nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đàn bầu - biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt


Trong kho tàng văn hóa âm nhạc Việt Nam, đàn bầu hay còn gọi là Độc Huyền Cầm là một nhạc cụ truyền thống, mang nét đặc trưng thuần Việt và cũng được coi là một trong số những cây đàn độc đáo trên thế giới.
 
 
Những giá trị độc đáo của đàn bầu
 
Đàn bầu đã góp mặt từ rất lâu trong đời sống âm nhạc của người Việt và mỗi khi nghe âm thanh thánh thót, chứa chan tình cảm từ những cung bậc giai điệu du dương của cây đàn, người Việt dù ở đâu cũng thấy hồn quê ngập tràn trong tâm trí.

 

Trong ngôn ngữ thi ca, đàn bầu được nhắc đến với những ví von mượt mà, uyển chuyển nhưng rất đỗi gần gũi, thân quen: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu” hay “Lắng tai nghe đàn bầu, thánh thót trong đêm thâu/ Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha…”
 
Đàn bầu có âm vực rộng, âm sắc đẹp… tiếng đàn khi buồn bã, khi ngọt ngào đã thể hiện được hầu hết tình cảm sâu lắng của con người. Nhiều du khách nước ngoài đã coi đàn bầu như một biểu tượng của Việt Nam khi gọi bằng cái tên trìu mến “đất nước đàn bầu”, “quê hương đàn bầu”…
 
Có thể nói rằng, đây là một trong những loại nhạc cụ mang bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, có tính tiêu biểu và được lưu truyền rộng rãi nhất của Việt Nam. Theo giới nghiên cứu âm nhạc, để có một cây đàn bầu đúng nghĩa, người làm phải chọn mặt đàn bằng gỗ cây ngô đồng vừa xốp vừa nhẹ, khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc, gỗ gụ, vòi đàn làm từ sừng trâu và bầu đàn lấy từ quả bầu khô… Với hình ảnh nổi bật từ quả bầu mà tên gọi bắt nguồn từ đó.
 
Cấu tạo của đàn bầu rất đơn giản, chỉ với một dây đàn nhưng lại thể hiện được đầy đủ mọi giai điệu truyền thống trên cơ sở giàu âm điệu, giàu sức diễn tả với âm thanh phong phú của ngôn ngữ người Việt. Hơn thế, đàn bầu có cách trình tấu, có ngôn ngữ âm nhạc rất độc đáo. Thực tế, trên thế giới có nhiều loại đàn chỉ có một dây. Có thể kể đến nhiều cây đàn một dây ở nhiều nước khác nhau như ở châu Á có đàn Kingri, đàn Tuntune của Ấn Độ; đàn Xađiu của Campuchia, đàn Ichigenkin của Nhật Bản, đàn Tushuenkin (độc huyền cầm) của Trung Quốc… Ở châu Âu có đàn Gusle ở ba nước Serbi, Croatia, Montenegro; châu Phi có đàn Orutu ở Kenya và Uganda… Ngay ở Việt Nam cũng có nhiều cây đàn có cấu tạo chỉ một dây như cây đàn Tàn Máng của người Mường, đàn Rabap Katoh của người Chăm, đàn Chhay Điêu của người Khmer, đàn Kơni của người Gia rai… Tuy nhiên, nét độc đáo được làm nên bởi lẽ đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi chứ không phải âm thực.
 
Với kỹ thuật uốn cần đàn, làm chùng dây đàn của nghệ nhân, nghệ sĩ chơi đàn, đàn bầu có thể phát ra nhiều cao độ khác nhau, tạo nên các âm thanh với âm sắc trong trẻo, quyến rũ. Thậm chí, chỉ một lần gẩy đàn, đàn bầu có thể phát ra một âm cơ bản hoặc nhiều âm bồi với biên độ cao thấp có thể lên tới một quãng 5. Đặc trưng ngôn ngữ âm nhạc này của đàn bầu, nhìn khắp các nhạc cụ âm nhạc trên thế giới không có nhạc cụ nào có thể làm ra các âm bồi như vậy.
 
