nguyendu.com.vn
Loading...

Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh


Trong các tác phẩm văn học dân tộc ta nếu như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có vinh dự được dịch sang tiếng nước ngoài sớm nhất(1) thì Truyện Kiều của Nguyễn Du lại là tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất. Nếu chỉ kể những bản dịch toàn bộ và đã được xuất bản thì theo thống kê của chúng tôi đến nay Truyện Kiều đã được dịch sang gần 20 tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Trung Quốc. Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Bản sau cùng mới xuất bản năm 2009 ở Ulan Bato, dịch sang tiếng Mông Cổ, do Giáo sư S.Dashtsevel (Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ) thực hiện. Về số lượng, mỗi ngoại ngữ thường có một hoặc hai bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản.
 
Bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh của Lê Xuân Thủy (in năm 2002)

 

Trong bài này chúng tôi sẽ giới thiệu các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, theo thứ tự năm xuất bản của lần in thứ nhất. Về người dịch có 4 người Việt, 1 người Mỹ, 1 người Anh, 1 người Úc. Về nơi xuất bản – chỉ căn cứ vào các bản in lần thứ nhất – thì có 3 bản in ở Việt Nam, 3 bản in ở Mỹ, 1 bản in ở Úc.
 
Người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh là Lê Xuân Thủy, bản dịch lấy nhan đề sách là Kim Vân Kiều, do Nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn, in lần đầu năm 1963, lần thứ hai năm 1968. Bản dịch xuất hiện rất đúng lúc, đó là thời gian Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, vì vậy bản dịch đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của công chúng miền Nam Việt Nam, trước hết là của học sinh, sinh viên và cả những người nước ngoài nói tiếng Anh quan tâm đến vấn đề Việt Nam.
 
Bản dịch được tái bản 10 lần tại Sài Gòn và sau khi Sài Gòn được giải phóng, năm 1992 được tái bản tại NXB Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh và năm 1994 tại NXB Văn Học Hà Nội. Đầu bản in này có lời nhận xét của Tiến sĩ Edward C.Britton: “Bản dịch ấm áp và đa sắc. Dù biết là bản dịch nhưng người đọc vẫn thấy mình cảm nhận được đầy đủ hương vị của nguyên tác”.
 
Bản dịch thứ hai là của Huỳnh Sanh Thông (1926-2008), xuất bản tại Mỹ năm 1973. Ông quê tại Hóc Môn, Gia Định, thuộc vào số những người Việt sớm sang học tập và định cư tại Mỹ. Trong thời gian giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Yale, trước nguyện vọng của sinh viên muốn hiểu biết về văn học Việt Nam, Huỳnh Sanh Thông nảy ra ý định dịch Truyện Kiều, tác phẩm cổ điển tiêu biểu của di sản văn học dân tộc Việt Nam sang tiếng Anh, sau đó ông còn dịch Chinh phụ ngâm Lục súc tranh công. Lục lọi trong Thư viện Đại học Yale hồi đó ông tìm được bản dịch tiếng Anh của Lê Xuân Thủy và hai bản tiếng Pháp của René Crayssac và Xuân Phúc, Xuân Việt. Ông đã so sánh, đối chiếu cẩn thận từng câu từng chữ của cả ba bản dịch để tìm ra lời dịch của mình.
 
Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông lấy nhan đề là The Tale of Kieu xuất bản lần đầu năm 1973 tại NXB Randon House, New York. Ở đầu sách in tiểu luận của Alexander B. Woodside về bối cảnh lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX. Bản dịch vừa xuất hiện liền được dư luận công chúng Mỹ đồng thanh hoan nghênh. Lý do – theo cách lý giải khiêm tốn của Huỳnh Sanh Thông – chỉ vì đơn giản là lần đầu tiên ở Mỹ có một văn bản tiếng Anh về Truyện Kiều “có thể đọc được”. Ông xem bản in lần thứ nhất này chỉ như một bản in thử nghiệm(2). Sau đó ông lại bỏ ra 10 năm nữa để sửa chữa, bổ sung và tái bản ở NXB Đại học Yale năm 1983 và 1987. Bổ sung quan trọng nhất là in thêm nguyên bản Quốc ngữ của Truyện Kiều song song với lời dịch tiếng Anh và thêm nhiều chú thích có ích cho sinh viên. Một sinh viên Mỹ học tiếng Việt nói: “Khi trình độ tiếng Việt đã kha khá tôi thử đọc thẳng vào nguyên bản Truyện Kiều, gặp chữ gì không hiểu tôi lại tìm từ tương ứng bên bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông và có ngay lời giải đáp”.
 
