Nguyễn Du

Loading...

Chuyện ít biết về ba khẩu thần công trục vớt ở biển Hà Tĩnh

Không biết dun dủi thế nào mà một tàu cá của Quảng Nam đã vô tình chỉ đường cho việc tìm lại ba báu vật bị chìm ở vùng biển Hà Tĩnh. Đó là ba khẩu thần công mà cách đó 182 năm, quan Võ khố Trần Đăng Long - một người Quảng Nam, đã chỉ huy đúc và hiện nay trở thành bảo vật Quốc gia.
 
   Một trong ba khẩu thần công được trục vớt ở Hà Tĩnh.
 
Tháng 8.2003 một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam, thả lưới trong vùng biển Hà Tĩnh cách Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) hơn 30 hải lý, bất ngờ lưới bị mắc. Họ thuê một nhóm thợ lặn gỡ lưới và đưa thuyền đi nơi khác.
 
Tam vị “Bảo quốc An dân Đại tướng quân”
 
Nhóm thợ lặn phát hiện ra chiếc tàu cổ bị đắm - nguyên nhân của sự cố mắc lưới và thuê tàu trục vớt con tàu cổ. Khi trục vớt con tàu có 3 khẩu thần công. Chủ tàu lấy 1 khẩu, hai người thợ lặn mỗi người một khẩu.
 
Chủ tàu trục vớt bán khẩu thần công của mình cho một lái buôn và người này chở sang Trung Quốc. Hai người thợ lặn đem hai khẩu thần công về lột lớp bạc bên ngoài bán phế liệu, phần còn lại đem cất. Rất may khẩu thần công thứ nhất chưa ra khỏi địa phận Hà Tĩnh đã bị công an tịch thu giao lại cho Bảo tàng Hà Tĩnh. Nhận ra giá trị của ba khẩu thần công, Bảo tàng đã đến thuyết phục hai người thợ lặn giao lại cho Bảo tàng. Qua nhiều lần vận động, thuyết phục, Bảo tàng đã nhận lại được 2 khẩu thần công sau khi bồi dưỡng 40 triệu đồng. Ba khẩu thần công được lưu giữ ở Bảo tàng Hà Tĩnh.
 
Theo nghiên cứu, 3 khẩu thần công này được đúc bằng đồng vào năm Minh Mạng thứ hai (1821), nằm trong một bộ đặt tên là “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” đánh số từ một đến ba. Hình dáng, kích thước và các hoa văn trang trí trên thân súng đều giống nhau. Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 11cm; giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng. Các hoa văn trên thân súng thể hiện các đề tài truyền thống như cúc dây, rồng chầu mặt nguyệt, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm…
 
Trên hai khẩu thần công số 1 và số 3 có hai bài minh cho biết mục đích của việc đúc súng là chúc mừng vua Minh Mạng lên ngôi và thể hiện uy quyền của quốc gia cũng như xua tan đi những điều không tốt. Riêng khẩu thứ 2 chữ bị mờ không đọc được.
 
Đặc biệt, mặt sau của cả ba khẩu thần công đều ghi: “Minh Mạng nhị niên tuế thứ Tân Tỵ cát nguyệt nhật chú” và “Vụ khố thần Trần Đăng Long phụng chú”  Nghĩa là được đúc vào ngày lành tháng tốt năm Tân Tỵ, niên hiệu vua Minh Mạng năm thứ 2 và “Trần Đăng Long ở Vũ Khố vâng mệnh đúc”.
 
Năm 2006, Bảo tàng Hà Tĩnh kết hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục chế hai khẩu thần công bị bóc lớp bạc, trả chúng về nguyên dạng.
 
Nhận thấy ba khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” là những hiện vật độc đáo mang nhiều ý nghĩa nên được chọn làm “bảo vật quốc gia” vào tháng 12.2013.
 
Nhiều người thắc mắc vì sao 3 khẩu thần công không vướng vào chiếc tàu nào khác mà lại vướng vào tàu cá của… Quảng Nam trong khi  người đúc súng cũng chính là nhân vật đặc biệt của Quảng Nam!
 
Vũ khố Trần Đăng Long là ai?
 
Trần Đăng Long sinh năm 1760 tại làng An Quán, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Cha ông là Trần Đăng Khoa làm Xá sai ty Thủ hợp ở Bình Hòa (Gia Định) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765). Ông theo cha vào sống ở đây.
 
