Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Bảo tồn tối đa tính nguyên gốc: Cách ứng xử đúng nhất với di sản

Hiểu về bảo tồn di sản trong tính nguyên gốc
 
Di sản thường hay được xem là bất động sản, là đối tượng vật lý thuần túy, nhưng di sản là cơ thể sống từ quá khứ, thay mặt quá khứ nói cho chúng ta về lịch sử, văn hóa, hồn nơi chốn và giá trị đặc trưng của một vùng đất, một quốc gia. Không phải cứ công trình cũ, lâu năm mới là có giá trị di sản. Đôi khi công trình có niên đại chưa lớn nhưng ý nghĩa nó với một đô thị, sức ảnh hưởng của nó trong đô thị rất lớn. Và đôi khi nó mang rất ít giá trị thẩm mỹ, có khi nó khá ngô nghê, chưa đủ khéo léo để người ta phải trầm trồ về vẻ đẹp nghệ thuật, nhưng miễn là nó đứng đó, nó còn đó thì người ta còn nhận ra linh hồn của đô thị đó. Đấy là bởi sự thân quen, đấy là bởi tính gần gũi của di sản đó trong cộng đồng, nhất là khi nó có mặt trong đô thị từ những thời kỳ đầu, được lập ra bởi mồ hôi, công sức của những người đầu tiên tới khai hoang vùng đất đó.
 
 
Vì tất cả những ý nghĩa như vậy mà trên thế giới, người ta nhận ra rằng cần giữ gìn di sản với quan điểm: Giữ gìn giá trị thật, tính nguyên bản, tính chân xác, sự chính xác (Tiếng Anh gọi là Authentic). Càng tôn trọng lịch sử (ở đây là lịch sử dân tộc, lịch sử một vùng đất chứ không nên hiểu là lịch sử của một thể chế), người ta càng ngày càng đề cao tính chân xác, tính nguyên bản của di sản.
 
Cũng cần phải nhắc lại về mặt lý luận, có những căn cứ sau:
 
  • Hiến chương Ahtens về trùng tu di tích lịch sử – 1931: “Hiến chương trùng tu” gồm 7 nguyên tắc, khuyến nghị tôn trọng công trình lịch sử và nghệ thuật, không được loại bỏ phong cách của một thời đại nào vốn có. Nên duy trì việc cho sử dụng có thời hạn để đảm bảo được đời sống liên tục của các công trình, phải sử dụng vào mục đích tôn trọng tính cách lịch sử và nghệ thuật.
  •  
  • Hiến chương Venice – 1964: “Bảo tồn và phục chế các vị trí và công trình lịch sử”, gồm 16 điểm, nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm, tôn trọng tính nguyên gốc và đặc tính của công trình lịch sử qua các thời kỳ, nhấn mạnh giá trị lịch sử, thẩm mỹ của di tích. Hiến chương đã mở rộng quan niệm về di sản, tuy còn hạn chế và chưa phù hợp ở những nơi mà tầm quan trọng của công trình và vị trí phụ thuộc vào những yếu tố khác bên cạnh yếu tố vật chất.
  •  
  • Hiến chương Burra – 1979: “Bảo vệ các địa điểm di sản có giá trị văn hóa”. Được xây dựng trên cơ sở Hiến chương Venice (1964), chỉ ra giá trị văn hóa của công trình hoặc địa điểm không chỉ đơn thuần là cấu trúc vật chất mà còn phụ thuộc vào bối cảnh, môi trường xung quanh và giá trị văn hóa truyền thống. Điểm khác biệt ở đây là thuật ngữ “vị trí di sản” được thay cho “địa điểm di sản”. Nhấn mạnh quy hoạch bảo tồn phải được tiến hành trước mỗi dự án để xác định những đặc tính làm cho địa điểm có tầm quan trọng, đặc biệt.
  •  
  • Hiến chương Washington – 1987: Quan tâm đến các khu vực đô thị lịch sử cùng với môi trường của chúng. Ngoài vai trò là chứng tích lịch sử, những khu vực đó còn là hiện thân của các giá trị của văn hóa đô thị truyền thống. Hiến chương quốc tế về các thành phố lịch sử và khu vực đô thị được biên soạn bổ sung cho “Hiến chương Venice”. Xác định nguyên tắc, mục tiêu và phương pháp bảo vệ các thành phố và khu vực đô thị lịch sử cũng như để phát triển và thích ứng những thành phố, khu vực đó vào đời sống đương đại.
  •  
  • Văn kiện Nara về tính xác thực – 1994: Hội thảo tại Nara, Nhật Bản trao đổi về tính xác thực của di tích đã thống nhất không nên chỉ lấy châu Âu làm trung tâm. Văn kiện Nara gồm 13 điều, “Tính xác thực” của di tích không chỉ dừng ở bốn yếu tố mang tính vật thể là vật liệu, kỹ thuật, thiết kế, địa điểm cảnh quan mà còn phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp hơn với thực tế như truyền thống, chức năng, kỹ thuật, tinh thần và tình cảm… Văn kiện Nara cho thấy một tầm nhìn mới, giữ gìn sự đa dạng văn hóa của di sản mỗi nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.
 
