Nhiều người biết đến Nguyễn Du trước hết vì ông là tác giả Truyện Kiều, kiệt tác đỉnh cao của văn học Việt Nam. Bên cạnh đó những ai biết đến thơ chữ Hán của Nguyễn Du sẽ đồng ý với nhận định rằng chỉ riêng bộ phận trước tác này, tác giả đã xứng đáng là đại thi hào.

Nguyễn Du không chỉ thân thuộc với người Việt Nam mà ngày càng được biết đến và được đánh giá cao trên thế giới. Năm 1965, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Người. Tại kỳ họp thứ 37 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (tháng 11/2013) tại Pháp, Nguyễn Du được vinh danh cùng nhiều danh nhân văn hóa của loài người. Những điều này cho thấy một khi tác giả văn chương đạt tầm cao tài năng của một thời đại, đại diện được cho lương tri một dân tộc thì tất yếu cũng thuộc về thời gian và không gian rộng lớn.

Hiển nhiên là một nghệ sĩ lớn cũng đồng thời là một nhà tư tưởng lớn với phương thức tư duy đặc thù. Các giá trị tư tưởng luôn được hình thành trong những thời gian, không gian nhất định và mang dấu ấn của chủ thể. Theo F.Jullien, triết học phương Tây chú trọng chân lý, minh triết phương Đông chú trọng sự thỏa đáng(1). Theo cách hiểu này, tìm hiểu minh triết trong các trước tác văn chương ưu việt là có cơ sở. Hai trăm năm mươi bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về rất nhiều hiện tượng nhân sinh và tự nhiên, biểu lộ tư tưởng tình cảm của chủ thể trước nhiều trạng huống… nhưng điều xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự khắc khoải về sự tồn tại của bản thân và đồng loại.

Chân lý nhân sinh luôn có tính cụ thể cá biệt và thường là tổng hòa của nhiều nhân tố, bởi vậy với cùng một hiện tượng đời sống người ta nhận thức và cảm xúc có thể không giống nhau. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du tình trạng này không ít. Ví dụ việc đánh giá Mã Viện. Trong văn học cổ Trung Hoa, hình tượng Mã Viện là một điển hình của chí làm trai. Trong một số tác phẩm văn chương nước ta trước đây cũng có hình tượng này với sự thụ cảm tương tự, ví dụ: Dẹp Man Khê bàn sự Phục Ba (Chinh phụ ngâm). Viết về nhân vật này Nguyễn Du không bị truyền thống đó ám ảnh. Trong bài Giáp Thành Mã Phục Ba miếu (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành) nhà thơ chỉ ra nhiều mâu thuẫn bi hài ở nhân vật này. Khi đã ngoài sáu mươi tuổi để chứng tỏ sức lực và chí khí, viên tướng già này mặc áo giáp, nhảy lên lưng ngựa phi như bay. Ông ta chỉ chuốc được tiếng cười của nhà vua mà không biết rằng anh em ở quê nhà thương xót. Ông ta dựng cột đồng để đánh dấu huân công, thực ra chỉ lòe được đàn bà đất Việt. Ngọc châu ông ta cướp về thành ra để lụy cho con cháu. Tên tuổi Mã Viện không được ghi ở gác Vân Đài nhà Hán, y lại đòi nước Nam cúng tế. Ở đây minh triết xuất phát từ nhãn quan lão thực và tinh thần dân tộc.

Nguyễn Du dẫn đầu đoàn sứ bộ gồm 27 người đi công cán Trung Hoa từ đầu tháng Hai đến giữa tháng Chạp năm 1813. Xưa kia đi sứ Trung Hoa được gọi bằng những chữ mỹ miều là “Hoa trình sứ bộ”, “Hoa quan thượng quốc” nghĩa là đi chiêm ngưỡng sự văn minh của phương Bắc. Thời trung đại, kẻ sĩ Việt Nam chủ yếu học Kinh, Sử, Tử, Tập do người Trung Hoa viết, bởi vậy đối với họ, con người, văn hóa, lịch sử, địa dư Trung Hoa không còn xa lạ và đa phần bị khúc xạ. Minh triết Nguyễn Du trong tập thơ Bắc hành tạp lục giải thiêng, giải huyền thoại về thượng quốc. Bài thơ Thái Bình mại ca giả (Người hát rong ở thành Thái Bình) viết về một ông lão mù hát rong xin tiền độ nhật. Ông lão gắng hết tâm sức hát gần một trống canh mà chỉ được năm sáu đồng tiền nhưng cảm thấy được hưởng một ân huệ lớn. Nhà thơ mai mỉa:

Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn báo,

Trung Hoa diệc hữu như thử nhân!

