Trong "Truyện Kiều" có đến 6 lần thi hào Nguyễn Du dùng chữ "hùm" và mỗi lần đều trong một bối cảnh khác nhau, bởi thế cũng mang hàm ý khác nhau. Và chữ "hùm" này không phải để chỉ một con hổ cụ thể nào mà được dùng để chỉ bọn hung bạo, độc ác, đồng thời cũng để chỉ tính cách anh hùng.

 

 

Lần đầu tiên trong cuốn truyện thơ, Nguyễn Du dùng đến chữ "hùm", ấy là lần Kiều và Thúc Sinh đang sụt sùi tâm sự với nhau. Hoạn Thư đứng nghe trộm được, song tảng lờ như không hay biết gì, khiến cho Kiều lấy làm kinh sợ, phải nghĩ cách tự bảo vệ mình: "Thân ta, ta phải lo âu/ Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này" (câu 2015- 2016).

 

Một lần nữa, Nguyễn Du dùng chữ "hùm" để nói ý: Kiều lấy Bạc Hạnh là nàng cảm thấy mình sẽ bị bán đi mà không có bằng cứ gì để kêu ca hết, và Nguyễn Du viết: "Nữa khi muôn một thế nào/ Bán hùm buôn sói, chắc vào lưng đâu" (câu 2121 - 2122).Ở đây, Nguyễn Du muốn dẫn theo sách Kỳ quan: "Mại lam mãi hổ, tài khoán vô bằng", nghĩa là bán sói mua hùm, viết văn tự không có bằng cứ (con hùm con sói sống trong rừng tự do, mình có nắm chắc được đâu, nói sao là bằng cứ?). Và lần cuối cùng Nguyễn Du nhắc đến chữ "hùm", ấy là khi nhà sư Tam Hợp kể nỗi truân chuyên của Kiều cho Giác Duyên nghe: "Trong vòng giáo dựng gươm trần/ Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi" (câu 2669 - 2670).

 

Ba chữ "hùm" còn lại, Nguyễn Du dùng để chỉ phong thái của người anh hùng Từ Hải. Khác với những chữ "hùm" nói trên, chủ yếu là "miệng hùm" - cái độc ác tiểu nhân, chữ "hùm" ở đây Nguyễn Du muốn chỉ dung mạo và hành động của Từ Hải. ấy là: "Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" (câu 2167 - 2168) nói về vẻ oai phong, đường bệ của Từ Hải. "Trướng hùm mở giữa trung quân/ Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi" (câu 2315- 2316) nói về sự uy nghi của một phiên tòa báo ân báo oán đang được mở, mà Kiều và Từ Hải là chủ tọa.

 

Còn đây là khi người anh hùng lâm trận và tử nạn chỉ vì sự tráo trở của quân tướng triều đình: "Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn/ Tử sinh liều giữa trận tiền/ Dạn dày cho biết gan liền tướng quân" (các câu từ 2515 đến 2518). Cái chết của Từ tuy đầy oan ức nhưng quả là xứng danh một hổ tướng.

 

Rõ ràng, vẫn là dùng chữ "hùm", nhưng thái độ của Nguyễn Du đối với hai loại "hùm" ấy thật khác biệt và thật rõ ràng, minh bạch