Nhân kỷ niệm 22 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Hàn (1992-2014) và hướng tới sự kiện UNESCO vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa thế giới bằng việc kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào (1765-2015), vừa qua tại thành phố Gwangju (Hàn Quốc), tỉnh Cheollanam, Hội Giao lưu văn hóa Hàn-Việt, Hội Việt Nam học Hàn Quốc và Hội Kiều học Việt Nam đã  phối hợp với Trường Đại học Chosun, tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều.”     

BBT nguyendu.vn đăng tải một số bài Tham luận khoa học . Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

GIÁO SƯ AHN KYONG HWAN  VÀ TRUYÊN KIỀU.

 

 

1. Mở đầu:

 

Ngày 20 tháng 12 năm 2004, cách đây đúng 10 năm tại cuộc giao lưu giới thiệu “Truyện Kiều” bằng tiếng Hàn do G.S Ahn Kyong  Hwan dịch được Hội Hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc giới thiệu tại  Hà Nội, tôi đã gặp dịch giả mà tôi từng hâm mộ. Trước đó tôi đã nghe tin ông dịch “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn, tôi đã rất cảm phục. Tôi muốn gặp G.S để học hỏi cách dịch của ông, vì tôi mới bắt đầu sự nghiệp dịch thuật văn học từ tiếng Hàn sang tiếng Việt không lâu.

 

 Khi gặp G.S. và sau khi giới thiệu tôi là người đã dịch tác phẩm “ Hoa chin-talle” của nhà thơ nổi tiếng Kim So-wol sang tiếng Viết thì chúng tôi như đã thân nhau từ trước. Từ đó  trên con đường dịch thuật văn học hai nước, chúng tôi luôn động viên và hỗ trợ lẫn nhau, như những người bạn đồng hành.

 

Các tác phẩm văn học Việt Nam mà G.S Ahn đã dịch sang tiếng Hàn đều là những kiệt tác nổi tiếng không những ở Việt Nam mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên hế giới, như “ Nhật ký trong tù” của Bác Hồ; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; “ Những năm tháng không thể nào quên’ của Võ Nguyên Giáp.. “Truyện Kiều” không những nằm trong số tác phẩm ấy và hơn nữa nó còn là một tác phẩm rất được nhiều người Việt Nam đọc thuộc, là “một trong những viên ngọc đẹp nhất của văn chương đất Việt” (1),

 

Việc dịch Truyện Kiều sang tiếng nước ngoài là một thử thách vô cùng lớn đối với dịch giả. Nếu không cẩn thận sẽ làm chết cả tác phẩm và dịch giả…

 

Thề nhưng “Truyện Kiều” do  G.S. Ahn đã thành công, có tiếng vang ở cả hai nước Việt Nam, Hàn Quốc và đã được tái bản.

 

2/  Dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hàn.

 

Cho đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Đặc biệt mỗi thứ tiếng không phải một người dịch một lần mà nhiều người dịch nhiều lần. Như tiếng Pháp có đên trên 15 bản dịch khác nhau, tiếng Anh có trên 10 bản, tiếng Hán cũng không ít hơn 10 bản. Ngoài ra các thứ tiếng khác như tiếng Nhật 5 bản, tiếng Ba Lan, 2 bản; tiếng Czeck; tiếng Đức, Hungari; tiếng Tây Ban Nha..v.v .. (2) và tiếng Hàn cũng có hai bản dịch khác nhau, một bản do G.S. Choi Gui Muk dịch và một bản do G.S.Ahn Kyong Hwan dịch. Tôi chưa được đọc bản do G.S Choi Gui Muk dịch, nhưng tôi biết rằng bản dịch của G,S Choi được dịch từ bản Kiều chữ Hán.

 

Việc dịch Truyện Kiều sang một ngoại ngữ khác có những khó khăn không thể vượt qua, đầu tiên phải kể đó là thể thơ và từ ngữ dùng trong Truyện Kiều. Thể thơ lục bát là một thể thơ  theo vần điệu và thanh điệu mà không có trong thơ của bất cứ một ngôn ngữ nào. Ngôn ngữ Việt Nam thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, khác với nhiều ngôn ngữ khác, như tiếng Hàn là ngôn ngữ chắp dính, nên không thể dùng luật 6-8 để áp dụng. Trong Truyện Kiều, các điển tích và từ cổ gốc Hán rất nhiều, nên việc giải thích để hiểu trọn vẹn phải hiểu về văn Hóa Việt và văn hóa Trung Hoa thời ấy.

