Bộ kiếm Tây Sơn được NST Nguyễn Đình Bằng hiến tặng bảo tàng Nếu nhà sưu tập (NST) Nguyễn Đình Bằng chọn bộ sưu tập kiếm Tây Sơn để triển lãm, thì anh Phan Luận hiến tặng Bảo tàng Đà Nẵng chiếc thuyền độc mộc Kh’mer vì: “Quan trọng nhất là cách giữ gìn nó chứ không hẳn chỉ là việc sở hữu riêng”.

 
“Trước khi có tiền thì phải có duyên” 
 
Gắn bó với thú chơi này hơn 25 năm, đến nay, số cổ vật mà anh sở hữu lên tới vài trăm, đa dạng về chủng loại, từ những hạt cườm, hạt mã não được làm trang sức của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hơn 3.000 năm đến những khay đựng nước bằng bạc của Champa thế kỷ IX, bình gốm Chu Đậu, đồ gốm sứ Trung Hoa… Đam mê trống đồng Đông Sơn, nhưng chuyện sở hữu một chiếc trống này không phải là dễ. Không biết làm sao, anh quyết định mua một phiên bản trống đồng Đông Sơn giả cổ cao hơn 1 m với giá hơn 200 triệu đồng để tạm khuây khỏa được sở thích của mình. Cũng như các nhà sưu tầm đồ cổ khác, chỉ cần có điện thoại báo phát hiện món đồ mới, anh đều khăn gói, lặn lội lên đường để tận mắt chứng kiến. Không ít lần đến nơi, món đồ đó không đúng như mong muốn, đồ giả, hay đã có người mua trước rồi. Vậy là mất công, mất tiền một chuyến đi, điều mà hầu như NST nào cũng từng gặp phải. “Với cổ vật, trước khi có tiền thì phải có duyên với nó”, anh Bằng bộc bạch. 
 
Trong số các cổ vật của mình, anh vẫn hay ngắm nghía nhất là chiếc khay đựng nước thánh Champa được làm bằng bạc thuộc thế kỷ 9 chạm trổ tinh xảo và còn gần như nguyên vẹn. Bên cạnh đó, khác với những NST khác ở Đà Nẵng, trong không gian biệt thự xinh xắn của mình, NST Nguyễn Đình Bằng còn dành một khoảng không gian để sưu tầm đồ lưu niệm chiến tranh khá độc đáo với rất nhiều hiện vật gắn với ký ức về một thời khói lửa của dân tộc. Với anh, đó cũng là cách để tri ân với quá khứ, với những hy sinh của những con người dũng cảm một thời. 
 
Bộ kiếm triều Tây Sơn gồm 11 thanh cũng là kết quả của một chuyến lặn lội vào Bình Định tìm cổ vật cách đây 4 năm. Bộ kiếm gồm 10 cây kiếm cho quân lính và 1 cây kiếm của một võ tướng thời Quang Trung. Cũng trong chuyến đi ấy, anh tìm được một hũ tiền đồng cổ thời Quang Trung nặng 25 ký. So với giới cổ vật cả nước, các cổ vật này quả là không hiếm nhưng ở Đà Nẵng nó lại có giá trị đặc biệt. Và anh đã quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng mà không một chút do dự chần chừ. “Sự phát triển, đa dạng về chủng loại cổ vật của những NST tư nhân ở Đà Nẵng chính là chất men kích thích cho phong trào sưu tầm cổ vật của vùng đất này. Tuy không có những hiện vật thuộc loại độc nhất vô nhị nhưng xét theo địa bàn vùng miền, cuộc triển lãm này là một sự kiện đối với giới chơi đồ cổ, chúng tôi cảm thấy mình được ghi nhận và trân trọng”, anh Bằng chia sẻ. 
 
“Quan trọng nhất là cách gìn giữ cổ vật” 
 
Cách đây hơn 3 năm, người dân Đà Nẵng đã không khỏi ngạc nhiên trước thông tin anh Phan Luận hiến tặng bảo tàng Đà Nẵng chiếc thuyền độc mộc Kh’me đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên, một NST tư nhân hiến tặng cổ vật cho bảo tàng. Chiếc thuyền còn khá nguyên vẹn, có chiều dài gần 9 m, chiều ngang đoạn giữa thuyền gần 1 m, cao hơn 0,5 m, có khả năng chở được 15 người. Thuyền độc mộc không phải là hiếm, nhưng với kích thước như vậy thì phải nói là quá độc đáo và ít có. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau chiếc thuyền độc mộc này ngoài niềm đam mê với cổ vật còn là sự kỳ công của chủ nhân. 
 
Chiếc thuyền này vốn được người dân ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông khai quật ở dưới đáy sông vào những năm đầu thập kỷ 80. Để đảm bảo còn nguyên vẹn hiện vật, người ta phải lần dò trục vớt rất kỳ công. Tuy nhiên, khai thác xong, việc vận chuyển đi lại rất khó nên không ai dám mua, người chủ đành để chiếc thuyền ấy trong một vườn cao su. 10 năm sau, trong một chuyến đi công tác lên vùng cao này, anh Luận đặc biệt thích thú và quyết định mua chiếc thuyền và gửi tại nhà một người dân gần đó. 
 
Mãi đến năm 2007, khi anh Luận quyết định đưa chiếc thuyền độc đáo này về Đà Nẵng thì nó đã trải qua... 3 lần di dời. Vận chuyển chiếc thuyền độc mộc dài và nặng như vậy từ trong bản xa ra đường cái, rồi chở từ Tây Ninh về Đà Nẵng quả là nan giải. Lúc ấy, ngoài thuê người vác, anh đã thuê hẳn một chiếc xe có thiết kế chiều dài thùng xe đặc biệt để bỏ vừa chiếc thuyền với giá 15 triệu đồng, tương đương hơn 1 cây vàng. Theo đánh giá chuyên môn, chiếc thuyền này của người Kh’mer, được làm bằng gỗ ca chít. Để có thể làm được chiếc thuyền lớn như vậy, người ta phải khai thác cây gỗ có tuổi thọ không dưới 300 năm tuổi. Còn về niên đại của chiếc thuyền thì phải tính đến hàng trăm năm. 
 
Tại sao lại quyết định hiến tặng bảo tàng trong khi để có được nó, anh không chỉ tốn tiền mà còn phải rất kỳ công, anh còn có đến… 4 bài thơ viết về nó? Chưa kể là đã có rất nhiều người muốn anh bán lại chiếc thuyền này. Anh Luận cười hiền: “Với mình, đối với cổ vật, quan trọng nhất là cách giữ gìn nó chứ không hẳn chỉ là việc sở hữu”. Và với anh, đó là lý do duy nhất. 
 
Được biết, trong đợt triển lãm lần này, đã có 54/150 cổ vật được các NST tư nhân hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng. “Những bộ sưu tập cổ vật của các NST tư nhân Đà Nẵng dù còn nhỏ lẻ, nhưng đó là bước chuyển rất lớn của hoạt động xã hội hóa bảo tồn di sản kể từ khi luật Di sản ra đời”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.