Nguyễn Du

Loading...

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU...
 
 
Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.
 
Có được đề tài thích hợp rồi tôi liền bỏ ra vài ngày để tìm một số tài liệu và để tham khảo một số bạn bè nhằm rủ họ chia sẻ những ý kiến, quan niệm của họ về Cụ NGUYỄN DU và danh tác của Cụ.
 
Tình cờ, đúng lúc đó lại là ngày họp của CLB Sách Xưa và Nay mà tôi là Chủ nhiệm, tôi liền đem vấn đề ra trình bày trong phiên họp, thì ôi thôi, thật là vui, vì các thành viên người nào cũng có ý kiến riêng, chẳng ai chịu ai, và trong số các ý kiến được đưa ra có những ý kiến rất vui, mà tôi chỉ xin kể ra sau đây hai ý kiến để mọi người cùng thưởng thức, đại khái có một thành viên đã cho rằng “Cụ NGUYỄN DU đã vi phạm bản quyền cuốn Kim Vân
 
Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân”. Ôi thật quá vui, vì khi phát biểu như vậy, vị đó đã quên không nhớ ra rằng trên đời này làm quái gì có thứ bản quyền gì trên cả 100 năm, nhất là Công Ước Berne về quyến tác giả, mãi tới năm 1886 mới ra đời! Một vị thứ nhì thì nhất định khẳng định là Cụ NGUYỄN DU đã “dịch Kim Vân Kiều Truyện (văn xuôi) của Thanh Tâm Tài Nhân”. Người viết liền trả lời là “với dịch thì nguyên tắc cơ bản là phải chuyển tải thật chính xác nguyên tác từ một thứ tiếng này sang một thứ tiếng khác” chứ không thể nào dịch khác đi được. Khi nghe người viết nói vậy, vị đó khẳng định rằng Cụ Nguyễn Du của chúng ta đã dịch y nguyên Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, có khác thì chỉ khác ở chỗ cụ dịch thành thơ lục bát thay vì văn xuôi, và thách người viết đưa ra một bằng chứng là “có chỗ dịch không chính xác theo nguyên tác”. Rất may là tôi đã nhớ kịp một chi tiết rất thuyết phục. Đó là thực ra, Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã lấy cảm hứng từ một truyện Vương Thúy Kiều ở trong tác phẩm Ngu Sơ Tân Chí của một tác giả khác tên là Dư Hoài, và theo tác giả Dư Hoài này thì các nhân vật Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến là những nhân vật có thật trong đời chứ không phải chỉ là những nhân vật tiểu thuyết. Và trong truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài thì Thúy Kiều đã tự vẫn và chết ở sông Tiền Đường, chỉ khi Thanh Tâm Tài Nhân viết thì Kiều mới được Vãi Giác Duyên cứu sống để sau này “tái hồi Kim Trọng”. Và đúng là truyện KIỀU của Cụ NGUYỄN DU cũng viết đúng vậy, tuy nhiên trong truyện KIỀU của Thanh Tâm Tài Nhân và truyện KIỀU của Cụ NGUYỄN DU vẫn có một điểm khác nhau không giống tí gì cả, và đó là ở đoạn Kiều xử án Hoạn Thư.Trong đoạn này theo bản của Cụ NGUYỄN DU của chúng ta thì Kiều tha bổng Hoạn Thư, trong khi trong bản của Thanh Tâm Tài Nhân thì tuy tha chết nhưng phạt 100 hèo khiến Hoạn Thư tơi tả gần chết. Do đó nói Cụ NGUYỄN DU dịch là không đúng mà đúng ra là Cụ chỉ đọc và phỏng theo cốt truyện để đã để lại cho đời 3254 câu thơ lục bát tuyệt vời, đã khiến Cụ được muôn thuở lưu danh, và được người đời ở khắp nơi biết tiếng.
 
Sau vài ngày đọc lại và tham khảo ý kiến bạn bè, người viết có tiếp nhận được vài ý kiến và quan niệm sau đây về Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU rất là đơn giản, tổng quát, và không kém phần chính xác:
 
A/ Truyện KIỀU là một truyện kể bằng thơ tiêu biểu nhất trong nền văn học nước ta, có thể nói là chưa thấy truyện thơ nào tuyệt vời bằng.
 
