Tôi là một bạn đọc bình thường ở Thái Bình, vẫn có một tự hào mỗi khi đọc Kiều hoặc những chuyên luận nghiên cứu về Truyện Kiều nói riêng và Nguyễn Du nói chung. Bởi lẽ, Thái Bình chính là quê ngoại của Nguyễn Du, nơi ông từng ở, và cũng là nơi ông thu nhận được nhiều ngôn ngữ bình dân của những người trồng dâu, trồng gai… và đã sử dụng chúng trong tác phẩm của mình.

 

 

Bởi vậy, khi đọc bài của ông Nguyễn Quảng Tuân “Đọc lại truyện Kiều: “BỤI HỒNG chứ không phải BÓNG HỒNG” tranh luận với ông Đào Thái Tôn về chữ “bụi hồng” hay là “bóng hồng” ở câu 250 trong Truyện Kiều, tôi cũng như một số bạn đọc khác còn băn khoăn về cách kiến giải của ông Nguyễn Quảng Tuân. Vì vậy tôi xin mạn phép trình bày với ông Tuân một vài điểm.

 

Như ta đã biết, bản gốc Truyện Kiều không còn. Truyện Kiều đã được Phạm Quý Thích yêu thích và làm thơ đề vịnh. Về sau, Truyện Kiều tiếp tục được nhuận sắc, sửa chữa theo cách hiểu tiếng của một số người. Vì vậy, hiện nay có nhiều dị bản tồn tại. Thật khó có thể coi bản nào là bản tuyệt đối gần nguyên tác. Bấy giờ, các nhà nghiên cứu lại phải làm một việc bất đắc dĩ là tìm cách trả lại, phục hồi lại cho Nguyễn Du những gì mà ông có Nhưng cả hai xu hướng phục hồi và nhuận sắc vẫn đan xen nhau, tạo nên một tình trạng là Truyền Kiều đã có nhiều dị bản tuy “đại đồng tiểu dị”.

 

Trong tình hình như vậy, tôi tán thành phương pháp của Xuân Diệu khi ông đối chiếu các dị bản với nhau. Trong bài viết “Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều” ông nói: “Việc sửa văn bảnTruyện Kiều đã xảy ra rồi, thì tạng ai ưa thích thế nào, sẽ chọn theo thế ấy!”. Và với cái tạng của mình, Xuân Diệu chẳng cần biết bản nào là Kinh, bản nào là Phường, chẳng cần biết bản cũ hay mới mà ông đã cố tìm những từ hay nhất, thơ nhất, hợp với văn cảnh nhất trong các dị bản để chấp nhận một từ xác đáng hơn cả. Xuân Diệu đã có một thành tâm rất đáng kính là tìm lại cái hay, cái đẹp nhất để trả lại cho Nguyễn Du và Truyện Kiều.

 

Không chỉ riêng Xuân Diệu, các nhà nghiên cứu vẫn không chịu dừng, chịu thoả mãn với cách hiểu đương thời. Tôi có thể lấy ví dụ: Năm 1974, Đào Duy Anh cho in cuốn Từ điển Truyện Kiều, đó là đỉnh tổng hợp cao nhất về sự hiểu biết Truyện Kiều vào thời điểm ấy. Nhưng, sau Đào Duy Anh, có người vẫn muốn hiểu từ “áy” ở câu 97 hoặc từ “quì” ở câu 842 có ý nghĩa khác hẳn cách giải nghĩa trong Từ điển Truyện Kiều(1).

 

Trở lại vấn đề “bụi hồng” hay là “bóng hồng”, ở câu 250, tôi thấy:

 

1. Ông Tuân lấy rất nhiều dẫn chứng ở các bản Kiều cũ hoặc ở các tập Đường phú, Đường thi… để dẫn liệu cho mình. Tôi trôm nghĩ, nên đặt “bụi hồng” hoặc “bóng hồng” vào trong bối cảnh Kim Trọng đang tương tư nàng Kiều, dùng từ nào sẽ hay hơn?

 

Kim Trọng tương tư nàng đến mức “Nỗi nàng canh cánh bên lòng”; đến mức chỉ một ngày thôi mà đã như xa cách ba năm rồi vậy. Vậy thì “Bóng hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” là rất tự nhiên và hợp lý trong diễn biến tâm lý của Kim Trọng nữa. Đấy là tôi chưa dám nói theo cách của Xuân Diệu: Nó rất thơ và hay.

 

Còn như “Bụi hồng dứt nẻo di về chiêm bao” giải nghĩa theo Từ điển Truyện Kiều thì cũng được thôi, nhưng tôi thấy Kim Trọng phải hô khẩu hiệu “Bụi hồng dứt nẻo” để mà mong gặp được nàng Kiều ở trong mơ thì nó gợn gợn thế nào ấy. Tô có biết nhiều người trước khi đi ngủ cũng cố gắng hô khẩu hiệu, thậm chí, cầu cúng cầu viện đến cả sự giúp đỡ của Thần, Phật. Họ cố gắng thanh tâm một cách thành thật hoặc không thật, những mong trong giấc ngủ có được một giấc mơ, để sáng hôm sau căn cứ vào đó mà tính toán chơi Đề. Nhưng đấy là chuyện của bây giờ, còn Kim Trọng thì tôi nghĩ chưa phải đến mức như thế.

