Nguyễn Du

Loading...

Cảm thức nhân loại qua Văn chiêu hồn của Nguyễn Du

Bài Chiêu hồn thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn tế thập loại chúng sinh hay Văn chiêu hồn) của Nguyễn Du với chỉ 184 câu thơ song thất lục bát, đã trở thành một kiệt tác bất hủ trong di sản văn hóa tinh thần của nhân loại. Đúng như nhà sư Thích Nguyên Hiền viết, Nguyễn Du “đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết, nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn thiên cổ kiếp sống phù du? Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại ngậm ngùi đến thế”.
 
Mỗi người sinh trưởng ở cõi trần gian đều có thể thốt lên rằng: “trong khoảng trăm năm cần có tớ” - như Phan Bội Châu. Song, đến lúc từng người phải “nhập thế” để “xuất, xử, hành, tàng”, để dấn thân vào cuộc sống thì không đơn giản chút nào! Ở đây với thao tác nghệ thuật ngôn từ hết sức tài tình của Nguyễn Du, mười loại linh hồn ở cõi hư vô đều lần lượt hiển hiện với cuộc sống thực tại mà không hề khiên cưỡng. Mỗi câu thơ như một nốt nhạc thiêng liêng xướng lên từ những âm hồn lay động, du dương, ảo giác, xoáy vào tâm can, máu thịt người đời đang sống ở “cõi dương”. Mối cảm thông “âm dương đồng nhất lý” giữa người sống và người chết dường như đã biến thành một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi dịp dừng lại lắng nghe. Một chút lắng nghe, nhưng Nguyễn Du nghe thấy: “Lòng nào lòng chẳng thiết tha/ Cõi dương còn thế huống là cõi âm”.
 
Giá trị nhân văn cao cả của bậc đại thi hào là khi viết về thân phận con người ở mười loại vong hồn: Một là vua chúa bị giết: “Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh/ Chí những lăm cướp gánh non sông/ Nói chi đang thuở tranh hùng/ Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau!”. Hai là quý nữ liều thân: “Nào những kẻ màn lan trướng huệ/ Những cậy mình cung Quế Hằng Nga/ Một phen thay đổi sơn hà/ Mảnh thân chiếc lá biết là làm sao!/... Khi sao đông đúc vui cười/ Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương!”. Ba là tề thần thất thế: “Nào những kẻ mũ cao áo rộng/ Ngọn bút son thác sống trong tay/ Kinh luân chất một túi đầy/ Đã đêm Quản, Cát lại ngày Y, Chu/ Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm”. Bốn là đại tướng bại trận: “Nào những kẻ bài binh bố trận/ Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung/ Gió mưa thét rống đùng đùng/ Dãi thây trăm họ làm công một người”. Năm là kẻ ham giàu chết đường: “Cũng có kẻ tính đường trí phú/ Mình làm mình nhịn ngủ quên ăn/… Khi nằm xuống không người nhắn nhủ/ Của phù vân dù có như không”. Sáu là kẻ ham danh chết quán: “Cũng có kẻ rắp cầu chữ Quý/ Dấn thân vào thành thị lân la/ Mấy thu lìa cửa lìa nhà/ Văn chương đã chắc đâu mà thí thân”. Bảy là người buôn bán chết xa: “Cũng có kẻ đi về buôn bán/ Đòn gánh tre chín rạn hai vai/ Gặp cơn mưa nắng giữa trời/ Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao”. Tám là binh lính chết trận: “Cũng có kẻ mắc vào khóa lính/ Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan/… Buổi chiến trận mạng người như rác/ Phận đã đành đạn lạc tên rơi”. Chín là kỹ nữ cô đơn: “Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con nấy, biết là cậy ai?”. Mười là những người yểu tử, người cùng khổ, chết bởi oan khiên, tai họa: “Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”, “Có người gieo giếng thắt dây/ Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành”, “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi/ Thương thay cũng một kiếp người/ Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!/ Cũng có kẻ mắc oan tù rạc/ Gửi thân vào chiếu lác một manh”…
 
Chọn ra mười loại vong hồn trên đây, Nguyễn Du đã thể hiện tầm nhìn bao quát và phát hiện ra những nét tinh tế nhất trong cõi mưu sinh của cuộc sống loài người. Cái chết là điểm nút cuối cùng trong quy luật vĩnh cửu của vòng đời người. Đó chính là điểm hội tụ mọi biểu hiện thanh lọc tâm hồn, tính cách của thế giới tâm linh, chứa dựng cái thiêng mang tính toàn cầu. Người ta có thể đưa ra những quan điểm cực đoan hay lạc quan tùy theo lăng kính thời đại như: “chết vì tình là đời khốn kiếp/ Chết vì miếng ăn là cái chết đê hèn/ Chết xông pha vì nước giữa trận tiền/ Ôi cái chết ngả nghiêng trong vũ trụ”... chẳng hạn.
 
