Nguyễn Du

Loading...

"Đại Thi hào Nguyễn Du": Luồng gió mới cho phim tài liệu

Mong muốn tái hiện sinh động về cuộc đời và sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du với một cách thể hiện mới mẻ, cuốn hút người xem, phim tài liệu Đại Thi hào Nguyễn Du mới đây đã được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cấp phép phát hành. Nhà sản xuất cho biết bộ phim sẽ góp mặt tại LHP Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức tại TP. Huế.
 
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức trao đổi với diễn viên về các cảnh quay
 
Lan tỏa những giá trị văn hóa, tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
 
 Bộ phim Tài liệu truyện Đại Thi hào Nguyễn Du  thông qua những lát cắt lịch sử qua ba triều đại: Lê - Trịnh; Tây Sơn và thời kỳ đầu Nhà Nguyễn đã tái hiện lại cuộc đời của Nguyễn Du từ khi sinh ra (1765) ở phường Bích Câu, Thăng Long trong gia đình Tể tướng quyền quý đến khi làm quan tới chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ tước Du Đức Hầu và mất tại Huế (1820).
 
“Một dòng họ từng hiển vinh với câu ca: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước họ này hết quan”. Một gia đình hai thế hệ cha và con đều làm Tể tướng quyền cao chức trọng, phú quý hơn người cũng sẽ bị lãng quên nếu không có Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.  Bộ phim cũng thể hiện góc nhìn về những nhân tố quan trọng, qua tác động của hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên một nhà thơ thiên tài Nguyễn Du - Đại thi hào của Việt Nam...”, nhà sản xuất, TS. Phạm Xuân Mừng chia sẻ.
 
Ông Mừng cho biết, xuất phát từ tình yêu Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, ê kip thực hiện bộ phim mong muốn chuyển tải những thông điệp ý nghĩa để thế hệ hôm nay và mai sau biết đến nhiều hơn những giá trị văn hóa, tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều. “Bố tôi rất mê Truyện Kiểu, ông luôn nói  đến thuộc lòng cả tác phẩm. Tình yêu Truyện Kiều đã thấm vào tôi như thế...”, nhà sản xuất Phạm Xuân Mừng chia sẻ”.
 
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, nhằm góp phần vào các hoạt động kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, ý tưởng thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp Đại thi hào đã ra đời. Sau khi nhận được nhiều góp ý, mong muốn đoàn phim có cách thể hiện mới, tạo được sự hấp dẫn với khán giả, ê kíp đã quyết định chuyển từ thể loại phim tài liệu sang tài liệu truyện.
 
Nguyễn Du và người vợ đầu tiên trong căn nhà ở Thái Bình
 
“Đây là một thể loại kết hợp hai phương pháp thể hiện: phim tài liệu và phim truyện trong một bộ phim. Thế giới đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam loại hình này còn mới mẻ. Phim tài liệu truyện được thể hiện có cốt truyện nhưng phải tôn trọng sự thật và chỉ được phép sáng tạo trong sự thật. Tuy nhiên, kinh phí sản xuất bộ phim dự kiến lên tới 15 tỉ đồng. Đây thực sự là một thách thức rất lớn với ê-kíp. TS. Phạm Xuân Mừng sau một thời gian trăn trở và kêu gọi xã hội hóa, ông đã quyết định đầu tư để sản xuất bộ phim...”, đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết.
 
Nhà sản xuất Phạm Xuân Mừng cũng chia sẻ, ông và ê kip đã phải trăn trở khá nhiều trước khi quyết định nhào nặn “đứa con tinh thần” theo hình thức thể hiện phim tài liệu truyện. “Rất mừng là có nhiều chuyên gia, nhà điện ảnh uy tín cũng ủng hộ chúng tôi với cách thể hiện mới mẻ này. Phim tài liệu nghệ thuật giúp tác phẩm thoát khỏi sự khô cứng, cuốn hút và lay động cảm xúc của người xem”, TS. Phạm Xuân Mừng nói.
 
Hi vọng sẽ tạo điểm nhấn tại LHP Việt Nam XXII
 
Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho hay, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất về một số mốc thời gian hoạt động của Đại thi hào cũng như thời gian ông viết truyện Kiều. Đoàn phim đã căn cứ vào Gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền và niên biểu thời gian về cuộc đời của Nguyễn Du thông qua những nghiên cứu chính thống đã được công nhận trước đây.
 
