Nguyễn Du

Loading...

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Với đông đảo bạn đọc, nói đến Hoạn Thư là nói đến máu ghen, và có người cũng chỉ biết Hoạn Thư ở chuyện ghen mà thôi, chứ ít quan tâm đến những đức tình khác của người “đàn bà dễ có mấy tay” này.Vì bênh vực Thúy Kiều nên ta ghét Hoạn Thư, cũng là điều dế hiểu, thế nhưng Họan Thư “ lòng riêng riêng những kính yêu” nàng Kiều và chính Thúy Kiều cũng nhận ra Hoạn Thư “biết người, biết của”. Thế thì thực chất Hoạn Thư là người thế nào, ta thử xét xem.
 
Xuất thân từ một gia đình quan lại, bố là Thượng thư bộ Lại, bộ đứng đầu của trăm chức quan, nhà cửa thì “tòa rộng dãy dài”, có nhiều hoành phi câu đối sơn son thếp vàng. Với những gia đình như thế, con cái thường được giáo dục cẩn thận, được học hành tử tế. Do “duyên đằng thuận nẻo gió đưa”, Hoạn Thư kết hôn với Thúc Sinh “cũng nòi thư hương”, chàng theo ông bố làm nghề kinh doanh mãi tận Lâm Tri để du học, cách nhà cả tháng trời theo đường bộ. Thế là Hoạn Thư phải xa chồng, một mình ở nhà với bọn hầu gái, thi thoảng mới ghé về thăm mẹ, tức Hoạn bà, vợ ông Thượng thư bộ Lại.
 
Theo lẽ thường, mọi người vợ nghe tin chồng ở nơi xa tằng tịu với một người đàn bà nào đó, thì máu ghen đã sôi lên, huống như nghe tin chồng lấy một cô gái lầu thanh làm vợ thiếp. Người vợ bình thường đã đau, Hoạn Thư càng đau hơn vì nàng là con quan thượng thư, luôn được mọi người trọng vọng và không một ai dám làm trái ý mình bao giờ. Và đối với Thúc Sinh nên duyên là do duyên số đưa hai người đến với nhau… thì cái chuyện tày trời do Thúc Sinh gây ra thật quá sức tưởng tượng. Thử hỏi, với một người đàn bà khác đứng vào vị trí của Hoạn Thư thì sao? Thì sẽ cùng gia nhân lao ngay đến Lâm Tri, bắt Thúy Kiều, “cạo đầu bôi vôi”, không xé tan quần áo Thúc Sinh thì cũng bù lu bù loa, để cho “bàn dân thiên hạ” biết được tội lỗi không thể tha thứ của Thúc Sinh. Nhưng Hoạn Thư thì sao? Mặc dù cái tin khủng khiếp ấy làm nàng sôi máu lên, không ghìm nổi, “lửa tâm càng dập càng nồng”, buộc nàng phải có hành động, nhưng nàng tự dặn mình rằng: “ Dại chi chẳng giữ lấy nền / Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”! Những người thiếu văn hóa thường lấy gia thế của mình làm chỗ dựa cho những hành động có lúc thái quá của mình, nhưng với người có văn hóa, không bao giờ muốn những hành động của mình ảnh hưởng đến gia thế, đến nếp nhà. Hoạn Thư quyết “giữ lấy nền”, giữ lấy gia phong của mình và coi chuyện ghen tuông là chẳng hay ho gì. Mặc dù “ngứa ghẻ, hờn ghen” là thứ không chịu nổi, nhưng là người có văn hóa, Hoạn Thư không bao giờ muốn làm ảnh hưởng đến thanh danh của chồng, mặc dù Thúc Sinh có rất nhiều tội, ngoài việc cưới một cô gái lầu xanh, “lại còn bưng bít giấu quanh”, như đổ thêm dầu vào ngọn “lửa tâm” của nàng.
 
Phải nói rằng Hoạn Thư là người trầm tĩnh, ý nghĩ sâu xa và quyết làm cho được những điều mình dự kiến. Khổ cho hai kẻ tôi tớ khi nghe tin Thúc Sinh có vợ thiếp ở Lâm Tri thì báo tin cho bà chủ để tâng công, không ngờ “đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng”, một mặt là giữ thể diện cho chồng trươc bọn gia nhân, đồng thời không ảnh hưởng đến “mưu cao vốn đã rấp ranh những ngày” của nàng.
 
