Tháng 11/2011, trong đợt khảo sát Khảo cổ - Dân tộc học tại huyện Định Hóa Thái Nguyên, các nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã phát hiện được một di tích hang động chứa mộ thân cây khoét rỗng, táng trong một hang đá thuộc địa phận bản Ta Ngoải, xã Phượng Tiến.

 

 
Chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng được tìm thấy trong một ngách tại hang đá ở độ cao 600m so với thung lũng dưới chân núi, nền hang tụt sâu như giếng lớn với độ sâu 20m. Chiếc quan tài được đẽo từ 1 thân cây gỗ lớn. Căn cứ vào những dấu vết gia công để lại cho thấy, người xưa đã tách đôi thân cây gỗ theo chiều dọc, tạo thành 2 tấm có mặt cắt hình bán nguyệt khá đều nhau. Tiếp đến, họ đẽo phần bên trong của 2 tấm gỗ lõm xuống hình lòng máng. Ở hai đầu quan tài được đẽo khá cẩn thận nhằm tạo đầu ngõng hình chữ nhật có đục một lỗ lớn có tác dụng để khóa 2 phần của quan tài lại khít khao với nhau, đồng thời cũng là điểm buộc dây, khiêng quan tài. Toàn bộ quan tài chỉ thấy dấu đẽo và đục, không có dấu vết của kỹ thuật cưa, bào…
 
Về kích thước quan tài có độ dài toàn bộ là 2,80m; độ dài khoét lòng 2,20m, rộng lòng khoét 0,40m, độ sâu lòng khoét 0, 20m. Đường kính 0,54m.
 
Quan tài được đặt trong một ngách hẹp có hướng đông – tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,80m, con người có thể chui qua dễ dàng. Hiện tại phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở. Tấm đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.
 
Tại thời điểm khai quật, dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gẫy. Có 2 chiếc bát tìm thấy ở gần vị trí mấy mảnh sọ trong đó có 1 chiếc bát chân cao, phần đáy bôi mầu nâu đỏ, thân bát trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen, bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán.
 
Theo các nhà khảo cổ thì đây là chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ 15 thuộc dòng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương. Chiếc bát còn lại, chân thấp men mầu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những vật tùy táng. 
 
Phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát cho biết đây là lần đầu tiên tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực núi rừng Việt Bắc. Loại hình di tích này, chúng ta đã từng biết đến ở vùng Quan Sơn, Quan Hóa ( Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La). Các nhà khoa học đang có kế hoạch nghiên cứu lâu dài khu di tích này.