nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU - VĂN BẢN HƯỚNG TỚI PHỤC NGUYÊN


Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa thé giới Nguyễn Du là một kiệt tá của nền văn học Việt Nam và thế giới. Theo ý kiến đa số các nhà nghiên cứu thì tác phầm này được sáng tác vào thời Tây Sơn (khoảng 1796-1801 và ghi lại bằng chữ Nôm). Do trong tác phẩm có nhiều câu thơ mang nội dung “yêu thư, yêu ngôn” phạm điều 225, luật Gia Long, lại có nhiều chữ phạm đại húy nên nguyên tác có thủ bút của thi hào đã được triều đình nhà Nguyễn cho người đưa về triều lúc thi hào từ trần, đến nay vẫn chưa sưu tầm được. Vì vậy mà việc truyền bá Truyện Kiều trong thời gian đầu chủ yếu chỉ là truyền khẩu hoặc chép tay. Mãi đến thời Tự Đức mới thấy có những bản khắc ván in chữ Nôm đầu tiên do các nhà tàng bản Liễu Văn Đường in năm 1866, 1871, …; Duy Minh Thị năm 1872, 1879, 1891 Thịnh Mỹ Đường năm 1879; Quan Văn Đường năm 1879, mà mỗi nhà khắc ván lại đưa vào một bản chép tay đã bị nhà nho – tự ý sửa chữa, nhuận sắc theo cảm hứng riêng của mình.


Đến khi chữ Quốc ngữ đã trở nên thông dụng thì các học giả từ Trương Vĩnh Ký, A. Michels, Nordeman đến Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh, … mỗi người lại tìm một hay vài bản Kiều Nôm có trước để làm cơ sở tạo nên bản Truyện Kiều do mình đứng tên: “hiệu đính”, “hiệu khảo”, “chú thích và bình luận”, “khảo đính”,…

Nhưng dựa vào các bản Truyện Kiều chữ Nôm đã bị “tam sao thất bản” ấy, lại do chữ Nôm chưa được điển chế và trình độ người phiên âm Nôm lại không tương đồng người viết bản Nôm nên các bản Quốc ngữ lại mắc thêm cái lỗi “dĩ ngoa truyền ngoa” như học giả Hoàng Xuân Hãn đã từng nhận định: “… có bản Nôm mà không biết đọc bản Nôm, nhiều khi đọc sai, mất nghĩa hoặc không có nghĩa gì?” (Truyện Kiều, Tạp chí Văn học, số 3-1997).

Truyện Kiều – Văn bản hướng tới phục vụ nguyên chúng tôi chủ yếu dựa vào các bản in Nôm của Liễu Văn Đường năm 1866 và Thịnh Mỹ Đường năm 1879. Nhưng do hai bản trên cũng còn nhiều chữ Nôm khắc sai, lạc vần, không hợp văn lý hoặc bỏ trống ô đen khong khắc nên chúng tôi sẽ tra tìm trong 43 bản Kiều Nôm còn lại để tìm những từ ngữ đúng hơn để thay thê hoặc bổ sung vào văn bản.

Việc khảo đính Truyện Kiều nhằm cung cấp tới bạn đọc cái “dị tự” của các bản Nôm cổ đã khắc mà đó chính là nguyên nhân tạo ra nhiều câu Kiều có một nội dung khác nhau hiện nay. Phần chú giải chúng tôi kế thừa thành quả nghiên cứu chữ nghĩa Truyện Kiều của các bậc tiền bối trong hàng trăm năm qua. Đồng thời tập trung chú giải kỹ các điển tích văn học mới phát hiện được qua việc hướng tới phục nguyên văn bản và giải thích ngữ nghĩa các từ cổ theo đúng mặt chữ Nôm.

Phần Phụ lục cung cấp tới bạn đọc hình ảnh bộ sưu tập 44 bản Truyện Kiều chữ Nôm của tác giả, làm tăng độ xác thực của cuốn sách và minh chứng cho sự yêu mến nồng nhiệt Truyện Kiều của dân tộc ta.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, chúng tôi xin chân thành cảm tạ các bậc túc nho trong cả nước đã gửi tặng các bản Kiều Nôm và cung cấp các thông tin cần thiết để cuốn sách được hoàn thiện. Cảm ơn cụ Hoàng Văn Mạch ở Vệ An, Bắc Ninh, cụ Hồ Nguyên gốc Nghệ An có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng. Xin cám ơn ông Đào Tam Tính (Giám đốc Thư viện Nghệ An), Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Trí Sơn đã lưu giữ và tặng bản Kiều LVĐ 1866, Tụ Hiền Đường Đồng Khánh nguyên niên 1886, PGS.TS. Đào Thái Tôn, cung cấp bản Kiều LVĐ 1871, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường ở Cai Lậy, Tiền Giang và Lương y Nguyễn Vũ Thông ở thị xã Vĩnh Yên đã cung cấp bản Kiều TMĐ 1879. Cảm ơn GS. Nguyễn Khắc Phi – NXB Giáo dục Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn – Viện Văn học đã đọc thẩm định cho cuốn sách được chuẩn xác hơn. Cảm ơn TS. Nguyễn Quý Thao, Tổng biên tập và TS. Lê Hữu Tỉnh, Phó Tổng biên tập – NXB Giáo dục Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuốn sách sớm được ra mắt bạn đọc.

Trong quá trình chuẩn bị bản thảo, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, chúng tôi xin chân thành cảm ơn và tiếp thu mọi ý kiến tham gia, song cuốn sách cũng khó tránh khỏi những chỗ còn thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý chân thành của bạn đọc.