Một cảnh trong phim
 
Bộ phim được xây dựng trên nhiều bối cảnh, từ Bích Câu - Thăng Long, Tiên Điền- Nghi Xuân- Hà Tĩnh đến Từ Sơn - Bắc Ninh, Quỳnh Côi – Thái Bình, Huế… Đây là những nơi cụ Nguyễn Du sinh ra, làm việc, rồi mất. Hầu hết đã không còn như xưa, do đó đoàn phim phải phục dựng lại hầu hết các bối cảnh đó, rất tốn kém kinh phí. Hơn nữa, thời gian trong phim trải qua ba triều đại: cuối thời kỳ Lê - Trịnh, thời kỳ Tây Sơn và đầu thời kỳ nhà Nguyễn, nhưng cơ bản phục trang vẫn gần như là của thời kỳ cuối Lê - Trịnh. Theo một số tư liệu đáng tin cậy, đoàn phim đã căn cứ vào các dữ liệu lịch sử để chọn trang phục nhằm đảm bảo tính lịch sử cao.
 
“Bên cạnh những khó khăn, đoàn làm phim  cũng nhận được sự ủng hộ lớn của các cấp lãnh đạo và nhân dân tại các bối cảnh quay như: Hà Tĩnh – quê cha; Bắc Ninh – quê mẹ; Thái Bình – quê vợ; Thành phố Huế - nơi Nguyễn Du làm quan trong triều đình và một số địa phương khác... Nhân dân tại các điểm quay cũng mong mỏi sẽ được xem một bộ phim tài liệu lịch sử tái hiện lại bằng câu chuyện có hình ảnh kể về cuộc đời Đại thi hào và tác phẩm Truyện Kiều...”, đạo diễn cho biết.
 
Phim tài liệu Đại Thi hào Nguyễn Du cũng là tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của một số lượng lớn diễn viên. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, tiêu chí đầu tiên được êkip  đặt ra khi lựa chọn diễn viên là không có sự can thiệp thẩm mỹ, ưu tiên những gương mặt mới lạ. Cố gắng đảm bảo hình thức tương ứng với các tầng lớp, đẳng cấp mà nhân vật thể hiện, từ vua, quan, trí thức, học trò và quần chúng nhân dân lao động.
 
Một cảnh trong phim
 
Đặc biệt với hình ảnh Nguyễn Du, vì thể hiện suốt quá trình từ khi  Đại thi hào sinh ra, lớn lên cho tới lúc qua đời, nên các diễn viên được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về tạo hình phù hợp với các lớp cắt về thời gian:  Nguyễn Du khi 5- 6 tuổi; 8- 10 tuổi; 13 – 15 tuổi và 18 – 55 tuổi, vì vậy yêu cầu các diễn viên đảm bảo có nét hao hao giống nhau. “Đoàn phim đã rất công phu tuyển chọn và đảm bảo được yêu cầu này. Với các hình tượng trong Truyện Kiều như Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà, Kim Trong, Từ Hải… , chúng tôi cũng cố gắng khắc họa và chọn diễn viên có gương mặt, ngoại hình phù hợp nhất…”, đạo diễn cho biết
 
Bộ phim sau khi hoàn thành đã được Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá cao và được Cục điện ảnh, Bộ VHTTDL cấp giấy phép phát hành. TS. Phạm Xuân Mừng cho biết, bộ phim đã sẵn sàng kế hoạch ra rạp sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; đồng thời lên kế hoạch tham dự LHP Việt Nam lần thứ XXII. “Với kinh phí đầu tư 15 tỉ đồng, chúng tôi không đặt mục tiêu lớn nhất là thu hồi vốn hay có lãi mà trước hết là mong muốn khán giả sẽ đón nhận tác phẩm. Mong rằng Đại thi hào Nguyễn Du sẽ là bộ phim tạo làn gió mới trong thể loại phim tài liệu, được đánh giá cao tại kỳ LHP này", nhà sản xuất Phạm Xuân Mừng bộc bạch.
 
 
Theo Hà Phương/vanhoa.online
(ảnh: Đoàn phim cung cấp)

 

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.