Bước đầu khảo sát và phân tích cảm hứng đối thoại – phản biện, chúng tôi nhận thấy Bắc hành tạp lục đã đánh dấu bước đột phá của thơ chữ Hán Nguyễn Du về cả nội dung, giọng điệu và bút pháp.

 

Trong dòng thơ sứ trình thời trung đại Việt Nam, Bắc hành tạp lục của đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) là một trường hợp đặc biệt, quý hiếm. Đặc biệt ở chỗ, Bắc hành tạp lục hoàn toàn không có thơ ca tụng mang tính chất ngoại giao hoặc thơ xướng họa, thù tạc với các sứ thần đồng liêu cũng như với đồng nghiệp Bắc quốc dù tác giả của nó “thụ vai” Chánh sứ như nhiều các vị quan Chánh/Phó sứ khác trước và sau ông. Nguyễn Du không quan niệm sáng tác “thơ đi sứ” như đa số sứ thần – thi nhân thời trung đại, mà ông đặt mục đích chính là “ghi chép” một cách riêng tư những điều nghe/thấy/suy ngẫm trên con đường sang phương Bắc. Phải chăng chính quan niệm đó là căn nguyên của cảm hứng và giọng điệu đối thoại – phản biện ở Bắc hành tạp lục?

 

1. Cảm hứng đối thoại – phản biện ẩn hiện khắp Bắc hành tạp lục (1). Xét tần số xuất hiện, cảm hứng đối thoại – phản biện đã là đặc trưng riêng, khu biệt rõ nét Bắc hành tạp lục với Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm (2). Nguyễn Du đối thoại – phản biện với những ai và về những vấn đề gì trên con đường làm nhiệm vụ tuế cống thiên triều vào năm 1813 đó? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiến hành khảo sát, kết quả thống kê sơ bộ như sau:

 

Nhóm thơ

Vịnh cảnh

Vịnh nhân vật lịch sử

(Vịnh sử)

Hiện thực

(Người thực/Việc thực)

Thù tạc

Tổng số

bài

Toàn bộ BHTL (trừ 4 bài thơ về Thăng Long)

67

57

3

1

128

Bài thơ mang cảm hứng đối thoại – phản biện

2

41

3

 

46

 

Trong tổng số 128 bài thơ của Bắc hành tạp lục, nhóm thù tạc chỉ có 1 bài (Lưu biệt cựu khế Hoàng), nhóm trực tiếp phản ánhhiện thực xã hội Trung Hoa có 3 bài (Thái Bình mại ca giả, Trở binh hành, Sở kiến hành). Chiếm số lượng lớn là hai nhóm vịnh cảnh và vịnh sử. Nhóm vịnh cảnh, có 5 bài viết về cảnh trí cửa ngõ Nam Quan và 62 bài viết về cảnh trí Trung Hoa, trong đó có hai bài mang giọng điệu phản biện (Ninh Minh giang chu hành, Thương Ngô trúc chi ca). Nhóm vịnh sử và nhóm hiện thực là hai nhóm thơ mang cảm hứng/ giọng điệu đối thoại – phản biện đậm rõ, sắc nét (tỉ lệ 41/57 = 71,9%; 3/3 = 100%). Tỉ lệ giọng điệu đối thoại – phản biện trong toàn tập thơ là 46/128  = 35,9%.

 

2. Biểu hiện đầu tiên của cảm hứng đối thoại – phản biện ở Bắc hành tạp lục là tinh thần đối thoại với người Trung Hoa về thực trạng xã hội đương thời ở Trung Hoa. Đường sá Trung Hoa hiểm trở như những cái bẫy chết người (Ninh Minh giang chu hành), người dân Trung Hoa đói khổ vì xã hội bất công, thiên tai nhân họa (Thái Bình mại ca giả, Trở binh hành, Sở kiến hành), đền thờ người tiết nghĩa Trung Hoa lạnh lẽo khói hương (Quế Lâm Cù Các Bộ)… Những điều Nguyễn Du chứng kiến không giống như những gì ông từng nghe nói, có một sự trật khớp giữa cái Danh và cái Thực theo cách quan sát của ông và Nguyễn Du luôn tận dụng các cơ hội để chất vấn về điều đó. Ninh Minh giang chu hành là bài thơ đầu tiên của Bắc hành tạp lụcđược viết bằng thể cổ phong kể từ khi Nguyễn Du đặt chân lên đất Trung Hoa. Với 31 câu thơ trường thiên, cảnh núi cao vực sâu ghềnh thác hiểm trở đe dọa kẻ lữ hành suốt ba ngày đi thuyền được Nguyễn Du miêu tả thật chi tiết, tường tận đến từng hòn đá to nhỏ cao thấp nghìn hình muôn vẻ như rồng rắn hùm beo trâu ngựa thuồng luồng, thậm chí đến cả cảm giác rùng mình rợn ngợp cũng được tô đậm. Biết bao sứ thần Việt Nam đã sang Trung Hoa, không phải riêng Nguyễn Du vượt thác Ninh Minh giang nhưng chỉ Nguyễn Du mới nhìn thấy Ninh Minh giang “nguy hồ đãi tai” dữ dằn đến thế. Phạm Chi Hương (? - 1871) làm quan từ triều Minh Mệnh, hai lần sang sứ nhà Thanh, từng qua sông Ninh Minh, chỉ lưu lại những hình ảnh khá êm đềm, khoáng đạt về con sông ở sau chặng vượt thác (Ninh Minh dạ bạc). Tương tự, Nguyễn Văn Siêu (1795 - ?) làm Phó sứ sang triều Thanh năm Tự Đức thứ hai, 1849, khi qua sông Ninh Minh gặp cơn mưa xối xả cũng không có ấn tượng hãi hùng về con sông như Nguyễn Du (Ninh Minh giang chu thứ). Khác cả hai vị sứ thần sau mình, mượn hình ảnh con sông Ninh Minh đầy vẻ đe dọa lữ khách, cái đích của Nguyễn Du là lời bàn luận, chất vấn về sự trật khớp giữa “cái nghe” và “cái thấy” ở Trung Hoa:

“Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình/ Trung Hoa đạo trung phù như thị!/  Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm/ Nguy vong khuynh phúc giai thiên ý”

 

(Ai cũng bảo Trung Hoa đường bằng phẳng/ Nào ngờ Trung Hoa đường thế này/ Quanh co, khuất khúc như lòng người/ Nguy hiểm, nghiêng đổ đều là ý trời). Chiếm phần lớn Ninh Minh giang chu hành là những hình ảnh tả thực con sông Ninh Minh, song đoạn thơ kết ngắn gọn lại có sức nặng khái quát những vấn đề tư tưởng vốn thường trực, ám ảnh trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, đó là “những suy nghĩ nung nấu của nhà thơ về con người, về xã hội, là cái nhìn phanh phui đến đáy những nhân cách lịch sử, cũng là sự chiêm nghiệm sâu kín và đầy trắc ẩn về những ba động thời cuộc” (2). Trường liên tưởng kỳ diệu dẫn dụ cảm hứng bài thơ đi từ thế giới thiên nhiên “oa bàn khuất khúc” đến thế giới xã hội “nguy vong khuynh phúc” với suy tư day dứt về cảnh ngộ “tạo vật đố tài” (Cao tài mỗi bị văn chương đố - Người tài cao thường bị văn chương ghét ghen) và nỗi hoài nghi sâu sắc trước lẽ sống “trung tín” (Trung tín đáo đầu vô túc thị - Giữ lòng trung tín nhưng gặp nguy vẫn không đủ tin cậy). Bài thơ trùng điệp giọng điệu đối thoại và trùng điệp vấn đề phản tỉnh, nhà thơ không chỉ phản vấn về “đường đời” “lòng người” mà còn đặt những dấu hỏi lớn về số phận của tài năng, về giá trị của các phạm trù đạo đức truyền thống “trung” và “tín”.

 

Cảm hứng đối thoại – phản biện luôn song hành cùng cảm hứng hiện thực. Mỗi bài thơ đều là một phát hiện đích đáng về thực trạng xã hội, một khái quát chân thực về những cảnh đời bất công ngang trái. Cả ba bài thơ phản ánh hiện thực đều được viết theo thể cổ phong trường thiên dung chứa đầy ắp những chi tiết, sự kiện, hơi thở cuộc sống. Có thể thấy hình bóng của Binh xa hành (Đỗ Phủ) trong Trở binh hành và tiếng vang của những câu thơ nổi tiếng ở Tự Kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự (Đỗ Phủ) trong Thái Bình mại ca giả và Sở kiến hành. Ảnh hưởng của vị Thi Thánh mà Nguyễn Du vô cùng ái mộ đối với nhóm thơ hiện thực này khá rõ nét từ phần nào nhan đề, kết cấu bài thơ cho đến bút pháp đối ngẫu tương phản. “Bản sắc” Nguyễn Du là ở chỗ, ông tạo nên một kiểu hệ thống “cốt truyện” và nhân vật mang đậm tính “đối thoại ngầm ẩn” chứ không sử dụng “đối thoại trực tiếp”. Thay vì những cuộc đối thoại “khách quan” thường thấy giữa tác giả và nhân vật trong thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du lặng lẽ quan sát, nhập thân vào ông già hát rong và người phụ nữ hành khất để tái hiện một cách “chủ quan” thân phận của họ. Lý do bất đồng ngôn ngữ có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong các nhân tố thời cơ đã khiến Nguyễn Du chọn thủ pháp nghệ thuật đó. Hình ảnh ông già mù cùng đứa bé dẫn đường (Thái Bình mại ca giả) và người phụ nữ ăn xin cùng ba đứa con thơ dại (Sở kiến hành) là hình ảnh trung tâm chiếm phần lớn dung lượng biểu cảm của hai bài thơ. Người nghệ sĩ hành khất với cuộc mưu sinh nhọc nhằn đáng thương được Nguyễn Du quan sát, miêu tả một cách chi tiết và xúc động. Nhập thân vào nỗi đau xót bần cùng của người nghệ sĩ bình dân, thay họ thốt lên lời ai oán “Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần” (Người ta thà chết còn hơn nghèo), Nguyễn Du đã chạm đến một nỗi đau lớn trong muôn ngàn nỗi đau của kiếp người, đặc biệt là kiếp cầm ca muôn thuở. Thái Bình mại ca giả kết thúc bằng bút pháp tương phản với đoạn thơ ngắn bốn câu tả thực một “đẳng cấp” sống khác hoàn toàn đối lập ngay cạnh đó – người ta ăn uống no nê, thuyền này thuyền kia đầy gạo thịt, cơm thừa canh nguội đổ cả xuống sông! Tương tự như thế, bút pháp tương phản với cảm hứng phản tỉnh mạnh mẽ được trùng điệp ở Sở kiến hành. Kết thúc bài thơ ngũ ngôn trường thiên 42 câu kể tỉ mỉ tình cảnh lăn lóc vệ đường của bốn mẹ con người đàn bà nông dân năm mất mùa đói khát, Nguyễn Du đã “phanh phui” quang cảnh một cuộc sống khác ngay trên đất Trung Nguyên mà xa hoa thừa mứa đến mức bất nhẫn (Nào gân hươu, vây cá/ Đầy bàn thịt lợn, thịt dê/ Quan lớn không chọc đũa/ Kẻ tùy tùng chỉ nếm qua/ Thức ăn bỏ đi không hề tiếc/ Chó hàng xóm cũng chán thức ngon).

