Nam, là dịp báo hiếu, tri ân đấng sinh thành, thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của giáo lý Phật giáo. Để hiểu hơn ý nghĩa của lễ Vu lan cũng như thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.
 
Các tăng ni, Phật tử tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội là việc làm ý nghĩa dịp lễ Vu lan năm nay.
 
- Trước tiên, xin Thượng tọa cho biết ngày lễ Vu lan có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam?
 
- Hằng năm, vào ngày rằm tháng Bảy, người theo đạo Phật cũng như nhiều người dân trên khắp mọi miền đất nước lại trở về các chùa thiết lễ cúng dàng Tam bảo, cầu siêu, với mong muốn cầu nguyện những người thân quá cố được siêu thoát về cảnh giới an lành. Theo tục lệ dân gian Việt Nam và một số quốc gia Đông Á thì ngày rằm tháng Bảy còn gọi là ngày xá tội vong nhân. Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì ngày này còn có nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà các phật tử cần hiểu rõ để khi đến chùa thiết lễ cúng dàng không bị người đời cho là mê tín.
 
Đó là Phật tử hãy ghi nhớ những lời Phật dạy để hằng ngày tu tập, hồi hướng công đức về cho cha mẹ ông bà, nhất là trong ngày lễ Vu lan rằm tháng Bảy. Bên cạnh đó, người theo Phật hay không theo đạo Phật cần tận tâm phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống. Vì thế, một trong nghi thức quan trọng của ngày lễ Vu lan là nghi thức bông hồng cài áo dành để tưởng nhớ hai đấng sinh thành đã tạ thế và tôn vinh cha mẹ còn sống. Trong lễ Vu lan hằng năm, các Phật tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ màu trắng sẽ được cài lên áo của những người đến chùa dự lễ.
 
- Vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội sẽ tổ chức những hoạt động gì trong dịp lễ Vu lan năm nay, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thưa Thượng tọa?
 
- Lễ Vu lan năm nay vào đúng ngày 22-8-2021, diễn ra theo chương trình Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Mới đây, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các chùa trên địa bàn căn cứ tình hình dịch ở địa phương để tổ chức các hoạt động nhân mùa Vu lan phù hợp với truyền thống Phật giáo, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
 
Thực tế cho thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, thị xã và tăng ni trụ trì các chùa thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch. Trong đó, khuyến cáo Phật tử sinh hoạt tu tập tại tư gia theo hướng dẫn của Ban Hoằng pháp và thực hiện nghi lễ tâm linh nhân mùa Vu lan tại nhà bằng các chương trình tu học trực tuyến; lễ cầu siêu gia tiên cũng như Anh hùng liệt sĩ và nạn nhân chết do dịch Covid-19 được các chùa tổ chức bằng hình thức trực tuyến, tùy theo điều kiện, nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
 
- Thực tế, có nhiều người còn băn khoăn về việc không có mặt trực tiếp tại các chùa để dự lễ Vu lan thì sẽ không trọn lòng thành. Thượng tọa có lời khuyên gì về việc này?
 
- Theo tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” thì tất cả Phật tử - những người con Phật - đều có thể thực hiện nghi thức Vu lan mọi lúc, mọi nơi tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nghi lễ cúng tổ tiên, thực hành đạo hiếu tại nhà là một việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực trong lúc này.
 
- Để có một mùa Vu lan báo hiếu thật ý nghĩa, mỗi người dân Thủ đô cần làm gì, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay?
 
- Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta ở rất nhiều lĩnh vực; nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, đời sống khó khăn thiếu thốn, tâm lý tinh thần hoang mang… Tuy nhiên, chính trong cơn hoạn nạn ấy, chúng ta thấy vô cùng ấm lòng vì “Tình người trong đại dịch" của những người con Phật. Trong đó, tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương. Song song, hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu, hàng trăm nghìn suất cơm từ thiện đã được gửi đến tay đồng bào và những lực lượng tuyến đầu chống dịch…
 
Đặc biệt, nhiều tăng ni, Phật tử đã phát tâm tham gia tuyến đầu chống dịch và những nơi dịch bệnh khó khăn nguy hiểm nhất. Đó chính là tấm gương hiếu đạo, hiếu hạnh sáng ngời mà mỗi Phật tử cũng như người dân Thủ đô cần phát huy hơn nữa để có một mùa Vu lan báo hiếu thật ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19.
 
- Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!
 
Theo Đình Hiệp/Báo HàNộimới
 

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.