B/ Đây là một truyện bằng thơ được viết bằng thể lục bát truyền thống và thành công nhất, từ cách gieo vần đến cách sử dụng từ ngữ, vừa phong phú vừa điêu luyện. Đặc biệt nhất là cách sử dụng từ láy nhiều nhất trong các danh tác của nước ta.
 
 C/ Truyện KIỀU đã vượt qua được sự thử thách của thời gian, đã đi sâu vào lòng người, và có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả mọi tầng lớp người Việt chúng ta, từ người bình dân cho đến các người trí thức, chẳng có ai là không biết về truyện KIỀU và thuộc vài câu KIỀU. Ngoài ra nhiều người còn sử dụng truyện KIỀU theo cách mê tín …để Bói Kiều nữa.
 
D/ Thông thường thì các nhà văn, nhà thơ khi viết truyện hoặc làm thơ đều cố gắng mô tả tính cách các nhân vật để người đọc hiểu và cảm thụ. Riêng đối với truyện KIỀU thì điểm này rất độc đáo, vì người đọc có thể dùng những nhân vật truyện KIỀU để mô tả những tính cách của người đời ví dụ như Sở Khanh để tả kẻ không chung tình, xong việc là quất ngựa truy phong, như Hoạn Thư để tả các quý bà hơi bị quá ghen vv…
 
E/ Cụ NGUYỄN DU xứng đáng là một Đại Văn Hào vì, qua truyện KIỀU, ngoài những ưu điểm về văn học, Cụ đồng thời còn là một danh họa vẽ nên những bức tranh, những cảnh đời, qua những câu thơ. ( Nhà văn NTM)
 
Qua mấy ý nghĩ và quan điểm trên, chúng ta đã thấy Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU được người Việt chúng ta biết đến và quý trọng như thế nào, ngay sau đây tôi sẽ chứng tỏ và đưa ra những bằng chứng là Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU của chúng ta cũng được Tây Phương biết đến và trân trọng đến mức nào.
 
