nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du


Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765). Quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Tạ thế vào năm Canh Thìn (1820), dưới triều vua Minh Mạng năm thứ 1. Ông đã để lại cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại trước tác bất hủ: Truyện Kiều.
 
Năm 1960, Giáo sư Lê Thước (1891-1976) công tác tại vụ Bảo tồn Bảo tàng được Bộ Văn hóa giao trực tiếp nghiên cứu, khảo sát xây dựng hồ sơ khoa học di tích nhà thờ, mộ Nguyễn Du và các di tích liên quan đến họ Nguyễn - Tiên Điền trình xếp hạng di tich quốc gia.Tháng 4/1962, Bộ Văn hóa công nhận nhà thờ và phần mộ Nguyễn Du là di tích quốc gia tại Quyết định số 313/QĐ. Năm 1964, tại Béc Lin (Cộng hoà dân chủ Đức), Hội đồng Hoà Bình thế giới đã ra Quyết nghị lấy năm 1965 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới cùng với 8 danh nhân khác đã có công đóng góp lớn cho nền văn hoá nhân loại. Ngày 26/10/1965, Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Lao động Việt Nam có chỉ thị số 112/ CT-TW  về kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Du.Trên tinh thần đó, khu di tích Nguyễn Du được quy hoạch tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
 
Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh hết sức ác liệt nhưng cùng với Quyết nghị Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Hội đồng hòa bình Thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào trọng thể, rộng khắp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT/TW ngày 26/10/1965 "Về việc kỷ niệm Nguyễn Du". Đó là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá và khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ đó các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn học của Nguyễn Du tiếp tục được tiến hành và thu nhiều kết quả mới.  
 
Quá trình phát triển đến nay di tích Nguyễn Du đã là một quần thể bao gồm nhiều hạng mục liên quan đến cuộc đời sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và họ Nguyễn - Tiên Điền, hàng năm đã thu hút, đón tiếp và làm rung động hàng vạn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
 
Nhà thờ Nguyễn Du: Năm 1824, con trai là Nguyễn Ngũ cùng con cháu trong dòng tộc đã đưa hài cốt về quê nhà cải táng và lập đền thờ ngay trên khu vườn nhà cũ của ông tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ). Khoảng thời gian năm 1934 -1935 nhà thờ bị hỏng. Năm 1940, Hội khai trí Tiến Đức góp 420 đồng tiền Đông Đương cùng con cháu họ Nguyễn -Tiên Điền xây dựng nhà thờ trong khu vườn gia tộc họ Nguyễn (vị trí hiện nay - thôn hồng Lam). Mặt chính tiền có 4 chữ  “Địa linh nhân kiệt” và 2 câu đối, một câu của quan thân triều đình, một câu của cụ Nghè Mai (cháu đời thứ 10) đề tặng.
 
Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm/ Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh (Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan sống không hổ thẹn/Trăm năm sự nghiệp việc nhà việc nước chết còn vinh).
 
Lễ nhạc bách niên văn hiến địa/ Giang sơn tứ vọng thái bình thiên (Trời thái bình non song bốn mặt/ Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm).
 
Trên hương án có bài vị thờ Nguyễn Du khắc trên đá:
 
Quý Mão khoa nho sinh
Đại phu, chính trị
Khanh, khâm sai Bắc sứ cống
Lễ bộ Hữu Tham tri, Hầu tước
Thanh Hiên Nguyễn Tiên sinh
(Cụ Nguyễn Du thi đỗ Tú tài vào năm Quý Mão  - 1783),
Tập ấm chức phụng trực đại phu, thăng chức chính trị Khanh,
Được Khâm sai Tuế cống sứ sang Trung Quốc.
Khi về nước được phong Lễ bộ Hữu Tham tri, tước Hầu,
Hiệu là thanh Hiên)
 
Năm 1954, nhà thờ bị bom pháp đánh sập, chỉ còn lại bức tường và một số ít đồ thờ, con cháu rước vào thờ tại đền thờ Nguyễn Nghiễm. Về sau, con cháu tổ chức phục dựng lại. Trong thập kỷ 70, nhà thờ Nguyễn Du được Ty Văn hoá Hà Tĩnh tu sửa 2 lần. Năm 2005, Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) tu sửa theo chương trình mục tiêu. Năm 2011, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du được nâng cấp và  khánh thành vào dịp kỷ niệm 247 năm năm sinh của Đại thi hào vào tháng 11/2012 .
 