Đàn bầu là nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc: nhị, thập lục, tam thập lục, đàn tranh, sáo trúc với những hình thức diễn tấu như: hòa tấu đồng thời đàn bầu cũng có thể hòa tấu với các nhạc cụ hiện đại một cách nhuần nhuyễn. Ở trong mọi hình thức nghệ thuật, sân khấu hóa, đàn bầu luôn nằm ở vị trí quan trọng trong các dàn nhạc. Đây cũng là nhạc cụ duy nhất trên thế giới có thể dùng đệm cho hát, ngâm thơ, độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.
 
Nhưng độc đáo duyên dáng nhất là lúc đàn bầu được nữ nghệ sĩ độc tấu với trang phục là tà áo dài Việt Nam. Có lẽ vì thế mà mỗi lần nghe tiếng đàn bầu, trong tâm trí mỗi người Việt xa quê đều thức dậy nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bóng hình cây đa, giếng nước, mái chùa; những rặng tre, những dòng sông và những con đò. Và cũng từ đây, mỗi lần nghe tiếng đàn bầu, trong sâu thẳm lòng người lại thức dậy hai tiếng “Quê hương”.
 
Sớm khẳng định và tôn vinh đàn bầu là di sản của dân tộc
 
Xuất phát từ trong lao động sản xuất và gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian từ xa xưa, đàn bầu đã trở thành nhạc cụ diễn đạt tình cảm, tâm tư của người Việt trong hầu hết các loại hình âm nhạc dân gian Việt Nam như: hát Xẩm, Tuồng, Chèo, Cải lương, hát Trống quân…
 
Trước năm 1945 đàn bầu chủ yếu được những người hát Xẩm, hát rong sử dụng. Sau 1945, cùng với sự ra đời của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đàn bầu đã được các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình tấu, sáng tạo thêm.
 
Bắt đầu từ năm 1956, đàn bầu đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. “Bước ngoặt” này đã làm cho đàn bầu thực sự được “đổi đời”. Việc mở đường ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho đàn bầu một cách dễ dàng hơn.
 
Tại hội thảo “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 21/10 vừa qua, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến nhận định, đóng góp khẳng định những giá trị độc đáo có một không hai của đàn bầu so với các đàn một dây trên thế giới đồng thời đề nghị Việt Nam sớm lên kế hoạch xây dựng hồ sơ và trình UNESCO công nhận cây đàn này là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Dẫn chứng sinh động nhất chính là tác phẩm giao hưởng Cụ rùa do nhạc sĩ Singapore Robert Casteels sáng tác với niềm yêu mến đất nước hình chữ S và cây đàn bầu Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh cho người nghe tại lễ khai mạc Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 diễn ra hồi tháng 10 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nhạc sĩ Robert Casteels chia sẻ, tác phẩm Cụ rùa lấy cảm hứng từ những kỷ niệm nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông cảm nhận được lòng tốt của con người và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Ông đã bị lôi cuốn bởi âm sắc buồn rất riêng của đàn bầu và những quãng ngắn của loại nhạc cụ này. Ông chọn truyền thuyết An Dương Vương và Vua Lê Thái Tổ là cơ sở chính của tác phẩm với sự tích trả gươm báu…
 
Những năm qua, nhiều tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sĩ Việt đã đi biểu diễn khắp các châu lục trên thế giới và nhiều người nước ngoài đã cho rằng, hiểu người Việt Nam qua tiếng đàn bầu. Đặc biệt trong thời gian gần đây, đàn Bầu từng được các nghệ sĩ Việt Nam sử dụng để biểu diễn không ít tác phẩm âm nhạc quốc tế. Trong đó có cả những tác phẩm đặc biệt như Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketelby); Sakura (Dân ca Nhật Bản), Danube xanh (Johann Strauss); Hotel California (Ban nhạc Eagles)…
Với những sáng tạo của cộng đồng, sự tồn tại xuyên thời gian, gắn bó cùng nhiều giai đoạn lịch sử, đàn Bầu ngày càng đi vào quần chúng và đời sống tinh thần của người Việt, giống như một biểu tượng về âm nhạc của Việt Nam bên cạnh chiếc nón lá, áo dài… Tuy cấu tạo đơn giản nhưng hình dáng đẹp, cùng kỹ thuật gảy bồi âm cũng như âm sắc quyến rũ, đàn Bầu xứng đáng trở thành một trong những cây đàn đặc sắc đại diện cho tâm hồn, bản sắc văn hoá Việt Nam.
 
 
Theo M.N/Cinet.vn

Di sản văn hóa