Cả dân tộc đang hướng tới kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015). Nhiều vấn đề giá trị của kiệt tác Truyện Kiều đã được khẳng định nhưng một số vấn đề về văn bản vẫn tồn tại, trong đó có việc xác định thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Chưa xác định được điều này thì việc tìm hiểu, đánh giá con người Nguyễn Du cũng như giá trị của tác phẩm còn chưa chuẩn xác.

 

 

Những người quan tâm đến điều này trước đây đã tìm được câu trả lời trong Đại Nam chính biên liệt truyện do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn, ở quyển 20 (truyện các quan mục XVII), phần Nguyễn Du ghi rõ: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều hành thế” (Du rất giỏi về thơ và thơ quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về có tập thơ Bắc hành và truyện Thúy Kiều ra đời).

 

Rõ ràng đây là sự khẳng định của tổ chức quản lý nhà nước cao nhất của Nguyễn Du. Nhiều người tin vào điều đó.

 

Thế nhưng từ năm 1943, học giả Đào Duy Anh bắt đầu đặt lại vấn đề Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào đăng trên tạp chí Tri Tân số 96, ngày 20/5/1943. Từ đó đến nay có nhiều người tìm các dấu hiệu từ văn bản Truyện Kiều nêu lên nhiều giả thuyết dự đoán Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều ở những thời điểm khác nhau mà ngày càng không thống nhất, càng rối thêm. Trong phạm vi bài viết này tôi muốn tìm hiểu các căn cứ các nhà nghiên cứu đã nêu ra mong tìm được sự chính xác về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều.

 

I. Về ý kiến cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trước thời Gia Long

 

1/ Ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn:

 

Trong bài Hoàng Xuân Hãn nói về truyện Kiều (tạp chí Văn Học số tháng 3/1977) tác giả đã nêu lên khá nhiều căn cứ. Tôi xin lần lượt trao đổi về các căn cứ đó.

 

a/ Căn cứ thứ nhất: Học giả cho rằng Đoạn trường tân thanh “có những lời phê bình của hai người là ông Vũ Trinh và ông Nguyễn Thành, hai người bạn của Nguyễn Du. Nhưng hai người bạn ấy chỉ có thể là bạn trong cái đời trốn tránh Tây Sơn. Sự phê bình có phần chắc là đời Tây Sơn, trước đời Gia Long nữa”.

 

- Thời Tây Sơn, Vũ Trinh không chịu ra làm quan phải trốn tránh ở Bắc Ninh, Nguyễn Du phải lẩn trốn khắp nơi ở Thái Bình, họ có thể gắn bó đến mức nào? Còn thời Gia Long, Vũ Trinh là anh rể của Nguyễn Du, cùng làm quan triều Gia Long, cùng sống ở Huế đến tháng 2/1816 Vũ Trinh mới bị tù, họ không thể làm bạn với nhau ư?

 

b/ Căn cứ thứ hai“Cái thứ hai là ông Vũ Trinh sống lâu nhưng ông ấy bị tội trong đời Gia Long rồi, bị tội vì Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Thành là tri phủ - hình như tri phủ Yên Trường, tức là vùng Ninh Bình bây giờ bị chết vào độ 1807 thì phải, nếu tôi không lầm”. Từ đó học giả cho rằng, Truyện Kiều được viết đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long”.

 

Vũ Trinh bị giam tháng 2/1816, nếu Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ về (tháng 4/1814) thì Vũ Trinh vẫn có thể đọc và bình chứ sao? Còn Nguyễn Lượng ở đâu, làm gì, học giả không có tài liệu chính xác mà chỉ nhớ “hình như”thì làm sao người đọc tin được. Nhiều tài liệu đã cho biết người bình Kiều cùng Vũ Trinh là Nguyễn Lượng chứ không phải Nguyễn Thành.

