Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của TS Trần Hữu Sơn, một nhà văn hóa cũng là giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai, người luôn đau đáu với câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa và tài nguyên du lịch cho cộng đồng.

 

Lòng suối Mường Hoa trơ sỏi vì công trình xây dựng nhà máy thủy điện đổ hết chất thải xuống - Ảnh: Hà Hương


"Không nhất thiết phải xây dựng năm nhà máy thủy điện tại Sa Pa mà hoàn toàn có thể làm ở chỗ khác. Cả nước chỉ có một Sa Pa - trung tâm du lịch miền núi lớn nhất. Sự đóng góp của thủy điện chả được bao nhiêu so với những gì gây ra với cảnh quan, tài nguyên du lịch" - TS Trần Hữu Sơn.

* Tại sao đến tận bây giờ Sở VH-TT&DL mới can thiệp sâu vào việc xây nhà máy thủy điện trong khi tác hại của nó đã diễn ra một thời gian khá dài?

- Tháng 4-2010 tôi đi khảo sát, người dân than là năm nay không có khách đến dù trước đó mỗi năm có thể đón hàng vạn người. Đó là một sự lạ và chúng tôi bắt đầu cho điều tra. Trước đây bản Dền (xã Bản Hồ) là trung tâm của du lịch cộng đồng, nhưng điều tra sáu tháng đầu năm 2010 chỉ có 80 người khách. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị dừng tất cả các nhà máy thủy điện ở Sa Pa. Nhưng dừng lại rất khó, quy hoạch đã ký rồi, doanh nghiệp vào làm rồi, kinh phí đâu để đền bù mà bắt doanh nghiệp dừng lại. Ở đây có kẽ hở của luật, luật không quy định rằng phải bảo vệ tài nguyên du lịch như Luật di sản quy định bảo vệ di sản.

Hơn nữa, người ta chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ lợi ích lâu dài, cần hôm nay không cần mai sau, hoặc tư duy nhiệm kỳ. Vậy là doanh nghiệp cứ nhảy vào thôi, mà doanh nghiệp thì cứ lãi là họ làm chứ chả nghĩ gì hơn. Thậm chí tôi nghĩ ngay cả doanh nghiệp làm thủy điện, họ có thật sự cần làm ra điện hay không. Thử hỏi một con suối năm cái thủy điện thì làm sao có nước. Họ đã nghĩ đến điều đó chưa hay cũng biết rồi mà làm ngơ, miễn là ta có dự án trong tay rồi thì giải ngân theo đúng cơ chế cho vay? Có một cơ chế sai lầm đem lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp làm thủy điện là được vay 2/3 vốn của Nhà nước. Do vậy, tôi được biết nhiều doanh nghiệp cứ khai khống dự án lên. 200 tỉ khai lên 300 tỉ, nhà đầu tư chả bỏ xu nào mà chỉ làm bằng tiền nhà nước. Cơ chế ưu đãi vay như thế là không được.

Bây giờ bảo đánh giá môi trường chúng tôi cũng chịu, phải có các chuyên gia về môi trường. Các đoàn nghiên cứu, khách du lịch đều phát biểu: muốn xây dựng thủy điện thì phải xây dựng kiểu khác, để lở loét như thế thì ai còn đến nữa. Các doanh nghiệp nói rất hay là chúng tôi sẽ phục hồi, sẽ trồng A, trồng B nhưng kinh nghiệm cho thấy ở thủy điện Lào Cai và nhiều nơi khác đã trồng được gì đâu.

* Có những ai đồng hành với văn hóa trong cuộc đấu tranh nhằm giảm bớt tác hại của thủy điện đến Sa Pa?

- Người dân, cán bộ. Nếu ai bình tâm, yêu Sa Pa thì họ sẽ có tâm trạng như tôi. Người dân bao giờ cũng đồng hành với mình. Tết năm 2011 tôi tiếp một ông người Dao ở Nậm Cang, một người tôi không hề biết. Ông đi hơn trăm cây số bằng xe máy đến, ông bảo: Tôi không quen anh nhưng thấy anh phát biểu trên tivi rất đúng với ý người dân chúng tôi, tôi chẳng có gì đâu, chỉ có con gà biếu anh ngày tết, coi như cảm ơn anh. Suốt 30 năm làm trong ngành, 10 năm làm giám đốc sở thì đó là món quà xúc động nhất. Lúc đó tôi cũng nhận ra: À, người dân hiểu mình.

