nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU BẢN KINH THỜI TỰ ĐỨC


Lời giới thiệu        

Mấy nhận xét về Truyện Kiều                                                                                               

Bản kinh đời Tự Đức         

Bài tựa của Lâm Nọa Phu

Nguyên văn chữ Hán
     
Phiên âm
                 
Bài dịch                                  

Bài đề thơ từ của Phạm Quý Thích

Nguyên âm chữ Nôm
 
Bài dịch         

Truyện Kiều

Nguyên văn chữ Nôm

Bản phiên âm sang chữ Quốc Ngữ (từ trang 50 đến trang 515)

Phụ lục

Sửa “Trượng nghĩa” ra “Trọng nghĩa” có phải vì kỵ húy không?                    

Tìm hiểu cách phiên âm mấy chữ “Lạt phấn sạm son”     

Lời giới thiệu

Cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liễu Văn đường tàng bản (1871) do ông Nguyễn Quảng Tuân sao chụp ở thư viện Liên trường Sinh ngữ Đông phương – Paris sau khi phổ biến đã nhận được sự chú ý của giới nghiên cứu và bạn đọc gần xa.

Vào đầu tháng 3 năm 2003 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Quốc học đã tổ chức tại Hà Nội một cuộc hội thảo lấy tên là “Đi tìm nguyên tác Truyện Kiều ”. Đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu Hán – Nôm, nghiên cứu ngữ học, nghiên cứu văn học ở Hà Nội và một vài tỉnh lân cận đã tới dự và phát biểu nhiều ý kiến có giá trị về mặt phương pháp luận nghiên cứu cũng như đã đề xuất nhiều ý kiến giải quyết một số trường hợp cụ thể. Cuộc hội thảo dĩ nhiên hướng về văn bản Kiều nói chung chứ không nhằm vào một công trình riêng biệt nào. Nhưng vì bản Kiều Liễu Văn đường của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân và bản Kiều Duy Minh thị của G.S Nguyễn Tài Cẩn đều vừa mới công bố, nên hội thảo cũng chú ý nhiều đến hai công trình này.
Việc nghiên cứu văn bản Kiều do đó đã tạo được một đà mới. Tiếp tục công việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều ông Nguyễn Quảng Tuân lại cho công bố một bản Kiều Nôm cổ nữa, bản Kinh do Lâm Nọa Phu sao chép khi đang làm quan ở bộ Công dưới triều Tự Đức, vào năm 1870, sớm hơn bản Liễu Văn Đường 1 năm.

Bản này vốn được lưu giữ ở Sài Gòn trong một tủ sách tư gia, sau năm 1975, ngờ đâu được bày bán ở chợ sách cũ, may mắn hơn con trai ông Đàm Quang Hưng đã mua được và gửi sang cho ông ở Hoa Kỳ. Đến khi có dịp sang thăm Hoa Kỳ - Houston (Texas) ngày 8 tháng 9 năm 2000, ông Huân đã được ông Hưng kính tặng cho một bản sao quyển Đoạn trường tân thanh. Nhận thấy bản Kiều Nôm ấy là một bản Kinh có giá trị, ông Tuân đã có bài viết trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 369 ra ngày 1-11-2000 để giới thiệu văn bản cổ ấy với các nhà nghiên cứu và độc giả trong nước.

Ông kiên trì làm việc: phiên âm, luận giải và khảo dị giữa bản kinh của Lâm Nọa Phu với các bản Nôm của Liễu Văn đường (1871), Duy Minh thị (1879), Tăng Hữu Ứng (1874), Abel des Michels  (1884 do Trần Ngươn Hanh sao chép ), Kiều Oánh Mậu (1902), Quan Văn đường Thời hiền thi tự (1906), Phúc văn đường,(1918) và Chiên Vân thị (viết sau năm 1905 và được in 1965). Ông có phiên đủ các câu khảo dị của Lâm Nọa Phu (Nhất tác …) và dịch các lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Ông đã làm khảo dị cẩn thận giữa hai bản: Lâm Nọa Phuvaf Liễu Văn đường để các độc giả thấy rõ sự khác biệt giữa hai bản Kinh và bản Phường. Ông cũng khảo dị với bản Tăng Hữu Ứng, môt bản Kiều có nhiều câu chép theo bản Kinh.

Ngày này chúng ta được thấy tận mắt bản Kinh của Lâm Nọa Phu, sao chép ngoài các bản Kinh chỉ được nghe nói nà Kiều Mậu Oánh và Bùi Kỉ - Trần Trọng Kim đã dùng để đối chiếu, san định khi phiên âm Truyện Kiều. Như thế là rõ ràng đã có các bản Truyện Kiều bản Kinh, Các bản Kinh này không được in ra, mà được chép tay, như Đào Nguyên Phổ đã kể lại cảnh người ta “tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giá giấy quý Lạc Đô”. Thời xưa, việc chép tay nhưng kiệt tác như thế là chuyện thường, trong khi việc in khắc có những khó khăn, phức tạp, tuy có tác dụng phổ biến rộng rãi, thì việc chép tay, với những nhà thư pháp là một việc thú vị, một việc mang tính nghệ thuật với cá tính của từng người. Tất nhiên các bản chép tay ở Kinh Đô này có những khác biệt với các bản Phường cùng thời. Nó đã được vua quan thời Tự Đức, một ông vua mê Kiều và theo lời truyền đã có những nhuận sắc bản Kiều cùng với với các cận thần (là những nhà nho lỗi lạc) do đó đã để lại dấu ấn trong những bản Kiều này.

Việc công bố bản Kinh do Lâm Nọa Phu sao chép cũng đem lại những thông tin mới. Trong lời tựa, câu: “Thị … xuất tự Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du Tố Như như ông thủ thảo, lưu truyền ngũ (thập niên) vu tư … ( Bản Kiều này xuất xứ từ chính thủ bút của Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du được lưu truyền đã 50 năm nay …“(tính từ năm 1870 ngược đến năm 1820, năm Nguyễn Du mất). Nếu đi sâu vào từng chữ, từng câu thì có lắm chữ lắm câu có thể làm căn cứ đê đối chiếu, luận giải với các bản Kiều Nôm cổ khác, từ đó cố gắng có được cái “bộ mặt thưc ”, “bản lai diện mục” của Truyện Kiều, một công việc vô cùng thú vị và khó khăn, cần phải huy động nhiều ngành học, nhiều học giả  …

Bản phiên âm và khảo dị này của ông Nguyễn Quảng Tuân tuy đã rất công phu, nhưng phiên âm Nôm là việc không đơn giản, có thể có một số chữ người đọc cách này kẻ đọc cách khác, cũng cần cùng nhau thảo luận thêm để tiếp cận chân lý, tạo nên một diễn đàn học thuật vừa hào hứng vừa tao nhã. Xưa chẳng đã có người cho rằng Truyện Kiều có tác dụng “kích dương tao nhã” đó sao?

Vậy xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc  mọt bản Nôm cổ quý giá, Bản Kinh đời Tự Đức.