Với thành tựu dịch thuật này, Huỳnh Sanh Thông đã được trao giải học bổng MacArthur Fellowship danh tiếng vào năm 1987.
 
Bản dịch thứ ba của một người Việt tên là Ngô Đình Chương mang nhan đề My version of Kieu, được xuất bản tại San Jose (bang California, Mỹ) năm 1973. Chúng tôi chưa có những tài liệu cần thiết về bản dịch này.
 
Bản dịch thứ tư là của Michael Counsell. Ông sinh năm 1935 ở Anh, tốt nghiệp Đại học Cambridge, Luân Đôn. Từ năm 1968, ông từng sống ở miền Nam Việt Nam cùng vợ và con trai cả hơn 3 năm. Nảy sinh tình cảm chân thành đối với con người và đất nước Việt Nam ông đã học tiếng Việt và tìm hiểu Truyện Kiều, bước đầu với bản dịch tiếng Pháp của René Crayssac (1926) và hai bản dịch tiếng Anh của Lê Xuân Thủy (1963) và Huỳnh Sanh Thông (1973). Xúc động với nội dung kiệt tác của Nguyễn Du, ông nói: “Giữa rất nhiều hiểu lầm của thế giới nói tiếng Anh đối với nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX chúng ta cần phải làm cho mọi người hiểu rằng, đây là đất nước của những nhà thơ và là người thừa kế một nền văn hóa lớn”(3).
 
Ông thấy cần có một bản dịch Truyện Kiều theo thể thơ và do một dịch giả nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh thực hiện. Trong hơn 20 năm ông đã tự mình đảm đương trách nhiệm đó bằng cách dịch Truyện Kiều theo một thể thơ mô phỏng nhịp điệu thơ của nguyên tác. Bản dịch đã được NXB Thế Giới, Hà Nội, in lần đầu năm 1994 và tái bản năm 2011.
 
Bản dịch thứ năm là của Lê Cao Phan, nhan đề là The Story of Kieu với phụ đề “dịch sang thơ vần Anh” do NXB Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh in năm 1996, 196 trang. Bản dịch được UNESCO tài trợ và đưa vào “Tủ sách những tác phẩm tiêu biểu của UNESCO”. Hai năm trước (1994) cũng chính Lê Cao Phan đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp: Histoire du Kieu. Lê Cao Phan bộc bạch: “Từ lòng yêu thẳm sâu tiếng Việt tôi đã dịch Truyện Kiều, kiệt tác văn chương của Nguyễn Du. Tôi muốn giới thiệu, muốn khẳng định trước thế giới một tài năng văn chương, một nhân cách văn hóa Việt Nam”(4).
 
Bản dịch thứ sáu với nhan sách The Kim Vân Kieu of Nguyen Du do NXB Pandanus Books của Đại học Quốc gia Úc in ở Canberra năm 2004.
 
Điều đầu tiên bản dịch này gây tò mò cho người đọc – không chỉ người đọc Việt Nam mà cả người đọc các nước – là cái tên của người dịch: Vladislav Zhukov. Nhiều người nghĩ đây là một người Nga, nhưng nhà xuất bản vốn rất kiệm lời trong việc giới thiệu tiểu sử của dịch giả lại xác nhận: Zhukov sinh năm 1941 là một người Úc, từng tham gia cuộc “chiến tranh Việt Nam” với chức trách là lính phiên dịch. Sau khi giải ngũ ông tốt nghiệp trường Ngôn ngữ Đại học Úc và làm nghiên cứu viên về Việt Nam tại Đại học Quốc gia Úc. Ông đã sang Việt Nam sinh sống trong hai năm rưỡi vào đầu những năm 90.
 
