Nguyễn Du

Loading...

'Giải mã' 900 mảnh khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu

Theo báo cáo mới đây của đoàn khai quật thành cổ Luy Lâu do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) công bố, tại lớp thứ 5 của hố thám sát khu vực khuôn đúc trống đồng, nhiều hiện vật có giá trị liên quan tới người Việt xưa được hé lộ.
 
Theo đó, đoàn khai quật đã thu được trên 900 mảnh khuôn bằng đất nung, gồm cả khuôn trong và khuôn ngoài thuộc các vị trí như mặt, tang, lưng, chân.
 
Khám phá này gợi mở nhiều căn cứ khoa học cũng như nhiều câu chuyện lịch sử về thành cổ 2.000 năm tuổi và sức sống Việt trong những năm Bắc thuộc.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người đã nhiều năm nghiên cứu về trống đồng.
Xem xét lại giả thuyết về nguồn gốc trống đồng
 
TS Nguyễn Quốc Quân chia sẻ, việc phát hiện ra hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng năm trong 2015 ở di tích Luy Lâu lý thú vì nó ở trong một địa tầng. Cụ thể, địa tầng này nằm vào khoảng thế kỷ thứ 4-5 sau CN. Trước đây, người ta đã phát hiện những trống đồng thuộc vào giai đoạn muộn.
 
Những nhà nghiên cứu như ông Nguyễn Văn Huyên, Phạm Minh Huyền cũng đã có những khám phá vào niên đại này. Song, khi xếp niên đại không nằm trong địa tầng nên đó cũng chỉ là đoán định. Còn giờ nằm trong địa tầng thì có thể đoán định tương đối chính xác. 
 
TS Phạm Quốc Quân trao đổi với Thể thao & Văn hóa
 
Cần nhắc lại, phát hiện này trong địa tầng ở trung tâm Luy Lâu. Thời điểm đó, Luy Lâu bị Hán hóa rất mạnh. Việc tìm thấy hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng giai đoạn này chứng minh rõ ràng rằng đến thế kỷ thứ 4- 5 sau CN, Luy Lâu vẫn là trung tâm đúc trống đồng. Và trống đồng Đông Sơn Việt Nam vẫn có sức sống mãnh liệt.
 
Thứ hai, từ phát hiện này với địa tầng tương đối chuẩn cùng các di tồn văn hóa đi liền với nó là đồ gốm chỉ định niên đại thế kỷ thứ 4- 5 sau CN, chúng ta nhìn lại toàn bộ quá trình nghiên cứu trống đồng Đông Sơn.
 
Có những ý kiến cho rằng trống đồng Đông Sơn phát triển từ đơn giản tới phức tạp đã không chuẩn xác với phát hiện hôm nay. Những phát hiện trống đồng thời kỳ muộn, hoa văn đơn giản cho thấy sự phát triển của trống đồng Đông Sơn từ trống đồng đẹp, tinh tế như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ rồi dần dần tiết giản hoa văn tới thế kỷ thứ 4 - 5 như đoàn khai quật vừa phát hiện.
 
Từ phát hiện này, những giả thuyết về khởi nguồn của trống đồng như trống Thượng Nông hình nồi cần xem xét lại.
 
Trống đồng Ngọc Lũ, một trong những tuyệt tác của văn hóa Đông Sơn. Ảnh: TTXVN
 
“Chống Hán Đường mà ta mới là ta”
 
Theo TS. Nguyễn Quốc Quân, phát hiện những khuôn đúc trống đồng này cho thấy kỹ thuật về khuôn phá hoàn toàn chính xác so với các giả thiết trước đây. Các đoàn khai quật đã tìm được hàng loạt các mảnh khuôn đúc trống đã được gỡ hết ra. Theo các nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, họ có khả năng khôi  phục lại được một phần của khuôn ngoài. Điều này hứa hẹn nhiều khám phá thú vị.
 
Quá trình khảo cổ phát hiện quy trình sửa khuôn trên bàn xoay, tức là các phần khuôn đất nung đặt trên bàn xoay với những ắc bàn xoay. Điều này, các nhà nghiên cứu Ngô Thế Phong và Nguyễn Đắc Chiến đã đưa ra giả thuyết từ trước. Và đến nay, những giả thuyết này ngày càng vững.
 
Những phát hiện như trên có thể chứng minh Luy Lâu tới thế kỷ thứ 4- 5 vẫn là trung tâm đúc trống đồng nổi tiếng. Mặc dù Mã Viện khi sang xâm chiếm Âu Lạc có chính sách thu hết trống đồng để đúc lại những đồ đồng mang phong cách Hán. Mục đích của Mã Viện và nhà Hán là cắt đứt văn hóa Việt mong văn hóa Đông Sơn mất cội rễ. Song, sự xuất hiện của những khuôn đúc đã chứng minh chính sách này của Mã Viện nói riêng và nhà Hán nói chung đã thất bại.
 
Suốt 1000 năm Bắc thuộc, người Việt vẫn giữ được truyền thống Đông Sơn. Mệnh đề cố giáo sư Phạm Huy Thông có nói “Chống Hán Đường mà ta mới là ta” một lần nữa lại được minh chứng rõ nét trong các phát hiện mới ở Luy Lâu.
 
 
Theo Phạm Mỹ/Thể thao & Văn hóa

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.