 

Có lẽ ý mong muốn “Thùy nhân tả thử đồ/ Trì dĩ phụng quân vương” (Ai vẽ bức tranh này/ Đem dâng lên nhà vua) không đơn giản là một sự sử dụng lại mô típ nghệ thuật quen thuộc trong thơ cổ. Sự thống nhất trong mô hình kết cấu ở cả ba bài thơ hiện thực của Bắc hành tạp lục cho thấy Nguyễn Du rất có ý thức thể hiện tinh thần đối thoại – phản biện với người cầm quyền Trung Hoa về những vấn đề “nóng” đang tồn tại giữa xã hội Trung Hoa. Một trong số đó là vấn đề thân phận con người bị rẻ rúng, sự thật đời sống bị bưng bít, che giấu, khiến những mảnh đời cùng khổ cứ ngoi ngóp “dưới đáy” và tầng lớp trên thì “bất tri”: “Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão/ Trung Hoa diệc hữu như thử nhân” (Thường nghe nói, đất Trung Hoa ai cũng ấm no/(Không ngờ) Trung Hoa cũng có người như thế ấy); “Bất tri quan đạo thượng/ Hữu thử cùng nhi nương” (Quan lớn) Không biết trên đường cái quan/ Có mẹ con nhà này cùng cực đến thế).

 

Ngay cả ở bài thơ dường như chịu ảnh hưởng khá đậm nét Binh xa hành của Đỗ Phủ thì Nguyễn Du cũng đã chọn một hướng kết thúc thật độc đáo so với bản thơ cổ của tiền nhân. Kết thúc Trở binh hành, sau gần sáu mươi câu thơ kể tả tường tận cảnh ngộ ly tán chết chóc vì binh đao loạn lạc hạn hán mất mùa liên miên nhiều năm tháng của dân chúng cả một vùng rộng lớn từ Sơn Đông, Trực Lệ đến Hồ Nam, Hà Nam… cảnh ruộng bỏ hoang, người chết đói giữa đường, hột táo trong túi lăn ra bên cạnh…, dân đen nổi loạn vì đói khổ, quan lại thì tuyên bố “Dân tử tại tuế bất tại ngã” (dân chết tại trời làm mất mùa chứ không tại ta); Nguyễn Du đưa ra một “viễn cảnh” tưởng như có thể làm dịu cơn đau đớn của dân chúng (Phía bắc Hoàng Hà lúa mạch đã chín/ Trăm ngày nữa vợ con các ngươi sẽ được sống/ Hãy trở về, hãy trở về, không nên liều chết/ Quan tuần phủ thương yêu giúp đỡ như cha anh). Đặt “viễn cảnh” và lời “vỗ về” này vào hệ thống 63 câu thơ Trở binh hành cũng như vào hệ thống nhóm thơhiện thực nói chung, chúng ta dễ thấy giọng điệu mỉa mai châm biếm mới là ngụ ý chủ đạo của tác giả. Làm sao có thể dễ dàng tin vào cái tình yêu thương “phủ thần huệ bảo” của các bậc cha mẹ dân ở một nơi tắc nghẽn đường vì đói khổ cùng cực và binh đao loạn lạc lâu ngày như thế? Nguyễn Du chắc không “lạc quan tếu”, cũng không hoàn toàn bi quan, ông chỉ ngậm ngùi thương dân và châm biếm kín đáo mà sâu cay hệ thống cầm quyền từ trên xuống dưới. Nét đặc trưng trong cảm hứng thơ ca của Nguyễn Du cũng được bộc lộ ở đây - với ít ỏi thơ hiện thực, vị Chánh sứ đã chỉ chọn đặc tả hai hình ảnh “cùng khổ dưới đáy”, đó là người nghệ sĩ (bình dân) và người phụ nữ, hai loại thân phận người vốn ám ảnh Nguyễn Du như một định mệnh.

 

Điểm chung nổi bật của những bài thơ mang cảm hứng đối thoại – phản biện trước hết là ở thể loại và bút pháp nghệ thuật. Đó là sự phát huy tối đa sở trường tự sự và năng lực diễn giải cảm xúc của thể thơ cổ phong cùng với thế mạnh đối thoại của kết cấu đối ngẫu và bút pháp tương phản được đắc dụng. Bên cạnh đó, giọng điệu trào phúng đan xen với cảm hứng phê pháncũng góp phần tô đậm thêm tinh thần phản tỉnh tiềm tàng trong từng chi tiết thơ. Hẳn không ngẫu nhiên khi Nguyễn Du “cố ý” ghi lại hình ảnh ông già mù kiệt sức hát kiếm dăm đồng bạc ngay bên cạnh chỗ người ta vứt thức ăn thừa xuống sông ở chính nơi mang tên “Thái Bình”. Và trước những điều “sở kiến” đầy ngang trái – con người đủ thành phần nam phụ lão ấu đều đã chết đói hoặc sắp chết đói (làm sao chờ nổi trăm ngày nữa khi lúa chín?) còn chó hàng xóm nhà quan thì chê chán thức ăn ngon; dân đói khổ đến mức khởi binh làm loạn tắc nghẽn đường cái mà quan lại vẫn cho rằng đó là trò chơi binh khí trong ao chuôm của đứa trẻ, mọi sự đổ tại trời – Nguyễn Du vẫn “kêu gọi” dân đen hãy tin ở lòng thương của quan trên! Điệu cười mỉa mai kín đáo tuy khó nhận thấy song khi đã phát lộ thì mang sức nặng phản tỉnh ám ảnh.

 

