nguyendu.com.vn
Loading...

Năm thành tựu chủ yếu về nghiên cứu Truyện Kiều trong gần bốn chục năm qua


Từ những năm 80 đến nay việc nghiên cứu Truyện Kiều ở nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Nếu công lao của các nhà yêu văn học thế kỉ XIX là chép tay và khắc ván in Truyện Kiều để phổ biến rộng rãi cả ba kí Trung Nam Bắc, thì thành tựu của những năm cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX là phiên âm Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ và chú thích chú giải Truyện Kiều. Phong trào cổ súy Truyện Kiều đầu thế kỉ XX có công nâng cao vị thế Truyện Kiều trong mắt quốc dân, phát hiện cội nguồn của nó. Thành tựu nghiên cứu giữa thé kỉ XX gắn liền với hoạt động kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Các giá trị nhân đạo, hiện thực, giá trị triết lí của Truyện Kiều được khẳng định. Bước sang giai đoạn từ những năm 80 đến nay nghiên cứu Truyện Kiều của chúng ta có năm thành tựu đáng chú ý.
 
1.Phát hiện và phiên âm các bản Kiều cổ thời nhà Nguyễn  sang chữ quốc ngữ giúp đông đảo người đọc tiếp xúc với truyện Kiều Nôm.
 
Trong thế kỉ XX bạn đọc Việt Nam chủ yếu chỉ biết Truyện Kiều qua các văn bản chữ quốc ngữ. Nhưng Truyện Kiều là sang tác và ghi lại bằng chữ Nôm và từ thế kỉ XIX đã khắc ván và xuất bản nhiều bản Kiều bằng chữ Nôm. Từ đầu thế kỉ XXI các bản văn Nôm đã lần lượt được phiên âm và in lại cùng văn bản chữ Nôm. Đó là bản Liễu văn đường 1871 do Đào Thái Tôn nghiên cứu (KHXH, H., 2006), bản Kiều Oánh Mậu do Thế Anh phiên âm và dịch (nxb Văn học, H., 1999, 2013), bản Liễu văn đường 1766 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm chú thích (nxb Van học, 2004), bản Liễu Văn đường do hai ông Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Trí Sơn phiên âm khảo đính (nxb Nghệ An, 2004); bản Duy Minh Thị 1872 do Nguyễn Tài Cẩn phiên âm nghiên cứu (nxb ĐHQG Hà Nội, H., 2002); bản Lâm Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, chú thích (nxb VH, H., 2003). Với năm bản Kiều Nôm ấy bạn đọc ngày nay đã có nhiều tư liệu để nghiên cứu Truyện Kiều hơn bao giờ hết. Đồng thời nhiều bản Kiều Quốc ngữ nổi tiếng như bản Kiều của Trương Vĩnh Kí, của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, bản Kiều của Hồ Đắc Hàm, bản Kiều của Nguyễn Can Mông… đều được in lại.
 