Người Việt có câu “Cái quan định luận” - nghĩa là tất cả quá trình tự thân vận động của mỗi người trong giới hạn nhất định của mình, dù là nam hay nữ ở bất kỳ một cương vị quan, dân, thầy, tớ... nào trong xã hội, dù có cuộc sống sang, hèn, hơn, kém, no, đói, giàu, nghèo... không kể, nhưng khi sự sống kết thúc vào bất cứ lúc nào, tuổi nào, hoàn cảnh nào thì mới là sự thu hút mọi thể hiện ý thức trang trọng. Và khi tấm ván thiên trên cỗ quan tài đóng lại, người đời đã từng sống xung quanh anh ta, đã từng tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với anh ta, đã từng “vay trả, trả vay” bằng vật chất, tinh thần dưới mọi hình thức tinh vi, thô nhám, thông thường, thủ đoạn trong cuộc sống cơm áo với anh ta, mới có thể khẳng định đôi điều về ý nghĩa cuộc đời của con người đó. Đây chính là nét đặc tả trong quan niệm sáng tác của Nguyễn Du, nên chỉ cần một hai câu thơ phác họa cá tính, miêu tả việc làm cụ thể, điển hình của mỗi trang đời đã từng trải là hình ảnh của họ đã làm nổi bật và chứa đựng sắc màu gây ấn tượng với người đọc.
 
Nói và viết những gì về những người đã khuất, tưởng chừng chỉ là những lời ca ngợi, phản biện dư luận của người sống trước một đồng loại đã kết thúc cuộc đời sinh học bằng cái chết, song thực chất những bài văn tế, những câu văn thơ than khóc tâm huyết đó chẳng phải có linh hồn nào nghe được, hiểu được mà nó chính là triết lý nhân sinh; nhắn bảo, khuyên nhủ lẫn nhau giữa những người hiện đang kề vai sánh bước bên nhau, sao cho quan hệ nhân sinh ngày một tốt đẹp hơn, bản sắc dân tộc độc đáo, sáng tạo sâu dày hơn. Cái khó là thông qua ảo thuật ngôn từ, thiên tài thi ca Nguyễn Du đã dùng tiếng nói tri âm của người Việt viết về mười loại vong hồn với một niềm cảm xúc vang dội sâu xa, gợi được nỗi thương cảm đau xót, nỗi chia sẻ ân tình ấm áp.
 
Vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, những câu thơ lay động tâm hồn trong Văn chiêu hồn của Nguyễn Du đã khiến nhiều văn nhân chí sĩ và nhiều bạn đọc ở nhiều ngữ hệ văn tự khác nhau cảm nhận. Bài Cô hồn Mỹ ở đất Việt và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du trong sách Hồ sơ văn hóa Mỹ (1995) của Hữu Ngọc cho biết: “Sau khi phát hiện bài Văn chiêu hồn bản tiếng Anh trong cuốn Văn học Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc, nữ giáo sư Mỹ Christine White của Đại học Tổng hợp Hawaii rất xúc động.
 
Bà viết: “Tôi mong là thi phẩm viết cách đây hai trăm năm ấy có thể giúp người Mỹ hiểu chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (...) Đối với những cựu binh Mỹ, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chưa kết thúc, về mặt bệnh lý tâm thần cũng như về mặt tâm lý. Những ký ức chiến tranh ám ảnh đến mức họ không tài nào sống bình an trong hiện tại”.
 
… Cái gì có thể làm dịu những cô hồn đói khát và đau khổ đó? Có thể biện pháp của phong trào Mahikri nhằm chữa tâm hồn, giải oan là phù hợp. Những người theo phong trào này thắp ánh sáng thiêng liêng ở Trân Châu Cảng để làm dịu nỗi khổ đau của binh sĩ Mỹ chết khi Nhật tấn công năm 1941. Họ tin là khi oan hồn nhận được ánh sáng thì oan hồn dần dần thoát được những khổ đau của ký ức cõi trần, rũ bỏ được nỗi đau khổ trần gian và gần như siêu thoát của nhà Phật. Tôi hỏi một chị người Việt (từ Hà Nội đến học ở trường Đại học Tổng hợp Hawaii) để biết ở Việt Nam đêm Rằm tháng Bảy người ta cúng gì. Chị trả lời rất hào hứng: “Người ta làm đồ mã, tất cả mọi thứ cần cho con người đều làm bằng giấy, sau đó đem đốt, lấy tro tung xuống nước cho trôi theo dòng xuống cõi âm. Cúng ban đêm, vì đối với ma, đêm là ngày”.
 
Tôi hỏi chị: “Đêm Rằm tháng Bảy người Việt Nam có nghĩ đến binh sĩ Mỹ chết ở Việt Nam không?”. Chị bảo: “Có chứ! Chúng tôi còn nghĩ đến cả binh sĩ Pháp và Nhật”. Thật là nhân văn hết nỗi, bởi câu trả lời của một sinh viên đang đi du học đã toát lên sự ngấm trải phong tục người Việt của cha ông mình trong ứng xử giữa con người với con người theo lẽ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Chắc hẳn, nếu những chàng trai trẻ người Mỹ chẳng may tử nạn trong chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 sớm biết điều đó trong chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, thì không ai dám bấm tay vào cò súng hay đốt phá xóm làng của họ.
Câu chuyện cảm nhận nghệ thuật, ghi nhận về văn hóa Việt Nam của một trí thức Mỹ khi đọc Văn chiêu hồn của Nguyễn Du bắt nguồn từ những câu thơ Nôm Việt Nam như thế.
 
 
Theo Trương Sỹ Hùng/honvietquochoc.com
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.