Nhà Văn Thánh - Bình văn (còn gọi là nhà tư văn 1, tư văn 2): Trước năm 1735  là văn thánh của hàng huyện huyện thờ Khổng Tử đặt tại xã Xuân Viên. Năm 1785, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm chuyển về dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Nhà được dựng lại vào năm Canh Tuất (1850), dưới triều vua Tự Đức năm thứ 3 và được dân làng Tiên Điền tu sửa năm Canh Thân (1860) dưới triều vua Tự Đức năm thứ 13. Trước đây cứ mỗi dịp xuân về các bậc nho túc trong vùng về đây báo ơn, rồi bình văn, đọc thơ và cùng tổ chức lễ "cầu khoa" cho con em trong vùng thành đạt trên con đường học hành, khoa cử. Đến nay, nhà văn thánh - bình văn đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn đảm bảo theo nguyên gốc ban đầu.
 
Đàn tế, bia Nguyễn Quỳnh: Nguyễn Quỳnh là ông nội của Nguyễn Du, ông có 5 vợ, 9 người con (6 trai, 3 gái). Trong 6 người con trai có Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng làm quan triều đình. Để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ, năm Nhâm Ngọ (1762), sau khi nhận chức Tể tướng được 4 tháng Nguyễn Nghiễm cùng em là Nguyễn Trọng  tổ chức dựng bia. Đàn tế được đặt cạnh 3 cây cổ thụ là cây do cụ Nguyễn Quỳnh trồng trồng khoảng vào năm 1715 - 1720. Năm 1960, cây Rói bị đổ, chỉ còn lại cây Xoài và cây Nóng, đến nay đã  có 300 năm tuổi
 
Tháng 7 năm 1954, bom Pháp làm sạt ¼ góc nền bia, sau đó được sửa lại nguyên trạng. Nội dung bia, như sau:
Mặt trước có hai dòng chữ:
 
Phong tặng Lễ bộ Thượng thư Thái bảo Nhuận Quận công Nguyễn tiên sinh;
Phong tặng Nhất phẩm phu nhân gia phong Quận phu nhân Phan thị.
 
(Phong tặng Thượng thư bộ Lễ, hàm Thái bảo, tước Nhuận quận công là Nguyễn tên sinh;Phong tặng đệ nhất phẩm phu nhân, phong thêm lên tước quận phu nhân Phan Thị)
 
Mặt sau, giữa có chữ Phúc (Phúc của dòng họ): Cảnh hưng vạn di (bia làm năm Cảnh Hưng). Phía trên khắc chữ “ Hồng Nguyên tuấn lưu” (Nguồn lớn chảy mạnh); hai bên có vế đối: Niệm thời truy nhật nguyệt/ Truyền ngự tại giang sơn (Nỗi nhớ dõi theo vừng nhật nguyệt/ lời truyền giữ mãi với non sông).
 
Phần mộ Nguyễn Du: Năm 1820, vua Minh Mạng xuống chiếu cử Nguyễn Du làm Chánh sứ đi Trung Quốc cầu phong, nhưng chưa đi thì Nguyễn Du bị bạo bệnh mất tại kinh thành Huế vào ngày 16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820). Thọ 55 tuổi. Con là Nguyễn Tứ và cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột là Nguyễn Thắng lúc này đang ở Huế đã lo việc mai táng ông tại xứ Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên ) một cách chu đáo. Mùa hạ năm Giáp Thân (1824), Nguyễn Ngũ con trai ông đưa hài cốt về an táng tại quê nhà, lúc đầu táng tại vườn sở cũ của ông. Về sau, con cháu thấy sức học của con cháu ngày càng sa sút nên đã cải táng 2 lần, lần cuối cải táng đến xứ Đồng Cùng, thuộc Tiên Giáp, thôn Lương Năng (nay là xóm Tiên An, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Ngôi mộ lúc đầu còn đơn sơ (mộ đất), sau đó cụ Đặng Thái Mai đặt tấm bia mộ bằng đá “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh phần mộ”. năm 1990, Sở Văn hoá Thông tin Nghệ Tĩnh và UBND huyện Nghi Xuân phối hợp tu sửa. Năm 2005, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh tiến hành tu sửa, nâng cấp một cách quy mô, khang trang hơn và đến nay phần nào đã xứng tầm với vai trò và những cống hiến của  Đại thi hào cho dân tộc.
 
Vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du:  Thuộc Giáp tiền, thôn Lương Năng, làng Tiên Điền, nơi Nguyễn Du ở trong  thời gian từ sau khi ở quê vợ Thái Bình trở về và cũng là nơi nghĩ dưỡng trong thời gian làm quan cho triều đình Huế. Ngôi nhà cũ có nhà chính, nhà ngang làm bằng gỗ, ba gian lợp ngói, sau khi Đại thi hào mất, ngôi nhà được làm nhà thờ. Năm 1934 -1935 bị hỏng, năm 1940, Hội Khai trí Tiến Đức xây đền thờ Nguyễn Du trong vườn cũ của họ Nguyễn tại thôn Hồng Lam (nhà thờ hiện nay). Khu vườn cũ hiện nằm trong khuôn viên sân trường Tiểu học Tiên Điền, nơi đây còn dấu tích gốc đại, tương truyền do Nguyễn Du trồng.
 
