Nhà văn Vũ Hạnh tên thật Nguyễn Đức Dũng, quê quán tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Tham gia Cách mạng từ năm 1945. Sau Hiệp định Giơne vơ, ở lại hoạt động tại nội thành Sài Gòn, tranh đấu trên mặt trận văn hóa. Ngoài bút danh Vũ Hạnh, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác: Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu, Hoàng Thanh Kỳ. Vũ Hạnh viết nhiều thể loại với gần 20 tác phẩm: truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học. Vũ Hạnh là tác giả của Bút máu, Lửa rừng, Người Việt cao quý…

 

 

Đọc bài viết "Hai nàng Thúy Kiều" của nhà văn Vũ Hạnh, độc giả khá lý thú trước những phát hiện khá độc đáo của nhà văn đất Quảng về tài năng văn chương, đặc biệt là sự sáng tạo tuyệt vời của Đại thi hào Nguyễn Du trong việc miêu tả và ca ngợi nàng Kiều.

So sánh, đối chiếu từng chi tiết một giữa hai cuốn: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử (Vũ Hạnh gọi Thanh Tâm tài tử chứ không phải Thanh Tâm tài nhân như nhiều nhà nghiên cứu khác-TG) và Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du, Vũ Hạnh cho rằng dấu hiệu đầu tiên của thiên tài Nguyễn Tố Như chính là đã "có sự gạn lọc". Trên cơ sở tác phẩm của nhà tiểu thuyết Thanh Tâm tài tử, bằng "ngọn đũa thần (là thi ca), Tố Như đã quan niệm trở lại nhân vật của mình, tác phẩm của mình, và rõ ràng hơn ông đã sáng tạo một Thúy Kiều khác, một nàng Thúy Kiều thực sự nhất trí, đẹp đẽ hơn nhiều, quý giá hơn nhiều.

Theo Vũ Hạnh, Nguyễn Du đã sửa đổi nhiều lần nhân cách của Thúy Kiều so với truyện Trung Hoa, ông "xây dựng trở lại một nàng Thúy Kiều có tình, có nghĩa, có những bản sắc tinh thần hợp với truyền thống tốt đẹp của giống nòi mình, để cho nhân vật được hòa lẫn vào sinh hoạt dân tộc qua nhiều thế hệ". Sau đây là một vài tình huống tiêu biểu.

Khi Kiều của Thanh Tâm tài tử lần đầu tiên gặp được chàng Kim ở bên tường nhà hàng xóm, thấy chàng "nghển đầu lên nhìn thì thoáng một cái đã nép ngay vào một bên không cho chàng nhìn rõ mặt". Lúc Kim Trọng xoi được lỗ rào, lách qua được bên vườn nàng, ôm choàng lấy nàng thì nàng cự lại: "Sao chàng lại giở cái thói điên cuồng như vậy?". Thế mà, sau vài giờ nàng đã"khóc nức nở nằm ngả vào giữa lòng chàng" .

Trong khi đó, Kiều của Nguyễn Du không có sự thay đổi sỗ sàng như vậy. Nàng chủ động đi gặp người tình: nhân cơ hội "hai thân còn dở tiệc hoa chưa về" nàng liền:" Cửa ngoài vội rủ rèm the/ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" theo tiếng gọi của tình yêu: "Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa" . Trong cuộc gặp gỡ giữa đôi trai tài gái sắc ấy, nhiều lần Kim Trọng cũng muốn "vượt rào" nhưng là một người sắc sảo, nàng đã thuyết phục được Kim Trọng:

Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt lại đền bồi có khi!

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân

Nhà văn Vũ Hạnh cho rằng: "Đa cảm, nồng nàn nhưng vẫn đoan chính, nghiêm cẩn, hai đặc tính ấy dung hòa nhất trí một cách sống động trong nàng để tao nên một nhân cách đáng yêu".

Hoạn Thư là người đã đọa đày Thúy Kiều bằng nhiều "chiêu" độc dị "không tiền khoáng hậu". Chẳng hạn, bắt Thúy Kiều ra lạy ông chủ Thúc Sinh - chồng mình. Đây là tình huống bất ngờ và nghiệt ngã đối với Thúc Sinh và Thúy Kiều. Họ không thể nhận nhau trước mặt Hoạn Thư.

" Vợ chồng chén tạc chén thù, 

Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi. 

Bắt khoan bắt nhặt, đến lời,

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay".

Lại bắt Kiều đánh đàn để hầu khiến cả nàng và Thúc Sinh phải rơi vào thảm cảnh:

"Cùng trong một tiếng tơ đồng, 

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm".

Khi vợ chồng Hoạn Thư vào ngủ thì Thúy Kiều phải đứng canh:

Người vào chung gối loan phòng, 

Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài".