 

Trong thơ Hàn không có loại thơ vần điệu theo kiểu 6-8 nghiêm ngặt như thế, trong thơ Hàn người ta chỉ có thể sáng tác theo kiếu tách nhịp điệu hoặc dùng từ lặp cuối câu để người đọc cảm nhận sự mền mại của thơ.

 

Những người dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn có thuận lợi là nhờ tiếng Hàn và tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán- thứ  từ trong tiếng Hàn có đến khoảng 70% mà trong “Truyên Kiều” chỉ trừ một vài câu, còn lại hầu như không có câu nào không có từ gốc Hán. Các điển tích được Nguyễn Du dùng trong “Truyện Kiều” cũng hầu như xuất phát từ Trung Hoa, nên các dịch giả Hàn Quốc, những người thuộc quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, có những thuận lợi nhất định.

 

Tuy nhiên cấu tứ ngữ pháp thì tiếng Hàn và tiếng Việt hầu như ngược nhau, nên cũng là một khá khăn cho người dịch.

 

Ta có thể tóm tắt một vài nhận xét về bản dịch “Truyện Kiều” của G.S. Ahn  Kyong Hwan, một công trình mà dịch giả đã tận tụy, tỷ mỉ dịch trong 10 năm trời,  như sau:

 

-    Là một bản dịch trọn vẹn 3254 câu “Truyện Kiều” từ nguyên văn tiếng Việt. 

 

-    Kết cấu theo nhau 10 câu. Tức là sau 10 câu tiếng Việt là 10 câu tiếng Hàn để người đọc dễ dàng đối chiếu.

 

-    “ Truyện Kiều được dịch sang tiếng Hàn theo thể thơ tự do, có chú ý đến âm tiết kết thúc cho có vần trong tiếng Hàn, như “”. “”, “”, “” “”; “” v.v.

 

Ví dụ : 

 

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

 

Tiếng Hàn là :

유폐되어 있는 응벽루 앞에 서니

멀리 뵈는  떠오른 달이 함께 어우러져 있네

환히 트인 사방 멀리 바라보니

모래톱 황금빛이 길가에 이는 붉은 먼지와 어우러지네.

 

Dịch giả Ahn Kyong Hwan đã không dịch thơ lục bát tiếng Việt thành thơ lục bát tiếng Hàn, vì đó là điều không thể, nhưng dịch giả đã biết dùng những âm tiết cuối câu “”’ “” như trong cả 4 câu trên để cho người đọc thấy được cái âm hưởng của câu thơ Kiều.

 

- Nội dung của từng câu từng phần đã được dịch giả dịch trọn nghĩa, không để sót nghĩa , sót ý , có thể cho là sát với nguyên bản “ Ttuyện Kiều”.

 

- Chú thích là một phần không thể thiếu trong “Truyện Kiều”. Những điển tích có liên quan đến cổ sử Trung Hoa, những chữ gốc Hán mà hiện nay hầu như không dùng trong văn bản, hay những lễ hội chỉ có trong văn hóa Trung Quốc ngày xưa, đều được chú thích trong “Truyện Kiều “ tiếng Việt. Dịch từng ấy chú thích cũng khó khăn như dich một tác phẩm văn học cổ. Thế mà dịch giả Ahn Kyong Hwan đã tỷ mỉ dịch hầu như nguyên vẹn hơn 1600 chú thich. Đó là một thành công không thể phủ nhận trong dịch “Truyện Kiều” 

 

3/ Giáo sư Ahn Kyong Hwan và văn học Việt Nam.

 

Trong một cuộc phỏng vấn giáo sư Ahn Kyong Hwan, nhân dịp ông tham dự Hội nghị quốc tế giới thiệu Việt Nam học tại Hà Nội, ông đã nói như sau:

 

 ….“Năm 1989, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh hãng Hyundai Thái Lan có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1993, tôi tốt nghiệp Thạc sĩ tiếng Việt và năm 1996 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Sau đó về nước, tôi giảng dạy môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Trường ĐH Yong San. Nhiều người hỏi vì sao tôi lại chuyển từ công việc kinh doanh sang giảng dạy, tôi trả lời vì tôi yêu Việt Nam, yêu “hồn Việt”, tôi muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc để góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

 