 Có thể dẫn thêm trường hợp Thương Ngô trúc chi ca (thập ngũ chương) thật độc đáo. Ca điệu Trúc chi lâm khi đi qua đất Thương Ngô gồm mười lăm bài tứ tuyệt đã tái hiện một bức tranh tươi đậm sắc màu, rộn rịp âm thanh và tíu tít hình ảnh cuộc sống ở một góc sông nước Quảng Tây – Hồ Nam, có phần trái ngược với những điều “sở kiến” nói trên. Thuyền bè nhộn nhịp, hội đua thuyền rồng, các du thuyền đi lại không ngớt, tiếng hát đò đưa, tiếng tì bà văng vẳng, tiếng chiêng trống, hoa lựu đỏ rực, dương liễu xanh mướt đu đưa trước gió,… Trong mười ba bài thơ đầu, Nguyễn Du say sưa quan sát và mê mải ghi chép quang cảnh “du hí” rất hồn nhiên của những người dân địa phương bạo dạn, vui vẻ, ham chơi. Chỉ hai bài cuối mới bộc lộ “sự phát hiện” của nhà nho phương Nam về thực chất con người (các cô gái) đất Thương Ngô và quan lại phương Bắc. Các thiếu nữ tóc mây cài trâm quý, quần lụa mỏng thướt tha thật kiêu sa, và quan trọng hơn là, quý hồ tiền đầy túi thì dù anh “vô phúc” cũng sẽ gần gũi được họ (Doanh đắc quỷ đầu mãn nang khẩu/ Bằng quân vô phúc dã năng tiêu). Điều đó giải thích tại sao các quan tuần sông “thực thi nhiệm vụ” không phải ở thuyền của gian phi mà lại ở các “thuyền hoa”! (Bố kỳ thượng tả “Tuần hà” tự/ Chỉ cật hoa thuyền bất cật gian). Như vậy, dù phản ánh hiện thực nào ở Trung Hoa, cảnh thác ghềnh hiểm trở hay sông nước mênh mang, cảnh người đói khổ hay người sung sướng, thì mục tiêu phản biện cuối cùng của Nguyễn Du cũng đều là giới cầm quyền và cách cai trị của họ, nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng bất công giữa người với người.

 

3. Biểu hiện thứ hai của cảm hứng đối thoại – phản biện ở Bắc hành tạp lục là tinh thần đối thoại với truyền thống Trung Hoa về các vấn đề văn hóa, xã hội, lịch sử, nhân sinh… Tinh thần đối thoại này thể hiện tập trung ở nhóm thơ vịnh sử. Chúng tôi tạm phân loại các nhân vật lịch sử Trung Hoa xuất hiện trong Bắc hành tạp lục như sau:

 

Stt

Vua chúa

Anh hùng

Trung thần

Văn/thi nhân

Tài giỏi

Gian thần

Quan cao thượng

Phụ nữ

1

Đế Nghiêu

Mã Viện

Văn Thiên Tường

Khuất Nguyên

Tô Tần

Tào Tháo

Nhị Sơ

Hai bà phi

2

Minh Thành Tổ

Hàn Tín

Nhạc Vũ Mục

Giả Nghị

Lạn Tương Như

Tần Cối

 

Dương Quý Phi

3

Lương Vũ Đế

Sở Bá Vương

Tỉ Can

Đỗ Phủ

Quản Trọng

Vương Thị

 

Tam liệt nữ

4

Triệu Vũ Đế

Á Phủ

Dự Nhượng

Âu Dương Tu

Liêm Pha

 

 

 

5

 

Chu lang

Kinh Kha

Liễu Tông Nguyên

Mạnh Tử

 

 

 

6

 

Hoàng Sào

Cù Các Bộ

Vi – Lư

Vinh Khải Kỳ

 

 

 

7

 

 

Bùi Tấn Công

Lưu Linh

 

 

 

 

8

 

 

Liễu Hạ Huệ

Kê Khang

 

 

 

 

9

 

 

Kê Thị trung

Lý Bạch

 

 

 

 

 

Nhìn tổng thể, Nguyễn Du dành nhiều sự quan tâm hơn cả cho hai loại nhân vật chính: bậc trung thần/ nghĩa liệt và văn/ thi nhân danh tiếng. Bên cạnh đó, vua chúa Trung Hoa được “chọn” đề vịnh ở Bắc hành tạp lục có lẽ không phải ngẫu nhiên dừng ở con số bốn, càng không ngẫu nhiên khi bốn vị quân vương này đã trở thành nơi gửi gắm tư tưởng đối thoại – phản biện của Nguyễn Du.

 

Vị vua thứ nhất, Đế Nghiêu, bậc minh quân trong truyền thuyết Trung Hoa, cũng được nhà nho Việt Nam mặc nhiên coi là biểu tượng của vị vua hiền đời thượng cổ, lại chính là nhân vật gợi lên hai lần ý thức phản biện ngay trong một bài thơ (Tại nhật mao từ do bất tiễn/ Hậu thân hương hỏa cánh hà vi? - Khi ông còn sống, cỏ tranh lợp nhà cũng không xén/ Thì sau khi ông mất, hương khói phụng thờ để làm gì?); (Tằng hướng Hứa Do nhượng thiên hạ/ Thánh nhân danh thực hữu thùy tri - Ông từng đem thiên hạ nhường cho Hứa Do/ Bậc thánh vì “danh” hay vì “thực”, nào đã ai biết!). Mối quan hệ Danh – Thực, “tại nhật” – “hậu thân” hay là các vấn đề phức tạp khác nữa trong xử thế chính trị Nho gia qua các triều đại không chỉ là điều quan tâm của riêng Nguyễn Du hoặc ở riêng thời điểm Nguyễn Du sang sứ Trung Hoa. Song chọn thời điểm phát biểu phản biện ở chính Đế Nghiêu miếu nơi có thể coi là biểu tượng quê hương nguồn cội của học thuyết quân chủ Nho gia (4), Nguyễn Du hẳn không phải không có ngụ ý. Tinh thần chất vấn cái vô ích và cái hữu ích, cái Thực và cái Danh, cái thật và cái giả trong cách ứng xử của người đời sau đối với những vấn đề quá khứ chính là một trong những nội dung nổi bật ở Bắc hành tạp lục.