Bản dịch Truyện Kiều của Zhukov gồm những câu 12 âm tiết lần lượt xen kẽ với câu 16 âm tiết; chữ cuối của câu 16 âm tiết cùng vần với chữ cuối của câu 12 âm tiết tiếp theo, rồi cùng vần với chữ 14 của câu 16 âm tiết kế tiếp. Người đọc dễ dàng nhận thấy Zhukov cố ý phỏng theo lối hiệp vần của thể lục bát Việt Nam. Chính Zhukov trong lời nói đầu bản dịch đã viết, ông không muốn thực hiện một bản dịch thông thường mà muốn tạo ra một bản dịch nghệ thuật. Giáo sư Keith W. Taylor của Trường Đại học Cornell Mỹ thừa nhận: “Về điểm này Zhokov đã thành công!”. Trong bài điểm sách đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 2 năm 2006 ông đã viết: “Đây là một bản dịch mà chúng ta có thể đọc một cách thích thú như người Việt ngâm nga nguyên tác Truyện Kiều. Bản dịch phản ánh tình yêu ngôn ngữ của một nhà thơ và thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc tiếng Anh”.
 
Giáo sư Eric Henry của Trường Đại học North Carolina (Mỹ) trong một thư điện tử gửi cho chúng tôi đã viết: “Trong bốn bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell và Vladislav Zhukov thì theo tôi hai bản đáng khen nhất là của Huỳnh Sanh Thông và Vladislav Zhukov. Cách dịch của Huỳnh Sanh Thông không có gì có thể chê được, còn mỗi khi đọc bản dịch Kiều của Zhukov thì tôi có cảm giác như đọc thơ vậy”.
 
Trong bài điểm sách ông viết: “Có người sẽ hỏi: Không biết đây là thơ của Nguyễn Du hay thơ của Zhukov, nếu là tôi, tôi sẽ trả lời rằng: Đây là những câu thơ của Zhukov nhưng những câu thơ này có mối liên hệ mật thiết và trực tiếp với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đối với tôi, đó là tất cả những gì có thể đòi hỏi ở một người phải dịch một tập thơ lớn và đó là tất cả những gì mà người dịch đó có thể mang lại”(5).
 
Bản dịch thứ bảy, nhan sách là Kieu, do Arno Abbey chuyển dịch từ bản Pháp văn của Nguyễn Khắc Viện, in ở Mỹ, năm 2008, 148 trang, được rao bán trên Amazon, công ty đầu tiên ở Mỹ chuyên bán sách trên mạng Internet.
 
***
Được dịch sang tiếng Anh, một sinh ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, Truyện Kiều như được chắp thêm cánh đại bàng để lan truyền đến các chân trời xa! Người Việt chúng ta trân trọng và cám ơn các dịch giả đã dụng công dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh và các thứ tiếng khác trên thế giới.
 
Từ Nguyễn Trãi (1380-1442), với Quốc âm thi tập, đã khơi nguồn ngôn ngữ văn học tiếng Việt đến Nguyễn Du (1765-1820), với Truyện Kiều, đã phát triển tiếng Việt văn học lên một trình độ cao, có khả năng diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của người Việt theo một sắc thái dị biệt, đặc thù, không dễ chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, nếu không nói là không thể dịch được. Tiếng Việt khác xa với tiếng Anh và các ngôn ngữ phương Tây. Có dịch giả Truyện Kiều sang tiếng Anh đã thổ lộ: Ở cấp độ từ ngữ không phải chỉ các từ chủ chốt của triết học phương Đông như Mệnh, Nghiệp, Duyên, Kiếp, Tu, Tâm… là khó tìm được từ tương đương mà ngay các từ thông thường như màu xanh của cây cỏ trong Truyện Kiều ông cũng phải đắn đo cân nhắc với nhiều từ tiếng Anh. Ngay ở câu mở đầu tác phẩm ông đã gặp ngay một từ khó dịch: Trăm năm, đây không phải đơn giản là một con số mà còn ẩn chứa một ý niệm, rồi còn nhiều từ trăm năm ở các câu khác mà ở mỗi nơi lại có một nghĩa riêng, phù hợp với một văn cảnh cụ thể; có khi chỉ một từ như bể dâu lại phải dịch thành một câu và còn phải bổ sung thêm một chú thích!

