Nguyễn Du
Loading...
Tham quan ảo 3D
Bộ đếm lượt truy cập
Con rồng Việt - Biểu tượng của uy quyền, hạnh phúc và ấm no
Ca dao ta có câu: “Trứng rồng thì nở ra rồng/ Liu điu thì nở ra dòng liu điu”. Ấy là cách nói ẩn dụ, bắt nguồn từ một câu ca dao khác: “Con vua thì lại làm vua/ Con ông sãi chùa lại quét lá đa”, để chỉ sự khác nhau giữa hai đẳng cấp sang và hèn. Rồng ở đây đồng nghĩa với vua, sang trọng và quyền uy.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, con rồng linh thiêng, cao quý và quyền uy chưa có trong quan niệm của người Việt cổ. Đối với người Việt cổ chỉ có khái niệm về thuồng luồng chỉ chung cho những loài rắn sống dưới nước, thường gây cho họ những tai nạn ở sóng biển mà họ cho là Thủy quái. Vì thế mà họ đã xăm trên thân mình hình những đường ngoằn ngoèo uốn lượn nhằm làm cho Thủy quái sợ hãi. Cho mãi đến nay, nguồn gốc của con rồng hầu như vẫn chưa ai tìm lại được. Theo Albrecht thì “phải chăng đấy là ấn tượng biến dạng do truyền thuyết về một con vật tiền sử vẫn còn sống sau thời kỳ được cho là mất hẳn nhưng còn lưu lại trong kí ức? Hay là một thần thoại được sinh ra nguyên khối từ trí óc con người?”. Nói chung nguồn gốc con rồng vẫn chỉ nằm trong giả thuyết. Tuy nhiên, hình ảnh con rồng lại rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí ở các nước da vàng. Và nước ta nằm giữa hai nền văn minh lớn Hoa – Ấn cổ đại nên chịu sự ảnh hưởng trong giao lưu văn hóa là việc tất yếu. Từ truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” đến hình dáng các loại rồng trong nghệ thuật trang trí và điêu khắc còn lưu lại từ các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn mang khá nhiều vết tích của con rồng Trung Hoa và con Makara trong huyền thoại Ấn Độ là điều dễ hiểu.
Có lẽ từ khi nước ta bị xâm lược dưới sự đô hộ của Trung Hoa, biểu tượng con rồng mới thực sự được coi là một con vật linh thiêng. Nó nằm trong hệ thống 12 con giáp và đặc biệt là trong hệ thống tứ linh. Long, Ly, Quy, Phượng. Và từ đó rồng (Long) gắn với đế vương, vua chúa hay những thực thể cao quý chỉ dành riêng cho vua, chúa. Ví dụ: Long thể là thân thể vua, Long nhan là mặt vua, Long ngai là ngai vua, Long sàng là giường vua, Long bào là áo vua, Long huyền là thuyền vua, v.v… Như vậy hình tượng con rồng đã trở thành độc quyền của nhà vua, nó được chạm khắc trên ngai vàng, cung điện, áo mão, hay các vật dụng của vua chúa. Đấy là hình con rồng uốn lượn như hình rắn có 81 cái vảy (là số cực dương), đầu lạc đà đội sừng nai, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, bụng cá sấu, móng chim ưng. Về sau này, hình rồng có vẻ thông dụng hơn, đi ra ngoài cả uy quyền của nhà vua về với các tầng lớp hoàng gia, quý tộc, nhưng vẫn có qui định riêng để phân biệt: rồng của vua bao giờ cũng có chân năm móng, còn các loại rồng khác, chân chỉ có bốn móng mà thôi.
Nước ta từ Triều Lý, sau khi thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phong kiến Trung Quốc, đã lập nên thủ đô mới với cái tên Thăng Long (1010) thật là nên thơ và hung vĩ: rồng bay. Và con rồng thời Lý đã có những nét độc đáo riêng biệt khác với rồng Trung Hoa. Con rồng mang hình một con rắn dài, uốn lượn nhiều vòng rất mềm mại, uyển chuyển trên bốn chân chim, mình không có vảy to và đặc biệt là đầu không có tai và sừng. Loại rồng này khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí thời Lý, và có thể nhờ nó mà người ta dễ dàng xác định chính xác niên đại mà nó xuất hiện. Các nhà nghiên cứu thường gọi loại rồng này là “rồng dun” hoặc “rồng dây”. Đến thời Trần, con rồng lại có những thay đổi: đầu lớn hơn, râu tóc rõ hơn, có thêm sừng và tai, lưng có vẩy và thân mình uốn khúc trên thế chân đạp vững chãi trông đường bệ và uy nghi hơn hẳn rồng thời Lý. Sang thời Lê Sơ là thời cực thịnh của nho giáo tại nước ta, con rồng bỗng chuyển hóa trở về chịu ảnh hưởng mạnh của con rồng phong kiến phương Bắc: đầu to, sừng có chạc, vây và lông gáy tua tủa, vẩy to và chân xòe năm ngón, móng quặp lại trông rất dữ tợn, thể hiện uy quyền và sự nghiêm ngặt của nhà vua. Vì vậy ngay cả trên các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu, hình rồng không được khắc vào, mà chỉ thay vào đó bằng những đường nét uốn lượn của mây, sóng hoặc lá cành.