(Thường nghe nói Trung Hoa ai cũng no ấm, không ngờ Trung Hoa cũng có người thế này!(2)).

Nhà thơ còn ngộ ra rằng bao nhiêu gạo thịt cung đốn cho sứ bộ chỉ là “nhịn miệng đãi khách”, bòn mót của bao kiếp cần lao nhằm giữ thể diện quốc gia.

Đến Quế Lâm thấy nơi thờ tự Cù Thức Trĩ - một trung thần đời Minh tuẫn tiết chống xâm lăng - không được hương khói chu đáo, nhà thơ cật vấn:

Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa,

Như hà hương hỏa thái thế lương.

(Quế Lâm Cù các bộ)

(Ai cũng nói người Trung Quốc trọng tiết nghĩa, mà sao ở đây hương khói vắng tanh thế này?).

Chế độ phong kiến ở Việt Nam kéo dài hàng ngàn năm. Ở Trung Hoa sự tồn tại của hình thái xã hội này còn dài gấp mấy lần. Thực tiễn đó khiến cho tư duy con người ù trệ, ít khi xem xét lại các giá trị đã được tiền nhân định vị. Trí tuệ ưu tú như Nguyễn Du không theo quán tính này. Tâm thức nhà thơ xuất hiện nhiều câu hỏi về bản thân và đồng loại, về tồn tại nói chung. Không ít lần quan niệm của nhà thơ khác với quan niệm của số đông trong thời gian dài. Điều đáng nói là phủ định nhưng Nguyễn Du không cực đoan như thói thường. Chẳng hạn đánh giá Lưu Linh - một nhân vật đời Tấn luôn dùng rượu để quên thế sự, được đương thời tôn là người hiền (người có tài đức siêu việt). Nguyễn Du nhiều lần viết rằng rượu có thể giúp quên sầu và đem lại niềm vui. Tuy nhiên nhà thơ cho rằng gã họ Lưu chẳng ra trò trống gì (Lưu Linh chi tử bất thành tài - Lưu Linh mộ), vì:

Hà sự thanh tinh khan thế sự,

Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai.

(Sao bằng cứ để tỉnh mà xem, việc đời như những cánh bèo nổi trôi dạt rất đáng thương).

Người Việt Nam xưa kia không phải học vấn cao mới biết đến tứ đại mỹ nhân Trung Hoa, trong đó Dương Quý Phi nổi tiếng nhất vì có liên quan đến chính sự đời Đường Minh Hoàng. Nhiều người đương thời và hậu thế cho rằng người đẹp này khiến cho triều đình điên đảo, thiên tử phải chạy khỏi kinh đô Trường An tị nạn. Nguyễn Du cho rằng:

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

(Dương Phi cố lý)

(Vì cả triều đình đều như phỗng đứng, nên nghìn năm người ta đổ tội oan cho sắc đẹp nghiêng thành).

Ở đây minh triết xuất phát từ nhãn quan chính trị kết hợp với tư tưởng bênh vực phụ nữ. Đi liền với cảm hứng đó là chế diễu những kẻ mày râu vô tích sự, chỉ huênh hoang khoác lác. Điều này cũng thấy ở bài Tam liệt miếu.