 

Nhân vật vua thứ hai, như một đối trọng với Đế Nghiêu, đó là Minh Thành Tổ (niên hiệu Vĩnh Lạc, 1403 - 1424) đời vua thứ ba nhà Minh/ Ngô. Có điều thú vị là, Nguyễn Du đã chọn kỳ lân làm “người đối thoại” chứ không phải Minh Thành Tổ. Cùng với Phản chiêu hồn vốn nổi danh, Kỳ lân mộ cũng là một tuyệt tác xét từ phương diện cảm hứng đối thoại – phản biện. Câu chuyện con kỳ lân đem cống vua vào năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Lạc, 1406, bị chết dọc đường, được chôn và lập bia ở địa phận Hà Bắc, nay chỉ còn lại tấm bia nghiêng đổ rêu phong và cuộc trò chuyện với ông lão bên đường về sự tích tấm bia đó có thể chỉ là một truyền thuyết, một hư cấu nghệ thuật. Lựa chọn hư cấu nghệ thuật đó, Nguyễn Du đã phản biện một cách thật sắc sảo những vấn đề chính trị, xã hội, ngoại giao giữa hai quốc gia/ dân tộc không chỉ ở một thời. Phần trọng tâm của Kỳ lân mộ nằm ở 19 câu thơ cuối trên tổng số 29 câu thơ toàn bài, có thể được chia làm năm đoạn nhỏ, bốn đoạn đối thoại trực tiếp với kỳ lân, xen vào giữa (ở vị trí đoạn thứ hai) là lời “kể tội” Minh Thành Tổ (Yên Vương Đệ/ Lệ). Lời kể tội ngắn gọn mà khái quát đầy đủ bản chất hôn quân vô đạo của Yên Vương (Ngũ niên sở sát bách dư vạn/ Bạch cốt thành sơn địa huyết ân - Chỉ trong năm năm hắn giết hơn trăm vạn nhân mạng/ Xương trắng chất thành núi, máu thấm đỏ đất). Các nhà nghiên cứu thường đánh giá cao tinh thần dân tộc của Nguyễn Du khi ông vạch trần bản chất sát nhân của tên vua xâm lược nước ta hồi đầu thế kỷ XV và gián tiếp ca ngợi vua Lê Thái Tổ phương Nam; nhấn mạnh vai trò đặc biệt của nhà thơ khi ông là người thứ hai sau Nguyễn Trãi chỉ ra thực chất Minh Thành Tổ, góp phần phản bác quan điểm sử gia Trung Hoa cho đó là một vị anh hùng. Nhưng tầm tư tưởng của Nguyễn Du không chỉ dừng ở phạm vi dân tộc. Cuộc trò chuyện tưởng tượng giữa Tố Như - Kỳ lân với giọng điệu phản tỉnh đa dạng thực sự đã đem lại cho bài thơ những lớp nghĩa phong phú sâu sắc. Kỳ lân trong truyền thuyết Trung Hoa là một giống linh thú không giẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi, tượng trưng cho thánh nhân/ minh quân và đời thái bình thịnh trị, thế nhưng, dưới mắt Nguyễn Du, kỳ lân đáng thương không hơn gì phận người hữu hạn (Thịt xương để mặc cho sâu kiến đục khoét). Thậm chí kỳ lân chỉ là loài yêu quái vì đã xuất hiện cùng với Yên Vương (Ôi kỳ lân, nếu mày vì người ấy mà ra đời/ Thì mày chỉ là loài ma quỷ, có gì đáng quý). Tự lật lại vấn đề - hay là kỳ lân phải tự bỏ mình vì còn có lòng nhân không nỡ sống mà trông thấy cảnh chém giết - để ngay sau đó, Nguyễn Du tiếp tục trùng điệp ý tưởng phủ nhận kỳ lân trong năm câu thơ cuối của bài thơ (Than ôi! Kỳ lân là giống thú có nhân/ Trên đời ít thấy nên cho là điềm lành/ Thấy, thì chẳng qua cũng là dê chó/ Nếu bảo vì thánh nhân mà xuất hiện/ Buổi ấy sao kỳ lân không sang dạo chơi phương Nam?). Phủ nhận ý nghĩa biểu tượng vốn đã được truyền thống mặc định về kỳ lân, vừa thương xót kỳ lân vừa coi kỳ lân chẳng khác nào ma quỷ, dê chó, Nguyễn Du đã phản tỉnh gay gắt những hư trá giả ngụy lịch sử nấp giấu sau những điều tốt đẹp được tô vẽ. Nhìn từ một góc độ khác, nhân vật Yên Vương Đệ, một bạo chúa đã trở thành hình tượng điển hình của kẻ tội phạm - vật đối chứng cho sự hủy diệt những giá trị thiêng liêng của nhân loại.

 

Nhân vật vua thứ ba khá độc đáo, Lương Vũ Đế, vị vua nhà Lương (502 - 556) đời Nam triều, hai cha con đều sùng bái đạo Phật, thái tử Chiêu Minh chăm chút việc chia Kinh nhưng kết cục, triều đại diệt vong, Kinh bị thiêu ra tro, đài chia Kinh đổ nát. Mượn câu chuyện Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du phản bác quan niệm u mê về Phật giáo của cha con Lương Vũ Đế, ông không nói gì mới hơn tư tưởng “vô ngôn” trác tuyệt của Phật pháp (Người ta hiểu được chữ Tâm, tức là tự độ rồi/ Linh Sơn chỉ ở trong lòng người/ Minh kính không phải là đài/ Bồ đề vốn không phải là cây). Giá trị phản tỉnh của bài thơ chính là ở chỗ mượn quan niệm Phật giáo, Nguyễn Du đã lý giải một cách thuyết phục về sự thất bại của triều đại Lương Vũ Đế, cảnh tỉnh các vị quân vương vì “si tâm” mà dẫn đến bại vong.

 

Nhân vật vua thứ tư, Triệu Vũ Đế, vua phương Nam, là vị vua giành được thiện cảm của Nguyễn Du hơn cả. So sánh sự nhún nhường của vị hoàng đế phương Nam với các cường quốc Tần, Sở phương Bắc, khẳng định đời này thay thế đời kia đều không bằng một ông già ở đất man rợ (Khả liên thế đại tương canh điệt/ Bất cập man di nhất lão phu), tinh thần phản biện ở bài thơTriệu Vũ Đế cố cảnh rất thống nhất với tư tưởng chung của nhóm thơ đề vịnh nhân vật vua chúa.    Với ba vị vua được người Trung Hoa đề cao (đại diện cho Nho, Phật, và phi Nho phi Phật), Nguyễn Du đều đặt câu hỏi chất vấn, phản bác để phủ định (phủ định hoàn toàn hoặc một phần); còn nhân vật vua phương Nam họ Triệu tuy cũng được đặt trong “khí quyển” phản tỉnh nhưng lại theo chiều khẳng định, đề cao. Lô gíc tư tưởng của Nguyễn Du là tinh thần hoài nghi khoa học, độc lập chính kiến và luôn kết hợp với một ý thức dân tộc, dân chủ mãnh liệt.