2.Nghiên cứu tìm lại nguyên tác Truyện Kiều. Mọi người đều biết văn bản gốc của Truyện Kiều nay đã thất truyền. Các bản Kiều lưu hành từ cuối thé kỉ XIX đến nay có nhiều sai khác trong nhiều câu chữ, vậy đâu là nguyên bản chữ nghĩa của Nguyễn Du? Viện văn học là cơ quan nêu và giải quyết vấn đề đó trước nhất ở Việt Nam, bắt đầu từ những năm 60 thế kỉ trước. Họ tiến hành hiệu đính chủ yếu dựa vào ba quyển: Liễu văn đường 1871, Trương Vĩnh Ký 1875 và Kiều Oánh Mậu năm 1902, kết quả đã sửa được một số chữ. Vao những năm 70 ông Nguyễn Thạch Gang tiến hành hiệu đính chủ yếu chỉ dựa vào bản của Kiều Oánh Mâu 1902, với tinh thần giữ lại những câu chữ mà nhân dân Việt Nam đã quen dùng, cho nên so với yêu cầu tìm về nguyên tác có vẻ như là một bước lùi so với cuốn của Viện văn học. Cũng thời này ông Đào Duy Anh đã biên soạn Từ điển Truyện Kiều năm 1973 và năm 1979 cho công bố cuốn Kiều với chú thích công phu, chính xác, được đông đảo người đọc đón nhận. Bước sang những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, song song với việc phát hiện các văn bản Kiều Nôm cổ như trên đã nêu, các nhà nghiên cứu tiến hànhnghiên cứu theo một phương pháp khác. Chủ yếu là dựa vào các văn bản Nôm. Ông Nguyễn Tài Cẩn đã nghiên cứu kĩ bản Duy Minh Thị, coi đó là bản có giá trị nhất, do trong đó có kị húy các chữ trọng húy đời Lê TRịnh, kị húy đời Gia Long, những không húy các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có nghĩa là văn bản đó có trước các đời Thiệu Trị, Tự Đức, nghĩa là gần với thời điểm khi Nguyễn Du còn sống. Mặc dù bản này khắc ở Quảng Đông và thợ Tàu do không biết chữ Nôm nên khắc sai nhiều chỗ, những vẫn rất quý báu. Ông tiến hành đối chiếu từng câu từng chữ của 9 bản Kiều thế kỉ XIX, xác định những chữ chung và những chữ khác, rồi đi đến kết luận, Truyện Kiều còn nguyên được 90%, còn khoảng 10% số chữ có sai khác. Tìm lại nguyên tác là đi tìm trong khoảng 10% đó. Nhưng đi tìm như thế nào? Dựa vào những chữ đa số cũng có cơ sở, những nhiều khi đa số lại mâu thuẩn về văn lí, về nghệ thuật. Đi tìm cách đọc thích hợp. Phát hiện những từ cổ… GS Nguyễn Tài Cẩn đax bước đầu hình dung ra bản sơ thảo của Truyện Kiều (Xem Thử tim hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, nxb Giáo dục, 2008). Ông Nguyễn Khắc Bảo công bố bản Truyện Kiều hướng đến phục nguyên, nxb Giáo dục, H., 2009). Bản Truyện Kiều của Trần Nho Thìn và Nguyễn Tuấn Cường,nxb Giáo dục,  H., 2007) muốn soạn một bản Kiều cho độc giả thế kỉ XXI, chú ý đến sự tiếp nhận của người đọc đối với tác phẩm. Hiện nay đa có nhiều đề xuất, song vẫn chưa có một phương pháp thực sự có hiệu lực. Các văn bản vấn còn khác nhau. Tuy vậy, so với trước chúng ta đã đến gần với nguyên tac của Nguyễn Du hơn bao giờ hết.
 
