Khoa lịch sử Trường đại học Khoa học Huế vừa tổ chức hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu “Khu vực thành Hóa Châu: khảo cổ học và hiện đại” trong chương trình hợp tác nghiên cứu với hai trường đại học Osaka và Kanda (Nhật Bản).

 

 
Từ năm 2009-2012, các đơn vị này đã mở 17 hố thám sát tại 15 điểm khu vực thành Hóa Châu (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) và đã phát hiện thành Hóa Châu không chỉ có hai vòng lũy thành như một số thành cổ Champa khác mà còn có những lũy thành ngắn khác. Quy mô của thành chỉ đứng sau thành Chà Bàn ở Bình Định và lớn hơn các thành cổ Champa khác ở miền Trung. Ngoài ra còn phát hiện các hiện vật gốm sứ, sành, gốm thô, đồ gạch, ngói, đồ đá và đồ thủy tinh của nhà Trần, Trung Hoa, Champa từ thế kỷ 9-15. 
 
GS Nishimura Masanari - Đại học Osaka - nhận định: “Nếu không có thành Hóa Châu thì không có lịch sử của Huế, bởi vì Hóa Châu chính là nơi tiếp xúc văn hóa Champa với văn hóa Đại Việt”. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị cần tiến hành lập hồ sơ để công nhận di tích cho khu thành cổ này.