Nguyễn Du

Loading...

Để câu Kiều còn mãi ngân xa

Suốt 46 năm qua, dù cuộc sống gắn bó với nghề chài lưới ở vùng cửa biển rất khó khăn, thế nhưng ông Nguyễn Huýnh (68 tuổi) và vợ Lê Thị Hạp (67 tuổi, ở làng Cam Lâm, nay là thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn một lòng son sắt, giữ gìn, bảo tồn và phát triển vẹn nguyên giá trị của trò Kiều - một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo được chuyển tác, xây dựng trên cơ sở Truyện Kiều nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du.
 
Ông Huýnh biểu diễn một động tác trong trích đoạn trò Kiều
 
Đến với trò Kiều
 
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà gỗ cấp 4 cũ kỹ của ông Huýnh, bà Hạp ở cuối thôn Lâm Hoa, đây cũng chính là “sân khấu” mà ông bà dùng làm địa điểm để Câu lạc bộ (CLB) trò Kiều xã Xuân Liên sinh hoạt, tập luyện và cất giữ đạo cụ, trang phục. Ông Huýnh kể, vốn sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ làm nghề đi biển, năm lên 8 tuổi, ông được bố là Nguyễn Hoằng bắt đầu cho tiếp cận và truyền dạy về trò Kiều. Lớn lên ông thường xuyên được theo bố đi khắp các đình làng trong xã, huyện xem và tham gia diễn xuất vai phụ trong trò Kiều, rồi được các thầy cô giáo trong nhà trường truyền dạy thêm, từ đó niềm đam mê trò Kiều đã ngấm dần vào trái tim, trí óc của ông. Tháng 10-1967, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và bị thương ở đầu. Năm 1969, ông về địa phương và xây dựng gia đình với bà Hạp, khi đó bà vừa là cô giáo dạy học trên địa bàn vừa làm y tá và đặc biệt là cũng có niềm đam mê cháy bỏng với trò Kiều.
 
Trước đây, ở địa bàn huyện Nghi Xuân, trò Kiều phát triển rất mạnh, thu hút nhiều người dân đam mê và xem nó như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất. Họ hát Kiều, diễn trò Kiều lúc đi làm đồng, khi ngồi khâu nón, dệt vải, đan rổ rá, nong nia hay đi biển... Mọi niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm đều có thể được biểu hiện thông qua những câu Kiều. Không chỉ các cụ ông, cụ bà mà nam thanh, nữ tú ở trong vùng hễ cứ lớn lên đều thuộc lòng mấy câu Kiều, ra đường họ còn vận dụng để thay cho cách nói chuyện, chào hỏi thông thường, thành ra cả làng đâu đâu cũng rộn rã hát trò Kiều.
 
Một thời gian dài do chịu ảnh hưởng của chiến tranh, sự tác động của các thể loại âm nhạc hiện đại tràn ngập thị trường đã khiến trò Kiều ở huyện Nghi Xuân ngày càng bị rời rạc và mai một dần. Từ chỗ 6 xã có phong trào trò Kiều đã giảm xuống chỉ còn Tiên Điền và Xuân Liên là hai xã có đội diễn trò Kiều riêng được duy trì khá ổn định.
 
Cùng nhau bảo tồn
 
Năm 1969, khi chứng kiến trò Kiều đang đứng trước hoàn cảnh bị thất truyền bởi kịch bản bị xáo trộn, mất mát, sau nhiều lần suy nghĩ, bàn bạc phải làm sao giữ gìn lại nét đẹp văn hóa truyền thống của những câu hò, điệu Kiều mộc mạc, giản dị này, ông Huýnh và bà Hạp đã quyết định tìm đến các cụ ông, cụ bà cao tuổi vốn có tâm huyết với trò Kiều ở xã Xuân Liên, Tiên Điền rồi cùng nhau ngày đêm nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung hoàn thiện kịch bản và bắt đầu tiến hành khôi phục lại CLB trò Kiều. Ban đầu, CLB có 18 người tham gia, chủ yếu là các cụ lớn tuổi, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, do ông Huýnh làm chủ nhiệm vừa đảm nhận vai Kim Trọng, vừa trực tiếp làm tổng đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, hóa trang, làm đạo cụ, sáng tác kịch bản, dàn dựng câu chuyện, chọn diễn viên… Mỗi lần có dịp đi biểu diễn xa ở trên huyện, tỉnh hoặc ở các địa bàn lân cận thì kinh phí hoàn toàn do các thành viên trong CLB tự kêu gọi vận động hoặc bỏ tiền nhà ra.
 
Tuy khó khăn là vậy nhưng ông Huýnh, bà Hạp và các thành viên trong CLB chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, bỏ vai diễn mà luôn luôn động viên nhau cùng cố gắng vượt qua. Chính nhờ vậy mà đến nay, CLB trò Kiều xã Xuân Liên vẫn phát triển ổn định, thu hút thêm được lớp diễn viên mới 14 người (6 nữ, 8 nam, trong đó người lớn tuổi nhất là 68 tuổi, trẻ nhất là 22 tuổi) có niềm đam mê nghệ thuật cổ và được truyền nghề bài bản. Mỗi tuần, các thành viên CLB tập trung về tại nhà ông bà Huýnh sinh hoạt, tập luyện 1 đến 2 buổi, từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30. Thời gian này do đang chuẩn bị cho biểu diễn trong lễ kỷ niệm 250 ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức vào tháng 11-2015 tại Khu di tích Nguyễn Du, nên CLB đã tăng thời lượng sinh hoạt, luyện tập đều đặn vào tất cả các buổi tối trong tuần.
 
Ông Huýnh chia sẻ: “Muốn gắn bó với trò Kiều thì phải có niềm say mê và tâm huyết, nếu không chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng sẽ bỏ bê giữa chừng. Ngoài ra, còn phải có một chút năng khiếu hát Kiều, diễn Kiều. Trò Kiều đã được hồi sinh ở Xuân Liên, nhưng trong tương lai để thu hút, bảo tồn, phát triển và truyền lại cho các thế hệ trẻ kế cận vẫn là một điều khó khăn, trăn trở bởi lớp trẻ bây giờ rất ít người thích thú với trò Kiều. Họ cho rằng, theo nghiệp này không đủ để kiếm sống. Vì thế, đa số đám thanh niên trong làng, xã sau khi học xong đều đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hoặc vào miền Nam, ra miền Bắc, lên Tây Nguyên làm công nhân. Vì vậy, nguyện vọng cuối đời của chúng tôi là sớm được chính quyền địa phương, các cấp ngành triển khai, vận động trong các nhà trường, lớp học phổ biến trò Kiều như là một môn học cụ thể, còn tại các làng ở Nghi Xuân hàng tuần, hàng tháng tổ chức các đợt sinh hoạt văn hóa trò Kiều đến tận người dân. Có như vậy trò Kiều mới được bảo tồn bền vững”.
 
Ghi nhận những đóng góp của ông Huýnh đối với trò Kiều, năm 2012, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao cho ông danh hiệu Nghệ nhân dân gian, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự cống hiến xuất sắc về xây dựng và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù, trò Kiều…
 
Trò Kiều gồm có hát trò, trong hát trò lại có những làn điệu nam ai, nam bằng, nam khách, nam thương, hát xướng, hát ca trù, hát bội, xẩm xoan, tuồng, chèo, hài hước… Tuy trò Kiều được kết hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng nội dung cốt lõi vẫn xoay quanh Truyện Kiều, với các vai diễn hóa thân như Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư, Thúy Kiều, Thúy Vân, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến.
 
 
Theo Dương Quang/sggp.online
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.