 

Ông Đặng Cao Ruyên trong cuốn Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du ghi rõ: “Nguyễn Lượng (1768-1817) hiệu Châu Sơn tiều lữ, còn có biệt hiệu Châu Giang sau này sẽ cùng Vũ Trinh là hai người đầu tiên bình Kiều” (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 2002, tr. 101-102).

 

c/ Căn cứ thứ ba: Học giả nêu tiếp “Tôi chắc cũng không phải đời Gia Long bởi vì cụ Nguyễn Du đã bị gọi ra làm quan tri phủ Thường Tín hay tri phủ gì đó ở ngoài Bắc. Lúc đã ra làm quan rồi thì không có thì giờ ngồi viết Kiều”.

 

Đây cũng là suy luận không thực tế. Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều… đều viết tác phẩm của mình lúc làm quan đấy chứ. Không thể dựa vào điều này để làm căn cứ được.

 

d/ Căn cứ thứ tư: Học giả căn cứ vào bài đề từ  Truyện Kiều của Phạm Quý Thích “có một tập cụ kể chuyện đi từ Bắc vào Huế vì vua Gia Long mời cụ ra làm quan”“Tôi nhớ như đầu đời Gia Long 1805-1806 quãng ấy.

 

Chỉ mới “nhớ như” mà học giả lấy làm căn cứ thì đã đủ chính xác chưa? Các tài liệu về cụ Phạm Quý Thích đều nói cụ vào kinh từ năm 1811. Bài này nằm trong Hoa đường thi tập gồm 307 bài trong đó có thơ vịnh cảnh vào kinh đô, thuật hoài, mừng, viếng… sau này con cháu tập hợp lại, bài thơ đề từ Truyện Kiều không ghi rõ ngày tháng năm, không thể xác định chính xác được thời gian viết. Ông Nguyễn Quảng Tuân thì cho rằng không có tài liệu nào nói Phạm Quý Thích để từ Truyện Kiều trên đường vào Huế cả.

 

Như vậy, các căn cứ mà học giả Hoàng Xuân Hãn nêu lên không chính xác, không thể dùng để khẳng định Nguyễn Du viếtTruyện Kiều trước thời Gia Long.

 

2/ Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn:

 

Mấy năm gần đây, giáo sư đã dày công nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều và có nhiều bài viết xác định thời gian sáng tácTruyện Kiều: “Về bản Kiều Thái Bình” (tạp chí Hán Nôm, số 6-2004) “Thử tháo gỡ một số điểm đáng băn khoăn trong các bản Kiều Nôm cũ” (Nghiên Cứu Văn Học, số 3-2005). “Lịch sử Truyện Kiều về khoảng 900 câu khởi thảo đầu tiên” (Nghiên Cứu Văn Học, số 11-2005).

 

Giáo sư dựa vào niên đại Cảnh Hưng 40 (1779); dựa vào khảo sát ngôn từ giáo sư cho là kỵ húy cùng với cách dùng từ địa phương mà cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước đời Gia Long (1802) trải qua nhiều giai đoạn: “Giai đoạn thai nghén bắt đầu bằng việc tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khoảng năm 1779, giai đoạn khởi thảo 900 câu đầu tiên khoảng năm 1783-1785, giai đoạn hoàn thành cơ bản diễn âm tại quê hương vợ ở Thái Bình năm 1787-1790, giai đoạn tổng duyệt và sửa chữa tại vùng quê Tiên Điền khoảng năm 1796-1802, và giai đoạn tiếp thu ý kiến của bạn bè, tự nhuận sắc thêm một số câu, một số chữ cho tận đến khi qua đời ở Huế (1820)”.

 

Như vậy từ khi thai nghén đến khi hoàn thành mất 41 năm, thật sự viết mất 20 năm. Chúng ta thử xem các căn cứ giáo sư đã nêu.

