Trong toàn bộ các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam trước đây, chưa có một tác phẩm nào được xuất bản nhiều lần và lưu truyền rộng rãi như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngay từ khi mới ra đời, Truyện Kiều đã sớm được truyền tụng trong giới sĩ phu và nhân dân cả nước. Nhiều nhà khoa bảng, học giả đã rất cẩn trọng trong khi sưu tầm, khảo đính, chú thích để xuất bản, tái bản Truyện Kiều. Nhiều nhà nho lại tự mình chép và chú thích, dẫn giải Truyện Kiều để vừa bày tỏ quan điểm và sự cảm nhận của mình, vừa như một thứ gia bảo để dành cho con cháu trong nhà sau này.

Bản Kiều Nôm in cổ nhất còn giữ được đến ngày nay là bản do Nhà Liễu Văn Đường in năm 1871 (đời Vua Tự Đức) và các bản in của Thịnh Mỹ Đường năm 1879, Quan Văn Đường năm 1879... đều không có Lệ ngôn, Tựa, khảo dị nên cũng không rõ quá trình biên khảo ra sao ? Chỉ tới bản in của Abel Des Michels (Pháp) xuất bản ở Paris năm 1884, ở lời nói đầu trang 12, Tập I có viết: “Bản mà tôi đã dựa vào để bắt đầu bản dịch này thì hầu như không thể đọc được nữa... may thay, tôi còn nhận được từ Bắc Kỳ một bản thứ hai, bản này hơn hẳn về chữ khắc...”. Như vậy, khi biên khảo bản Truyện Kiều của mình, Des Michels đã có ít nhất 2 bản in Kiều Nôm trong tay làm tài liệu tham khảo. Đến Kiều Oánh Mậu khi biên khảo Đoạn trường tân thanh năm 1902 cũng đã có trong tay nhiều bản Kiều khác nhau. Ông viết: “Các bản Phường vì không hiểu, tự ý thay đổi thật đáng chê cười, những chỗ như loại này, nay đều theo bản Kinh và tham chước các bản tư gia mà sửa lại“. Như vậy Kiều Oánh Mậu đã có trong tay các bản Phường, bản Kinh và các bản tư gia mà sau này ông dùng để khảo đính gọi là Phường bản, Kinh bản, nhất tác, hoặc tác. Năm1925, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cũng căn cứ vào một bản Nôm cổ để in tại nhà Vĩnh Hưng Long quyển Truyện Thúy Kiều. Tiếp đến năm 1941, nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng hợp nhiều bản chữ Nôm và bản Quốc ngữ đã in trước để biên khảo thành Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện.Sau này, mỗi nhà xuất bản khi in Truyện Kiều đều dựa vào các bản Nôm cổ và các bản Quốc ngữ phổ biến từ trước làm cơ sở để chú giải và biên khảo nên bản Truyện Kiều của mình.

Từ sau năm 1939 thì không thấy còn xuất bản Truyện Kiều chữ Nôm nữa, nhưng cũng chưa thấy tác giả nào thống kê đầy đủ các bản KiềuNôm đã in. Chỉ đến năm 1965, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 200 năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Viện Văn học có giao cho nhóm các nhà nghiên cứu: Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân v.v. nhiệm vụ tra cứu, hiệu đính, chú thích bản Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học. Theo nhóm này thì chúng ta biết được danh mục các bảnTruyện Kiều bằng chữ Nôm đã được xuất bản ở Việt Nam đến năm 1939 là 23 đầu sách. Trong đó có rõ ràng, đầy đủ nhà tàng bản và năm xuất bản gồm 16 bản sau đây:

1. Liễu Văn Đường, năm 1871.

2. Thịnh Mỹ Đường, năm 1879.

3. Quan Văn Đường, năm 1879.

4. Duy Minh Thị, năm 1879.

5. Abel Des Michels, năm 1884.

6. Kiều Oánh Mậu, năm 1902.

7. Quan Văn Đường, năm 1906.

8. Liễu Văn Đường, năm 1914.

9. Phúc Văn Đường, năm 1918.

10. Quảng Thịnh Đường, năm 1922.

11. Quan Văn Đường, năm 1923.

12. Phúc Văn Đường, năm 1923.

13. Phúc Văn Đường, năm 1929.

14. Phúc Văn Đường, năm 1932.

15. Phúc An Hiệu, năm 1933.

16. Phúc Văn Đường, năm 1933.

và còn lại 7 bản chưa thật rõ nhà tàng bản và năm xuất bản, đó là:

