Nguyễn Du

Loading...

Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa tên húy, tên tự và tên hiệu của Thuật Hiên công Nguyễn Khản.

Nguyễn Khản 阮侃 tên tự là Hy Trực  希直, tên hiệu Thuật Hiên 述軒, sau lánh nạn về quê lấy hiệu Hồng Sơn độn ông鴻山遯翁. Vậy, những tên húy, tự, hiệu của Nguyễn Khản có ý nghĩa gì? Hay nói cách khác, hàm ý của các tên gọi trên có mối quan hệ tương hỗ, liên quan gì đến nhau cũng như đến cuộc đời, hành nghiệp của vị danh nhân xứ Nghệ này hay không?
 
Đàn tế Nguyễn Quỳnh
Do con trai thứ đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), làm Nhập thị Tham tụng Công bộ Thượng thư, Tả chấp pháp, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh Diên, Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm kính lập bia. Cháu [nội] đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, giữ chức Đốc đồng Sơn Tây, Hàn Lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Hân [tức Khản] bái viết.
 
Theo truyền thống văn hóa Á Đông, tên húy, tự, hiệu,… luôn chứa đựng nhiều ý tứ sâu sắc, ẩn tàng niềm mong mỏi, hy vọng người được đặt tên sẽ đạt được những thành tựu về đức, về tài như kỳ vọng của cha ông; hàm nghĩa của các tên gọi cơ bản, quan trọng của mỗi một người nói trên là sự kết tinh đạo lý sâu dày của tiền nhân, thường là niềm ước ao con cháu luôn luôn trau dồi đạo nghiệp, giữ gìn nhân đức, phát huy sâu sắc đạo lý thánh hiền, góp phần làm giàu thêm cho truyền thống lễ giác gia phong của tông tộc,…
 
Các tên gọi như tên húy, tên tự, tên hiệu vì thế sẽ có quan hệ khăng khít với sự nghiệp, đức độ và nhân cách của người được đặt tên, là “kim chỉ nam” dẫn đường, điều phối các hành vi, cách cư xử của người ấy với xã hội.
 
Do đó, trong cách đặt tên của người Việt, tên húy - tên tự - tên hiệu luôn có mối quan hệ qua lại, bổ sung và tương hỗ với nhau.
 
Tên húy 諱 là “tên chính thức trong giấy tờ hành chính để học hành, thi cử, làm quan,... Lúc con trai đủ 20 tuổi Âm lịch sẽ làm lễ gia quán (加冠) – đội mũ, biểu thị sự trưởng thành và từ đây bắt đầu kiêng húy. Kiêng húy là phong tục cấm gọi tên húy của người đã “đội mũ”… (1).
 
Tên tự 字 là tên gọi của người con trai đã trưởng thành sau khi làm lễ “gia quán” (từ 18 đến 20 tuổi), được cha mẹ trực tiếp đặt, hoặc nhờ người giỏi chữ nghĩa chọn lựa danh tự phù hợp, sâu sắc để đặt cho con mình: “Đặt tên tự vô cùng quan trọng, làm sao bao hàm nghĩa, hoặc mở rộng nghĩa của tên húy, đặc biệt có định hướng tương lai. Cách đặt tên tự, người ta thường dùng danh ngôn, thành ngữ, điển cố, những dòng thơ đẹp… để chọn lấy hai chữ ghép thành tên tự mà vừa thay những câu kia, vừa chứa đựng nghĩa tên húy (2).
 
Tên hiệu 號là tên gọi do chính người đã trưởng thành (đã có tên tự) tìm kiếm cho cá nhân mình những tên gọi chuẩn xác nhất: “Đặt tên hiệu tương tự như đặt tên tự: bao hàm, hoặc mở rộng nghĩa tên húy” (3).
 
