Năm 1960, Bộ Văn hoá cử một tổ công tác trong đó có cụ Lê Thước vào khảo sát di tích Nguyễn Du, sau đó khu di tích chính thức được Bộ ra quyết định công nhận. Một số công việc được xúc tiến như quy hoạch lại khu vườn, chuyển các trường học đi nơi khác, mở con đường mới thẳng vào di tích…

 

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL và Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm lễ động thổ tu bổ, tôn tạo nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du


- Năm 1962, tìm mua được ngôi đình Chợ Trổ chuyển về dựng làm nhà trưng bày trong khu di tích.

- Năm 1965, có một đợt tôn tạo toàn bộ khu lưu niệm và khu mộ. Đã có dự án xây dựng khu mộ nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên công việc phải tạm hoãn.

- Năm 1987: Sở Văn hoá Thông tin Nghệ Tĩnh và UBND huyện Nghi Xuân cũng tiến hành một đợt tôn tạo lại khu lưu niệm và khu mộ.

- Năm 1994: theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có ý kiến kết luận đồng ý cho tỉnh Hà Tĩnh xây dựng dự án tổng thể khu văn hoá Nguyễn Du, nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc xây dựng dự án tổng thể chưa thực hiện được.

- Năm 1999, Bộ Văn hoá Thông tin đã có quyết định đầu tư tôn tạo, nâng cấp khu di tích Nguyễn Du với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, phân làm 2 giai đoạn (2000 – 2002; 2003 – 2004), cơ bản tu bổ lại các di tích hiện còn và xây dựng một khu văn hoá mới gồm Tượng bán thân Nguyễn Du bằng đồng (tượng cao 1,5m, bệ tượng 2,5m), hệ thống nhà trưng bày, thư viện, phòng hội thảo, nhà ở cho Ban quản lý…

- Năm 2005, để thiết thực kỷ niệm 240 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Thủ tướng Chính phủ lại có ý kiến kết luận đồng ý cho UBND tỉnh Hà Tĩnh lập Quy hoạch tổng thể khu văn hoá - du lịch Nguyễn Du để phối hợp với các Bộ ngành có liên quan triển khai xây dựng. Hiện tại, Sở Văn hoá Thông Tin Hà Tĩnh đang tập trung triển khai dự án quy hoạch này.