17. Bản Phạm Quý Thích, khoảng năm 1789-1825 ?

18. Bản Kinh, khoảng năm 1847-1883 ?

19. Bản Kim Vân Kiều chính bản, phụ dẫn giải phê bình (giống bản Liễu Văn Đường, 1914).

20. Bản Kim Vân Kiều tân truyện, năm 1924.

21. Bản VN B 60 - khắc ván (Minh Mệnh ngự lãm tứ danh).

22. Bản AB.233 sao chép tay của Thư viện Khoa học T.Ư.

23. Bản AB.234 sao chép tay của Thư viện Khoa học T.Ư.

Những thông tin này rất đáng tin cậy vì: “Trong qua trình nghiên cứu, nhóm này đã được nhiều vị am hiểu về văn bản Truyện Kiều và nhiều đồng chí lãnh đạo ân cần chỉ giáo cho nhiều ý kiến quý báu... Một số đồng bào trong nước, Kiều bào ở nước ngoài cũng đã vui lòng gửi tặng hoặc cho mượn nhiều tài liệu quý” (trích lời nói đầu sách dẫn trên, trang VII). Chính vì thế ông Đào Duy Anh trong Truyện Kiều (Nxb. Văn học, 1979, tr.17) cũng đã viết: “Theo bài nghiên cứu về văn bảnTruyện Kiều ở đầu sách Truyện Kiều do Viện Văn học xuất bản năm 1965 thì hiện biết có 23 bản Nôm in, trong số ấy có 3 bản thuộc về đời Tự Đức là những bản xưa nhất”. Năm 1984, Đặng Thanh Lê trongTruyện Kiều, Nxb. Giáo dục, tr.26 cũng viết: “ở nước ta, Truyện Kiềuđã được xuất bản 23 lần bằng chữ Nôm (bản cổ nhất hiện còn là bản in năm 1871, hiện được lưu giữ ở Thư viện Trường Sinh ngữ Phương Đông (Paris), bản mới nhất là bản in năm 1939”.

Năm 1988, Thái Kim Đỉnh trong Giai thoại - tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nxb. Nghệ Tĩnh, tr.104 cũng cho biết: "Riêng ở Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học Hà Nội đến năm 1965 đã thu thập được 24 bản in chữ Nôm và 27 bản in chữ Quốc ngữ". nhưng trong phần liệt kê thì Thái Kim Đỉnh cũng chỉ kể sơ qua các bản Nôm nên chưa chỉ ra bản thứ 24 là bản nào ? Năm 1991, Phạm Đan Quế trongTruyện Kiều đối chiếu, Nxb. Hà Nội, tr.14 cũng thống nhất là: "Cho đến năm 1939 đã có tới hơn 23 lần xuất bản bản chữ Nôm khác nhau".

Như vậy là cho đến nay, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều nói trên bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau cũng đều thống nhất là: "Cho đến năm 1939 đã có 23 lần xuất bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm".

Chúng ta biết được rằng, muốn xuất bản một ấn phẩm bằng chữ Nôm từ năm 1939 trở về trước, cách duy nhất là phải dùng bản khắc gỗ để in. Riêng với Truyện Kiều, nếu nhà in Liễu Văn Đường khắc in năm 1939, cần tới 70 bản khắc gỗ với gần 23.000 chữ khắc. Còn như bản in của Kiều Oánh Mậu năm 1902 phải cần tới 90 bản khắc gỗ và bản Liễu Văn Đường năm 1916 phải cần tới 103 bản khắc gỗ với gần 23.000 chữ phần chính văn và trên 10.000 chữ phần khảo đính, chú thích, lệ ngôn, tựa v.v. Như vậy, có thể hình dung ra mỗi lần xuất bản phải đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ vất vả tốn kém như thế nào. Điều đó càng làm nổi bật giá trị của Truyện Kiều và sự trân trọng yêu thích của nhân dân ta với tác phẩm bất hủ này.