 

a/ Căn cứ thứ nhất: Về niên đại ghi ở hai cuốn sách: dựa theo thông tin của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang thấy cuốn Vương Thúy Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên, Nguyễn gia tàng bản  chép năm Cảnh Hưng 40 (1779) ở nhà cụ Tôn Thất Hân, và cuốnTruyện Kiều ở Thái Bình ngoài bìa ghi: “Minh Mệnh lục niên ngũ nguyệt, ngũ nhật Nguyễn Du phóng tác”, mặt sau bìa ghi “bản này chép lại từ bản có niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779)”, giáo sư cho là Nguyễn Du “Tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khoảng 1779”.

 

- Nếu có cuốn Vương Thúy Kiều truyện ghi như trên thì cũng không thể khẳng định là Nguyễn Du tóm tắt. Đó là cuốn sách chép tay của người nào đó trong họ Nguyễn ở Tiên Điền mà lúc ấy có rất nhiều người học cao có thể tóm tắt, còn cậu bé Nguyễn Du mới 14 tuổi đang ở Thăng Long cư tang mẹ (bà mất tháng 8/1778). Gán cho Nguyễn Du chép là không hợp lý.

 

Cuốn Truyện Kiều phát hiện ở Thái Bình, thì cũng đang nghi đó là bản chép sau này và dòng ghi ở bìa là người sau tự viết thêm để tăng giá trị cho bản chép. Cả hai cuốn này chưa được kiểm chứng, giữa lúc ngụy thư nhan nhản thì đó chưa thể làm căn cứ khoa học được.

 

b/ Căn cứ thứ hai:Sự kỵ húy: Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết, khảo sát nhiều văn bản Truyện Kiều những từ cho là kỵ húy nhằm xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều.

 

Giáo sư nhận thấy “Nhưng tùy câu, tùy chữ, tùy bản, biện pháp kỵ húy đưa ra có thể không thống nhất như nhau” (Thử tháo gỡ một vài điểm đáng băn khoăn trong các bản Kiều Nôm cổ).

 

Ngay trong một bản thì cũng có những chỗ đầu cuối kỵ húy không thống nhất, giáo sư thấy:

 

a/ Bỏ kỵ húy bảy chữ Kì trong 900 câu đầu sao lại không bỏ hẳn việc kỵ húy sáu chữ Kì của Chiêu Thống và bốn chữ Kì của Thần Tông trong gần 2.500 câu sau.

 

b/ Hơn nữa ngay trong 900 câu đầu này sao chỉ tập trung việc kỵ húy bảy chữ Kì mà không bỏ kỵ húy khoảng mười tên húy các vua chúa khác.

 

Từ đó giáo sư cho rằng: 900 câu đầu không kỵ húy Chiêu Thống vì Nguyễn Du viết trước khi Chiêu Thống lên ngôi, còn phần sau kỵ húy là do viết ở Thái Bình.

 

Một số nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo… cũng đi tìm dấu tích kỵ húy và đi đến nhiều kết luận khác nhau. Ông Nguyễn Khắc Bảo (Bắc Ninh) khẳng định “Truyện Kiều không kỵ húy vua Lê chúa Trịnh” (Liệu có phải Truyện Kiều được sáng tác vào thời vua Lê chúa Trịnh - Văn Hóa Nghệ An số 62, tháng 7/2005). Ông Nguyễn Quảng Tuân cũng đồng quan điểm này.

 

Có sự không thống nhất như trên bởi một điều rất dễ hiểu: không có bản gốc của Nguyễn Du, hơn 40 bản Truyện Kiều có đến hôm nay đều do đời sau chép in lại, mỗi người kỵ húy theo cách nghĩ riêng của mình. Vì thế việc dựa vào kỵ húy để xác định thời gian sáng tác của Nguyễn Du là không chính xác, không thể vận dụng được.

 

c/ Căn cứ thứ ba: Tiếng địa phương. Giáo sư thấy trong 900 câu đầu có những từ mang sắc thái xứ Nghệ “Đa số là những lối nói trong gia đình anh em Nguyễn Du hay dùng” rồi cho rằng “Nguyễn Du khởi thảo 900 câu đầu tiên khoảng 1783-1785” ở Thăng Long.