Riêng rồng thời Nguyễn thì quả là một kho tàng vô cùng phong phú. Thời Nguyễn không những gần với chúng ta, mà cả một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cung điện, đền đài chùa miếu, lăng tẩm và các vật dụng có chạm khắc trang trí hình rồng đã được lưu giữ cho đến ngày nay. Con rồng thời Nguyễn cũng là con rồng kế thừa của các triều đại trước nó, nhưng có sự tổng hợp và sáng tạo một cách phóng khoáng và đa dạng hơn. Con rồng Huế (triều Nguyễn) cũng là tượng trưng của vương quyền, nhưng không nghiêm ngặt như các triều đại trước. Rồng Huế có mặt ở khắp nơi, ngoài các cung điện, lăng vua. Ta dễ dàng gặp hình ảnh con rồng này ở khắp đình chùa, tư gia, nhà rường trạm trổ, hay trên các đồ gỗ, đồ sành sứ, thậm chí là trên các thân cây trong vườn được chính bàn tay con người uốn nắn. Theo Albrecht, tác giả bài nghiên cứu “Con rồng trong nghệ thuật trang trí ở Huế” trong cuốn B.A.V.;H năm 1915 thì con rồng Huế rất uyển chuyển, uốn lượn, phục tùng mọi quan niệm và tùy hứng của nghệ sĩ theo cảm hứng và cao hứng của họ. Rồng tượng trưng cho vua hay trong tế lễ của triều đình luôn có móng và chòm lông năm chiếc, và hoàn chỉnh đến từng chi tiết tỉ mỉ. Rồng dành cho quý tộc và giới giàu có thường có 3 hoặc 4 yếu tố (móng, bờm và đuôi) nhưng không bao giờ được vẽ trọn vẹn. Còn rồng đối với dân chúng thì các móng vuốt phải giấu đi, bờm và đuôi chỉ thấy lờ mờ, và chỉ được phác họa những đường nét chính.
Chúng ta thường gặp hình rồng trong nhiều kiểu thức khác nhau. Hai con rồng đối mặt nhau ở giữa là một quả cầu bốc lửa tượng trưng cho sấm sét báo hiệu cơn mưa, còn hai con rồng tượng trưng cho thần nước là kiểu thức “Lưỡng long chầu nguyệt”. Còn kiểu thức “Lưỡng long tranh châu” là hai con rồng tranh nhau khối ngọc, chỉ khác là quả cầu bé hơn và không có họa tiết lửa. Trong đám cưới thường có hình rồng ngậm chữ song hỉ tượng trưng cho hạnh phúc. Trong lễ chúc thọ hình rồng lại ngậm chữ Thọ tượng trưng cho sự trường tồn. Trong hội họa Huế rất quen thuộc với hình vẽ “Ngư Long hý thủy” nghĩa là rồng và cá chép đùa dỡn trên sóng nước. Lại có hình “cá hóa rồng” vẽ con vật đầu rồng, mình cá để chỉ việc thi cử thành đạt. Đó cũng là ước mơ của lớp sĩ tử trong dân gian mong vượt Vũ Môn để làm quan đền đáp công ơn cha mẹ: “Bao giờ cá gáy hóa rồng/ Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa”. Hình ảnh con rồng còn được cách điệu từ cành lá, đám mây, hoa quả hoặc sóng nước. Những đường uốn lượn của tự nhiên đã được trí tưởng tượng của người nghệ sĩ thổi vào mà trở thành “rồng bay phượng múa” muôn hình muôn vẻ.
Chính vì vậy mà con rồng đã đi vào cả những bài đồng dao của trẻ em trong những lời chúc tết: “Xúc xắc xúc xẻ/ Nhà nào còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao/ Thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp/ Thấy đôi rồng chầu/ Ông sống thật lâu/ Bà sống thật lâu/ Lì xì quà Tết”. Vậy là con rồng không chỉ là biểu tượng của quyền uy mà còn là biểu tượng của Hạnh phúc và Ấm no.
Theo Nguyễn Trọng/hoidisan.vn
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.