Nhưng thực tế có phải là số lần xuất bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm chỉ dừng ở mức là 23 lần như nhóm các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Hoàn... đã công bố từ năm 1965 hay không ? Qua nghiên cứu, tra tìm trong các ấn phẩm đã được xuất bản của một số tác giả khác, chúng tôi nhận thấy rằng còn một số lần xuất bản Truyện Kiềubằng chữ Nôm nữa mà chưa được liệt kê ở danh mục Truyện KiềuNôm của nhóm các ông Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân. Xin được giới thiệu các bản Kiều Nôm đó để các vị học giả, các nhà nghiên cứu văn học tham khảo và cùng góp ý kiến.

1. Bản Liễu Văn Đường năm 1882 do ông Nguyễn Thạch Giang giới thiệu trong bản Truyện Kiều, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1973, trang 579.

2. Bản Kim Vân Kiều quảng tập truyện do Thiên Khẩu Thủy khắc in năm 1904, do ông Đào Duy Anh giới thiệu trong Truyện Kiều, Nxb. Văn học, năm 1979, tr.18.

3. Bản Quan Văn Đường năm 1925, do ông Vũ Văn Kính giới thiệu trong cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, xuất bản tại Sài Gòn năm 1971, tại số nhà 233 Nguyễn Thiện Thuật.

Như vậy với sự tham gia tìm tòi, lưu trữ, giới thiệu của các ông Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính đã giúp ta biết thêm được 3 bản Truyện Kiều chữ Nôm nữa.

Nhưng ngay từ năm 1965 nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Hoàn, cũng đã viết: “Rất có thể là ở trong nhân dân ta, vùng Nghệ Tĩnh quê hương Nguyễn Du, vùng Bắc Ninh quê mẹ Nguyễn Du, vùng Hải Dương quê hương Phạm Quí Thích... vẫn còn có thể tìm được một vài bản Kiều quí (tr.LXV).

Với lòng yêu thích Truyện Kiều, say mê sưu tập các văn bản Truyện Kiều Nôm, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm đến nhiều gia đình có truyền thống nho học trong vùng Kinh Bắc cũ và nhờ đó mà đã sưu tập thêm được 7 bản Truyện Kiều Nôm không trùng với 26 bản kể trên. Xin được nêu ra đây để bạn đọc cùng tham khảo:

1) Bản Quan Văn Đường năm 1911 có kích thước 18x12cm; trang đầu ghi: Kim Vân Kiều tân truyện; Quan Văn Đường tàng bản, Tiên Điền Lễ tham Nguyễn Hầu soạn; Duy Tân ngũ niên Tân Hợi san khắc. Phần văn bản chia làm 2 tầng, tầng trên câu lục, tầng dưới câu bát, chép hàng 12, thuộc loại có 3.254 câu nhưng thực tế văn bản chỉ còn từ câu 1 đến câu 2880(1).

2) Bản Liễu Văn Đường năm 1916, có kích thước 21x12cm. Ngoài bìa sách ghi: Khải Định nguyên niên thu, Kim Vân Kiều quảng tập truyện,Liễu Văn Đường tàng bản. Phần văn bản Truyện Kiều gồm 102 tờ, mỗi trang chia làm 3 tầng, tầng trên là thơ văn và bình luận, tầng giữa là câu lục, tầng dưới câu bát, chép hàng 8. Bản này có 3262 câu, dài hơn bản Phường Liễu Văn Đường năm 1871 là 8 câu.

3) Bản Thịnh Mỹ Đường năm 1919, có kích thước 17x12cm. Ngoài bìa sách ghi: Khải Định Kỷ Mùi mạnh xuân tân san, Kim Vân Kiều tân truyện; Hà Nội, Thịnh Mỹ Đường tàng bản. Phần Văn Bản gồm 68 tờ, mỗi trang chia làm 2 tầng, tầng trên câu lục, tầng dưới câu bát, chép hàng 12. Bản này cũng có 3.254 câu.

4) Bản Liễu Văn Đường năm 1919, có kích thước 21x12cm. Ngoài bìa sách ghi: Khải Định tứ niên nhị nguyệt cát nhật tân khắc. Kim Vân Kiều quảng tập truyện, Liễu Văn Đường tàng bản. Phần văn bản gồm 102 tờ, chia làm 3 tầng, tầng trên cùng chép thơ văn và bình luận, tầng giữa chép câu lục, tầng dưới chép câu bát, chép hàng 8 gồm 3262 câu.