Là một người có văn hóa, nên cách đánh ghen của Hoạn Thư là cách đánh ghen của người có văn hóa. Như trên đã nói, nàng đánh ghen, nhưng không hề làm tổn hại đến thanh danh của chồng. Còn đối với Thúy Kiều, nàng không hề dùng đến bạo lực, không hề dùng một lời lẽ xúc phạm nào. Có người đọc Truyện Kiều không kỹ, tưởng rằng Hoạn Thư đã từng cho gia nhân đánh đập nàng Kiều, sự thật không phải như thế. Ta nhớ rằng khi bọn Khuyển Ưng bắt Kiều từ Lâm Tri về thì đưa nàng đến nhà mẹ của Hoạn Thư, và người sai quân đánh đập Thúy Kiều là Hoạn bà, lúc ấy không hể có mặt Hoạn Thư ở đó, mà mấy ngày sau, làm như vô tình về thăm nhà mẹ đẻ, Hoạn Thư gặp Thúy Kiều và xin mẹ đưa người này về nhà mình. Hoạn Thư là người biết người, biết của nên khi tiếp xúc với Thúy Kiều thì nhận ra đây là một người có tài, nên giảm bớt khoảng cách giữa bà chủ và người hầu, “khuôn uy dường cũng bới vài bốn phân”. Trong Truyện Kiều, Hoạn Thư là người khen Thúy Kiều nhiều nhất, tất cả bốn lần từ khi mới đưa Thúy Kiều từ nhà mẹ về đến nhà mình, cho đến lần cuối gặp nhau ở Quan Âm Các. Khen đánh đàn hay, khen viêt tờ trình giỏi, và khen viết chữ đẹp hơn cả “nàng Ban, ả Tạ”… Số lần khen đã nhiều, và chất lượng lời khen thi không ai sánh kịp: “Số này đáng đúc nhà vàng cũng nên”, nghĩa con người tài như Thúy Kiều, thì nên “đúc nhà vàng” mà ở mới xứng! Thế thì sao Hoạn Thư còn hành hạ Thúy Kiều? Điều này chính Hoạn Thư đã giải thích: “ Chồng chung chữ dễ ai chiều cho ai”. Nhưng cách hành hạ của Hoạn Thư là hành hạ về mặt tinh thần, là bắt đánh đàn hầu hai vợ chồng nàng. Tôi tin rằng chính Hoạn Thư đã nhận ra Thúy Kiều là một người có văn hóa, nên mới hành hạ thế này, mà không hành hạ về thể xác. Vì Thúy Kiều có văn hóa mới nhận ra cái trớ trêu, cái đau, cái nhục…khi đánh đàn hầu Thúc Sinh với Hoạn Thư hơn mọi sự hành hạ khác. Mục đích của Hoạn Thư không phải là muốn triệt đường sinh sống của Thúy Kiều, mà làm cho nhục, làm cho tự Thúy Kiều phải biết mà xa Thúc Sinh ra và việc bố trí cho Kiều ra “coi chùa, chép kinh” ở Quan Âm Các là bước đi đầu tiên. Chúng ta lưu ý điều này: Hoạn Thư không ra lệnh, hoặc hành động bắt Thúy Kiều phải xa Thúc Sinh, mà Hoạn Thư phải tìm cách làm cho Thúy Kiều phải tự nghĩ và quyết định xa Thúc Sinh. Và cái cách làm của Hoạn Thư cũng không hề bạo lực, không hề trách móc hay mắng chửi. Đó là khi Kiều đã ra ở Quan Âm Các, một hôm, Hoạn Thư bảo về thăm mẹ, thế là Thúc Sinh “tranh thủ thời gian” lẻn ra thở than, kể lể, có cả chuyện kể tội Hoạn Thư với Thúy Kiều. Nhưng Hoạn Thư không về thăm mẹ, mà ra rình nghe suốt cả nửa giờ, rồi mới xuất hiện trước mặt hai người, không hề tức giận, mà chỉ “cười cười nói nói ngọt ngào”, để cho Thúy Kiều nhận ra “cười này mới thực khôn lường hiểm sâu” và phải tự quyết định lấy cắp khánh ngọc, nửa đêm trèo tường trốn đi. Hoạn Thư chỉ muốn cho Thúy Kiều tự bỏ đi, thế là thỏa mãn, chứ không muốn cho quân đuổi theo để bắt Kiều về, mặc dù đoạn đường từ Quan Âm Các đến Chiêu Ẩn Am, Thúy Kiều chỉ đi bộ từ nửa đêm đến mờ sáng, xa lắm cũng chỉ vài chục cây số, chẳng thấm tháp gì so với quãng đường từ Vô Tích đến Lâm Tri mà tay chân của Hoạn Thư từng đi bắt Kiều về. Một điều nữa đáng nói là Hoạn Thư còn muốn tạo cho chuyến trốn chạy của Kiều thuận lợi, nên không tiếc số chuông vàng, khánh bạc mà Kiều đã lấy cắp, chắc là coi đó là thứ để Kiều chi tiêu trong quá trình trốn chạy. Hoạn Thư tin Kiều là người thông minh nên biết được nhã ý của mình, nên khi tự bào chữa cho mình trong phiên tòa báo ân báo oán, Hoạn Thư đã nhắc lại điều này:
 
Nghĩ cho khi các viết kinh
Đến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
 
Chắc chắn khi lấy cắp chuông vàng khánh ngọc nửa đêm trốn đi mà không thấy gia nhân của Hoạn Thư đuổi theo, Thúy Kiều đã biết được rằng chính Hoạn Thư mở đừng sống cho mình, với duy nhất một điều kiện là hãy xa Thúc Sinh.. Bởi vạy, khi nghe Hoạn Thư nhắc lại điều này, là chạm tới mối cảm tình lớn nhất của Thúy Kiều đối với Hoạn Thư, nên : “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”. Trong Kim Vân Kiều Truyện, thì Hoạn Thư bị đánh tơi bời trước khi được tha, còn trong Truyện Kiều, thì không ai động chạm tới thân thể của Hoạn Thư, cũng như Hoạn Thư chưa từng đụng chạm đến thân thể Thúy Kiều.
 
Tôi nghĩ rằng, nếu Hoạn Thư và Thúy Kiều không gặp nhau vì một anh chàng Thúc Sinh đa tình nhưng bạc nhược, mà tương ngộ trong những hoàn cảnh khác, thì tôi tin họ sẽ là một đôi bạn tri kỷ, vì cả hai đều có giáo dục, có tài và có văn hóa, sâu sắc và tế nhị. Bi kịch xẩy ra giữa hai người đàn bà này trăm sự chỉ vì “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”!
 
 
Theo Vương Trọng/kieuhoc.com
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.