Đó là chỉ mới nói về phương diện từ ngữ nhưng Truyện Kiều là một truyện thơ, việc phiên dịch càng phức tạp hơn. Nếu thơ Anh đòi hỏi những vần thơ rõ ràng, một cấu trúc ngữ pháp chặt chẽ thì ở câu thơ cổ điển tiếng Việt ngữ pháp sẽ có phần phóng túng hơn và những điển tích, những ví von, phương pháp mô tả ước lệ… lại cho phép một cách hiểu đa nghĩa. Xin dẫn chứng một ví dụ: diễn tả sự tiến triển của mối tình Thúc Sinh – Thúy Kiều, Nguyễn Du viết:
 
Sớm đào, tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng!
 
Một dịch giả nổi tiếng người Việt đã dịch: “Buổi sáng tặng nhau những quả đào, buổi tối những quả mận và tình yêu thương được vun đắp”(6). Ở đây lối dịch sát từng chữ đã làm lệch lạc ý nghĩa câu thơ. Ngay từ thế kỷ XIII, tại đất nước Ý, nơi mà câu tục ngữ “người dịch thuật, kẻ phản bội” được truyền bá rộng rãi, nhà thơ Dante (1265-1321), tác giả Thần Khúc, đã cảnh báo: “Mọi người đều biết rằng: không có cái gì được cấu tạo bằng mối liên kết thơ ca mà khi bị chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác lại không mất đi tất cả sự êm ái và hài hòa của nó”(7).
 
Cái mà Dante gọi là mối liên kết thơ ca (legame musaico) ở đây bao gồm tất cả những thành tố tạo ra văn bản thơ như ngôn từ, vần luật, ngữ nghĩa và âm hưởng...
 
Nêu lên khó khăn trong lĩnh vực dịch thơ chúng tôi chỉ muốn nói rằng: Dịch thơ, nhất là dịch một tác phẩm vào hàng kiệt tác, người dịch sẽ gặp những khó khăn không thể nào vượt qua, mặc dầu vậy từ thời xa xưa đến nay người ta vẫn tự nguyện dấn thân vào sứ mệnh vô cùng quan trọng này nhằm tạo ra sự giao lưu, trao đổi những thành tựu sáng tạo giữa các nền văn minh của nhân loại.
————
(1) Lục Vân Tiên, G.Aubaret dịch, Paris, Imprimerie Impériale, 1864.
(2) The Tale of Kieu, Huỳnh Sanh Thông dịch, NXB Đại học Yale, New York, 1983, Lời nói đầu, tr.9.
(3) Kieu, Michael Counsell dịch, Hà Nội, NXB Thế Giới, 2011, Lời giới thiệu, tr.3-9
(4) Lê Cao Phan, Từ lòng yêu tiếng Việt tôi dịch Truyện Kiều, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 347, 1-4-2000.
(5) Eric Henry, vietnam.lit.org/…/2011/12/Eric Henry Zhukov
(6) Nguyễn Văn Hoàn, Les traductions françaises du Kieu (Những bản dịch Kiều sang tiếp Pháp), Tạp chí Đông Nam Á và thế giới hải đảo của Trường Cao học Khoa học Xã hội Paris, tập XVI, số 1 – 4, 1985, tr.309-317.
(7) Dante, Convivio (Bữa tiệc), tiếng Ý, do Giorgio Inglese tra cứu văn bản, BUR Classici, Ý, bản in lần thứ tư, 2004, phần I, chương VII, tr.62.
 
 
 Theo GS Nguyễn Văn Hoàn/honvietquochoc.com.

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website