* Theo quan điểm của ông, ở Sa Pa, thủy điện nên nhường bước cho du lịch?

- Tôi đã nói rồi, cả nước có một Sa Pa, không có hai. Người Pháp có 100 năm khai thác du lịch ở đây. Vừa rồi khảo sát cho thấy khách đến một bản của Sa Pa trong một năm bằng tám tỉnh Tây Bắc cộng lại. Hơn nữa, Sa Pa khi làm du lịch thì đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân khá lên. Tổng lợi nhuận thu về cho Nhà nước khó nhìn thấy nhưng nó giải quyết công ăn việc làm cho người dân, từ anh lái xe ôm đến người lái taxi, người làm khách sạn, người bán ngô nướng, anh múa khèn... Giờ quy hoạch thủy điện bừa bãi lại lấy mất tài nguyên du lịch của họ, ruộng nương của họ. Mà ruộng bậc thang quý hơn gấp nhiều lần ruộng ở đồng bằng. Cả đời cha ông họ, cả dòng họ đổ mồ hôi trên triền núi mới có được chừng ấy ruộng thôi.

* Nhưng dù sao, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chúng ta đang giải quyết vấn đề trên ngọn, khi tất cả quy hoạch đã được phê duyệt?

- Dừng được một cái là may lắm rồi. So với ý muốn của mình thì chưa được nhưng thế còn hơn không. Theo quy hoạch, Sa Pa có 19 thủy điện, nhưng khi chúng tôi kiến nghị đã giảm xuống còn năm cái. Nhưng chỉ riêng năm cái cũng chết lắm rồi. Nếu cứ để như hiện tại thì 5-7 năm nữa khách du lịch sợ không đến nữa, Sa Pa không còn là Sa Pa nữa, chỉ có những người đến du lịch một đêm thì buồn lắm.

Tan hoang Bản Hồ

“Mất cá, mất thác, mất cảnh quan, Bản Hồ mất sạch rồi” - Đào A Án (trưởng thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai) buồn bã nói. Bản Hồ nay có tới hai nhà máy thủy điện nhưng câu chuyện của ông trưởng thôn Đào A Án chỉ xoay quanh cái ngày xưa Bản Hồ còn giàu có, nhiều khách: “Ngày xưa, suối sâu đến hơn 10m, cá nhiều, khách đến ở nhà chỉ xuống suối một lúc là có tới mấy cân cá để ăn. Ngày xưa có thác cá nhảy, khách đi chơi mang theo cơm lam, lợn quay, vừa ăn vừa xem thác. Thủy điện thi công một cái, khách bảo: Bản Hồ đẹp nhất cảnh quan, giờ như sạt lở đất”.

Ông trưởng thôn còn nhớ nhà máy đầu tiên khởi công năm 2004, kéo theo đó là lở núi, phá rừng, máy xúc, máy ủi cày xới ngày đêm. Tất cả đất đá, chất thải được đổ thẳng xuống con suối chảy qua thôn. Đến cả suối nước nóng tự nhiên cũng bị nhà máy thủy điện vùi lấp. “Trung bình một ngày mấy trăm khách xuống tắm, giờ thì hiếm lắm mới thấy một người. Từ hồi thi công thủy điện, khách vắng hẳn, 29 nhà dân làm du lịch chỉ có 1-2 nhà có khách, chăn màn mốc hết” - ông nói.

Ông trưởng thôn tiếp câu chuyện buồn của Bản Hồ: “Phá tan hoang rồi vứt đấy chứ có làm tiếp đâu. Có tổ máy bảo làm ba năm xong nhưng tám năm rồi chưa xong, công nhân, kỹ sư cũng đi đâu hết. Họ bảo còn tiền đâu mà làm. Thế mà đợt mới khởi công, người ta cũng hùng hổ đào bới, xây dựng làm hỏng hết cả đường ống dẫn nước sinh hoạt của người dân. Dự án nước ngoài tài trợ cho mỗi nhà một bể nước sạch đành bỏ không vì đường ống vỡ hết rồi”.