Chợ là một thực thể rất đặc biệt trong đô thị Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, nơi từng được gọi là Kẻ Chợ. Nói đến chợ là nói đến một nét văn hóa, là biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi vui bởi sự sôi động, ồn ào. Chẳng thế mà, chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với cư dân địa phương, mà còn với cả du khách trong, ngoài nước.
Những nét thú vị…
Nói đến chợ Hà Nội, người ta thường nhắc đến chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) - chợ to và nhộn nhịp nhất kinh kỳ và chợ Đuổi (trước đây tại phố Cao Đạt, quận Hai Bà Trưng) - chợ này chỉ họp khi các chợ khác đã tan, nghĩa là đã bị đuổi chợ và họp ngoài trời. Những cái tên như chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Hôm, Hàng Da… cũng đã trở nên gần gũi với người dân Thủ đô. Bên cạnh việc trao đổi, mua bán, thưởng thức những thú vui, thú ẩm thực dân dã, chợ còn là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè, gia đình, chòm xóm… Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nói đến chợ là nói đến một nét văn hóa dân gian, là biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc; vừa dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi vui bởi sự sôi động, ồn ào. Cũng vì vậy mà chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với cư dân địa phương mà còn với cả du khách trong, ngoài nước. Nhiều người đi du lịch thường tranh thủ ghé vào các chợ địa phương, có khi mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều. Ra chợ là cách nhanh nhất để cảm nhận một không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền. Hàng hóa ở chợ luôn tươi mới, phong phú, người dân thuận tiện mua bán, thoải mái mặc cả. Ở chợ truyền thống, hàng hóa được bày bán không theo trật tự nào. Thịt, cá không được che đậy, người bán hàng tay dao, tay thớt không găng lót… nhưng vẫn thu hút phần lớn các bà nội trợ.
Qua một số khảo sát của các cơ quan chức năng, du khách nước ngoài đã có những đánh giá rất thú vị về văn hóa chợ của Việt Nam. Nhiều nhận định cho thấy, dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ mô hình bán lẻ hiện đại thì chợ truyền thống vẫn phát triển.
… Và những giá trị văn hóa
Trong tiến trình đô thị hóa kể từ ngày giải phóng Thủ đô (Tháng 10-1954) đến nay, một số chợ đã mất đi thay vào đó là các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), song chợ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển cùng nhịp sống thành phố, vẫn là một nét văn hóa rất riêng của Hà Nội. Siêu thị, TTTM là xu hướng phát triển của một thành phố hiện đại và công bằng mà nói nó ngày càng trở thành nơi mua sắm hiệu quả. Nếu ở chợ truyền thống, người mua thường có tâm lý e ngại do lựa chọn hàng mà không mua có thể gặp phiền hà với người bán, thì ở siêu thị, họ cảm nhận được sự văn minh và tiện ích. Hàng hóa trong siêu thị được trưng bày bắt mắt, giá cả được niêm yết, chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng khiến các "thượng đế" có thể an tâm khi mua sắm. Chưa kể nhiều siêu thị, TTTM còn là không gian sinh hoạt cộng đồng phong phú với các tổ hợp như khu bán hàng, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí… Vì thế, đi siêu thị với nhiều người cũng là một cách thư giãn sau những căng thẳng của cuộc sống đô thị đầy rẫy toan lo. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi và thân thuộc của chợ truyền thống, cho dù hàng hóa vẫn chưa bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ chưa khang trang và tình trạng mua bán theo kiểu nói thách vẫn tồn tại. Dù siêu thị có những ưu thế nổi trội nhưng với tỷ lệ thực phẩm tươi sống nhiều nhất là 10%, giá cả lại chưa phù hợp với mọi túi tiền, thì hàng hóa dẫu có phong phú đến mấy cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân. Do vậy, việc duy trì mạng lưới chợ truyền thống, chợ dân sinh vẫn mang giá trị cả về kinh tế và văn hóa - xã hội.
Cũng có một thực tế là, sự tồn tại của chợ cóc, chợ tạm rõ ràng không văn minh, nhưng muốn người dân vào chợ để mua - bán thì phải xây chợ đúng với chức năng của chợ. Mô hình chợ truyền thống nằm trên một mặt bằng có không gian thoáng đãng, khiến việc mua bán dễ dàng. Khi xây chợ mới, cần tính đến những yếu tố văn hóa và thói quen, cũng nên có những cuộc điều tra xã hội học để xem chợ mới có đáp ứng nhu cầu người dân không? Thêm nữa cũng nên dành quỹ đất thích đáng cho chợ truyền thống ngay từ khi quy hoạch các khu đô thị mới; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tạo không gian những chợ chật hẹp, mất vệ sinh không phù hợp với đô thị hiện đại. Các tiểu thương tại chợ truyền thống cũng cần thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện Hà Nội có 418 chợ dân sinh. Theo quy hoạch phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ phát triển 595 chợ dân sinh, trong đó xây dựng mới 24 chợ hạng một, 79 chợ hạng hai, 478 chợ hạng ba. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ. |