Đền thờ Nguyễn Nghiễm: Đền thờ Nguyễn Nghiễm ở thôn Bào Kê, xã Tiên Điền. Khi còn sống ông đặt ruộng cúng và xây đền thờ ở mặt sông. Sau khi mất, triều đình phong “Thượng đẳng phúc thần, Huân dụ Đô hiến Đại vương”. Hàng năm tế lễ theo nghi lễ triều đình.  Đền có kiến trúc theo hình chữ nhị, lưỡng long tứ vi, lối kiến trúc thời hậu Lê. Năm 1954, bom Pháp đánh trúng, nhà thượng điện và đồ thờ bị hỏng, chỉ còn lại hai tượng quan hầu và 2 con voi bằng đá. Sau đó được phục hồi lại. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ bức đại tự, đề 4 chữ “ Phúc lý vĩnh tuy” (Phúc ấm lâu dài) tự tay chúa Trịnh viết. Một biển gỗ đề “Dịch thế thư hương” (Dòng thi thư hương đời nối đời) do Đức Bảo, sứ thần nhà Thanh đề tặng. Một biển đề “Quang tiền du hậu” (Rạng rỡ thế hệ trước, để phúc ấm cho thế hệ sau), biển này do Tô Kính người Viễn Đông đề tặng. Ngoài ra, còn có câu đối: Lưỡng triều danh tể tướng/ Nhất thế đại nho sư (Nho sư cả nước vang danh hiệu/Tể tướng hai triều rạng tiếng tăm). Trước cổng đền, hiện vẫn còn lưu 4 chữ Hán khắc trên 2 phiến đá thanh xanh: Hạ mã (xuống ngựa), Khuynh cải (nghiêng nón).
 
Mộ Nguyễn Nghiễm: Năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nghiễm đang giao chiến với quân Tây Sơn ở Châu Ô (Quãng Ngãi), ông bị bệnh xin về chữa trị. Tháng 11-1976 thì mất. Trước khi mất, ông dặn con cháu mộ của ông nên táng chìm. Con cháu không ai biết phần mộ cụ thể, gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chỉ ghi: mộ được táng tại xứ Đồng Đài. Về sau, mưa gió đã làm phát lộ một phần ngôi mộ. Do vậy, con cháu trong dòng tộc đã tìm thấy mộ của ông (mộ hình vuông, xây bằng vữa tam hợp- 10m2). Năm 1993, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân phối hợp triển khai xây tường bao bảo vệ và rải thảm con đường nhỏ vào khu mộ. Năm 2005, phần mộ Nguyễn Nghiễm được Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh chỉnh trang theo chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Mộ và Đền thờ Nguyễn Trọng:  Nguyễn Trọng là chú ruột Nguyễn Du,  sinh năm 1710, mất năm 1789. Ông là người giỏi về văn thơ, lý số, đặc biệt là y học. Khi còn sống, ông đặt ruộng tế và xây sẵn đền thờ. Đền thờ Nguyễn Trọng phân bố tại thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền...Trước đền dựng tấm bia “Tích thiện gia” (nhà giữ điều thiện), ngoài bia gia huấn còn có hai con nghê, hai con sư tử, hai con voi, hai tượng quan hầu bằng  đá đều được ông đem từ Trung Quốc từ sau chuyến đi sứ nhà Thanh.Trong đền có bức biển “Hồng sơn chính khí” (Khí thiêng núi Hồng); một tấm biển lớn  đề các bài thơ văn vịnh về các bậc túc nho danh tiếng. Ngoài ra đền còn có câu đối:  Nga nga địa vọng sơn chi bắc/ Diễm diễm thiên tài đẩu dĩ nam ( Địa vị nguy nga vùng phía bắc/ Thiên tài rạng rỡ Đẩu phương nam).
Phần mộ của ông trước đây táng ở cánh đồng Đùng thuộc thôn Minh Quang, xã Tiên Điền. Năm 1991, con cháu cải táng về trong khu vực đền thờ thuộc thôn Thuận Mỹ . Mộ cách đền thờ khoảng 4m về phía tây.
 
Khu lăng Văn Sự: Lăng Văn Sự  trước đây nằm gần bờ sông Lam, thuộc giáp đông thôn Lương Năng. Là mộ tổ đời thứ 3 của họ Nguyễn - Tiên Điền Đề đốc phương trạch hầu và phu nhân, nơi cát táng Giới  Hiên công Nguyễn Huệ, mộ của Thuật Hiên công Nguyễn Khản. Do sạt lở, nên khu mộ được chuyển vào vị trí hiện nay, có các phần mộ: Nguyễn Thể - Bố Nguyễn Quỳnh; Thuật Hiên công Nguyễn Khản; Phương Trạch hầu Nguyễn Ổn; Chính thất Lê Quý thị (vợ Phương Trạch hầu); Giới Hiên công Nguyễn Huệ và chính thất Nguyễn Quý Thị (vợ Nguyễn Huệ).
 