 

Trong các nhân vật anh hùng/ tướng quân được đề vịnh ở Bắc hành tạp lục, Mã Viện xuất hiện nhiều hơn cả (ba bài thơ). Quỷ Môn quan có một kết cấu đặc biệt – bảy câu đầu tập trung đặc tả địa thế hiểm trở tử địa nơi quan ải Lạng Sơn, chỉ một câu thơ kết bình luận về tướng quân nhà Hán (Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt/ Kỳ công hà thủ Hán tương quân - Từ xưa gió lạnh thổi xương trắng/ Kỳ công của tướng quân nhà Hán có gì đáng khen!). Hán tướng quân xuất hiện trong câu thơ cuối là ai, sẽ có khả năng là một trong hai Phục Ba tướng quân nhà Hán, một là Lộ Bác Đức đời Vũ Đế nhà Tây Hán sang đánh nhà Triệu nước Nam Việt năm 111 tr.CN, hai là Mã Viện đời Quang Vũ nhà Đông Hán sang đánh Hai Bà Trưng năm 41 - 43 sau CN? Cả hai vị Hán tướng quân này đều “có công” bình định người Nam, chiếm đất Nam đổi thành Giao Chỉ bộ chia làm 9 quận, mở ra thời kỳ Bắc thuộc lâu dài ở phương Nam. Có lẽ căn cứ vào hai bài thơ sau đó - Giáp Thành Mã Phục Ba miếu và Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu mà các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng vị Hán tướng quân xuất hiện nơi Quỷ Môn quan này chính là Mã Viện. Bởi ba bài thơ có chung một cảm hứng phản biện, một giọng điệu hồ nghi phản tỉnh rất đặc biệt. Nếu Quỷ Môn quan phủ nhận một cách thẳng thừng trực diện “kỳ công” của vị tướng quân vốn đại diện cho niềm tự hào lập công chiến trận Trung Hoa thì Giáp Thành Mã Phục Ba miếu thể hiện cũng ý phủ định đó một cách uyển chuyển thâm thúy hơn. Nguyễn Du viết tám câu thơ mà trùng điệp tới ba lần bi kịch cuộc đời Mã Viện tướng quân với hồi kết số phận khá bi hài của một danh tướng hi hữu. Nguyễn Du không xuất hiện ở vị trí kẻ bị xâm lược/ nạn nhân nước nhược tiểu để căm phẫn hay tố cáo kẻ ngoại xâm/ tội nhân nước lớn như thường tình. Cũng không giống đa số các sứ thần – thi nhân thường tỏ ý cảm phục kỳ tài dựng cột đồng của Phục Ba, Nguyễn Du đối thoại với Hán tướng quân, phản biện “tính danh” họ Mã, phủ định “cái thế công danh” Phục Ba trong tư thế bình đẳng giữa những kẻ sĩ, hơn nữa là giữa hai số phận tài năng khác biệt cùng chìm đắm trong những bi kịch không tương đồng. Hai bài thơ đề ở hai miếu thờ Phục Ba trùng điệp ẩn ý mỉa mai châm biếm sự không tương xứng giữa công trạng/ danh tiếng lúc sinh thời với kết cục số phận và nỗi hối tiếc muộn màng của Hán tướng quân. Chính hai câu thơ kết của Quỷ Môn quan đã khái quát hàm ý phản tỉnh sự nghiệp họ Mã. Hiện thực chiến tranh tàn khốc bao đời khiến kẻ sĩ thấm thía cái hoang tàn hư vô nơi cõi tạm, lời phủ định sâu sắc suy ngẫm qua sự đối sánh giữa “hàn phong – bạch cốt” với “kỳ công” của Hán tướng quân. Rốt cuộc cái tài kỳ lạ của Hán tướng quân có gì hơn ngoài việc tạo nên chất chồng xương trắng? Công – tội, được – mất của Hán tướng quân như vậy đâu dễ phân minh? Phản biện Mã Viện một cách ráo riết, Nguyễn Du bộc lộ tư tưởng nhân văn tiến bộ mang tầm nhân loại trong sự kết hợp với tinh thần dân tộc luôn bền bỉ tiềm tàng.

 

Cảm hứng đối thoại – phản biện khiến Nguyễn Du luôn lật ngược lại cách đánh giá của dư luận chính thống Trung Hoa, trường hợp đề vịnh nhân vật Hoàng Sào tiếp tục bổ sung cho cái nhìn “phản vấn” theo hướng đó. Quan điểm nhìn nhận người anh hùng khởi nghĩa chống lại triều đình còn có chỗ phân vân, mâu thuẫn  trong Đoạn trường tân thanh (Làm chi để tiếng về sau/ Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào), đến Bắc hành tạp lục đã trở nên sáng tỏ, dứt khoát. Nguyễn Du đứng về phía người khởi nghĩa, khâm phục sức mạnh biến cải giang sơn của kẻ anh hùng khi bị dồn đẩy, đồng thời cảnh tỉnh tầng lớp thống trị chỉ vì hẹp hòi đánh hỏng người tài mà dẫn đến tan vỡ đất nước (Ngộ quốc mỗi nhân câu hạn lượng/ Cùng thời tự khả biến phong vân - Lầm lỡ việc nước đôi khi chỉ vì câu nệ, hẹp hòi/ Người đến lúc cùng cũng có thể làm biến đổi mây gió). Đề vịnh nhân vật Hoàng Sào trong cái nhìn phản biện nhà cầm quyền, một lần nữa Nguyễn Du thể hiện nỗi suy tư thường trực trước những vấn đề dùng người, trị nước của bậc đế vương.