 

- Đây cũng là điều không thể xác định được. Trong ngôn ngữ giao tiếp có tiếng phổ thông, có tiếng địa phương. Sự giao thoa giữa các ngôn ngữ tùy thời, tùy người đậm nhạt khác nhau, rất khó xác định thời gian cụ thể.

 

Cụ Nguyễn Du: cha người Nghệ, mẹ người Bắc Ninh, sinh ra và trưởng thành ở Thăng Long, rồi về sống ở Thái Bình đến 32 tuổi mới về xứ Nghệ, rất khó xác định lúc nào cụ dùng tiếng Bắc, lúc nào cụ dùng tiếng Nghệ, càng không thể xác định được lúc nào cụ viết theo tiếng Bắc, lúc nào cụ viết theo tiếng Nghệ. Vì thế việc căn cứ tiếng Nghệ ở một số bản, câu nào đó để xác định thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước thời Gia Long ở Thăng Long là điều không thể chính xác được. 

 

Như vậy trong ba căn cứ mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn dùng thì căn cứ (a) là không chính xác, căn cứ (b) và căn cứ (c) không thể thực hiện được. Giáo sư đã rất tâm huyết và trách nhiệm dành cả những năm cuối rất quý báu của đời mình để đi tìm các căn cứ chứng minh thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều khác với ý kiến của Triều Nguyễn nhưng càng đi tìm càng xa mà cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều suốt trong thời gian dài 20 năm là điều không  thực tế.

 

II. Về ý kiến cho rằng Truyện Kiều được sáng tác đầu đời Gia Long - lúc còn làm cai bạ Quảng Bình

 

Ý kiến này do học giả Đào Duy Anh nêu lên trong bài Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào (báo Thanh Nghị số 32, tháng 3/1943).

 

a/ Căn cứ thứ nhất: Trước hết giáo sư phủ nhận khẳng định của Đại Nam liệt truyện“Sách liệt truyện nói rằng, Nguyễn Du đi sứ về thì có Bắc hành tạp lục và Thúy Kiều truyện hành thế. Nhưng sách liệt truyện sơ tập soạn ở đời Tự Đức sau năm Tự Đức thứ 5 tức là sau khi Nguyễn Du mất đến 30 năm cũng có thể chép sai được (thực lục cũng có chỗ chép sai huống là liệt truyện)”.

 

Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện là những bộ sách lớn của Quốc sử quán do nhiều người có học vấn cao làm việc nghiêm túc trong nhiều năm, dù đã được “tham bộ, khảo sát, đính chính” nhưng vẫn có chỗ sai sót là điều dễ hiểu. Thế nhưng lấy đôi chỗ sai đó mà cho rằng, “chi tiết trên chép sai” là một quy nạp vội vàng, không đầy đủ, không đúng.

 

Cụ Nguyễn Đình Ngân đậu cử nhân 1916, từng làm kiểm giáo Quốc tử giám Triều Nguyễn, sau cách mạng tháng 8/1945 là Giám đốc Văn hóa Viện Trung Bộ khi trưng tập sách ở Nghị tiền thư viện (tủ sách của nhà vua), cụ đã thu được “Một cuộn tròn giấy và sách chữ Nho lớn (bằng cột nhà), mở ra xem thì là một số tài liệu riêng về Nguyễn Du gồm có:

 

- Thư từ riêng của bạn bè gửi Nguyễn Du, trong đó có thư của Phạm Quý Thích.

- Một số ghi chép có tính cách như Nhật ký.

 

- Đặc biệt có một bản thảo Truyện Kiều với những chỗ xóa chữ này, thay chữ kia…” (Theo Truyện Kiều - Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Đức Vân, hiệu đính chú thích - NXB Văn Học, 1965). Như vậy, Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi về Nguyễn Du như trên là có căn cứ gốc, chính xác. Điều này càng chứng tỏ suy luận của học giả Đào Duy Anh là không đúng, sự phủ nhận thông tin trên là vội vàng, thiếu cơ sở.