Bảo tàng Nguyễn Du:  Năm 1965, thực hiện chỉ thị của BCH Đảng Lao động Việt Nam về kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Du, ngôi đình Chợ Trổ được chuyển từ ĐứcThọ về để làm nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ và dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Năm 2000, công trình Trung tâm văn hoá Nguyễn Du được xây dựng trong khuôn viên với các hạng mục: Tượng Nguyễn Du bằng đồng, bảo tàng Nguyễn Du, phòng thư viện, phòng hội thảo. Nhà trưng bày được chuyển từ đình Chợ Trổ về nhà hai tầng, diện tích  trưng bày trên 400 m2, trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật liên quan đền cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền.
 
Cũng thời gian đó, năm 2002, trước yêu cầu phát triển, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban quản lý di tích Nguyễn Du. Sau khi ra đời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hoá, Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh), Ban QLDT tiếp tục sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật quý liên quan đến dòng họ Nguyễn - Tiên Điền và cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều tư liệu, hiện vật, ấn phẩm quý như: bản kiều cổ nhất khắc in năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp truyện kiều dài nhất Việt nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, Truyền Kiều chép tay bằng chữ nôm, sưu tập các ấn phẩm viết về Nguyễn Du, luận án đại học, sau đại học, luận án tiến sỹ của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh trong và quốc tế đã được trưng bày, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước...
 
Năm 2010, kỷ niệm 245 (1765-2010) năm Ngày  sinh, 190 (1820 -2010) năm năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du, Chính phủ đã đưa hoạt động kỷ niệm Nguyễn Du vào trong chuỗi các hoạt động của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với vai trò, ý nghĩa của Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1419/QĐ-TTg  công nhận Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du là Di tích quốc gia đặc biệt

 

Cùng với việc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, ngày 20/12/2013 chính phủ có Quyết định 2542/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với định hướng:

 

Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của Khu lưu niệm Nguyễn Du đáp ứng các chức năng cơ bản của du lịch văn hóa, gắn với việc phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả và bền vững về mọi mặt mà trong đó bảo tồn phát huy giá trị thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du là giá trị văn hóa lớn được kết tinh từ tinh hoa văn hóa của quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và  là của cả dân tộc Việt Nam;
 
Phát triển khu vực quy hoạch cùng với hoạch định các tuyến du lịch liên kết, tạo không gian tôn vinh các giá trị lịch sử-văn hóa và truyền thống của  Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du. Nâng cao vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tich Nguyễn Du với hướng phát triển đô thị mới có tính chất của một đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch;
 
Xây dựng, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Du thành địa chỉ văn hóa - du lịch hấp dẫn có tính trọng điểm trong hệ thống các điểm du lịch văn hóa của quốc gia và khu vực...Xây dựng vùng Tiên Điền - Nghi Xuân với trọng điểm Khu văn hóa du lịch Nguyễn Du có sức hút mạnh mẽ, tạo thành thành nhân tố phát triển kinh tế - xã hội của Nghi Xuân và nơi đây sẽ là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa - du lịch của tỉnh Hà Tĩnh...
 
Với những đóng góp lớn lao của Đại thi hào làm rạng danh nền văn hóa, văn học Việt Nam trên trường quốc tế, ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng tổ chức Giáo dục Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Pari đã chính thức thông qua Nghị quyết 37C/15 về việc tổ chức các Lễ kỷ niệm với sự tham gia của UNESCO trong niên độ 2014-2015, trong đó có nội dung tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du, thi hào của Việt Nam vào năm 2015. Ngày 15/8/2014, Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng có công văn số 8467- CV/VPTW về việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, trong đó nêu rõ "Đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du Danh nhân văn hóa Thế giới trong năm 2015. Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức lễ Kỷ niệm".
 
Hà Tĩnh đang cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tổng thể Khu Văn hoá - Du lịch Nguyễn Du trình Bộ VH,TT&DL và Chính phủ phê duyệt triển khai trong những năm tiếp theo để nâng cấp, xây dựng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa Thế giới xứng tầm với những cống hiến của Đại thi hào. Hà Tĩnh cũng đang tập trung cao độ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về giá trị văn hóa của Nguyễn Du một cách rộng rãi trong nước và thế giới, đảm bảo các điều kiện tổ chức Lễ Kỷ niệm quốc gia 250 năm Ngày  sinh (1765 - 2015) Đại thi hào Nguyễn Du một cách trọng thể vào tối ngày 05-12-2015 tại thành phố Hà Tĩnh.
 
 Bách Khoa

Di sản văn hóa