 

Bậc trung thần/nghĩa liệt và văn/thi nhân là hai nhóm nhân vật dành được sự ưu ái sâu sắc nhất của Nguyễn Du. Phần lớn trong số họ là những con người ưu tú về nhân cách, xuất sắc về tài năng, có lòng yêu nước tha thiết và đều chịu những bi kịch lớn vì chính tài năng và nhân cách cao quý đó. Họ là Văn Thiên Tường, Nhạc Vũ Mục, Cù Thức Trĩ, Kê Thiệu,… những anh hùng hi sinh oanh liệt vì lý tưởng độc lập tự do cho quê hương xứ sở, những bi kịch “cô trung vạn cổ truyền”. Niềm cảm thương và kính phục lớn lao đối với người anh hùng, cùng với nỗi bi phẫn trước cảnh oan khiên ngang trái khiến Nguyễn Du hơn một lần mạnh mẽ phủ nhận những triều đại/ chính thể Trung Hoa mà tôn vinh khí tiết trường tồn của bậc nghĩa liệt: (Giang hồ xứ xứ không Nam quốc/ Tùng bách tranh tranh ngọc bắc phong - Nhạc Vũ Mục mộ - Sông hồ còn đó nhưng Nam quốc rỗng không/ Cây tùng cây bách vẫn ngạo nghễ trước gió bấc lao xao); (Tàn Minh miếu xã đa thu thảo/ Toàn Việt sơn hà tận tịch dương - Quế Lâm Cù Các bộ - Tôn miếu xã tắc nhà Minh suy tàn, đầy cỏ thu/ Tất cả non sông đất Việt nhuốm bóng tà dương).

 

Yêu thương, cảm kích trước bi kịch cô trung của bậc anh hùng yêu nước chống ngoại xâm, Nguyễn Du không bằng lòng với việc phê phán kẻ cầm quyền chỉ từ một hướng đối lập quen thuộc. Nhà thơ còn tìm cách phản biện từ một hướng đối lập khác, mạnh mẽ hơn - dùng chính “bức tượng” kẻ gian thần thống trị để phủ nhận nó. Đó là lý do Nguyễn Du “dành cho” hai bức tượng Tần Cối – Vương Thị tới bốn bài luật thi. Bằng những câu hỏi gay gắt, những chất vấn không khoan nhượng, liên tiếp, Nguyễn Du đã tạo thêm sự phong phú đa dạng cho cảm hứng đối thoại – phản biện của Bắc hành tạp lục. Bài thơ trước vừa “nói ngược” với thiên hạ về “công lao” thằng loạn thần để phủ định nó: Ai bảo thằng này không có công gì ở đời? Công của nó là muôn năm sau còn có thể làm cho bọn loạn thần phải sợ (Thùy vân ư thế vô công liệt?/ Vạn cổ do năng cụ loạn thần). Bài thơ sau lại “nói ngược” với lẽ phải để phủ định thiên hạ, để trùng điệp hai lần phủ định (Đắc dữ trung thần đồng bất hủ/ Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan - Nó cũng bất hủ như bậc trung thần/ Cái phúc lạ lùng tùy trời của nó thật vô lý quá!). Cách sử dụng liên tiếp thủ pháp phản ngữ trong hai bài thơ với giọng điệu đả kích vừa gay gắt vừa giễu cợt, dường như giúp Nguyễn Du lấy lại được thăng bằng tâm trạng sau nỗi thương cảm đau xót dành cho người anh hùng Nhạc Phi từng phải chịu nỗi oan khiên “mạc tu hữu”. Phản biện cái cách người đời sau căm giận, trừng trị tên gian thần, thực chất là Nguyễn Du hướng tới phê phán căn nguyên sâu xa dẫn đến bi kịch “cô trung” không phải chỉ của riêng người anh hùng dân tộc Nhạc Vũ Mục thời Nam Tống. Chỉ ra cái vô ích của việc hành tội kẻ gian đã chết, Nguyễn Du đả kích mạnh mẽ sự hủ bại/ phản động của vua chúa trước việc có ích đáng phải làm khiến giang sơn chìm đắm dưới gót ngoại xâm và người anh hùng yêu nước thì đành ôm hận. Sự hủ bại đó đã dung túng cho biết bao những kẻ “không để lộ vuốt nanh và nọc độc/ nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường” dồn đẩy những bậc trung thần ái quốc như Khuất Nguyên, Giả Nghị… vào nỗi cô trung bi thảm.

 

Nhân vật tâm huyết – Khuất Nguyên chiếm nhiều thơ đề vịnh nhất so với các nhân vật lịch sử Trung Hoa xuất hiện trong Bắc hành tạp lục. Năm bài thơ bao gồm hai bài điếu Khuất Nguyên (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, nhị thủ) và ba bài “phản”/ “biện (Phản chiêu hồn, Biện Giả, Ngũ nguyệt quan cạnh độ) tranh luận, phản bác quan niệm/ tấm lòng của người đời về Khuất Nguyên. Dù Nguyễn Du không thể không hiểu nỗi thương xót mà Tống Ngọc dành cho “hiếu tu nhân” nước Sở cũng như sự đồng cảm đáng trọng giữa Trường Sa Giả Thái phó với quan Tam Lư đại phu, song ông vẫn không ngừng đối thoại, chất vấn họ để đi đến tận cùng “sự khai quật lịch sử”. Bởi nỗi đau mà nhân cách/ tài năng Khuất Nguyên phải gánh chịu, nỗi tuyệt vọng mà người yêu nước/ trung quân Khuất Bình phải mang theo không chỉ dừng ở một thời một nước. Nguyễn Du muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn chuyện nước Sở Trung Hoa mà nói chuyện nước mình. Phản đối Tống Ngọc gọi hồn Khuất Nguyên quay về quê hương, phản bác Giả Nghị khuyên Khuất Nguyên đi chín châu tìm vua khác, chê cười đời nay đua thuyền đầy sông vào tháng năm/ ngày giỗ “Sở quốc từ nhân”, mỉa mai thói đời gần đây bắt chước Khuất Nguyên đeo hoa tiêu hoa lan mà “cánh bất đồng” (khác với ông lắm!)… Nguyễn Du kéo dài đến vô biên cuộc đối thoại phản biện với trường kỳ lịch sử. Bởi Nguyễn Du thấu hiểu tấn bi kịch của những tài năng/ phẩm giá như Khuất Nguyên sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu như vẫn còn tái diễn tình trạng đen tối (Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan/ Đại địa xứ xứ giai Mịch La - Đời sau ai ai cũng đều là Thượng Quan/ Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La).