Thời trung đại một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là đào tạo người sẽ làm quan lại, người đỗ đạt cao làm quan, người đỗ đạt thấp hoặc không có học vị làm lại (người giúp việc). “Tiến vi quan thoái vi sư” là lý tưởng của trí thức đương thời. Nguyễn Du đậu Tam trường (Tú tài). Năm 1786, khi mới 22 tuổi, Nguyễn Du đã giữ chức Chánh thủ hiệu Thái Nguyên. Dưới triều vua Gia Long, năm 1802, Nguyễn Du được bổ làm tri huyện Phù Dung, sau được thăng Tri phủ Thường Tín. Tháng giêng 1805 ông được thăng Đông các học sĩ, vào Huế làm quan. Tháng tư năm 1809 được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Năm 1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ (học sĩ là thành viên nội các). Năm 1815 Nguyễn Du được đặc cách thăng Hữu Tham tri bộ Lễ… Kể qua thấy thời gian ông làm quan không ít, công việc và chỗ làm quan cũng có đổi thay. Tuy nhiên thơ của thi hào tịnh không ghi lại những phút giây đắc chí trên hoạn lộ, trái lại chỉ cho thấy sự bất như ý. Bài thơ Ngẫu đắc vừa tái hiện sự hoang lạnh của cảnh vật vừa cho thấy sự ghẻ lạnh của tình người nơi ông làm quan:

Cô thành nhật mộ khởi âm vân,

Thanh thảo man man đáo hải tần.

Khoáng dã biến mai vô chủ cốt,

Thù phương độc thác hữu quan thân.

Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã,

Lão khứ văn chương diệc tị nhân…

(Buổi chiều, mây đen bốc lên từ tòa thành cô quạnh. Cỏ xanh rờn mọc lan đến tận bờ biển. Trên cánh đồng hoang, khắp nơi vùi những nắm xương vô chủ. Cái thân làm quan một mình gửi nơi xa lạ. Bị quở trách thì bọn nha lại cũng lên mặt. Già rồi văn chương cũng xa lánh nốt). Thi hào nói khéo rằng thi hứng không có do tuổi già, nhưng tình cảnh như vậy làm sao có thơ. Nguyễn Du cảm nhận sâu sắc rằng quan trường là nơi khiến con người bị tha hóa, “vô bệnh cố nhân câu” (chẳng bệnh tật gì lưng cứ cúi lom khom - Thu chí). Người đọc hẳn liên tưởng đến ông quan thi sĩ Đào Tiềm đời Tấn. Sự khác biệt là người xưa khẳng khái còn Nguyễn Du bi hài. Ngay cả lúc ăn bổng lộc triều đình, làm việc quan phương mà Nguyễn Du vẫn nghĩ đến cuộc sống trái ngược với hiện thời:

Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ,

Viên hạc hà tòng nhân cựu lân.

(Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn)

(Kẻ mặc áo xanh đi khắp cõi bụi hồng, con vượn, con hạc làm sao nhận ra người hàng xóm cũ).

Xưa kia vượn và hạc được xem là bạn của người ẩn dật.

Có lẽ trước và sau Nguyễn Du chưa ai cực tả sự tha hóa do chốn thanh vân tạo nên như thế này:

Thử thân dĩ tác phàn lung vật,

Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?

(Tân thu ngẫu hứng)

(Tấm thân này đã bị giam trong lồng cũi thì còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do?).

Thơ chữ Hán Nguyễn Du là sự phản chứng đầy đủ lý tưởng tiến vi quan tồn tại hàng ngàn năm ở phương Đông. Có lúc Nguyễn Du thấy tình cảnh của mình chẳng khác gì của người lính thú nên đã phóng bút viết chùm thơ Đại tác cựu thú tư quy (Làm thay người đi thú lâu năm mong về). Đi làm quan xa được so sánh với đi lính thú (lính đóng nơi biên ải) thật bất ngờ và hợp cảnh hợp tình.