 

2. Cũng để làm luận cứ, ông Tuân đưa ra ba trường hợp Nguyễn Du dùng từ “bụi hồng” đó là các câu 1306; 1926 và 3046. Rất tiếc là ông Tuân không làm phép thống kê xem Nguyễn Du dùng các từ “bụi hồng” và cả “bóng hồng” nữa, rồi từ đó mới suy ra phong cách của Nguyễn Du. Tôi đành mạo muội làm tiếp phần này:

 

a, Các từ “bụi hồng” hoặc những từ đồng nghĩa với nó Nguyễn Du sử dụng 5 lần (chứ không phải là 3 lần như ông Tuan đã nêu:

 

Một xe trong cõi Hồng trần như bay” (908)

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” (1306)

Dặm hồng bụi cuốn chinh an” (1521)

Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng” (1926)

Còn chen vào đám bụi hồng mà chi!” (3046)

 

Ở đây, tôi chỉ lưu ý ông Tuân một chi tiết rất thú vị là: Nguyễn Du dùng từ “bụi hồng” hoặc các từ đồng nghĩa với nó, chỉ sau khi nàng Kiều đã bán mình chuộc cha.

 

b, Với từ “bóng hồng” mà ông Tuân “quên”, tôi xin phép liệt kê ra đây cùng các từ đồng nghĩa của nó, rồi thử phân tích xem sao:

 

Bóng hồng nhác thất nẻo xa” (161)

Tịt mù nào thấy bóng hồng vào ra” (286)

Dưới đào dường thấy bóng người thướt tha” (290)

Tan sương đã thấy bóng người” (301)

Trước sau nào thấy bóng người” (2747)

Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng” (2854)

 

Rất thú vị là trừ câu (161) tả cảnh Kim Trọng lần đầu tiên gặp chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, còn lại, năm câu được chia thành hai nhóm:

 

Nhóm một gồm các câu 286; 290; 301 mật độ xuất hiện dày đặc trong đoạn đặc tả Kim Trọng từ tương tư chuyển sang “Nhớ nơi hội ngộ vội dời chân đi” (260) cho đến lúc gặp được Kiều. Khoảng hơn hai tháng gì đó, kể từ lúc gặp nhau trong tiết Thanh minh “Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai” (288), họ mới gặp lại nhau, nhờ vào mánh khóe của cả hai người: Kim Trọng thuê nhà Ngô Việt thương gia để trở thành láng giềng của Kiều, còn Kiều thì cố tình để quên cành kim thoa cho Kim Trọng “nhặt được”.

 

Nhóm hai gồm hai câu 2747 và 2854. Câu 2747 trong đoạn Kim Trọng khi ở Liêu Dương quay lại thì quang cảnh nhà Kiều đã “lặng ngắt như tờ”, Kiều đã bán mình từ lâu. Nhưng câu 2854 lại rất lý thú ở tình tiết Kim Trọng vẫn vương vấn nhớ tới Kiều, mặc dù đã cưới Thúy Vân làm vợ.

 

Như vậy, trừ câu 161, Nguyễn Du đã 5 lần dùng thêm từ “bóng hồng” hoặc các từ đồng nghĩa với nó với tư cách để chỉ nàng Kiều. Điều rõ ràng là những khi đặc tả Kim Trọng tương tư, vương vấn, hoặc cố đi tìm Kiều thì Nguyễn Dũ đều sử dụng từ “bóng hồng” hoặc những từ đồng nghĩa với nó.

 

Như vậy đấy! Phong cách của Nguyễn Du là rất nhất quán. Vậy thì, câu 250 nằm gọn trong nhóm một, làm sao mà “bụi hồng” lại lọt vào đó được? Tôi trộm nghĩ từ “bóng hồng” ở câu 250 hợp với phong cách của Nguyễn Du hơn.

 

Chú thích:

 

1. Từ “áy” trong câu 97, trong Từ điển Truyện Kiều được giải nghĩa là “Ánh mặt trời tà chiếu xuống thành sắc áy vàng”. Nhưng đến đầu những năm 80 lại có bài viết chỉ ra rằng “cỏ áy” tức là cỏ úa, một từ cổ của nhân dân vùng Thái Thụy – Thái Bình. Từ “quì” trong câu 842, Từ điển Truyện Kiều giải nghĩa là “gấp đầu gối xuống tỏ ý tôn kính hay để tạ tội”. Gần đây lại có bài viết tìm thấy chữ “quì” ở câu này đồng nghĩa với việc thỏa mãn nhục dục cho mụ Tú Bà. Ý nghĩ này phù hợp với suy nghĩ của Mã Giám Sinh trong Kim Vân Kiều truyện hơn là hành động phải chịu quỳ phạt.