Bên cạnh các tên húy - tự - hiệu, người xưa còn có các danh xưng (tên gọi) khác nhau như nhũ danh 乳名 (tên lúc mới sinh ra cho đến khoảng 5 tuổi, trước khi đặt tên húy), biệt hiệu 別號 (hay biệt danh 別名, là tên gọi riêng do chính người đó lựa chọn phù hợp với suy nghĩ, tâm tư tình cảm của mình), tên Tước (tước hiệu 爵號đối với người có chức vụ quan trường, được triều đình vua chúa ban tước ), tên thụy (thụy hiệu 謚號được ban sau khi người đó qua đời).
 
Xét về tên húy - tự - hiệu của Nguyễn Khản, chúng tôi thấy có mối quan hệ khá khăng khít với tên húy - tự - hiệu của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm.
 
Nguyễn Nghiễm - thân phụ của Nguyễn Khản, có tên húy Nghiễm 儼, tự Hy Tư 希思, hiệu Nghị Hiên  毅軒 (4). Khá giống với cha mình, Nguyễn Khản có tên húy Khản 侃, tên tự Hy Trực 希直, và tên hiệu Thuật Hiên 述軒. Quan hệ giữa tên húy và tên tự của Xuân Quận công là căn cứ vào câu “Nghiễm nhược ” 儼若思 trong Khúc Lễ thượng曲禮上 của Kinh Lễ (sách Lễ ký 禮記). Từ đó, ta thấy suốt cuộc đời hành nghiệp của mình, Nguyễn Nghiễm luôn giữ mình theo đúng lễ, là tấm gương sáng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền về đạo lý “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (sửa trị thân tâm mình noi theo lễ, là người có đức nhân); Và hẳn nhiên, khi Xuân Quận công đặt tên húy, tên tự cho con trai trưởng của mình là Nguyễn Khản, cũng không nằm ngoài ý nghĩa hàm súc chất chứa những kỳ vọng giữ gìn và phát huy đạo lý thánh hiền, nghiêm túc và khắc kỷ phục lễ.
 
Nguyễn Nghiễm đặt tên con trai là Khản 侃 với ý nghĩa cứng cỏi, cương trực, ngay thẳng, đĩnh đạc (như khản khản 侃侃, hoặc khản trực侃直 là thẳng ngay, cương trực; khản nhiên 侃然 là dáng mạo cương trực uy nghiêm), có khí chất mạnh mẽ, không sợ bạo quyền. Sách Luận ngữ 論語, thiên Hương đảng 鄉黨 có đoạn: “Triều, dữ hạ đại phu ngôn, khản khản như dã; Dữ thượng đại phu ngôn, ngân ngân như dã” 朝,與下大夫言,侃侃如也;與上大夫言,誾誾如也 (nghĩa là: Ở triều đình, (Khổng Tử) nói chuyện với quan đại phu dưới quyền thì thẳng thắn đĩnh đạc, với quan cấp trên thì giữ thái độ từ tốn).
 
Tác giả Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773-819) đời Đường trong bài Ngân thanh quang lộc đại phu 銀青光祿大夫 có lời rằng: “Khản khản yên vô sở khuất dã” 侃侃焉無所屈也 (Cứng cỏi mà không bao giờ chịu khuất phục).
 
Từ ý nghĩa của Khản 侃 chứa đựng sự cứng cỏi cương trực, thẳng thắn mạnh mẽ, nên sau ngày đội mũ quán (trưởng thành), ông được thân phụ đặt cho tên tự là Hy Trực 希直 (mong cầu được [luôn luôn] thẳng thắng cứng cỏi). Tên tự Hy Trực 希直đấy chính là sự thể hiện rõ ràng về ẩn nghĩa của tên húy Khản侃 do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm ban đặt cho con trai mình.
 
Vậy, tên hiệu Thuật Hiên述軒là gì?
 
