nguyendu.com.vn
Loading...

Thủ tướng Chính phủ: Tuyệt đối không làm mất di sản vì bất cứ mục đích gì


Sáng 27/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
 
Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững diễn ra sáng 27/7 tại Hà Nội
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các bộ, ngành, đại diện UNESCO tại Hà Nội, nhiều đại biểu quốc tế, đại biểu các địa phương sở hữu các di sản thế giới và đông đảo các nghệ nhân, các nhà khoa học tham dự Hội nghị.
 
Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã báo cáo với Hội nghị về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
 
Theo đó, về xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, đã có 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 08 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; 16 Thông tư và 04 Quyết định của Bộ trưởng ban hành Quy chế, Quy định, Định mức điều chỉnh các hoạt động liên quan về di sản văn hóa. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 01 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư. Các địa phương trên cả nước cũng đã ban hành quy chế và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có thể nói, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa đã ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý thích hợp; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, đồng thời tạo động lực định hướng cho các hoạt động.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Về việc lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh di sản tiêu biểu ở trong nước và quốc tế. Theo Bộ VHTTDL, một trong những hoạt động cơ bản để bảo vệ và phát huy giá trị di sản là việc nhận diện giá trị, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế và đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật. Ở Việt Nam, từ năm 1962 tới nay, đã có trên 4 vạn di tích được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh. Trên cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành được kiểm kê, trong đó, có 249 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).
 
Về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, từ năm 2011 đến 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
 
Theo thống kê, năm 2017, khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh. Một số di tích như Chùa Hương (Hà Nội) đón gần 1,4 triệu lượt khách, thu từ phí thắng cảnh khoảng 110 tỷ đồng và phí chở đò khoảng 70 tỷ đồng; Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đón khoảng 956 nghìn lượt khách, thu từ vé khoảng 27,7 tỷ đồng; Khu di tích Văn miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội) đón trên 1,6 triệu lượt khách, thu từ vé trên 46 tỷ đồng. 08 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị
 
Về hệ thống bảo tàng, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: Việt Nam có 161 bảo tàng (với 125 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ, từng bước phát huy giá trị được hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm và 142 bảo vật quốc gia có giá trị cao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, góp phần quan trọng giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam tới đông đảo công chúng.
 
Về di sản văn hóa phi vật thể: di sản văn hóa phi vật thể, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
 
Hiện nay, hệ thống/mạng lưới các cơ quan, đơn vị, tổ chức đang hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương khá đa dạng, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ sở đào tạo... Tuy vậy, về cơ bản, hệ thống tổ chức bộ máy chuyên ngành về di sản văn hóa hiện bao gồm các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên 03 lĩnh vực: quản lý di tích, quản lý di sản văn hóa phi vật thể và hệ thống bảo tàng.
 
Bộ máy quản lý di sản văn hóa đang từng bước được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta có thể nhận thấy nét nổi bật là sự phát triển cả về bề rộng số lượng lẫn chiều sâu chuyên môn của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, trong đó một số các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về trình độ, khả năng chuyên môn, đảm trách vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức làm việc của UNESCO.
 
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên báo cáo tại Hội nghị
 
Về hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản thế giới thông qua các sự kiện, như: Tuần văn hóa, Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài… Việc giao lưu, trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa Việt Nam đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Bộ VHTTDL cũng kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa; Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, dự án tu bổ di tích; Tăng mức đầu tư từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước; Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của các bảo tàng trên thế giới.
 
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nghệ nhân...
 
Tại Hội nghị, đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hội An… đã báo cáo về tình hình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và những giải pháp, kiến nghị để phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có một nền di sản văn hóa phong phú, đặc sắc đồng thời sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Thủ tướng khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về điều này. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì.
 
Thủ tướng yêu cầu, các các cấp chính quyền phải chú ý trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản; toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ đối với ngành VHTTDL để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển. 
 
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa VN, góp phần trao truyền giá trị tốt đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc đến thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các ý kiến của Trưởng đại diện VP UNESCO Việt Nam, các tham luận của các lãnh đạo địa phương, ngành, các chuyên gia. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước để triển khai tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa, đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng tại Hội nghị hôm nay.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng công việc cụ thể, bảo đảm hiệu quả và bền vững./.
 
 
Theo Hoàng Nguyên- Nam Nguyễn/toquoc.vn

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website