Không quên mối thâm thù đó, lúc trở thành phu nhân của chủ tướng Từ Hải, Thúy Kiều đã mở phiên tòa để xét xử một số vụ án, trong đó có vụ án quan trọng là vụ Hoạn Thư.

Kim Vân Kiều truyện kể lại cảnh Kiều trả thù Hoạn thư rất dã man và tàn bạo. Nàng đã để cho bọn cung nữ "túm tóc Hoan Thư, lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để lại cho một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà, hai tên cung nữ mỗi tên túm lấy một tay để lôi giăng ra, hai tên thì cầm roi ngựa đứng trước và sau, một tên từ trên đánh xuống, một tên từ dưới đánh lên, đánh như con đĩa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn giãy giụa kêu trời, toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn"

Không như thế, nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh lại có cách hành xử khác hẳn. Khi nghe Hoạn Thư tự biện hộ: "Rằng: Tôi chút phận đàn bà,/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.../Lòng riêng, riêng những kính yêu,/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" và kể công "Nghĩ cho khi gác viết kinh /Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”, Thúy Kiều đã "truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay". Nhận xét về cách hành xử này, Vũ Hạnh viết: "nàng Kiều của Nguyễn Tố Như không phải là con người có những hận thù nhỏ mọn. Nàng biết uất hận như mọi con người đau khổ, bị nhiều chà đạp nhưng nàng cũng biết khoan dung như kẻ rộng lượng xét thấu những điều khuất khúc nơi kẻ tội đồ. Lòng khoan dung ấy, nơi Kiều, lại là sắc thái tiêu biểu của dân tộc Việt".

Nét đẹp nữa về nhân cách của nàng Kiều (của Nguyễn Du) được tác giả "Hai nàng Thúy Kiều" ca ngợi là: "tấm lòng khẳng khái của kẻ dám nói sự thực, và đó phải chăng cũng là một cái sắc thái tốt đẹp ở trong truyền thống của giống nòi ta?". Ấy là ông nhắc đến sự kiện Thúy Kiều ngang nhiên bênh vực anh hùng Từ Hải trước mặt "quan tổng đốc trọng thần" Hồ Tôn Hiến:

"Rằng: Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi! "

Nàng cũng gián tiếp tố cáo thủ đoạn hèn hạ và thái độ tráo trở, lường gạt của y:

"Tin tôi nên quá nghe lời,

Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

Ngỡ là phu quý phụ vinh,

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!"

Người ta tuyệt nhiên không bắt gặp trong truyện Trung Hoa một nàng Kiều dũng cảm như vậy mà chỉ thấy một nhân vạt cam chịu phận mình!

Một phát hiện khá thú vị nữa của nhà văn Vũ Hạnh là cái giá của Thúy Kiều trong hành trình 15 năm lưu lạcTheo Kim Vân Kiều truyện, Mã Giám Sinh mua Kiều chỉ 450 lạng bạc. Sau này, Thúc Sinh, mua nàng với giá 500 lạng bạc. Song, từ đó, giá trị của Thúy Kiều cứ tuột dài, xuống còn 200 lạng khi Từ Hải mua nàng về. Rồi, Kiều chẳng có chút giá trị gì khi Hồ Tôn Hiến đem Kiều cho không mọt tên tù trưởng. Trái lại, trong Đoạn trường tân thanh, giá trị của Kiều cao hơn rất nhiều. không tính bằng bạc mà được tính theo giá vàng: "Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm" . Qua bao lần đối chác, giá mạng cả Kiều có suy giảm đi, song tuyệt nhiên Nguyễn Du không đề cập đến một cách cụ thể. Khi Thúc sinh chuộc lại nàng, Tố Như chỉ dùng mấy tiếng "của dẫn, tay trao"; lúc Từ Hải chuộc nàng:"tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn"… Vũ Hạnh nhận định: "Rõ ràng tác giả không muốn ta dừng lại ở những chi tiết vô bổ chỉ làm tổn thương tấm lòng ta mến mộ nàng"

Trong bài tựa cuốn Đoạn trường tân thanh (viết năm 1820), Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân từng ca tụng"… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy…". Với bài viết "Hai nàng Thúy Kiều" , thiết tưởng, nhà văn Vũ Hạnh đã có một cống hiến đáng trân trọng trong việc nâng cao giá trị Truyện Kiều, và đặc biệt giúp cho hậu thế hiểu thêm về cái tài và cái tâm của đại thi hào Nguyễn Du. Được biết, bài viết này đã được đăng trên Tạp chí Bách Khoa (xuất bản trước năm

1975 ở miền Nam) và đã có mặt trong cuốn Hai trăm năm nghiên cứu - bàn luận Truyện Kiều (Nhà xuất bản Giáo dục, 2007) của soạn giả Lê Xuân Lít- một công trình tập hợp và tuyển chọn 208 bài viết của 158 tác giả về Truyện Kiều trong gần 200 năm qua.