nguyendu.com.vn
Loading...

Gốm Trù xứ Nghệ - Một làng gốm truyền thống đặc sắc


Gốm Việt Nam trong nhiều năm qua đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu, sưu tập và giới thiệu. Chúng ta rất quen với những cái tên gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), Phù Lãng (Quế Võ - Bắc Ninh), gốm Mường Chanh (của người Thái, Mai Sơn - Sơn La), Bầu Trúc (của người Chăm, Ninh Phước - Ninh Thuận)… nhưng gốm làng Trù chắc chắn còn xa lạ cho dù sản phẩm của nó được bán rộng rãi ở nhiều tỉnh trong cả nước.
 
Làng nghề gốm cổ Trù Sơn - Nghệ An.
 
Làng Trù là cách gọi tắt của làng Trù Ú hay còn gọi là làng Nồi, xưa thuộc Trù Ú, tổng Bạch Hà, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, về sau thuộc hai xã Trù Sơn và Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Xã Trù Sơn hiện nay cách thị trấn Đô Lương 20km về phía Đông Nam. Từ Quốc lộ 46 rẽ sang đường 15 đến Mỹ Sơn (Đô Lương), sau đó vượt qua đỉnh Cồn Nem, là đặt chân đến Trù Sơn. 
 
Không ai biết chính xác cái nghề “vắt đất làm nồi” có ở Trù Sơn từ thời nào. Chỉ biết rằng, để phục vụ nhu cầu trong đời sống, những người nông dân ở đây đã tìm cách tạo ra những sản phẩm từ đất phục vụ cho sinh hoạt của mình, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện mang đi bán. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương: “Làng Trù là làng gốm giữ được truyền thống làng gốm cổ xưa nhất của người Kinh ở Việt Nam”.
 
Lấy đất và xử lý đất là khâu quan trọng trong nghề gốm. Đất phải mua và lấy ở cánh đồng Hà Yên - Xa Hội thuộc làng Hội Yên, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, cách làng Trù khoảng 7-10km. Lấy đất là công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe nên thường do nam giới đảm nhiệm. Họ dùng cuốc, thuổng, xẻng đào bằng tay từng hố như đào giếng, đường kính khoảng 0,9-1m, sâu khoảng 1,5-2m, bỏ hết những lớp đất bên trên, tới lớp đất thứ 4 dày khoảng 0,5-0,6m là lớp đất sét mịn, màu trắng, có đường vân vàng, ánh dầu như múi mít và dẻo có thể làm nồi. Sau đó, để lấy hết lớp đất này, người ta lại đào ngang theo hàm ếch khoét sâu vào chừng 1-1,5m. Trước đây, đất được bỏ vào thùng gánh về, mỗi người mỗi buổi gánh được khoảng 40-50kg. Ngày nay, họ dùng xe đạp thồ chở đất về làng để sử dụng, mỗi xe thồ được 4 bao khoảng 150-200kg.
 
Đất lấy về, trước tiên trải đều trên thớt gỗ dài 1,5m, rộng 0,8m rồi dùng thuổng băm cho nhỏ, loại bỏ các tạp chất, tưới nước đều, ủ từ 5-10 tiếng rồi dùng chày giã. Sau này, người ta dùng liềm hay dây cắt gạch xắn, rảy nước và lấy chân dẫm nhiều lần cho đến khi đất nhuyễn, dẻo, không còn loang lổ, chỉ với một màu vàng, đỏ, hoặc xanh. Đất sau khi nhào luyện có thể nặn nồi ngay hoặc đắp thành đống ủ dùng dần.
 
Nặn gốm là công việc của phụ nữ vì đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Để tạo được hình dáng của một sản phẩm gốm, công cụ cần thiết quan trọng nhất của gốm làng Trù là chiếc bàn xoay. Bàn xoay gồm có hai thớt: thớt trên và thớt dưới. Thớt trên hình tròn, được làm bằng gỗ mít hay lim, đường kính khoảng 40-45cm và dày khoảng 3cm; thớt dưới thường dùng gỗ tạp, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 25-30cm và dày hơn, khoảng 5-6cm. Giữa hai thớt có một cái ngõng cao 0,5-0,6cm trước làm bằng sừng trâu, nay là vòng bi và đinh sắt.
 
Ngoài bàn xoay, để làm nên sản phẩm gốm còn cần một vài công cụ khác: khót vòng, khót cạo, khót lau, dui, hai nồi đất nhỏ, một nồi đựng nước, vắt một mảnh vải nhỏ và một nồi khác đựng tro trấu đã rây nhỏ.
 
Khi nặn gốm, họ ngồi trên một chiếc ghế gỗ rất thấp. Đầu tiên, rắc một nắm tro mỏng lên mặt bàn xoay để không bị dính khi lấy sản phẩm ra. Sau đó, dát mỏng một nắm đất để làm đáy nồi, rồi lấy các con chạch, bóp hơi dẹt, đặt theo mép đáy, một tay ngoài đỡ, một tay ghép nối và ngón chân cái đẩy nhẹ bàn xoay từng nấc một cách chậm chạp để tạo thân sản phẩm. Khi sản phẩm đã thành hình cơ bản, họ dùng miếng giẻ nhỏ thấm nước để làm loe miệng, lau cho miệng và vai gốm được nhẵn. Tiếp theo, họ dùng khót vòng để cạo mỏng và làm nhẵn bên trong, dùng khót cạo cạo bên ngoài. Đó là toàn bộ công đoạn làm vỡ, nó rất quan trọng, nó thể hiện người thợ có kinh nghiệm và khéo tay hay không? Nó quyết định vẻ đẹp cũng như chất lượng của sản phẩm.
 
