nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU BẢN NÔM, THỊNH MỸ ĐƯỜNG, TỰ ĐỨC, KỶ MÃO 1879


Lời giới thiệu
Mấy suy nghĩ về việc phục hồi nguyên tác Truyện Kiều
Phiên âm chính xác Truyện Kiều để bảo tồn từ ngữ cổ của tiếng Việt
Văn bản Thịnh Mỹ đường và phiên âm   
Phụ lục: Các bản Kiều Nôm và Quốc ngữ chính dung tham khảo (Từ số 1 đến số 44)
Tài kiệu tham khảo   

Lời giới thiệu

Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam và thế giới. Từ khi ra đời vào những năm cuối thế kỷ XVIII, tác phẩm thơ lục bát này đã chinh phục trái tim khối óc và tâm hồn biết bao thế hệ người Việt Nam và thế giới. Kể từ lần xuất bản đầu tiên mà chúng ta được biết là năm 1866, đến nay tác phẩm này đã được in hàng trăm lần bằng nhiều loại văn tự: Nôm, Quốc Ngữ, Pháp, Anh, Nga, Hán , Đức, Tây Ban Nha, Tiệp, Hung, Ả Rập, Nhật Bản, Ba Lan… Nhưng chưa tìm được Nguyên tác có thủ bút của chính Thi hào nên mỗi lần xuất bản, mỗi nhà biên khảo, mỗi dịch giả lại tự mình tạo nên một “văn bản Truyện Kiều” theo công phu khảo cứu của mình, do vậy chuyện “Tam sao thất bản ” là điều không thể tránh khỏi.

Quan tâm đến vấn đề khôi phục Nguyên tac Truyện Kiều, trong nhiều năm qua Lương y Nguyễn Khắc Bảo - Ủy viên ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều thời gian công sức và tâm trí, vào Nam ra Bắc, lặn lội khắp các làng xóm quê hương Kinh Bắc (là quê ngoại của thi hào Nguyễn Du) để tìm các gia đình có truyền thống nho học, văn học,y học nhằm sưu tầm các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm.

Do có tấm lòng “tiếc lục tham hồng” nên tủ sách của ông Nguyễn Khắc Bảo đã có tới 41 bản Truyện Kiều chữ Nôm và hàng trăm bản Truyện Kiều Quốc Ngữ và sách tham khảo khác (từ bản cổ nhất như Liễu Văn đường 1866, Liễu Văn đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Thịnh Mỹ đường 1879, Trương Vinh Ký 1875, A. Michels 1884, Nguyễn Văn Hoàn 1965, Nguyễn Thạch Giang 1972, Đào Duy Anh 1979, Vũ Văn Kính 1998… ) Hiện nay tủ sách về Truyện Kiều này đã được báo chí và giới chuyên môn coi là tủ sách có nhiều bản Kiều Nôm cổ nhất Việt Nam.

Nghiền ngẫm, say me miệt mài và trăn trở cùng từng câu chữ của các bản Kiều Nôm cổ, khảo cứu bằng tác phong khoa học chính xác của một người vốn dĩ là thầy giáo dạy toán cùng phong cách nghiêm cẩn, bình tĩnh, tỉ mỉ của một thầy thuốc, lại có vốn chữ Hán, chữ Nôm sâu rộng kiến thức văn chương va sử học khá vững vàng. Lương y Nguyễn Khắc Bảo đã phát hiện ra khá nhiều câu thơ trong Truyện Kiều có cách đọc mới và cách hiểu rất đáng chú ý là:

Quản chi trên các dưới duềnh thay cho: Quản chi lên thác xuống ghềnh

Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ thay cho:  Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa

Đôi ta chút nghĩa bèo bồng thay cho:  Đôi ta chút nghĩa đèo bòng

Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân thay cho: Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài  một thân

Dẩy ngay lên ngựa tức thì thay cho: Vực ngay lên ngựa tức thì.

Việc thay đổi một chữ, một câu trong Truyện Kiều là rất khó khăn vì hằng trăm năm nay, hàng triệu người vẫ đọc và thuộc lòng các câu thơ Kiều cũ. Nay lại đọc theo cách mới và hiểu theo cách khác thì rất dễ bị “Thiên kim … châm” là chuyện khó tránh khỏi. Song chuyện khác đi một chữ trong quá trình ”phải dò đến ngọn nguộn lạch sông”  theo đúng tinh thần “cái gì của Nguyễn Du xin trả lại cho Nguyễn Du” của ông Nguyễn Khắc Bảo đã được tạp chí chuyên ngành Hán – Nôm, Ngôn ngữ, Văn nghệ trẻ, Văn hóa nghệ thuật, Người Kinh bắc và các Hội nghị chuyên đề như: Hội nghị Thông báo Hán – Nôm Việt Nam hằng năm từ năm 1997 đến nay, Hội nghị Ngôn ngữ và Văn hóa 990 năm Thăng Long Hà Nội (năm 2000 đến 2002 ), hội nghị Quốc tế  về chữ Nôm 2004 ghi nhận và đăng tải, bạn đọc sành Hán – Nôm và Truyện Kiều trong cả nước đón đọc và tán thưởng. Với những bài báo đó, Lương y Nguyễn Khắc Bảo đã trở thành Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, một sự ghi nhận về những đóng góp của ông trong việc khảo cứu ngôn ngữ Truyện Kiều.

Công trình: “Truyện Kiều  - Bản Thịnh Mỹ đường Tự Đức kỷ mão” do ông Nguyễn Khắc Bảo phiên âm và khảo đính là kết quả của quá trình khảo cứu đã lâu năm của tác giả. Lần xuất bản này trình bày song ngữ Nôm và Quốc Ngữ giúp độc giả vừa được “thực mục sở thị” một trong những bản Kiều Nôm cổ nhất, lại được đọc một văn bản Truyện Kiều, đã được tác giả “Gạn đục khơi trong – Đãi cát lấy vàng” từ hơn 40 bản Kiều Nôm cổ để xây dựng nên bản Kiều Quốc Ngữ này, nên có nhiều khả năng sát với nguyên tác Truyện Kiều hơn các bản thông dụng hiện nay.

Dĩ nhiên cuốn sách này mới chỉ là công sưc nghiên cứu của cá nhân tác giả, giá trị những câu chữ theo hướng phục hồi nguyên tác Truyện Kiều cần được sự thẩm bình, trao đổi, bổ cứu của giới nghiên cứu  và đông đảo bạn đọc. Chỉ có như vậy chất lượng và giá trị của công trình này mới được khẳng định và tìm được vị trí phù hợp trong tâm trí độc giả.