Nho giáo luôn đòi hỏi con người biết khiêm cung trước đồng loại và trời đất. Đây là một đức tính phù hợp với xã hội đương thời, nơi con người phụ thuộc vào tầng tầng lớp lớp những thế lực hữu hình và vô hình, nơi người ta được giáo dục để thích ứng với hoàn cảnh chứ không phải cải tạo nó. Tài năng và bản lĩnh của Nguyễn Du lớn đến độ, dù được đào luyện trong môi trường ấy, thi sĩ vẫn công khai khẳng định mình thuộc số những người có phẩm chất ưu trội:

Tráng niên ngã diệc vi tài giả

(Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch)

(Thuở trẻ ta cũng là kẻ tài ba)

Không có các tập thơ Việt Nam trung đại nào sánh được với các tập thơ của thi hào Nguyễn Du ở phương diện viết về nhiều người tài năng mà số phận bi kịch, từ đó đặt ra những vấn nạn nhân sinh. Những bài thơ này khác loại thơ vịnh sử. Thơ vịnh sử viết về những con người tài năng, công lao, đức độ xuất chúng để nêu gương. Do chú trọng ý nghĩa xã hội chính thống nên ý nghĩa thẩm mỹ đơn sắc. Những bài thơ Nguyễn Du viết về các nhân vật xuất chúng (Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, Trường Sa Giả thái phó, Tương Âm dạ, Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, Nhạc Vũ Mục mộ, Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa tướng...) thật ít màu sắc thơ vịnh sử mà đậm đà tính chất tâm sự vì nhà thơ luôn bộc lộ cảm xúc và quan niệm riêng.

Trong các văn nhân thi sĩ Trung Hoa, Nguyễn Du tâm đắc nhất với Đỗ Phủ. Trong bài thơ Y nguyên vận ký Thanh Oai Ngô Tử Nguyên, thi hào viết:

Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi

(Ban đêm mộng hồn tôi thường gửi vào thơ Đỗ Thiếu Lăng)

Hai thi hào đều phải chịu cảnh ốm đau thiếu đói và đều dành tình thương xót vô bờ cho những người đau khổ. Trong lịch sử văn chương Việt - Trung không có trường hợp nào dù cách nhau cả ngàn năm mà thân phận tác giả và chủ nghĩa nhân đạo lại gần gũi nhau như Nguyễn Du và Đỗ Phủ.

Viết về các nhân vật và sự kiện quen thuộc với nhiều người bao giờ Nguyễn Du cũng có những kiến giải, đánh giá riêng. Chẳng hạn trường hợp Phản chiêu hồn. Tống Ngọc là một danh sĩ cùng thời với Khuất Nguyên cảm thương trước cái chết của đấng cô trung này đã làm bài từ gọi hồn ông về. Nguyễn Du viết bài thơ trên với tư duy phản biện. Theo thi hào:

Nhân nhân giai Mịch La,

Đại địa xứ xứ giai Mịch La

(Đời sau này, ai ai cũng gian nịnh như Thượng Quan Ngân Thượng, trên mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La). Theo thi hào, đương thời không có chỗ để linh hồn những con người cao khiết nương náu. Bài thơ kết thúc bằng câu hỏi:

Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà?

(Hồn ơi! Hồn ơi! Biết làm thế nào?).

Thơ chữ Hán Nguyễn Du có nhiều câu hỏi, những câu hỏi xuất hiện trên con đường truy cầu minh triết, thể hiện minh triết.

Trong thơ chữ Hán nói riêng và thơ Việt Nam trung đại nói chung, không có tập thơ nào sánh được với Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du về số lượng và chất lượng của những bài thơ viết về các nhân vật xuất chúng. Tài năng của Nguyễn Du khiến ông có nhu cầu nhận thức mình, nhận thức loại người ưu việt mà mình tự thấy ở trong số đó. Nhu cầu này xuất hiện trong một thời đại có những điều kiện thích hợp nên thực sự đã trở thành sự bùng nổ.