Sách Đại Nam liệt truyện viết: “Long trạng mạo khôi ngô, có sức mạnh, trung hưng sơ tuổi 19 ra đầu quân, thường theo vua đi đánh giặc. Năm Giáp Thìn vua chạy sang Vọng Các, Long ốm không được đi theo, ẩn ở thôn quê, sợ bị giặc bắt, giả cách câm, giặc bắt được toan giết, vì câm được thoát…”.
 
Khi Nguyễn Ánh từ Vọng Các về Gia Định (1787), Trần Đăng Long luôn có mặt bên nhà vua, tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công, được Nguyễn Ánh phong làm Phó đội Túc trực.
 
Nhật ký hành quân của Trần Đăng Long có những trận đánh lớn:
 
- Năm 1792 ông cùng Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành đem chiến thuyền từ Cần Giờ ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở Thị Nại.
 
- Năm 1794 theo Hoàng tử Cảnh trấn giữ Diên Khánh, sau theo Nguyễn Ánh đánh Thị Nại. Trận này dù bị thương vẫn cố sức đánh, được Nguyễn Ánh hết lời khen ngợi. Cuối năm lại cùng Nguyễn Văn Thành đánh vào cửa biển Đại Cổ Lũy cướp được rất nhiều binh thuyền của Tây Sơn.
 
- Năm 1799 giải vây thành Diên Khánh, đóng đồn ở núi Giang Nam, ngăn đường chạy của Tây Sơn. Sau đó cùng Nguyễn Văn Trương đánh Quảng Ngãi xong quay về lấy lại thành Quy Nhơn rồi đánh chiếm Diên Khánh.
 
- Năm 1801, cùng Nguyễn Văn Trương, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy… đem quân đánh cửa Thị Nại. Đây là trận “thủy chiến” dữ dội nhất của hai phía Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Phía Tây Sơn bị thiệt hại nặng. Trận này Trần Đăng Long góp công rất lớn.
 
Sau chiến thắng ở Thị Nại, ông cùng các tướng dẫn đại quân ra cửa biển Cổ Lũy rồi Đại Áp, Đại Chiêm. Đại quân đến đâu quân Tây Sơn tan vỡ đến đó, đại quân chiếm đồn ở Hội An, La Qua, Phú Chiêm. Quân Tây Sơn bỏ chạy, đại quân thu được nhiều chiến lợi phẩm. Ông tiếp tục tiến ra Đà Nẵng, lấy đồn Hải Vân, cửa Tư Hiền rồi tiến chiếm Phú Xuân.
 
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802), ông được triệu về kinh giữ nhiều vai trò quan trọng:
 
Năm 1803 được thăng Vệ úy vệ tiền nhất quân thị trung khâm sai thuộc nội cai cơ, theo Gia Long ra Bắc. Năm 1804 chỉ huy xây dựng kinh thành Huế. Năm 1809,  được thăng Khâm sai thuộc nội vệ úy vệ tiền nhất quân thị trung. Năm 1817 được cử làm lưu thủ doanh Quảng Nam.
 
Khi Minh Mạng lên ngôi, ông tiếp tục được trọng dụng. Năm 1820, được triệu về Kinh, làm việc ở Vũ Khố thuộc bộ Binh trông coi việc binh nhung khí  giới. Năm 1821 được nhà vua sai đúc ba khẩu “Bảo quốc An dân đại tướng quân”. Năm 1825 được thăng Phó Đô thống chế doanh Hậu quân Thần sách kiêm quản kho võ khố, chỉ huy 3 đội Tả, Hữu vệ và Hoàng Kiếm.
 
Năm 1826 làm giám thí trường thi Hội. Năm 1827 gia hàm Đô thống kiêm quản cả Tào chính.
 
Trần Đăng Long qua đời vì bị ốm năm 1828, thọ 69 tuổi, nhà vua thương tiếc cấp cho 200 lạng bạc, 5 cây gấm, cho đưa về quê an táng. Các con ông đều thành danh ở nghiệp võ, có người làm Phó Lãnh binh tỉnh Bắc Ninh.
 
Mộ ông  hiện ở tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
 
 
Theo Lê Thí/Báo Đà Nẵng
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.