 

b/ Căn cứ thứ hai: Dựa vào lời của Nguyễn Văn Thắng trong bài Tựa Kim Vân Kiều án “kịp đến Quan Đông các nước ta phu diễn ra quốc âm”, học giả cho rằng, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều lúc làm Đông các học sĩ (1805-1809).

 

- Thời Nguyễn Du sáng tác chủ yếu là chép tay, truyền nhau cũng bằng chép tay, sách chưa nhiều, chưa có nhà xuất bản, vậy đã có quy định người viết phải ghi họ tên, chức vụ vào cuốn sách không? Nếu có thì minh chứng ở đâu?

 

Cụm từ trên là do Nguyễn Văn Thắng nhớ lại. Một con người bị giam trong ngục “Suốt ngày ngồi ngây không biết lấy gì để khuây khỏa”“Thường đọc truyện Kiều Nôm”, “Rồi lĩnh hội về văn chương” viết cả “Kim Vân Kiều án” mà chỉ nhớ Truyện Kiều 1.575 câu (sai số đến 1.679 câu) thì sự nhớ “Quan Đông các phu diễn ra quốc âm” có chính xác không nhỉ?

 

Dựa vào “một bản có khắc nhiều chữ sai lầm” mà hình như tác giả không công bố, mãi đến gần 100 năm sau cụ Hoa Bằng dịch, thì văn bản đó có đáng tin cậy, có thể làm căn cứ để cho rằng Truyện Kiều được sáng tác thời Nguyễn Du làm Đông các không? Tôi nghĩ rằng, không thể tin cậy vào cả con người và văn bản này. Không thể lấy đó mà đoán định thời gian Nguyễn Du sáng tácTruyện Kiều

 

Tóm lại: Căn cứ của ba học giả nêu trên đều chưa chính xác, chưa đủ độ tin cậy, thiếu sức thuyết phục. Các nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc, Đào Thái Tôn có những bài viết đồng tình với các ý kiến này. Giáo sư Trương Chính căn cứ vào cuộc đời tác giả và nội dung tác phẩm mà cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều thời dưới chân núi Hồng.

 

Như vậy các nhà nghiên cứu trên đều có cái chung là hoài nghi sự khẳng định của Quốc sử quán Triều Nguyễn, nêu ý kiến mới của mình nhưng người thì cho là viết trước khi đi sứ (1809), người thì cho viết trước khi Gia Long lên ngôi (1802). Chưa có sự thống nhất vì các vị chỉ dựa vào dấu vết văn bản và suy luận từ cuộc đời tác giả và tác phẩm. Văn bản thì không có gốc, người viết về Truyện Kiều thì không ghi thời gian cụ thể.

 

Truyện Kiều có đến hơn 40 bản in, sao chép nhiều chỗ khác nhau, theo văn bản nào cũng không chuẩn; mối quan hệ giữa lịch sử, cuộc đời tác giả và tác phẩm thì quá phong phú và phức tạp mà mỗi người đều có thể suy luận theo cách nghĩ riêng của mình. Kết luận khoa học thì phải có đầy đủ chứng cứ không phải một ngành mà nhiều ngành khoa học, các chứng cứ phải cụ thể, chính xác, phải được các cơ quan có năng lực và thẩm quyền kiểm định chắc chắn thì mới có sức thuyết phục.

 

Suốt 70 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước dồn bao công sức tìm tòi mà không có nổi lấy một căn cứ chính xác để chứng minh thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều khác với kết luận của Quốc sử quán Triều Nguyễn.

 

Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu lớn đã dồn hết tài năng và sức lực không bác bỏ được thì chúng ta phải chấp nhận, không nên để tồn tại này kéo dài quá lâu tạo nên một tồn tại không đáng có ảnh hưởng đến việc đánh giá tác giả và tác phẩm. Đó cũng là việc làm thiết thực để kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du vậy.