Nguyễn Du

Loading...

Cái tâm - cốt lõi của nhân văn Nguyễn Du

Truyền thống văn hiến bao đời của đất nước và quê hương, ghi nhận một tài năng xuất chúng: Đại thi hào, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1765-1820). Vinh dự cho đất Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có được người con đã thăng hoa để trở thành một thiên tài của lịch sử, của nhân loại và của mọi thời đại.
 
Du khách tham quan Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Văn  Thành
 
Nguyễn Du sống ở một thời điểm lịch sử mà trong xã hội đã diễn ra biết bao nghịch lý. Bên cạnh những viên quan lại cao mạo, thì lộ hình những kẻ buôn người mà ở đó, đồng tiền đã trở thành thế lực vạn năng, ở đó, biết bao lớp người cùng cực bị đối xử tồi tệ, người phụ nữ trở thành nạn nhân, thành hàng hóa mua bán. Vốn được sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp cao trong xã hội phong kiến, được giáo dục bằng những gia phong, khuôn phép và đào tạo thành bậc quan lại có chức sắc; thế mà, ông đã đột phá từ quan niệm trung hiếu của một nhà nho tầng lớp trên để nhìn thẳng và xuyên suốt vào cuộc sống thực tại với tư tưởng nhân văn mới mẻ và táo bạo lạ lùng.
 
Với Nguyễn Du, cái tâm là hạt nhân, là cốt lõi, là bản chất của nhân văn. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Từ cái tâm của mình, ông đã hòa vào mọi kiếp người, đi đến tận cùng của những xung đột, những bi kịch, những nghịch cảnh; những nỗi bất hạnh của con người để hiểu và đồng cảm với họ. Ông vừa phê phán, vừa đề cao con người, vạch mặt, tố cáo cái ác, cái xấu; vừa hết mực cưu mang, an ủi những số phận.
 
Thật kỳ lạ là những câu thơ, những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đã được dân gian chuyển hóa thành ca dao, tục ngữ; thành nhân vật điển hình trong cuộc sống như Sở Khanh, Tú Bà, Từ Hải… Nhưng có lẽ tâm điểm và xuyên suốt trong sự nghiệp của ông, để tố cáo, lột trần bản chất xấu xa của xã hội, đồng thời, gửi gắm, tỏ bày tư tưởng nhân văn, lòng thương người của mình, ông đã viết nên Truyện Kiều với nhân vật Thúy Kiều tuyệt vời đến vậy. Qua Thúy Kiều, với con người hiện thực, ông đã cùng với nàng khám phá ra những diễn biến thăng trầm với bao bất công, tủi nhục, đê hèn, lọc lừa…
 
Viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Văn Thành
 
Dưới ngòi bút của nhà văn lãng mạn, ông đã ca ngợi một phẩm chất tuyệt diệu về đức hy sinh, chịu đựng cũng như sự xúc động, thổn thức của trái tim yêu thương, tâm hồn ưu tư, trong sáng và vẽ nên chân dung một nhân vật mà trong đó, chứa đựng triệu triệu số phận con người… Quả là chỉ có một trái tim vô hạn tin yêu, vô hạn cảm thông với con người như Nguyễn Du mới sáng tạo nên được những nhân vật như thế.
 
Đã hơn 2 thế kỷ mà Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn thật còn mới mẻ. Trước hết, đó là sự thành công mà đến nay cũng chưa ai có được về viết tiểu thuyết bằng thơ, một quyển thơ - tiểu thuyết đặc trưng cho thể lục bát, đã đưa Truyện Kiều đến đỉnh cao sáng chói của nền thơ văn Việt Nam. Chính Nguyễn Du là nhà thơ tiên phong, mẫu mực trong việc đưa ngôn ngữ dân tộc, chải chuốt và tinh luyện tiếng Việt đến chói sáng, lung linh, vừa khuôn mẫu, vừa đậm đà chất đời thường. Để rồi ai đọc Truyện Kiều cũng hiểu, cũng cảm nhận được, nhưng vẫn thấy còn có cái gì đó cao xa hơn nữa mà chỉ mới nhận biết được đến như vậy là chưa đủ. Truyện Kiều được dân gian hóa cho mọi tầng lớp nhân dân, cả việc vận dụng đưa vào cõi tâm linh để linh ứng cho những số phận đời thường.
 
Từ ngày đó, trước khi từ giã cõi đời, Nguyễn Du từng băn khoăn, tự hỏi: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Thế mà, chỉ 200 năm sau, Nguyễn Du đã được Hội đồng Hòa bình thế giới đưa vào danh sách 9 danh nhân văn hóa để các quốc gia trên thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1765-1965). Đến nay, từ điểm nhìn 250 năm về sau, cả dân tộc ta lại hướng về ông để ngưỡng mộ một nhân cách ở tầm đỉnh cao chói lọi trong nền thơ ca mà ít người vươn tới được. Hôm nay, đọc lại Nguyễn Du, đã hơn 2 thế kỷ mà vẫn như đang gợi mở cho ta biết bao câu hỏi lớn về thời cuộc, bao vấn đề lớn đang đặt ra cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người; về xây dựng một cuộc sống thật sự dân chủ, bình đẳng, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
 
Thật tự hào, khi quê hương Hà Tĩnh có được Nguyễn Du. Theo suốt chiều dài lịch sử, tên tuổi Cụ Nguyễn Tiên Điền gắn liền với núi Hồng Lĩnh, dòng Giang Lam, sống mãi cùng với non sông, đất nước Việt Nam. Tư tưởng nhân văn cao đẹp của ông không chỉ nằm ở câu chuyện văn chương, mà hôm nay với chúng ta đang là câu chuyện của cuộc đời, của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới. Thiết nghĩ, tưởng nhớ đến ông, điều tâm đắc nhất là các thế hệ con cháu cùng chung lòng, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, để xóa đi những nỗi đau và tìm đến cái đẹp của chữ tâm mà ông đã để lại cho đời qua Truyện Kiều và những tác phẩm bất hủ của mình. Để cho Sông Lam mãi “long lanh đáy nước in trời”, núi Hồng sừng sững muôn đời “non soi bóng vàng”.
Đặng Duy Báu
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.