5) Bản Liễu Văn Đường năm 1924, có kích thước 21x12cm. Ngoài bìa sách ghi: Khải Định cửu niên Tùng nguyệt cát nhật tân khắc, Kim Vân Kiều Quảng tập truyện, Liễu Văn Đường tàng bản. Phần văn bản gồm 102 tờ, mỗi trang chia làm 3 tầng, tầng trên cùng chép thơ văn và bình luận, tầng giữa là câu lục, tầng dưới câu bát, chép hàng 8. Bản này cũng gồm 3.262 câu, chữ khắc cùng loại LVĐ 1916.

6) Bản Kinh Bắc (chưa rõ năm và nhà khắc ván in) có kích thước 20x13,5cm. Tờ đầu bị mất trang 1; trang 2 ghi bài: Thi Vân của Lương Đường Phạm tiên sinh soạn. Phần văn bản gồm 68 tờ, mỗi trang chia 2 tầng, tầng trên câu lục, tầng dưới câu bát, chép hàng 12. Bản này có nhiều câu chưa thấy ở một bản Kiều Nôm nào cả.

Ví dụ: Câu 5: Lạ gì bỉ sắc thử phong (các bản Kiều khác là: tư)

Câu 1391: Phải sao chịu tốt một bề (Các bản Kiều khác là: Quyết ngay biện bạch).

Ngoài ra những câu mà bản Kiều Oánh Mậu 1902 và bản Kinh chép tay R2003 chú là “Nguyên tác” thì bản Kinh Bắc cũng chép đúng như “Nguyên tác”(2).

7) Bản Bắc Ninh (chưa rõ năm và nhà khắc ván in) có kích thước 22,5 x 12,5cm. Bản này bị mất nhiều tờ đầu và cuối, nhưng với phần còn lại thì rất giống bản Quan Văn Đường 1906 của Chu Mạnh Trinh về cả cấu tạo, cách trình bày. Nhưng phần nội dung có sai khác gần 50 trường hợp.

Ví dụ: Câu 795: Trùng phùng dù họa Hữu khi (bản CMT.1906 là: Có)

Câu 799: Trên án sẵn có THANH dao (bản CMT 1906 là: Con)

Qua đó sơ bộ kết luận bản Bắc Ninh chắc cũng do nhà Quan Văn Đường khắc in theo nội dung của bản do Chu Mạnh Trinh biên khảo nhưng có sửa chữa ít nhiều(3).

Như vậy là theo thống kê năm 1965 của nhóm các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân, thì mới có 23 lần xuất bản Truyện Kiều Nôm từ trước đến năm 1939. Nay qua nhiều văn bản còn lưu giữ được, ta có thể thấy các ông Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang và Vũ Văn Kính phát hiện thêm được 3 bản nữa và chúng tôi, những người yêu thích Truyện Kiều trên quê hương Kinh Bắc - cũng đã sưu tầm và lưu giữ được thêm 7 bản Kiều Nôm nữa (như trình bày ở phần trên). Nghĩa là cho đến nay - sau hơn 30 năm trời, kể từ 1965- chúng ta có thể tạm biết được số lần xuất bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm giai đoạn trước năm 1939 là 33 lần.

Với lòng yêu thích Truyện Kiều, trân trọng di sản văn hóa của dân tộc, chúng tôi xin được góp một vài tư liệu quý về vấn đề trên. Rất mong được các vị học giả, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Truyện Kiềucho ý kiến chỉ giáo.

CHÚ THÍCH

(1) Về bản Quan Văn Đường 1911 và quan hệ với VNb.60 (Minh Mệnh ngự lãm tứ danh) sẽ giới thiệu vào dịp khác.

(2) Bản Kiều Kinh Bắc đã được giới thiệu tại Hội nghị thông báo Hán Nôm 1-1998 tại Hà Nội.

(3) Về bản Kiều Bắc Ninh và quan hệ với bản Quan Văn Đường 1906 sẽ xin giới thiệu kỹ vào dịp sau.