Bằng chứng mà người viết muốn nói đến là việc danh tính và tác phẩm KIM VÂN KIỀU của Cụ được người Pháp trang trọng đưa vào BỘ TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ (DICTIONNAIRE DES OEUVRES de Tous les Temps et de Tous les Pays) rất nổi tiếng của họ. Bộ Tự Điển này được Hiệp hội biên soạn Tự điển và Bách khoa toàn thư xuất bản ở Paris vào năm 1953, thoạt đầu gồm 4 cuốn trên 3000 ngàn trang (khổ 22x30cm) với 16000 danh tác thuộc tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Tới năm 1962, bộ Tự Điển này được tái bản lần thứ tư (người viết có trong tay bộ tái bản lần thứ tư này), và sau đó vào năm 1968 được bổ xung thêm một cuốn thứ 5 ( in lần thứ nhất, cùng khổ 22x30cm và dày 765 trang). Thực ra bộ Từ điển tuyệt vời này không chỉ giới thiệu có các tác phẩm được coi là các danh tác của thế giới, vì đi cùng với bộ này và được xuất bản cùng thời gian còn có bộ TỰ ĐIỂN CÁC TÁC GIẢ (DICTIONNAIRE DES AUTEURS) gồm 2 cuốn, cùng khổ với số trang gần bằng số trang của mỗi cuốn trong bộ về các tác phẩm. Và sau cùng còn có Cuốn TỰ ĐIỂN CÁC NHÂN VẬT, được xuất bản cùng thời gian với hai bộ trên (1 cuốn duy nhất cùng kích cỡ và số trang gần bằng với số trang của mỗi quyển của 2 bộ nói trên). Tóm lại cả 3 bộ nói trên là 8 cuốn cộng với một cuốn Thư Mục (Index) của bộ Các Tác Phẩm, tổng cộng là 9 cuốn, mà người viết lại may mắn có đủ cả 9 cuốn trong tủ sách chơi sách của mình. Tất cả 8 cuốn của ba bộ nói trên (trừ cuốn thứ 9 là cuốn Thư Mục) đều được minh họa bằng gần 10.000 minh họa, hình ảnh, tranh vẽ, đen trắng và có màu thật tuyệt vời (mời xem các hình phụ bản). Nhưng vẫn chưa hết, vì tới năm 1980, với sự đồng ý của người chủ xướng làm ra mấy bộ Tự điển nói trên, Valentino Bompiani (1898-1992), một người Ý, chủ một nhà xuất bản lớn ở Ý, và của nhà xuất bản Robert Laffont ở Pháp, CLB Pháp Quốc Nhàn Hạ (Club France Loisirs) đã cho ra đời bộ TÂN TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ (NOUVEAU DICTIONNAIRE DES OEUVRES de Tous les Temps et de Tous les Pays), lần này gồm 4 cuốn, khổ 13 x 21cm, dày tổng cộng cả 4 cuốn là 7682 trang và 407 trang Thư Mục, đi cùng với 2 cuốn TÂN TỰ ĐIỂN TÁC GIẢ CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ (NOUVEAU DICTIONNAIRE DES AUTEURS de Tous les Temps et de Tous les Pays) cũng cùng kích cỡ và dày gần 4000 trang cho cả 2 cuốn. Điểm đặc thù đáng chú ý là tất cả 6 cuốn của hai bộ mới này đều không có minh họa nào, mà chỉ có chữ, và được in bằng thứ giấy Thánh kinh (Papier Bible) tuyệt vời nhất từ xưa đến nay. Một điểm đáng chú ý nữa là bộ Tân Tự Điển này bổ xung thêm 4600 tác phẩm, đưa tổng số các tác phẩm danh tiếng của thế giới lên thành 20600 tác phẩm. Ra đời năm 1980, Bộ Tân Tự Điển này đã được nhanh chóng bán hết, và được tái bản liên tiếp 8 lần trong các năm 1981, 1983, 1984, 1986, 1987, 1989, 1990 và ấn bản được hiện đại hóa năm 1994. Người viết lại cũng có may mắn có được ấn bản được hiện đại hóa in năm 1994 gồm 4 cuốn Tác Phẩm và 2 cuốn Tác Giả này (mời xem hình phụ bản). Trong cả hai Bộ Tự Điển này (Bộ cũ và bộ mới), nhất là trong bộ cũ (khổ lớn, có minh họa) Cụ Nguyễn Du của chúng ta được dành gần nguyên một cột trong một trang để trình bày phần tiểu sử, và tác phẩm Kim Vân Kiều của Cụ được dành nguyên một trang và một cột ở trang kế tiếp với một bài giới thiệu và nhận định thật trang trọng. Và sau đây là phần tóm lược truyện KIỀU trong bộ cũ:
 
 “(…)” KIM VÂN KIỀU được sáng tác (phóng tác) từ đầu thế kỷ trước (thế kỷ XIX), vậy mà đến nay vẫn nguyên vẹn chất tươi mát kỳ lạ, vẫn là kiệt tác ở đỉnh điểm nền văn học Việt Nam. Nghệ thuật tuyệt vời của NGUYỄN DU đã khắc họa được những nhân vật điển hình có giá trị vĩnh cửu (Tú Bà, Sở Khanh…) với ngôn từ đặc biệt trong sáng và dáng dấp tuyệt mỹ của từng câu thơ.
 
“Tùy theo từng hoàn cảnh, từng số phận, người ta dễ dàng tìm được một câu Kiều hoặc một đoạn Kiều để bình giải, cho dù đó là một người bình dân hay một nhà trí thức…
 
“ Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như KIM VÂN KIỀU của NGUYỄN DU. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng nhiều câu lục bát, thậm chí nhiều chương, đoạn KIM VÂN KIỀU, và trên thực tế nhiều câu Kiều đã trở thành ngạn ngữ” (Bản dịch của GSNPQ).
Giới thiệu và nhận định như vậy về truyện Kiều, người Pháp và người Ý đã thực sự trân trọng tác phầm của Cụ, một tác phẩm sẽ tồn tại mãi mãi với nhân gian.
 
 
Theo Vũ Anh Tuấn/www.sachvatranh.com
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.