nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Một không gian Chầu văn và “bảo tàng khăn chầu áo ngự”


Đền Lưu Ly (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được xem là bảo tàng thu nhỏ "khăn chầu áo ngự”, và là nơi giao lưu sinh hoạt hát Chầu văn

 

Không gian diễn xướng Chầu văn tại Đền Lưu Ly

 

Mang trong mình nhiều giá trị văn hóa độc đáo như kiến trúc xây dựng và cách bài trí gian thờ tự theo yếu tố thiên - địa - nhân, thờ đầy đủ các vị tinh quân trong văn hóa thờ tự và tín ngưỡng của người Việt, năm 2013, Đền đã được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam trao bằng Bảo trợ di tích văn hóa, đồng thời được coi là điểm sinh hoạt và giới thiệu Nghi lễ Chầu văn. Đền đã nhiều lần tổ chức các Liên hoan Nghi lễ Chầu văn, hội tụ các đoàn thanh đồng, đạo quan từ khắp nơi trong cả nước về dự thi, góp phần chắt lọc những tinh hoa trong nghệ thuật Chầu văn, đồng thời loại bỏ những biến tướng của nghi lễ này. 

 

Đền được xây dựng 3 tầng với không gian rộng lớn bài trí thờ tự theo từng tầng. Nơi không nên bỏ qua nhất để hiểu hơn về Đền Lưu Ly là khu vực được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là "Bảo tàng Khăn chầu áo ngự” thu nhỏ của Nghi lễ Chầu văn. "Bảo tàng” này được Ban quản lý Đền đặt tại tầng 2 với hàng trăm bộ trang phục khăn chầu áo ngự được làm thủ công. Những đường nét thêu tay tỉ mỉ đầy màu sắc do chính các nghệ nhân thêu tay của Việt Nam thực hiện. Nghệ nhân Vương Thị Ất, người có hơn 20 năm nghiên cứu về trang phục trong Nghi lễ Chầu văn, cũng là người nghệ sĩ đầu tiên dám bỏ tiền túi của mình để xây dựng Lưu Ly điện ban đầu cho biết: "Trong một giá chầu, trang phục đẹp sẽ tạo nên sự thăng hoa cho thanh đồng cũng như những người tham dự buổi lễ. Mỗi giá chầu sẽ có một bộ trang phục quần áo riêng, kèm theo các phụ kiện như mũ, khăn, trang sức cầu kỳ”. Nhìn hình ảnh những bộ khăn chầu áo ngự xếp ngay ngắn, đủ hoa văn màu sắc khách thập phương có thể thấy sự nâng niu nét văn hóa độc đáo của người dân Việt, cũng như thôi thúc thêm sự khám phá về nghi lễ đặc biệt này. Những ngày lễ hàng tháng và ngày tết, Đền đón hàng vạn người dân về chiêm bái, góp phần tạo nên giá trị và diện mạo mới trong việc phát triển du lịch tâm linh, chiêm ngưỡng nét văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

 

Cuối tuần qua, Sở VHTTDL Hà Nội đã chính thức trao bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố và Bằng chứng nhận Đền đạt chuẩn thờ Tam tứ phủ Việt Nam cho Đền Lưu Ly.

 

 

Theo Huyền Trang/Đại đoàn kết


Di sản văn hóa