3.Nghiên cứu thời điểm sáng tác Truyện Kiều. Lúc đầu. dựa vào tiểu sử Nguyễn Du ngưới ta xác định Truyện Kiều sang tác vào thời Nguyễn, sau khi đi sứ Trung Quốc về. Sau này ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn cho rằng Truyện Kiều được sáng tác trong khoảng sáu tháng được nghỉ ngơi ở quê nhà sau khi đi sứ Trung Quốc về năm 1814. Ông Đào Duy Anh, ông Trương Chính rồi ông Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào nhiều sự kiện để đoán định  rằng  tác phẩm Truyện Kiều được sáng tác trước thời Nguyễn. Ông Nguyễn Thạch Giang thậm chí cho rằng Truyện Kiều được sáng tác khi Ngyễn Du mới 14 tuổi. Nhưng có nhiều sự thật chúng tỏ Truyện Kiều được sáng tác trước thời Nguyễn. Một là Kim Vân Kiều truyện của  Thanh Tâm tài nhân đã vào nước ta trước năm 1793 – 1794, là thời điểm Vũ Trinh viết Lan Trì kiến văn lục, Nguyễn Hoàng Sơn phát hiện). Ông Nguyễn Thạch Giang phong đoán Thám Hoa Nguyễn Huy Oáng 1763 khi đi sứ Trung Quốc về đã mang theo Kim Vân Kiều truyện, lưu trữ ở thư viện Phúc Giang nhà ông Oánh. Nhờ tiếp xúc Truyện Kiều sơm, Nguyễn Du đã sớm có ý định sáng tác Truyện Kiều. Hai là có giai thoại Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong một đêm, đầu bạc hết. Những thơ chữ Hán Nguyễn Du cho biết ông bạc đầu lúc ba mươi tuổi, tức vào năm 1795. Ba là nhờ vào công  cụ chữ húy, các ông Ngô Đức Thọ, Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn, Nguyễn Khắc Bảo đã chứng tỏ Truyện Kiều được sáng tác vào cuối đời nhà Lê, thời Tây Sơn, vì có kiêng húy một số chữ thời Lê Trịnh. Bốn là trong Truyện Kiều Nguyễn Du có một số câu có thể gây án văn tự, như Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, từng khiến vua Tự Đức nổi giận. Những câu ấy chỉ có thể vết vào lúc  cuối Lê và thời Tây Sơn. Năm là Nguyễn Lượng, người bình Truyện Kiều mất năm 1807, như vậy Truyện Kiều phải có trước, không chờ đến năm 1814. Sáu là trong lời bình của Nguyễn Lượng có phạm húy thời Gia Long, có nghĩa là nó phải được viết trước thời Nguyễn. Bảy là Nguyễn Thiện đọc văn Kiều rồi nhuận sắc Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự vào 10 năm cuối thế kỉ XVIII, như vậy Truyện Kiều đã có trước đó. Như vậy nhận định Truyện Kiều được sáng tác bắt đầu từ những năm cuối thế kỉ XVIII gần như được khẳng định. Đồng thời quá trình sáng tác ấy không phải một lần là  xong, mà trải qua quá trình sửa chữa cho đến trước thời nhà Nguyễn là đã xong rồi. (Xem tổng thuật của Lê Thành Lân trong bài Truyện Kiều không thể được viết dười thời Nguyễn, công bố năm 2011).
 
4. Nghiên cứu văn học so sánh Truyện Kiều và văn hóa văn hoc Trung Quóc, xác lập tính độc sáng của Truyện Kiều. Truyện Kiều rất nổi tiếng, lại sang tác trên cơ sở một tiểu thuyết chương hồi của tác gỉả Trung Quốc, cho nên vấn đề đặt ra là Nguyễn Du đã tiếp nhận và sang tạo thế nào để có một giá trị mới so với nguyên tác Trung Quốc.. Việc so sánh này đã được nêu ra từ trước năm 1945. Đào Duy Anh lúc ấy chủ yếu so sánh hai tác phẩm về cốt truyện, và chỉ do chỉ so sánh như thế, cho nên tính sáng tạo của Nguyễn Du chưa được nêu nổi bật. Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã so sánh về thể loại, một bên là tiểu thuyết chương hồi, một bên là truyện thơ Nôm, nhà thơ đã tước bỏ nhiều tuyến truyện trong nguyên tác, chỉ lấy tuyến truyện bám sát với các nhân vật chính của truyện. Nhà thơ đã sáng tạo lại toàn bộ ý nghĩ và lời thoại của nhân vật, bỏ hết các bài thơ mà các nhân vật làm, sáng tạo các đoạn biểu hiện tình cảm qua các cuộc chia tay, cuộc đánh đàn, những lúc nhớ nhà; nhà thơ lại thay đổi điểm nhìn trần thuật để kể hàng loạt sự kiện quan trọng theo điểm nhìn của nhân vật chính, biểu hiện nhân vật từ bên trong. Trong quá trình kể chuyện Nguyễn Du đã thay đổi nhiều chi tiết , thứ tự kể chuyện để cho hợp lí hơn, phù hợp tâm lí hơn thể hiện một tư tưởng sâu sắc hơn. Ví dụ, chân dung hai cô trong KVKT được tả dưới mắt Kim Trọng, trong truyện Nguyễn Du kể ngay từ đầu, dưới mắt người kể chuyện. Trong KVKT sau khi gặp mặt ở hội đạp thanh, hai cô về trước, còn Kim Trọng nghé theo, còn trong TK thì Kim TRọng về trước để hai cô nghé theo. Truyện Kiều tha bổng Hoạn Thư, còn KVKT thì vẫn dung nhục hình để máu rơi thịt đổ. Kiều sau khi thất thân với Mã liền nghĩ “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, còn KVKT thì không. TK nói “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, còn KVKT thì không. Đem so sánh các phương diện như trên sẽ thấy Truyện Kiều là một sang tạo mới so với KVKT.
 
