nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Hãy tỉnh táo lại, đừng tiếp tục bước chân vào cõi u mê, lạc hậu!


Không chỉ là những người có tín ngưỡng, có đạo, kể cả những người không  có đạo, vô thần thì niềm tin, đức tin cũng vô cùng quan trọng. Niềm tin, đức tin  đưa con người đến thành công. Lịch sử dân tộc ta là một dẫn chứng sinh động nhất cho sức mạnh của Niềm tin, của Đức tin.
 
Không có nghi lễ dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật. Nguồn: Internet
 
Mỗi con người cần có đức tin. Một xã hội cũng cần có đức tin. 
 
Không chỉ là những người có tín ngưỡng, có đạo, kể cả những người không  có đạo, vô thần thì niềm tin, đức tin cũng vô cùng quan trọng. Niềm tin, đức tin  đưa con người đến thành công. Lịch sử dân tộc ta là một dẫn chứng sinh động nhất cho sức mạnh của Niềm tin, của Đức tin.
 
Nhưng, một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Tín ngưỡng mù quáng sẽ làm cho trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng, là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, xã hội và dân tộc. 
 
Một đức tin hỗn tạp, thiếu căn cứ, phải nương nhờ vào một thế lực cơ hội, phỉnh phờ, làm cho tinh thần con người càng ngày càng u tối, trí tuệ ngày càng kém cỏi, không thể sáng suốt và tự chủ.
 
Đáng tiếc đến xót xa rằng đó là một sự thật hiển hiện trong xã hội của chúng ta hôm nay. Chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một tình trạng bê tha, đúng hơn là tha hóa về đức tin như hiện nay
 
Có không ít người đã lạm dụng, lợi dụng và buôn bán đức tin. Họ làm tiền trên đức tin của cộng đồng không còn tỉnh táo. Tết năm nay, Kỷ Hợi 2018, tại một ngôi chủa nhỏ ở thủ đô Hà Nội, trong một đêm mà có đến hơn 30.000 người đến làm lễ dâng sao giải hạn. Một ngôi chùa mới phục dựng ở một huyện của tỉnh Nghệ An, trong sáng mồng 6 tháng Giêng, ước tỉnh có trên 20.000 người đến cầu an và 40 000 tờ sớ cầu an được nhà chùa phát ra (mặc dù trong giáo lý Phật giáo không cái gọi là cúng giải hạn)!? Từ quan đến dân ào ạt đến chùa, đến đền. Chùa, đền mọc lên như nấm.  Chưa bao giờ hòm công đức nhiều như hôm nay! Nhà chùa, nhà đền thu tiền vô tội vạ. Tại sao các doanh nghiệp lại đầu tư xây dựng nhiều chùa, đền  đến vậy? Tại sao chính quyền dễ dàng cấp đất và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho các “BOT tâm linh” đến vậy? Đó  là những câu hỏi cần phải được các các cấp chính quyền  giải đáp.
 
Tình trạng hỗn tạp trong sinh hoạt tín ngưỡng, thực chất là mê tín dị đoan hiện nay là do rất nhiều tác nhân, từ vật chất đến tinh thần, từ  kinh tế đến  chính trị, từ văn hóa đến khoa học, từ  cá nhân đến gia đình, xã hội...  Ở đây chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò quản lý  của các cơ quan chính quyền và đội ngũ công chức. Chính quyền buông lỏng quản lý, thậm chí cổ súy, hỗ trợ cho việc xây dựng tràn lan các công trình và các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng không phù hợp. Nhiều chính sách có thể đúng về nguyên tắc nhưng trong thực tiễn chỉ đạo, tổ chức, quản lý,  lại sai lầm. Việc khuyến khích phục dựng, hình thành các lễ hội mới hoặc chủ trương phát triển du lịch tâm linh là một ví dụ rất rõ ràng. 8000 lễ hội hàng năm là gánh nặng tinh thần, thời gian và vật chất cho đất nước đang lúc  khó khăn này. Điều quan trọng nữa là quan chức không gương mẫu. Rất nhiều “ông to, bà lớn” lại là những người mê tín nhất, đi chùa trong nước chưa đủ, họ còn đi cầu, đi xin ở tận nước ngoài nữa!  Mê tín như vậy thì buông lỏng quản lý là điều hiển nhiên.
 
Tín ngưỡng, tôn giáo là thành tố quan trọng của một nền văn hóa. Văn hóa tâm linh là điều có thật, và chúng ta tôn trọng các giá trị văn hóa tâm linh, tôn trọng tự do tín ngưỡng. Nhưng để đến mức loạn chuẩn, thậm chí đi ngược lại giáo lý và truyền thống tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc là điều không thể chấp nhận được.
 
Đức tin bây giờ không chỉ bị “thế tục hóa” mà đã trở thành một món hàng để trao đổi, để lừa mị, phỉnh dụ. Đức tin bị lợi dụng, bị đem ra mặc cả,  buôn bán là  dấu hiệu bất thường, rất đáng lo ngại của xã hội, của quốc gia dân tộc. Một xã hội mà ai cũng mơ mơ màng màng sống trong nhang khói, trong sự phụ thuộc thần linh thì không thể đủ tỉnh táo để làm chủ bản thân mình chứ chưa nói làm chủ xã hội, làm chủ đất nước; làm sao có đủ trí tuệ để sáng tạo cho phát triển. Một xã hội mà đức tin trở thành công cụ bóc lột cộng đồng, che giấu tội lỗi thì sớm hay muộn cả xã hội ấy sẽ bị tha hóa, bị u mê và lạc đường, quốc gia ấy sẽ đi vào ngõ cụt.
 
Hãy tỉnh táo lại, đừng tiếp tục bước chân vào cõi u mê, lạc hậu!
 
 
Theo Vĩnh Khánh/vanhoanghean.com.vn

Di sản văn hóa