Ca trù- di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đã có những tín hiệu vui từ đội ngũ kế cận trẻ, yêu di sản.

 

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 đem đến tín hiệu đáng mừng khi có nhiều bạn trẻ đam mê với Ca trù (Ảnh: Hà An)

 

Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014 với sự tham dự của 26 đơn vị, câu lạc bộ ca trù đến từ 12 tỉnh, thành phố, sự xuất hiện của đông đảo nghệ sĩ trẻ đã tạo nên một nét mới của liên hoan. Sau nhiều năm vinh danh các nghệ nhân già, những người nhiều năm đã gìn giữ, bảo tồn di sản của dân tộc thì năm nay, liên hoan tạo cơ hội cho lớp trẻ, lứa nghệ sĩ kế cận được thể hiện những gì họ đã học tập, trau dồi trong thời gian qua từ các câu lạc bộ ở địa phương.

 

Những mầm xanh

 

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 là một sự kiện nằm trong chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca trù do Viện Âm nhạc (Bộ VHTTDL ) tổ chức. Năm nay, Liên hoan có 132 tiết mục của 26 nhóm Ca trù đến từ 12 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký tham gia. Có thể khẳng định, đây là Liên hoan Ca trù có số lượng tiết mục cũng như nhóm nghệ nhân, CLB Ca trù tham gia đông đảo nhất. Liên hoan có sự xuất hiện của nhiều nhóm, CLB ca trù mới như nhóm Ca trù của cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (CLB Ngãi Cầu), CLB ca trù Phú Thị, CLB ca trù Thượng Mỗ, CLB Đồng Trữ... Những người trẻ ấy chỉ chừng 11, 13 tuổi nhưng giọng hát đã ăn với nhịp phách. Đặc biệt, khán giả còn bất ngờ và ngạc nhiên trước sự thể hiện khá ấn tượng của các em nhỏ mới chỉ 4, 5 tuổi đến từ CLB Đồng Trữ, CLB Ngãi Cầu…


 

Điểm chung của các em nhỏ đều vì đam mê mà tự nguyện đến với Ca trù- một thể loại âm nhạc quá khó so với tuổi của các em. Tuy nhiên, đều đặn 2 năm nay, các em như Nguyễn Thị Linh (13 tuổi), Nguyễn Thị Loan (13 tuổi)… vẫn say sưa tập luyện nhịp phách, điệu hát với các cô, bác trong CLB Đồng Trữ (Chương Mỹ, Hà Nội).

 

Em Nguyễn Thị Loan cho biết, ngoài các giờ học, đều đặn Thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần em đều đến CLB để học hát với các bác, các cô. Được các bác, các cô khen có năng khiếu, mặc dù trong gia đình không ai theo con đường nghệ thuật, nên Loan càng ham học. Nhiều khi bị bạn bè trêu chọc vì hát những bài bạn bè không hiểu nhưng vì yêu thích và được bố mẹ động viên nên Loan vẫn nhiệt tình theo tham gia sinh hoạt đều đặn tại CLB.

 

May mắn hơn Loan, em Nguyễn Thị Linh (13 tuổi) sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Ca trù. Là chắt của cụ Trần Thị Gái, một giọng ca từng nổi tiếng của giáo phường Ca trù Phú Nghĩa, được nghe cụ hát, Loan ngấm dần và yêu Ca trù lúc nào không hay. Loan kể: “ Khi cháu nói cháu tham gia CLB Ca trù Đồng Trữ, cụ cháu mừng lắm. Cụ bảo, hát Ca trù thật khó không phải ai cũng hứng thú. Nhưng đã hứng thú rồi thì có thể sẽ phải theo suốt đời!”.

 

Linh cũng đã theo học Ca trù được 2 năm và ngày càng cảm thấy say mê hơn. Cũng như Loan- người bạn cùng xóm, cứ mỗi tối ngày cuối tuần các đào nương nhí lại cùng đến để chơi, để học hát với các bà, các cụ không sót buổi nào.

 

Bên cạnh đó, một lớp học Ca trù nhí với 7 em nhỏ từ 4-9 tuổi tại nhà riêng của cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng minh chứng tình yêu dành cho di sản này sẽ còn được trao truyền.