5.Nghiên cứu phong cách, thi pháp Truyện Kiều. Thành tựu thứ tư là nghiên cứu phương diện phong cách thi pháp của Truyện Kiều. Trên cơ sở chứng minh Truyện Kiều là một sang tạo mới, các nhà nghiên cứu phân tích cỉ ra các phuwowngphasp nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du. Phan Ngọc trong sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), đã tổng kết , khái quát hệ thống các thủ pháp nghệ thuật của  Truyện Kiều, cứng minh Truyện Kiều là tác phẩm miêu tả tâm lí bậc nhất với các “thao tác” như để nhân vật ngồi một mình, lập hồ sơ nhân vật, khắc phục con người nhất phiến để tạo ra nhân vật phức tạp, sử dụng ngôn ngữ thiên nhiên và ngon ngữ tác giả, xây dựng bố cục theo bố cục của kịch, cú pháp truyện Kiều chủ yếu là sự dụng câu đảo trang. Nhà nghiên cứu đã lạ hóa tác phẩm để người đọc đi sâu khám phá những điều mới mẻ trong tác phẩm. Trần Đình Sử trong công trình Thi pháp Truyện Kiều (2002, nhưng được viết từ năm 1981, đã chứng minh Truyện Kiều là sự kế thừa và phát triển của lkể chuyện đã có từ trong Chinh phụ ngâm, Hoa Tiên thế kỉ XVIII. Nêu các vấn đề như không gian nghệ thuật, thời gin nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật về con người, quan hệ giữa chủ đề, quan niệm con người và cách kể chuyện của Nguyễn Du, nghiên cứu mô hình tự sự của truyện Kiều khác với mô hình tự sự của TTTN trong KVKT, thể hiện ở chỗ thay đổi điểm nhìn trần thuật, sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, lời nửa trực tiếp. Tác giả cũng nghiên cứu hệ thống các biện pháp tu từ của Truyện Kiều, gồm
 
Cách dùng điển, phép đối, phép sóng đôi, phép chiếu ứng,  phép dùng mĩ từ, cách sử dụng màu sắc, giọng điệu trần thuật, cách phối xen hai từ để tạo từ mới. Sách cũng chỉ ra phương pháp nghệ thuật của Truyện Kiều không phải chủ nghĩa hiện thực, không phải chủ nghĩa lãng mạn, mà là chủ nghĩa cảm thương. Các nghiên cứu đó cho thấy nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du, mà KVKT của Trung Quốc không thể có được.
 
Trên đây là năm thành tựu cơ bản về nghiên cứu Truyện Kiều trong khoảng bốn mươi năm gần đây. Tất nhiên đi tỉ mỉ hơn sẽ còn có nhiều thành tự nữa. Song để có một cái nhìn lướt có tính chất khái quát thì năm thành tựu trên là đủ tiêu biểu.
 
Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2015.
 
 
Theo GS.TS Trần Đình Sử/ trandinhsu.wordpress.com

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website