Con người hơn mọi loài còn lại là có nhiều phương thức và phương tiện để lưu lại sự tồn tại của mình, do đó sự nghiệm sinh của cộng đồng nhân loại hoặc từng cá thể vượt qua được nhiều hạn chế của không gian và thời gian. Tri thức nhân sinh luôn được bổ sung bằng cách thức trông người lại ngẫm đến ta hoặc “suy kỷ cập nhân” (suy từ mình ra người). Người có phẩm chất nghệ sĩ đích thực cùng với vốn học vấn dày dặn và sự kinh lịch như Nguyễn Du luôn nhìn nhận mỗi tình huống của đời sống hay mỗi số phận con người trong nhiều mối quan hệ, khiến cho chúng không còn là những hiện tượng đơn nghĩa, trái lại mang ý nghĩa nhân sinh phổ quát, tạo nên sức ám ảnh lớn. Điển hình cho điều này là bài Độc Tiểu Thanh ký. Số phận của các giá trị thật mỏng manh trước bao nhiêu lực lượng hữu hình và vô hình có sức mạnh quyết định hoặc do những sự mặc định. Mọi con người và hiện tượng được nói đến trong bài thơ đều diễn tiến theo chiều tiêu cực hoặc có nguy cơ diễn ra theo chiều bất như ý. Bằng tư duy sắc sảo và nhãn quan nhân đạo, Nguyễn Du đã khái quát một hiện tượng phổ biến của nhân sinh là những kẻ có nết phong nhã mắc phải nỗi oan lạ lùng (phong vận kỳ oan). Trong hình thái xã hội mà chỉ có cái riêng, sự ưu trội của vua chúa là đáng kể còn những phẩm tính đó của mọi cá thể còn lại đều không đáng gì thì sự trừu xuất của nhà thơ không phải bình thường. Càng có ý nghĩa hơn khi một con người tự xếp mình vào số những người khác thường đó.

Thi hào luôn tự ý thức về mình trong quan hệ với thời cuộc, với người khác, với thiên nhiên. Khi chủ yếu chỉ soi chiếu mình, nhà thơ luôn đối chiếu mình ở thời điểm đó với tuổi xuân có hoài bão tốt đẹp:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,

Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.

Xuân lan thu cúc thành hư sự,

Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên.

(Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát. Hùng tâm, sinh kế, cả hai đều mờ nhạt. Xuân lan thu cúc đã thành chuyện hão. Đông rét hè nóng cướp cả tuổi xuân).

Xưa kia người Trung Quốc và người Việt Nam chủ yếu sống trong xã hội lấy trồng trọt làm chính. Sinh hoạt vật chất đó cùng với trình độ phát triển của tư duy khiến cho con người thấy sự tương đồng giữa sự chuyển vần của thời tiết trong một năm và sự vận động của một đời người. Nghệ sĩ đích thực là người tinh nhạy hơn những người khác về sự đổi thay của tự nhiên và nhân sinh. Thật không may nếu những sự bất như ý của đời người lại xảy ra vào những lúc thời tiết cũng bất như ý.

Trong suốt quá trình tồn tại, con người ta bên cạnh cõi thực là chủ yếu, còn có cõi mộng. Có những giấc mơ chỉ là sự chắp nối lộn xộn của phần vô thức. Bên cạnh đó còn có những giấc mơ giàu ý nghĩa nhân sinh, là nơi con người gửi gắm những mong muốn tốt đẹp. Văn chương Đông Tây kim cổ đã có vô vàn trang viết về giấc mộng của con người, từ những giấc mộng đơn sơ, hồn nhiên của thường nhân đến những giấc mộng đậm màu triết học của Trang Tử. Nguyễn Du đã ghi nhận một sự thật nghiệt ngã:

Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng

(Trệ khách)

(Con người ta đến bước đường cùng không thể có mộng đẹp).

Trước và sau nhà thơ nhiều thế kỷ, trong văn chương nói chung và trong thơ nói riêng, người đời thường dùng cõi mộng đẹp đẽ như là sự đối lập với cõi thực cay đắng, còn Nguyễn Du với nhãn quan của nhà nhân đạo chủ nghĩa trong thời đại phong kiến suy đồi đã đúc kết một ý tưởng độc sáng như vậy. Theo nhà thơ, đương thời không còn chỗ nào đáng cho người ta tồn tại và khát vọng.

Thi hào thường xuyên nhìn nhận mình theo những tiêu chuẩn đương thời và luôn nhận ra mình cả ở những đặc tính phổ quát và những phẩm tính cá biệt. Cảm hứng này thể hiện tập trung nhất ở bài Tự thán II:

Tam thập hành canh lục xích thân,

Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.

Bản vô văn tự năng tăng mệnh,

Hà sự kiền khôn thác đố nhân?

Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,

Xuân thu đại tự bạch đầu tân…

(Tấm thân sáu thước tuổi đã ba mươi. Vì thông minh xuyên tạc mà hại đến thiên chân. Vốn chẳng có văn chương nào ghét số mệnh, làm sao trời lại ghét lầm người? Văn võ không thành, sinh kế quẫn bách. Hết xuân lại thu, đầu cứ bạc thêm…).

Trong Luận ngữ, Khổng Tử tự nói về mình có viết: “tam thập nhi lập” (ba mươi tuổi tự lập). Từ đó về sau người ta hầu như không để ý đến sự cá biệt của phát ngôn mà chỉ coi đó là một “đơn vị đo lường” có tính chất phổ quát. Nguyễn Du cũng vậy. Ông thấy mình đã ở cái mốc quan trọng nhất của đời người, vậy mà không chỉ thành tựu về văn hay võ đều chưa có, mà ngay cả sinh kế - điều mà nhiều kẻ thuộc hạng thất phu cũng có - một kẻ có tấm thân sáu thước như mình cũng không có. Sở hữu đáng kể nhất chỉ là mái tóc bạc đi trông thấy. Những năm sau, kiểm điểm lại tình hình có phần còn tồi tệ hơn.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du có những bài viết về loài vật. Những vần thơ này mang đậm tâm sự của nhà thơ về kiếp người. Bài Điệu khuyển (Thương con chó) có câu:

Phàm sinh phụ kỳ khí,

Thiên địa phi sở dung.

(Phàm những kẻ sinh ra có khí phách khác thường, trời đất không dung được).

Nhìn thấy con ngựa bị bỏ ở chân thành, trong lòng nhà thơ nảy sinh nhiều cảm xúc và suy tưởng không chỉ về loài vật:

Thành hạ khí mã

Thùy gia lão mã khí thành âm,

Mao ám bì can sấu bất câm.

Thạch lũy thu hàn Kinh thảo đoản,

Sa trường nhật mộ trận vân thâm.

Cỏ lai bất tác cầu nhân thái,

Lão khứ chung hoài báo quốc tâm.

Nại đắc phong sương toàn nhĩ tính,

Mạc giao kỵ trập tái tương xâm.

(Con ngựa bỏ ở chân thành)

(Con ngựa già nhà ai bỏ ở chân thành? Lông xạm, da khô, gầy quá chừng! Trên lũy đá, hơi thu lạnh, lối cỏ cằn cỗi. Chốn sa trường, trời chiều mây kéo dày đặc. Con ngựa bụng đói mà không tỏ vẻ cầu xin người. Già rồi nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn tấm lòng báo nước. Mày quen chịu phong sương thì hãy giữ trọn tính tiên thiên của mày, chớ để dây cương và đai nịt trói buộc thân mày một lần nữa).

Những bài thơ của Nguyễn Du viết về loài vật chỉ phảng phất tính chất của loại thơ vịnh vật thời trung đại. Trong thơ vịnh vật luôn có hai hình tượng song hành, hình tượng sự vật luôn liên tưởng đến hình tượng con người. Còn Nguyễn Du miêu tả loài vật như một đối tượng độc lập, ý nghĩa biểu thị con người không phải do lối diễn tả “song quan” tạo nên do sự liên tưởng kín đáo, mà do tác giả công khai gửi gắm. Một mặt tác giả ca ngợi tấm lòng báo nước (cứu quốc tâm), mặt khác lại mong con vật này giữ trọn được thiên tính, không bị trói buộc. Đương thời tấm lòng báo quốc đồng nhất với đạo trung, mà để giữ được đạo trung thì nhiều tình huống phải hy sinh thiên tính. Con người luôn là sản phẩm của những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Một trí tuệ siêu việt như Nguyễn Du, trên con đường đến minh triết có lúc cũng không thoát khỏi mâu thuẫn.

Chú thích

(1). F.Jullien, Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr.167.

(2). Chúng tôi sử dụng phiên âm và dịch nghĩa theo Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính biên khảo và chú giải, Nxb VHTT, 2001.