 

Nhận định về tín hiệu vui này, GS Đặng Hoành Loan- Nhà nghiên cứu âm nhạc, Tổng đạo diễn kiêm Cố vấn chuyên môn của Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 cho rằng: “Nếu so với năm mà chúng ta làm Hồ sơ Quốc gia thì Ca trù đã có một bước tiến vượt bậc. Hiện nay chúng ta đã có một đội ngũ ca trù rất trẻ trung từ 15- 50 tuổi. Nếu chỉ tính đến liên hoan thôi thì đã có trên 100 người, còn nếu tính cả đội ngũ chưa đến liên hoan theo báo cáo của các tỉnh, thành thì chúng ta đã có 200 nghệ nhân. Điều đó cho thấy Ca trù đã thoát khỏi tình trạng đang đứng bên bờ vực của sự biến mất, Ca trù đã hiện hữu lại trong sinh hoạt đời sống cộng đồng”.

 

Vẫn còn đôi điều trăn trở

 

Dẫu đã sống trong cộng đồng, nhưng Ca trù đã đến được với khán giả và có người thưởng thức hay chưa, vẫn còn là niềm trăn trở của những người đang góp phần gìn giữ, nâng niu di sản này.

 

Liên hoan vẫn chỉ là người trong nghề biết với nhau, khán giả thưa vắng, công tác quảng bá không có khiến ít người biết đến, thành thử, những người làm việc gìn giữ di sản như “áo gấm đi đêm” với nhau.

 

Điều này, được GS Đặng Hoành Loan thừa nhận: “Chúng ta tổ chức được nhiều cuộc liên hoan, nhiều cuộc gặp gỡ và giới thiệu Ca trù thì Ca trù sẽ đến được với công chúng. Hiện nay, những việc làm, mong ước và trách nhiệm của chúng ta đối với Hồ sơ Quốc gia khi chúng ta trình UNESCO thì chúng ta thực sự làm chưa đến nơi đến chốn cho nên nghệ thuật Ca trù vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Tôi mong rằng các nhà quản lý văn hóa có sự quan tâm thực sự và có kế hoạch nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy vốn di sản này trong đời sống cộng đồng”.

 

Với một sự kiện đã thế, việc duy trì, quảng bá sinh hoạt của các CLB ở địa phương còn khó khăn đến thế nào.

 

Thực tế, nhiều giọng ca trẻ đã từng tỏa sáng như đào nương Nguyễn Thị Chinh được trao giải “Mở xiêm y” từ liên hoan ca trù toàn quốc 2004 cho đến nay vẫn là một bóng dáng mờ nhạt, ít người biết đến hay như đào nương nhí Nguyễn Thị Minh Ngọc của CLB Ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh giành giải Gương mặt trẻ triển vọng thì nay việc sinh hoạt định kỳ của em với CLB cũng thưa thớt dần.

 

Theo GS Đặng Hoành Loan: “Một nghệ thuật nào đi đến đỉnh cao cũng đòi hỏi phải có khán giả riêng và lớp người chơi riêng của nó và nghệ thuật ca trù thuở xưa cũng thế, vì thế chúng ta phải làm sao chúng ta tạo ra lớp người chơi riêng giống như kiểu ngày xưa thì tôi nghĩ rằng Ca trù sẽ tồn tại. Việc hỗ trợ đời sống nghệ nhân bằng cách tổ chức các lớp truyền dạy chúng ta cũng chưa làm được, điều này sẽ cản trở rất nhiều đến việc phục hưng Ca trù.

 

Bởi vậy, dù xuất hiện thế hệ kế cận mới, dồi dào hơn thì điều cần thiết vẫn phải là chính sách bảo tồn, hỗ trợ giúp cho các ca nương sống được với nghề.

 

Theo ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, một trong số ít đơn vị vẫn đỏ đèn mỗi tuần với những đêm diễn phục vụ du khách quốc tế: “Để kết nối tình yêu bền chặt với nghệ thuật này thì các ca nương nhí phải thường xuyên được dìu dắt, bồi dưỡng và truyền lửa đam mê. Hơn nữa, cũng phải làm sao để mọi người có thể sống được với nghề. Điều này, không phải CLB nào cũng làm được. Chúng tôi cần sự hỗ trợ và các chính sách từ cấp trên”.

 

Bởi vậy, sau mỗi Liên hoan, sau mỗi lần đánh giá lại, chúng ta cũng cần những hành động thiết thực hơn nữa để “vực dậy” di sản này hơn là để cho các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn chỉ sống bằng đam mê./.