 

Ở Bắc hành tạp lục, nhân vật phụ nữ Trung Hoa xuất hiện không nhiều, chủ yếu là tầng lớp hoàng hậu, quý phi, phu nhân. Khác cảm hứng của thi sĩ Trung Hoa khi viết về Dương Quý Phi, Nguyễn Du không than khóc cho mối tình bi thảm của đôi lứa dù ở ngôi đế vương mà không có được cái hạnh phúc của nhà thường dân (Mã Ngôi - Lý Thương Ẩn). Với Nguyễn Du, nỗi xót thương giai nhân cũng như niềm kính trọng bậc liệt nữ luôn đồng hành cùng thái độ chất vấn, phê phán thói vô trách nhiệm và sự bất tài của những kẻ đứng đầu triều đại. Xây dựng hình tượng bi kịch giai nhân và liệt nữ không nhiều song Nguyễn Du đã dành không ít nỗi niềm đồng cảm cho họ. Ông đã tạo nên tượng đài người phụ nữ tài sắc oan khiên (Tự thị cử triều không lập trượng/ Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành - Dương Phi cố lý – Chỉ vì cả triều đình đều như phỗng đứng/ Mà nghìn năm cứ đổ tội cho sắc đẹp nghiêng thành) bên cạnh tượng đài người liệt nữ oan khuất (Địa hạ tương khan vô quý sắc/ Giang biên hà xứ điếu trinh hồn – Tam liệt miếu – Dưới đất nhìn nhau hẳn không hổ thẹn/ Nơi nào bên sông để viếng những hồn trinh ấy?). Những bức tượng đài đáng thương hoặc đáng kính ấy, dù rất khác nhau, thậm chí họ còn mang cả bóng dáng của những cá tính và số phận phụ nữ vốn bị luân lý dè bỉu (Thái nữ sinh số, Trác nữ bôn - Ả Thái sinh con, ả Trác theo người yêu), song trong thế đối sánh với các bậc mày râu, tất cả họ vẫn khiến mày râu phải hổ thẹn. Nguyễn Du thay lời ai điếu trước vong hồn giai nhân bằng chính sự mỉa mai, giáng cấp những kẻ tự cho mình độc quyền các mỹ tự Hiếu/Trung (Thanh thời đa thiểu tu như kích/ Thuyết hiếu đàm trung các tự tôn – Tam liệt miếu – Thời bình bao nhiêu kẻ râu vểnh lên như mác/ Bàn chuyện hiếu trung ai cũng tự cho mình là nhất!). Dù đối thoại – phản biện loại hình nhân vật lịch sử nào ở Trung Hoa, Nguyễn Du cũng vẫn trung thành với tư tưởng đậm chất nhân văn, luôn đứng về phía những con người Tài Sắc hoặc Phẩm giá, bênh vực xót thương những bi kịch kiếp người, đối kháng với mọi thế lực mượn Danh tốt đẹp mà thực chất đi ngược lại những điều Chân Thiện Mỹ.

 

Bước đầu khảo sát và phân tích cảm hứng đối thoại – phản biện, chúng tôi nhận thấy Bắc hành tạp lục đã đánh dấu bước đột phá của thơ chữ Hán Nguyễn Du về cả nội dung, giọng điệu và bút pháp. Về nội dung, Bắc hành tạp lục bổ sung vào chân dung tinh thần Tố Như một phẩm chất mới còn khá mờ nhạt ở hai tập thơ trước, đó chính là ý thức đối thoại – phản tỉnh, tinh thần tích cực luận bàn kiến giải những vấn đề chính trị - xã hội - con người quan thiết. Về giọng điệu, Bắc hành tạp lục tạo nên giọng điệu đa thanh, với những cung bậc âm sắc rắn rỏi, mạnh mẽ làm phai bớt âm điệu u hoài, sầu cảm vốn đậm nét trong tác phẩm của Nguyễn Du. Về bút pháp thơ, Bắc hành tạp lục đem đến sự khởi sắc thể loại, đánh dấu thành công mới của thể cổ phong bên cạnh thể luật thi vốn đã có thành tựu ở hai tập thơ trước. Và việc mở ra con đường tiếp cận “cái uẩn khúc xã hội” của nhân vật lịch sử trong khuynh hướng thơ vịnh sử thời trung đại Việt Nam cũng là một đóng góp đáng kể của Bắc hành tạp lụcmà thế hệ hậu sinh còn có thể tiếp tục suy ngẫm, khám phá.

 

Chú thích:

(1) Văn bản phiên âm và phần dịch nghĩa thơ chữ Hán Nguyễn Du được trích từ hai nguồn sau:

Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước – Trương Chính, NXB Văn học, Hà Nội, 1965.

Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên, NXB Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1996.

(2) Ở Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm, chỉ có khoảng 05 bài thơ được viết với cảm hứng đối thoại – phản biện: Khổng Tước vũ, Điệp tử thư trung, Mộng đắc thái liên, Ngẫu đề, Thành hạ khí mã.

(3) Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán, dẫn từ Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXBGDVN, H, 2013,  tr.527.

(4) Hành trình của sứ bộ năm 1813 khi đi, qua Sơn Tây (được coi là quê hương Đế Nghiêu), khi trở về, qua Khúc Phụ - Sơn Đông (quê hương Khổng Tử) nhưng Bắc hành tạp lục không lưu lại hình ảnh Khổng Tử, mà chỉ nhắc nhiều đến Nghiêu, Thuấn và có một bài về Mạnh Tử (Mạnh Tử từ cổ liễu).