Hóa thạch răng và xương chi động vật tại vách Hang Lớn trong khuôn viên đền Niệm Trước khi in dấu chân của các nhà khảo cổ học của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hòa Bình, vùng chân núi bao quanh ngôi đền nhỏ dưới chỏm chân núi Niệm gần như rất hoang vu, tĩnh mịch.

 

 

Làn sóng du lịch sôi động bên phía thung lũng Chùa Tiên đã tác động đến người dân vùng này khiến họ cũng nô nức hoài tưởng biến vùng đất thơ mộng tĩnh mịch nhiều hang động này trở thành một tâm điểm du lịch tâm linh có sức thần hút người hút của giúp họ vượt qua khó khăn thiếu thốn của cuộc sống thường nhật. Một số hang động bắt đầu được cải tạo để đưa vào đó thế giới linh thiêng tùy theo trí tưởng tượng ngây thơ, chân chất của mỗi chủ nhân khai phá. Nhưng đối với nhà khảo cổ học, công cuộc khai phá vô thức của họ đã làm xuất lộ một loạt di tích văn hóa chất chồng theo thời gian từ hàng trăm ngàn năm trở lại đây.
 
Nhìn từ không ảnh, dòng sông Bôi lượn qua các khối núi đá trườn xuống đồng bằng trũng vùng Hà Nam – Ninh Bình, trước khi chảy đến Chi Nê, dòng sông cong vặn nhiều lần. Và một lần vặn cong đó chính là do tác động “bẻ lái” của khối núi Niệm thuộc huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Sự “bẻ lái” này không chỉ đơn giản khiến cho dòng sông cong gấp, tạo ra một bãi bồi lớn phía tả ngạn mà còn tạo ra một điểm tiền tiêu thuận lợi cho mọi hoạt động đi lại, kiếm ăn của người tiền sử trêng vùng đất này. Kiến trúc cổ kính nhất vùng chân núi Niệm này chính là một tòa miếu nhỏ đã được đặt ở chỏm núi chìa ra sông này từ khi nào không rõ. Ngày nay, một quần thể đền, chùa, hang bụt đã mọc lên với sự giúp đỡ của một nhà từ thiện và tấm lòng, công sức của bà con địa phương.
 
Di sản văn hóa thiên nhiên cổ xưa nhất ở đây phải kể đến các hóa thạch động vật có tuổi cách ngày nay nhiều chục vạn năm. Có thể dễ dàng nhận ra chúng ở nhiều nơi trong Hang Lớn nằm sau ngôi đền Niệm đang trong quá trình hoàn tất. Giám định sơ bộ của các nhà khảo cổ học cho thấy đó là xương răng của hươu nai và tê giác. Trầm tích chứa hóa thạch động vật còn có thể thấy kẹp giữa các mảng trượt đá vôi hay trong các hốc kín. Triển vọng khám phá ra thế giới động vật tiền sử đã bị tuyệt diệt, thậm chí có thể cả di cốt người vượn ở đây là rất lớn, sẽ mang lại cho vùng thiên cảnh này một chiều dày minh chứng cho lịch sử tự nhiên hàng chục vạn năm cách ngày nay.
 
Nằm cách Đền Niệm và Hang Lớn chứa hóa thạch động vật không xa về phía bắc có một hang đá vôi khác, người dân mới gọi tên là Hang Chùa. Các khối đá rơi hiện chắn một phần cửa hang nhưng gần đây hang đã được cải tạo thành một ngôi chùa. Dấu tích thức ăn và công cụ của người tiền sử thuộc văn hóa Hòa Bình cách ngày nay chừng 12-13 năm vẫn còn kết gắn ở phần vách hang phía bắc, dày hàng mét. Tám hố thám sát của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hòa Bình đã cho thấy đống thức ăn của người tiền sử mà chủ yếu là vỏ của loài ốc suối Melania (tên địa phương gọi là ốc Trổ) còn ăn sâu tới hai ba mét dưới nền hang xi măng hiện tại. Ngoài vỏ ốc, người xưa còn để lại các công cụ ghè đẽo bằng đá cuội và công cụ đào bới bằng vỏ trai hến lớn. Vùng đất lành này tiếp tục là nơi trú ngụ của cư dân thời đại đá mới và thời kim khí trong suốt thời gian biển tiến Flandrian dâng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nơi đây. Họ đã rời hang ra cư trú lều trại ở vùng xung quanh mỏm núi sát sông nhất và để lại những tầng đất đen chứa nhiều than tro, mảnh gốm thô, vỏ nhuyễn thể nước mặn và nước lợ xen lẫn xương răng động vật. Tuổi của những khu lều trại này nằm trong khoảng 6000 – 3000 năm cách ngày nay.
 
Xét trên quan điểm địa văn hóa (Geo-culture) thì hiếm thấy một vùng đất hẹp như ở vùng rẻo chân núi quanh đền Niệm (Yên Thủy, Hòa Bình) lại quy tụ chồng chất nhiều lớp di sản tự nhiên và của con người đến như vậy. Người ta cũng có thể giải thích một cách giản đơn nhất hiện tượng đó là do “Đất lành thì Chim đậu” . Quả thực với thế đất, thế núi, thế sông như ở vùng chỏm núi Niệm/sông Bôi nói trên thì xứng đáng là nơi để tụ hội của muôn đời.