Sản phẩm gốm đã làm vỡ xong để khoảng 3,4 tiếng cho ráo nước rồi dùng khót lau làm cho trơn, nhẵn bóng bên ngoài. Và lúc này cũng mới có thể dùng dui để đục lỗ như nồi hông xôi, ấm sắc thuốc… hay làm vòi ấm. Cuối cùng, gốm được đưa ra ngoài sân phơi cho đến khi kho nỏ rồi đưa vào lò để nung.
 
Làng Trù nung gốm cũng không giống ai. Nếu người Chăm nung gốm ngoài trời theo phương thức trải củi lên mặt đất phẳng để làm đế, đặt gốm lên trên rồi dùng rơm, rạ, củi cùng trấu để đốt cho đến lúc chín gốm; làng Vồm (Thanh Hóa) lại nung trong lò cóc nhỏ, còn làng gốm Hiển Lễ (Vĩnh Phúc) lại nung trong lò rồng, nửa chìm, nửa nổi thì ở làng Trù vẫn sử dụng lối nung cổ là nung ngoài trời nhưng lại có đế lò. Đế lò được làm theo hình tam giác, mỗi cạnh dài khoảng 2-2,5m, cao khoảng 40-45cm, có ba lỗ đốt lửa ở ba đỉnh. Đế lò được xây bằng những viên đá ong hoặc những thỏi đất sét xắn như viên gạch vồ. Bên trong lò người ta xếp vài thỏi đất sét và một số sản phẩm phế phẩm để làm đế kê. Các sản phẩm sau khi được phơi khô xếp chồng lên nhau rồi phủ rơm.
 
Vật liệu dùng để nung gốm là bổi (lá gồi, cây dành dành, lá thông, bạch đàn… phơi khô) và rơm rạ. Mỗi lò gốm (khoảng 400-500 sản phẩm) thường đốt hết 150-200kg bổi và 50-100kg rơm rạ.
 
Trước khi xếp gốm lên lò nung, người ta xếp dưới đáy lò một lượt các sản phẩm gốm phế phẩm, gọi là đà, rồi mới xếp sản phẩm gốm lên trên. Khi xếp vào lò nung, gốm được xếp ngửa, cái nhỏ nằm trong cái to, nếu ít sản phẩm thì xếp dàn đều, còn nhiều thì cứ thế xếp chồng lên. Bên trong mỗi cái nồi, người ta bỏ vào đó một ít rơm để khi nung, rơm cháy làm chín sản phẩm và tạo ra màu đen hun khói ở bên trong sản phẩm. Giữa các nồi, họ dùng những mảnh gốm vỡ chèn cho lò được vững chắc.
 
Gốm đã xếp vào lò, họ bắt đầu dùng nạng đẩy lá bổi vào đốt cho đến khi toàn bộ lò gốm đã bị ám khói có màu đen. Lúc này chỉ được đốt lửa nhỏ để cho bay hết hơi nước, nếu lửa quá to, các sản phẩm sẽ bị nổ, vỡ. Đốt như vậy khoảng 15-20 phút người ta lấy 3-4 lớp gốm trên cùng xếp úp lại để giữ nhiệt và lò gọn hơn cho dễ phủ rơm. Tiếp theo, họ phủ toàn bộ phía bên ngoài một lớp rạ dày 10 - 15cm tạo thành vỏ lò để giữ nhiệt. Khi đốt bổi phía dưới, rơm phủ phía trên lò cũng cháy, cứ chỗ nào rơm cháy hết, gốm hở ra họ lại vấn thêm rơm vào. Cứ như vậy đốt cho đến khi thấy lửa “bò” lên mặt lò, lửa phủ hết phía bên ngoài, khói trắng, tàn tro trắng là gốm đã chín thì thôi. Thời gian đốt một lò gốm thường mất 2-3 giờ và sản phẩm có màu da cam, hơi đanh rất đẹp.
 
Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi với nhiều chủng loại, hình dáng, kích cỡ khác nhau, nhưng thường có ba loại là nồi thường để nấu cơm, nồi miệng hẹp để nấu nước và nồi trẹt - cạn (trách) để kho cá. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác như nồi đình gánh nước, ấm sắc thuốc, nồi quạt than, nồi xông hơi, nồi hông nấu rượu, nồi ủ giá đỗ, chảo rang…
 
Đặc điểm của gốm làng Trù là các sản phẩm rất mỏng, có kích thước đều nhau tăm tắp và có màu vàng ruộm cho dù sản phẩm đó là to hay nhỏ. Hình dáng các sản phẩm gần như không thay đổi trong nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, gốm làng Trù có thêm sản phẩm mới như ống đựng tiền tiết kiệm… nhưng hình dáng vẫn giống như cái trách úp ngược.
 
Gốm làng Trù có vẻ đẹp thuần khiết từ tạo dáng khỏe khoắn, mạch lạc với màu sắc sau khi nung vàng ruộm. Chúng ta không thấy trên gốm làng Trù một loại hoa văn nào dù vẽ chìm hay đắp nổi, cũng như không dùng đến men, điều đó chứng tỏ gốm Trù Sơn là loại gốm đẹp nhưng có mục đích phục vụ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày của người dân, nặng về chức năng sử dụng và có giá thành rẻ.
 
Nếu có dịp ghé thăm ngôi làng đầy nắng và gió Trù Sơn của mảnh đất xứ Nghệ để tìm hiểu công đoạn tạo ra các sản phẩm bằng gốm. Chắc chắn rằng, bạn sẽ thấu hiểu được sự vất vả của những người thợ gốm nơi đây và càng trân quý những chiếc nồi, chiếc siêu trong nhà hơn.
 
Theo Phương Anh (tổng hợp)/Bảo tàng lịch sử quốc gia

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website