  •  
Nhìn từ 2 trường hợp điển hình ở Đức và ở Việt Nam
 
– Cái chuồng bò ở Đức: Cần nhắc lại trường hợp ở Đức người ta giữ lại một cái “chuồng bò” cũ 120 năm tuổi, dù rằng nó rất xuống cấp: Sàn mục ruỗng, cột kèo xiêu vẹo… nhưng người ta đã kết luận: “Phải giữ lại cái Chuồng bò đấy như một phần di sản của làng”. Vì nó là di sản (ký ức văn hóa) của các thế hệ trong quá khứ phải chuyển sang thế hệ tương lai (được coi như trung tâm lịch sử) như một yếu tố cơ bản của bản sắc. Nó được coi là cảnh quan xã hội (không nhất thiết to đẹp, khang trang, nhiều khi phải quy mô cũng khiêm tốn, vì dân ở đấy họ quen với những thứ nhỏ bé, các khoảng cách, cự ly không gian vừa phải, ấm cúng). Nó phản ánh chuyên môn, kiến thức địa phương, tinh thần kinh doanh địa phương, sự sáng tạo của người dân địa phương trong một thời điểm của quá khứ. Nó giúp cho con người ở đó khác với con người ở chỗ khác.
 
Người ta đã thống nhất rằng cái Chuồng bò là một thành phần không nên tách rời khỏi “phức hợp cảnh quan di sản” của ngôi làng đó (“complex urban landscape of historic urban”) và nó phải được đối xử như một Di sản. (Nguồn: Bài của KTS. Lê Quang). Và người ta vào cuộc giữ gìn nó một cách nguyên vẹn, đầy đủ để giữ được bầu không khí của ngôi làng như vốn nó đã có
 
 
– Ví dụ thành công về thực hành bảo tồn Đình Trần Đăng:
 
Vừa qua chúng ta cũng có một trường hợp bảo tồn nguyên gốc rất có ý nghĩa, đó là bảo tồn đình làng cổ Trần Đăng (thuộc xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa). Trong hàng nghìn đình làng cổ, nay chỉ còn vài trăm cái được xây dựng từ thế kỷ 17, 18 lại đang đứng trước nhiều mối nguy: thời gian làm mai một, mục ruỗng, sẵn sàng đổ sụp xuống bất kỳ lúc nào, nhưng nguy hại hơn là công tác “mang danh trùng tu” sẵn sàng đập bỏ xây mới, hủy hoại di tích, thay thế, sơn phết tùy tiện… đang trở thành hiện tượng thường thấy (theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng). Đình làng Trần Đăng rất có giá trị về kiến trúc (chữ Công, có 7 gian), về cảnh quan (được xây trên một khu đất hình con rùa, xung quanh là hệ thống mặt nước, cây cầu, giếng làng, tháp chuông, chùa… tạo thành quần thể rất đẹp). Dù công trình kết cấu gỗ này đã bị mối mọt, bị hư hại nghiêm trọng do đã trải qua 400 năm, nhưng những người làm công tác bảo tồn công trình này đã quyết tâm không hạ giải, vì nếu hạ giải thì toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm có niên đại khoảng 300 năm vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy, giá trị lịch sử và văn hóa của Đình Trần Đăng sẽ giảm sút, xuống cấp. Hơn nữa, nhóm thực hành bảo tồn đã tuân thủ nguyên tắc đã trở thành bất di bất dịch trong bảo tồn di sản: đảm bảo sự tồn tại tính nguyên gốc di tích, hạn chế tối đa tính can thiệp vào di tích, các thành phần thay thế phải phân biệt với phần nguyên gốc để tránh sự nhầm lẫn; ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo; Đảm bảo không hạ giải nhưng thay thế được toàn bộ các chi tiết hỏng hóc của đình, công cuộc trùng tu được đánh giá là thành công. (Nguồn: Tọa đàm “Trùng du đình Trần Đăng: Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn”, tháng 6-2019)
 
Bài học về việc giữ lại một di sản kết cấu gỗ 400 tuổi gần như nguyên vẹn đã mang lại cho chúng ta một hy vọng mới về sự thay đổi nhận thức trong ứng xử với di sản, mở ra một tương lai cho di sản: Khi cộng đồng hiểu giá trị, hiểu về ý nghĩa di sản, cộng đồng sẽ có ý thức và cùng tìm giải phải bảo vệ, làm sống dậy các di sản.

Di sản là biểu tượng của văn hóa, một giai đoạn văn minh đã đạt được trong lịch sử vì vậy nó luôn cần được tôn trọng. Vẻ đẹp nghệ thuật (về thẩm mỹ, kiến trúc, phong cách, tỷ lệ…) của di sản chỉ là một phần của giá trị. Ý nghĩa của di sản nằm ở sau nó. Phía sau di sản là thông tin, là các thông điệp của tiền nhân để lại cho chúng ta, khẳng định giá trị lịch sử, giá trị nơi chốn. Đây mới chính là điều mà thế hệ chúng ta phải giữ gìn.
 
 

Theo Nguyên Hạnh Nguyên*/tapchikientruc.com.vn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)

 

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.