Nguyễn Du

Loading...

“Chuyện nàng Kiều” và những lát cắt mới về nghệ thuật

Sẽ chính thức ra mắt vào đầu tháng 11 tới đây, “Chuyện nàng Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam do Đạo diễn, NSND Anh Tú dàn dựng hứa hẹn sẽ mang tới cho khán giả những góc nhìn mới đối với kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
 
 
Nàng Kiều khoác “áo mới”
 
Nguyễn Du (1765 - 1820) là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới và là một nhà nhân đạo lỗi lạc. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương đồ sộ, nổi bật hơn cả đó là kiệt tác “Truyện Kiều”. Từ nguồn cảm hứng đó, nhiều kịch tác gia, đạo diễn đã không ngừng tìm tòi và thể hiện các nhân vật của cụ Nguyễn Tiên Điền trên nhiều loại hình sân khấu khác nhau.
 
Với sự tham gia của dàn nghệ sĩ Xuân Bắc, Diễm Hương, Quỳnh Hoa, Việt Thắng, Tô Dũng... "Chuyện nàng Kiều" được xem là một tác phẩm có nhiều thử nghiệm táo bạo của NSND Anh Tú cũng như Nhà hát Kịch Việt Nam. 
 
“Chuyện nàng Kiều” là bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người, ca ngợi cái đẹp, nhưng cái đẹp lại mong manh, dễ bị hủy diệt, dễ bị tan vỡ. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Cùng với đó, “Chuyện nàng Kiều” còn là câu chuyện mang tính dự báo: ở xã hội nào, chế độ nào, cái đẹp cũng bị vùi dập và hủy diệt; vùi dập tình yêu trong sáng, hủy diệt ước mơ và quyền sống của con người.
 
Là diễn viên trẻ được lựa chọn thể hiện vai Thuý Kiều, nghệ sĩ Diễm Hương cho biết, Đạo diễn Anh Tú đã khai thác Kiều theo một hướng khác và đó cũng là một may mắn đối với một diễn viên cá tính như cô.
 
“NSND Anh Tú đã dựng những mảng miếng cho nhân vật Thuý Kiều khác hẳn, thổi cá tính mạnh mẽ của diễn viên vào nhân vật Thuý Kiều vì anh quan niệm Kiều cũng chỉ là một người con gái bình thường, cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, cũng có thể bị mờ mắt trước vàng, trước ngọc, cũng có những mảng tối, cũng có lúc muốn vùng lên để thoát khỏi những bất công đè nén của xã hội”, nghệ sĩ Diễm Hương cho biết.
 
Cũng theo nghệ sĩ Diễm Hương, khi xem Kiều khán giả sẽ có thể giật mình vì Kiều có thể khác với những gì đã mặc định trong suy nghĩ của mọi người, sẽ không phải chỉ là một cô gái cam chịu với số phận, không biết đấu tranh mà Kiều cũng có lúc muốn bứt phá, thể hiện sự đau khổ vùng vẫy trong xã hội bất công.
 
Những thử nghiệm mới mẻ
 
Nét mới của vở diễn này là Đạo diễn, NSND Anh Tú không cho sự xuất hiện của bất kỳ bục bệ nào trên sân khấu đồng thời cho các diễn viên hát thật để thể hiện nỗi lòng của nhân vật.
 
Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết, anh muốn thử các diễn viên ngoài khả năng diễn xuất, vũ đạo hình thể thì có hát được không. Tuy nhiên, độ thử vẫn còn khiêm tốn. “Nhưng cũng phải thử nghiệm để tới đây, tôi còn muốn dựng những vở nhạc kịch pop - ballad cho Nhà hát. Cái này thế giới làm quá nhiều rồi, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn thiếu nhiều điều kiện” - đạo diễn Anh Tú chia sẻ.
 
Và để hiện thực hóa điều này, Đạo diễn, NSND Anh Tú đã mời ca sĩ - nhạc sĩ Giáng Son vừa làm ca khúc, vừa tập cho diễn viên hát. Trong vở diễn “Chuyện nàng Kiều”, nhạc sĩ Giáng Son đã viết gần 20 ca khúc dựa trên cơ sở âm nhạc dân gian Việt Nam.
 
Bày tỏ niềm mê đắm “Truyện Kiều” khiến anh quyết định chọn dựng vở này, Đạo diễn, NSND Anh Tú cũng khẳng định, anh cố gắng giữ nguyên nguyên tác, tức là bài học về hiện thực phê phán, xã hội như thế nào thì con người sẽ như thế. Xã hội phong kiến dưới câu chuyện nàng Kiều của Nguyễn Du rõ ràng đã loạn lắm rồi cho nên mới xảy ra bao nhiêu tang thương đối với thân phận thiếu nữ tài sắc như thế.
 
“Tôi cũng rất thích ở truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là tính dự báo, nằm trong ý khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi thì nó làm đảo lộn rất nhiều thứ khác, rất nhiều thứ khác chân chính sẽ bị mất ngôi, đi xuống trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp. Đây là bài học mang tính thời đại mạnh mẽ!”, Đạo diễn, NSND Anh Tú nhấn mạnh.
 
Đạo diễn, NSND Anh Tú cũng hé lộ, nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận ra trong vở diễn của anh không chỉ ca tụng cái đẹp của vạn vật có linh hồn mà ở đây phần thiên lương trong mỗi con người - ngay cả những người ác như Tú Bà, anh cũng cố gắng “moi” những giây phút tưởng như rất thiện lương nhưng rồi không neo được và để rồi trôi theo cái ác.
 
“Ý tưởng của tôi dàn dựng lần này mà tôi nghĩ đấy cũng là một tư tưởng lớn mà Nguyễn Du gửi gắm rất mạnh mẽ trong truyện Kiều. Và đó cũng là thách thức rất lớn đối với tôi khi dựng vở diễn này”, Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết.
 
 
Theo Nguyên Hà/Cinet.vn
 
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.