Phải nói rằng G.S. Ahn yêu “ hồn Việt” qua tiếng Việt mà ông đã học, đã làm phương tiện để làm việc, để giảng dạy và nghiên cứu. Tất cả các hoat động đó nuôi dưỡng một tâm hồn Việt lớn dần trong ông. Nhờ  những  hoạt động đó, ông đã tiếp xúc với con người Việt Nam, tác phẩm văn học Việt Nam, đưa ông đến với chủ tịch Hồ Chí Minh với “Nhật ký trong tù”, tác phẩm mà ông đã dày công dịch thuật thành công và mở ra cho ông một chân trời mới qua hình ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh như ông nói : “ Tôi dịch 133 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2002. Thú thực là trước đó, tôi chưa hiểu nhiều về vị lãnh tụ của các bạn, chỉ thấy rằng tất cả người Việt Nam đều tôn kính Bác Hồ. Khi dịch, tôi mới hiểu sâu sắc về con người Bác, thấy yêu và kính trọng Bác vô cùng. Tôi thấy tự hào vì châu Á có nhà thơ vĩ đại Hồ Chí Minh”. 

 

 Từ đó ông đã yêu văn học Việt Nam và đã giới thiệu cho người đọc Hàn Quốc những tác phẩm sáng giá nhất của Việt Nam.

 

 Không những thế, ông còn tổ chức thi viết thư pháp, triển lãm thư pháp thơ “Nhật ký trong tù” tại Hàn Quốc và Việt Nam’, tổ chức hội thảo  về Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc, giảng dạy về lịch sử, văn hóa của Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Hàn Quốc

 

 Những hoạt động có đóng góp cho tình hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc, đều được giáo sư tận tình tổ chức và tài trợ, từ hoạt đông về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, đến tham gia các hội thảo về Việt Nam học, hội nghị thơ Châu Á – Thái Bình Dương  về thơ Việt Nam …

 

Về cuộc hội thảo  “Truyện Kiều và Nguyễn Du” lần này tổ chức ở  Hàn Quốc, là một hoạt động hướng tới 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, đã được Giáo Sư Ahn Kyong Hwan đứng ra vận động tài trợ, tổ chức từ đầu chí cuối.

 

Một người đã có công đưa văn học Việt Nam đến với nhân dân Hàn Quốc, lại đứng đầu trong việc tuyên truyền phổ biến những tác phẩm ấy để người dân Hàn Quốc hiểu Việt Nam, lãnh tụ Việt Nam, con người Việt Nam và văn học Việt Nam. Tấm lòng ấy của Giáo sư, tiến sĩ Ahn Kyong Hwan thật đáng được tôn vinh và ngượng mộ.

 

4. Kết luận:

 

Đã gần 110 lần sang Việt Nam, đã đóng góp biết bao nhiêu cho sự nghiệp dịch thuật văn học và tăng cường hữu nghị giũa hai nước, nhưng Giáo sư Ahn chưa bao giờ có một đòi hỏi nào về phần thưởng hay sự đông viên khich lệ, mà cứ tự mình làm theo tình cảm và ước mơ của mình làm cho cái ‘ hồn Việt”  trong ông ngày càng  sâu đậm, các tác phẩm dịch của ông chưa hề được các tổ chức Việt Nam tài trợ một khoản kinh phí nào, dù rất nhỏ, ông tự chọn tác phẩm, tự tìm kinh phí, tự giới thiệu cho người đọc v.v..

 

Tối ngày 9 tháng 10 vừa qua, được tin ông sang Hà Nội, tôi và G.S Nguyễn Văn Hoàn, chủ tịch Hội Kiều học, đến thăm ông ở khách sạn, được ông cho biết, ông sang để nhận danh hiệu cao quí “công dân Hà Nội” nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô. Giáo sư cũng cho biết trước đây ông cũng đã từng được nhận huy chương của Bộ Văn hóa Việt Nam.

 

Đó là một vinh dự lớn mà nhân dân Việt Nam và nhân dân Hà Nội dành tặng cho công lao của Giáo sư Ahn Kyong Hwan.

 

Kính chúc giáo sư ngày càng có nhiều công trình dịch thuật văn học Việt Nam và nhiều hoạt động tăng cường phát triển tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai quốc gia đã có mối quan hễ hợp tác chiến lược./.

 

Chú thích:

  1. Nhà thơ Hữu Thỉnh
  2. Dịch giả Thúy Toàn.