Theo chúng tôi, Thuật述 trong Thuật Hiên 述軒 (tên hiệu của Nguyễn Khản) có ý nghĩa noi theo. Sách Trung Dung 中庸 có câu: “Phụ tác chi, tử thuật chi” 父作之子述之 (cha làm ra/ thi hành đạo lý, con cái noi theo). Sách Lễ ký 禮記 cũng có câu: “Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn” 仲尼祖述堯舜 (Trọng Ni [Khổng Tử] noi theo đạo Nghiêu, Thuấn). Thuật述 cũng là sự biểu đạt tròn vẹn những lời nói, ý nghĩa, đạo lý của tiền nhân mà người đời sau tiếp nối, như sách Luận ngữ  論語có thiên đầu tiên là Thuật nhi而, trong đó có câu được xem là gối đầu của giới Nho học: “Thuật nhi bất tác” 述而不作 (ta biểu đạt lại đạo lý của cổ nhân mà không sáng tác).
 
Về nghĩa chữ Hiên 軒, cũng tương tự như tên hiệu Nghị Hiên của Nguyễn Nghiễm, chữ Hiên軒 tại đây có nghĩa là “cỗ xe/ chiếc xe” đưa rước đạo lý.
 
Như thế, Thuật Hiên述軒mang hàm nghĩa như là cỗ xe đưa người cương trực, ngay thẳng noi theo đức hạnh, đạo lý của các bậc thánh hiền đi tới muôn phương, góp phần phổ quát thánh đức cho nhân quần. Cho nên, xem xét kỹ càng thì tên húy - tự - hiệu của Thuật Hiên công Nguyễn Khản có mối quan hệ tương hỗ với nhau, bổ khuyết và minh giải, làm rõ nghĩa cho nhau.
 
“Người sao phong vận vậy” - đó là câu nói truyền tụng của người đời xưa nay đối với cách nhìn nhận về mối tương quan giữa tính cách và số phận của người đời. Từ câu nói ấy, chúng tôi nghĩ rằng, Hy Trực - Nguyễn Khản là con người hẳn nhiên có nhiều phần cương trực, mạnh mẽ và thẳng thắn thì cuộc đời cũng mang những dấu ấn ít nhiều về sự thẳng thắn, cương trực và mạnh mẽ. Dẫu sinh ra và lớn lên, làm quan hành đạo trong tình thế xã hội đầy biến động của lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nhưng con người đấy, với ý nghĩa tên gọi (cương trực, vững vàng thẳng thắn) như vậy, ắt không phải là “một kẻ tầm thường, cơ hội” (như một số ý kiến trước đây), mà là con người biết giữ gìn tiết tháo, biết cương nhu tùy thời, biết noi theo và duy trì, phát huy mạnh mẽ đạo lý thánh hiền, và trên hết là con người biết giữ tính khí cương nghị.
 
Bài viết này của chúng tôi chưa thể đủ để xác quyết về cuộc đời, tính cách và đức hạnh của Nguyễn Khản, song thông qua đây, chúng tôi mong muốn sẽ góp chút ý  gợi mở hướng nghiên cứu bổ sung, sâu sắc hơn về sau. Điều đó, nếu được, sẽ góp phần công sức giúp mọi người có cái nhìn khách quan, hợp lý và chính xác hơn đối với Thuật Hiên công Nguyễn Khản.
 

Chú thích:

1. PGS.TS. Nguyễn Đăng Na (2015), “Tên húy, tên tự, tên hiệu của cụ Nguyễn Đình Chiểu” trích trong Nguyễn Đăng Na di cảo và hoài niệm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.277.
2. PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, “Tên húy, tên tự…” , sđd, tr.278.
3. PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, “Tên húy, tên tự…” , sđd, tr.278.
4. Trong các công trình trước đây, tiêu biểu là ở sách Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm cuộc đời và di văn (Nxb Văn học, 2017), chúng tôi đã có bài khảo cứu về tên húy, tự, hiệu của Nguyễn Nghiễm. Tại đó, chúng tôi đã chứng minh rất rõ mối quan hệ sâu sắc, hỗ tương và liên đới giữa tên húy, tên tự, hiệu, biệt hiệu,… của ông.
 
 
Bách Khoa
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.